Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

Không có nhân quyền kiểu Mỹ hay nhân quyền kiểu VN


 Phan Bảo Lâm SGN

                   

Không có nhân quyền kiểu Mỹ hay nhân quyền kiểu VN. Tất cả chỉ là 1. Người ở đâu chả là người, chả lẽ người Mỹ nhiều hơn người VN 1 cái đầu hay 1 cái tay. Hơn nữa, nhân quyền ghi trong Hiến pháp VN là do ông Hồ rút ra từ Tuyên ngôn độc lập năm 1789 của nước Mỹ. Chỉ có khác biệt là giới hạn nhân quyền ở mỗi nước trong từng thời điểm là khác nhau mà thôi (phụ thuộc vào việc xây dựng luật pháp và ứng xử luật pháp). 1 khi nhân quyền được luật hóa thì nó cũng không khác biệt mấy với các nước khác trên thế giới.  Ví như cái đèn tín hiệu giao thông 2 màu xanh đỏ (xanh đi đỏ dừng) ở đâu mà chả có chức năng như nhau chỉ khác nhau cái hình dạng bên ngoài.



Nhà nước VN chậm luật hóa các điều khoản Hiến pháp về nhân quyền vì họ biết rằng luật pháp và ứng xử với luật pháp của hệ thống quan chức VN không theo kịp. 1 khi được luật hóa, dù là giới hạn thấp nhất, vô số khiếu nại và đơn kiện sẽ còn tăng lên nữa, nội tranh chấp dân sự hiện nay cũng đủ làm cho các tòa án ở VN bị "quá tải", huống hồ còn khiếu kiện về chính trị.

Nói rằng "Mỹ áp đặt nhân quyền với VN" là không đúng. Họ không bảo VN phải xây dựng luật nhân quyền giống như Mỹ mà chỉ đòi hỏi VN phải ứng xử công khai, khách quan và đúng luật (luật này là riêng của VN, do người VN tự xây dựng). Nói chính xác, Mỹ gây áp lực đòi hỏi VN xây dựng luật nhân quyền, đơn giản thế thôi. Khi luật của VN chưa có, lẽ tất nhiên người Mỹ dựa vào luật Mỹ làm chuẩn.

Xây dựng luật nhân quyền không khó chỉ phức tạp ở chỗ phải điều chỉnh lại tất cả các bộ luật khác hiện có để luật nhân quyền có tính khả thi. Không có ai đòi phải đem lãnh đạo đương nhiệm ra tòa cả. Ở hầu hết các nước, người ta chỉ đem lãnh đạo ra tòa sau khi họ hết nhiệm kỳ (Nam Hàn nhiều lần đưa các vị cựu tổng thống của họ ra tòa, trong đó có 1 vị đã tự sát). Điều đó có nghĩa là xóa bỏ cái gọi là "hạ cánh an toàn".

Tham nhũng hiện nay ăn sâu vào bộ máy lãnh đạo cao cấp. Đưa ra luật nhân quyền cũng đồng nghĩa với việc 99,99% các vị lãnh đạo phải ra tòa sau khi hết nhiệm kỳ. Ở các nước phương Tây, ra tòa cũng không có gì là ghê gớm cả, vấn đề là có bằng chứng phạm tội hay không mà thôi. Nhiều khi tòa phán "trắng án" thì uy tín của bị cáo lại càng tăng vọt, còn hơn bất cứ quảng cáo nào. Ở các nước phương Đông lại khác, bất kể có tội hay không, ra tòa là 1 sự sỉ nhục to lớn. Khác nhau về quan niệm nên cũng dẫn đến khác nhau về ứng xử luật pháp. Ở phương Tây, bị cáo thường tìm mọi biện pháp chứng minh mình vô tội nhưng ở phương Đông, người ta thường tìm mọi cách "lách luật" để khỏi phải ra tòa, nói chi đến xét xử.

Tóm lại, luật về nhân quyền, trong điều kiện có tính khả thi, sẽ làm thay đổi tận gốc rễ toàn bộ hệ thống luật pháp VN hiện hành, gia tăng tính pháp quyền đồng thời làm thay đổi thái độ ứng xử luật pháp của mọi công dân, trong đó có các quan chức. Các quan chức VN rất sợ phải luật hóa nhân quyền vì .... không có sự mờ ám nào che được mắt người dân. Chính vì thế, những điều khoản về nhân quyền ghi trong Hiến pháp VN đã "nằm im" rất lâu kể từ Hiến pháp năm 1946 đến nay. Trước đây, người ta có thể đổ lỗi cho chiến tranh. Ngày nay, đa số người VN là những người sinh ra sau chiến tranh, không có lý do chính đáng nào để ngăn cản việc "hiện đại hóa" xã hội và con người VN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét