Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

Người ta không xây dựng luật về nhân quyền vì hệ thống chính trị ở VN cho rằng mọi người nói chung không phải là "người" mà là "công cụ"

 Phan Bảo Lâm 
                

"Trở lại vấn đề nhân quyền ở VN. Người ta không xây dựng luật về nhân quyền vì hệ thống chính trị ở VN cho rằng mọi người nói chung không phải là "người" mà là "công cụ". Bảo rằng họ lạm quyền ? Không đúng. Họ làm gì có quyền mà lạm. Từng người trong số họ đều là công cụ cả. Các quan chức VN chỉ có "chức năng" gì gì đó chớ làm gì có ai quy định họ được hay không được làm gì. Quan to không có quyền cách chức quan nhỏ khi quan nhỏ làm bậy chứng tỏ chả ai có quyền gì cả. Mọi cái gọi là quyền lực ở VN đều dựa vào cái gọi là "mối quan hệ"."




Nhân quyền ngày nay rất rộng lớn, không còn giới hạn ở "5 điều khoản cơ bản" trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ nữa. Người ta thống kê ra có tới mấy chục điều khoản luật nhân quyền hoàn toàn khác nhau, độc lập với nhau, trong đó các quyền tự do dân chủ chỉ chiếm 1 phần nhỏ. 

Giới hạn của nhân quyền do luật pháp quy định. Tuy nhiên, VN chưa có luật về nhân quyền, đồng nghĩa với, giới hạn của nó do ....các bộ luật khác quy định, ví như Luật hình sự. Luật không có thì không ai hiểu mình không được làm gì, vi phạm thì bị phán tội gì, mức án ra sao. Nói cách khác, với vấn đề nhân quyền, nhà nước VN "hình sự hóa" nó 1 cách vô căn cứ (không dựa vào luật chuyên biệt mà tất cả đều quy về Luật hình sự). Bản chất của luật hình sự là phán quyết các loại tội danh có liên quan đến việc xâm phạm tự do thân thể của người khác. "Lợi dụng tự do dân chủ" là xâm phạm về tự do tư tưởng của người khác, chả có liên quan gì với luật hình sự cả. Danh không chính thì ngôn không thuận.

Đối với tội danh xâm phạm lợi ích nhà nước và các vấn đề có liên quan đến chế độ chính trị cần đưa vào 1 bộ luật khác, có thể tạm gọi là luật an ninh quốc gia. Trong bộ luật này cần quy định cái gì thuộc về lợi ích quốc gia, cái gì thuộc về bí mật quốc gia mà mọi công dân phải có nghĩa vụ bảo vệ, để tránh chồng chéo với các bộ luật khác.

Cho rằng tự do dân chủ là quyền từ dưới lên. Tôi không nghĩ thế. Nó cũng có thể từ trên xuống. Ví dụ. 1 vị quan to nhìn thấy quan nhỏ làm bậy nhưng quan nhỏ lại thuộc quyền quản lý của quan to khác, nếu không có tự do dân chủ, chắc chắn vị quan to trên sẽ mần thinh, tránh "mua vạ vào người". Cho nên, quyền tự do dân chủ là ai cũng có quyền, bất chấp địa vị xã hội. 

Ngay cả tổng thống Mỹ, người có quyền lực to nhất TG hiện nay, chưa chắc dám nói những suy nghĩ cá nhân của ông ta, nếu như nó có khả năng bị nhiều người phản đối. Vì thế, rất nhiều vị tổng thống Mỹ đã viết hồi ký sau khi hết nhiệm kỳ để "xả cục tức" của họ trong lúc đương nhiệm.

Nhân quyền gồm những quyền gì thì hầu hết mọi người đều có chung quan điểm nhưng giới hạn của nhân quyền là gì thì "9 người 10 ý". Có người cho rằng, giới hạn của nhân quyền ở VN phải tương đương với giới hạn nhân quyền ở phương Tây. Tôi không nghĩ thế. Giới hạn phải do đa số đống thuận và có căn cứ vào thực tế. Nếu người VN cho rằng giới hạn như thế là đủ, tương lai cần mở rộng hơn thì tính sau, vậy thì luật cũng chỉ quy định giới hạn ở mức đó. Ví như luật giao thông, anh chưa có đường cao tốc thì mở ra điều khoản về lưu thông trên đường cao tốc làm gì, chả có ý nghĩa gì cả. Cho nên, không phải cái gì cũng bắt chước người khác được.

Trở lại vấn đề nhân quyền ở VN. Người ta không xây dựng luật về nhân quyền vì hệ thống chính trị ở VN cho rằng mọi người nói chung không phải là "người" mà là "công cụ". Bảo rằng họ lạm quyền ? Không đúng. Họ làm gì có quyền mà lạm. Từng người trong số họ đều là công cụ cả. Các quan chức VN chỉ có "chức năng" gì gì đó chớ làm gì có ai quy định họ được hay không được làm gì. Quan to không có quyền cách chức quan nhỏ khi quan nhỏ làm bậy chứng tỏ chả ai có quyền gì cả. Mọi cái gọi là quyền lực ở VN đều dựa vào cái gọi là "mối quan hệ".

Mối quan hệ là 1 sợi dây ràng buộc lợi ích giữa người này và người kia. Từ đó nó tạo ra 1 tập thể có chung lợi ích nhằm chống lại những ai xâm phạm lợi ích của nó. Các vị "bất đồng chính kiến gia" bị tống giam đơn giản là vì họ đụng chạm đến "chén cơm" của rất nhiều người có các mối quan hệ ràng buộc với nhau. Đòi hỏi về nhân quyền đồng nghĩa với chặt đứt các mối quan hệ này. Những mối quan hệ này không liên quan đến năng lực lãnh đạo, không liên quan đến người dân có đồng thuận hay không mà nó chỉ liên quan đến việc "ai ở địa vị nào thì có khả năng kiếm được bao nhiêu tiền 1 cách mờ ám".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét