Người Xứ Nghệ
"Một bộ máy tuyên truyền, cồng kềnh, chi phí tốn kém khủng khiếp cho một hệ thống hơn 700 tờ báo, 67 đài phát thanh truyền hình, hàng trăm trang tin, báo điện tử, hàng ngàn trang tin của các bộ, ngành, với 17 ngàn nhà báo mang thẻ, cộng thêm đội ngũ dư luận viên, chuyên gia bút chiến đông đảo và 80 ngàn tuyên truyền viên miệng trên khắp các tỉnh thành."
Trong cuốn "A History of Reading", Alberto Manguel, nhà văn Argentina, viết:
"Các chế độ độc tài không muốn chúng ta suy nghĩ, nên ngăn cấm, đe dọa và kiểm duyệt. Trước và sau đều nhằm mục đích làm chúng ta ngu ngốc và cam phận với sự xuống cấp về sự hiểu biết của mình. Vì vậy các chế độ này khuyến khích tiêu thụ những thứ rác rưởi. Trong bối cảnh này, đọc sách báo ngoài luồng kiểm duyệt trở thành hoạt động phá hoại".
Kiểm soát, cắt xén, ngụy tạo thông tin phục vụ mục đích tuyên truyền lừa mị là mục đích của các nhà nước độc tài toàn trị hay các chế độ chuyên quyền.
Trong thời kỳ Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ, báo chí tư nhân vẫn được phát hành.
Ngày 15/4/1865 nguyệt san Gia Định xuất bản tại Sài Gòn là tờ báo quốc ngữ đầu tiên trên toàn quốc.
Tại Nam Kỳ lần lượt phát hành Nhật trình Nam Kỳ (1883), Phan Yên báo (1898), Nông Cổ Mín Đàm (1901), Nhật Báo Tỉnh (1905), Lục Tỉnh Tân văn (1907), Nam Kỳ Địa phận (1908), Tân Đợi Thời báo (1916, sau đổi thành Công Luận báo), Nam Trung Nhật báo (1917), An Hà Báo (1917, ở Cần Thơ), Đại Việt Tạp khí (1918, ở Long Xuyên), Nữ Giới Chung (1918)…
Một phụ bản của tờ "Lục tỉnh Tân văn" ở Sài Gòn xuất hiện ở Bắc Kỳ là tuần báo "Đông Dương Tạp chí", ra mắt ngày 15/5/1913, do F. H. Schneider làm giám đốc và Nguyễn Văn Vĩnh giữ chức chủ bút. "Đông Dương Tạp chí" tồn tại được 6 năm 4 tháng (1913 - 1919).
"Đông Dương Tạp chí" có mục đích chính trị là tuyên truyền cho chính sách bảo hộ của người Pháp, nhưng với những người Việt Nam cộng tác, thì họ dùng tờ báo để tuyên truyền cho việc duy tân đất nước và xây dựng một nền văn học mới.
Tháng 7/1917 tờ Nam Phong Tạp chí do Phạm Quỳnh chủ trương ra đời. Trong bài "Quốc học và chính trị", năm 1921, ông viết:
“Gầy dựng, tổ chức một nền tản văn thích hợp với đời nay, và có cốt cách An Nam, vừa có thể cách tân thời đủ dùng để diễn được các tư tưởng mới, đó là cái cấp vụ hiện nay, mà là cái đường thứ nhất trong việc gầy dựng một nền quốc học sau này vậy… Nhà văn muốn thờ nước không có cái phương tiện nào hay bằng giúp cho nước nhà có một nền quốc văn xứng đáng. Đó là chủ nghĩa của tôi bấy lâu nay, mà là cái tín điều thứ nhất trong đạo quốc gia của tôi vậy”.
Nam Phong Tạp chí có sự tham gia của một số cây bút nổi tiếng như Tiêu Đẩu (Nguyễn Bá Trác), Đông Hồ (Lâm Tấn Phác), Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu), Mân Châu (Nguyễn Mạnh Bổng), Tung Vân (Nguyễn Đôn Phục), Đông Châu (Nguyễn Hữu Tiến), Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Tương Phố, Dương Quảng Hàm…
Dù bị hạn chế, nhưng báo chí tư nhân trong giai đoạn Pháp thuộc đã nói lên được tiếng nói của người bị trị, góp phần không nhỏ trong việc chấn hưng dân trí.
Ô nhục thay nền báo chí cách mạng
Báo chí cách mạng là công cụ của đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), phục vụ cho mục đích cầm quyền của ĐCSVN và chịu sự kiểm duyệt, quản lý chặt chẽ của ĐCSVN.
Một bộ máy tuyên truyền, cồng kềnh, chi phí tốn kém khủng khiếp cho một hệ thống hơn 700 tờ báo, 67 đài phát thanh truyền hình, hàng trăm trang tin, báo điện tử, hàng ngàn trang tin của các bộ, ngành, với 17 ngàn nhà báo mang thẻ, cộng thêm đội ngũ dư luận viên, chuyên gia bút chiến đông đảo và 80 ngàn tuyên truyền viên miệng trên khắp các tỉnh thành.
Thế nhưng, từ khi có internet, bộ máy tuyên truyền này bị vỡ toang và phải đối đầu không khoan nhượng với báo chí lề dân, thông qua các blogs và mạng xã hội.
Trong bài "Trận địa thông tin" trên tờ Lao Động Online ngày 10/01/2013, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn đã thừa nhận:
"Tại sao chúng ta có một hệ thống hơn 700 tờ báo, 67 đài phát thanh truyền hình, hàng trăm trang tin, báo điện tử, hàng ngàn trang tin của các bộ, ngành. Có tới 17.000 nhà báo, trong đó có nhiều cây bút có đủ khả năng làm lay động bạn đọc mà thông tin lưu truyền trong xã hội lại là thông tin từ blog cá nhân”.
Đây là những sự thật đau lòng!.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét