Lâm Son, Tp Sóc Trăng
Đọc hết mấy bài của ông Đằng với ông Nhuận, rồi đọc hết nội dung mà phóng viên Mặc Lâm phỏng vấn ông Nhuận trên đây, ( http://www.rfa.org/vietnamese/time-to-break-the-chains--itw-w-ho-ngoc-nhuan- ) tôi cứ gẫm tới gẫm lui về một khẩu hiệu của cô gái Phương Uyên. Cái khẩu hiệu gần như tóm thâu hết những gì mà ông Đằng và ông Nhuận muốn nói. Một câu cửa miệng, là câu mắng của người mình: "Đi chết đi đảng Cộng sản Việt Nam".
Như ông Đằng và ông Nhuận nhắc lại, cuộc đấu tranh này là cuộc đấu tranh bất bạo động. Hẳn là thế rồi, người dân có được cái gì trong tay mà không bất bạo động. Nó như một tiêu chí chủ quan, lẫn sự bắt buộc khách quan. Nhất là mấy hôm nay đọc báo về sự hỗn loạn ở Cairo Ai Cập mà lạnh sống lưng. Bạo động chỉ là cái sự bắt buộc chẳng đặng đừng, không nên nghĩ về nó như một kế sách lâu dài. Dân mình sợ chiến tranh, sợ bom đạn, sợ lắm luôn. Làm ơn đừng mang nó tới. Đừng biến cả nước Việt Nam thành một cái Thiên An Môn để qua mặt chú Tàu khựa về mặt quy mô làm gì. Mặc dù, có thể qua mặt anh chàng khổng lồ đó cũng là một vinh dự nho nhỏ.
Không bạo động, chỉ cần nói chuyện. "Nói chuyện phải quấy" kiểu ông nhà văn Hoàng Hải Thủy dịch Bố Già vậy. Không chịu nói chuyện phải quấy mới sinh chuyện. Tôi đọc trên mạng thấy nhiều tổ chức, nhiều cá nhân tên tuổi, nhiều sinh viên trẻ măng, đều muốn nói chuyện với ông đảng CS này hết. Hầu như rất ít người không chịu nói chuyện phải quấy với ổng.
Giá như...trước giờ, đảng CS chịu nói chuyện thì hay biêt mấy. Toi nghĩ, chắc chắn, nếu ổng chịu nói chuyện, hẳn là cô sinh viên trẻ măng Phương Uyên sẽ không vẽ nên cái khẩu hiệu - nghe nói là dùng chính máu mình pha với nước để viết ra câu đảng CS Việt Nam đi chết đi.
Bởi vì sao, câu đó là một câu mắng, câu chửi. Đặc biệt, câu mắng chửi này không thô tục, không kém văn hóa, người sử dụng nó thể hiện một sự tuyệt vọng đối với đối tượng mà họ chửi, nhưng vẫn cố giữ cho tiếng chửi của mình không đến nỗi trở thành một câu chửi thề, làm hạ thấp phẩm giá và nhân cách của họ.
Ông Đằng với ông Nhuận chắc cũng phải kềm lòng để diễn giải thành văn, thành hoa những bí bách trong tâm hồn của hai ông ấy. Hẳn là, hai ông này đã từng tràn trề hy vọng khi đất nước Việt Nam chấm dứt cuộc chiến huynh đệ tương tàn kéo dài ngót hai thập kỷ. Và, chắc chỉ chừng vài năm sau đó, tôi cho là với ông Nhuận, chắc không tới chục năm đâu, còn ông Đằng, hẳn là lâu hơn...để nhìn thấy, nhận chân ra sự độc tài không thể chối cãi của chế độ mà hai ông từng đặt niềm tin.
Từ biến cố 75 tới nay, cũng trải qua gần bốn chục năm rồi, sự phẫn uất khi nhìn thấy bị phản bội, hẳn là đã ăn mòn, gặm nhấm tinh thần hai ông như một thứ acid pha loãng. Cách hai ông viết, và trả lời phỏng vấn, tôi thấy, ngồn ngộn một câu mắng chửi y hệt như khẩu hiệu của Phương Uyên mà thôi: "Đi chết đi!".
Khi người mình bật ra câu mắng này, là người ta đã gần như hết hy vọng nói chuyện rồi, chỉ như một sự thể hiện ước muốn vớt vát được chút nào hay chút ấy về cái tư cách, về cái lòng hướng thiện của đối tượng. Họ hy vọng, dù chỉ một chút lơ mơ, rằng... cái sự xấu hổ của đối tượng cũng còn le lói đâu đó trong góc khuất, để còn biết cách mà xử lý êm đẹp bằng cách tự biến đi cho khuất mắt kẻ buông ra câu mắng kia.
Tự đi mà tìm chỗ chết cho rồi! Tệ hại, thối nát, hèn đớn, ác nhân thất đức tới mức đó rồi, chả còn cái cớ gì để mà không chịu xéo đi chỗ tăm tối nào đó để vục mặt vào giữa hai đầu gối mà chờ ngày mục nát cùng cây cỏ...
ĐI CHẾT ĐI CÁI ĐẢNG KIA!
Tôi tin chắc rằng mình đã hiểu đúng về tâm trạng của ông Đằng và ông Nhuận phía sau những lời lẽ chừng mực kia. Nó chả khác gì mấy với câu khẩu hiệu của cô gái trẻ Phương Uyên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét