Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

CÁ NHÂN VÀ XÃ HỘI

  Tâm Nhân         


                        


Thực tế một xã hội bị chi phối bởi thực tế của những cá nhân tạo nên xã hội đó. Chất lượng một xã hội tạo nên bởi chất lượng những cá nhân hợp thành xã hội đó, nhất là chất lượng của những người đang nắm quyền.

Xã hội và lịch sử luôn vận động khách quan, cho nên bất cứ lý thuyết nào không khách quan, lại đem áp đặt cho xã hội theo kiểu chủ quan, tất yếu nó phải bị đào thải không sớm thì muộn, bởi vì đó là điều tất yếu.

Một xã hội linh hoạt hay sinh động là một xã hội không tạo thành một kết cấu, một quy chế cứng nhắc. Một xã hội sinh động, linh hoạt là một xã hội đúng hướng đi lên phát triển nên nó cũng mang lại những kết quả chung tốt đẹp và hạnh phúc riêng của mỗi người. Đó không ngoài là xã hội có nền tảng dân chủ tự do khách quan thật sự. Trái lại, một xã hội kết cấu cứng nhắc, là một xã hội được tổ chức chặt chẽ theo kiểu toàn trị, kiểu những xã hội được định hướng theo cách giáo điều, hay theo kiểu quán tính đã có, thực chất nó luôn là hay luôn rơi vào kiểu xã hội quan liêu phong kiến, đó là một hình thức quân chủ phong kiến theo kiểu mới, vì bản chất xã hội nói chung, bản chất con người nói chung trong đó đều luôn phù hợp theo cách đó, không thể khác đi được, cho dù có mệnh danh hay có nói theo kiểu gì cũng vậy.

Bất cứ một cá nhân nào về mặt phẩm tính hay chất lượng của nó đều có nền tảng hay được tạo nên bởi bản chất, cá tính, trình độ hiểu biết của nó. Nói chung đạo đức, học thức, ý thức cao quý vẫn luôn thực chất là ý nghĩa cơ bản nhất. Cho dù về hình thức bề ngoài, về ngôn ngữ có giả tạo, đóng kịch tới đâu, cũng không vượt qua được chính các chân giá trị đó.

Một xã hội tự do dân chủ thật sự, luôn không có chuyện một cá nhân nào có thể áp đảo được cá nhân nào về mặt pháp luật, do đó mọi thành phần tinh hoa, phát triển của xã hội luôn được giải phóng, được phát huy, được thi thố một cách chính đáng mang lại mọi ích lợi chung cho xã hội.



Trái lại trong những xã hội quan liêu phong kiến quân chủ, những xã hội kiểu toàn trị, chính cá nhân có thể áp đảo cá nhân khác về mặt pháp luật, do đó cũng áp đảo cá nhân khác được mọi mặt về thực tế đời sống, tạo nên một xã hội có giai cấp giả tạo, một xã hội bị bóp ngặt nhiều phương diện, tạo nên xã hội trì trệ, mất hạnh phúc và khó phát triển đúng mức theo cách khách quan thật sự.

Cho nên cái gì tạo nên sự phân chia giai cấp theo kiểu giả tạo, theo kiểu bất bình đẳng trong xã hội, đó chính là cơ chế cứng nhắc, chặt chẽ do chính xã hội đó tạo thành. Bởi khi đã tạo thành như thế, nó sẽ mang tính chất quán tính, xã hội tự nhiên khó bề mà thoát ra được trừ phi xảy ra những cuộc cách mạng, chuyển đổi theo cách nào đó.

Do đó bất kỳ một lý thuyết khôn ngoan, lành mạnh nào không thể đặt nền móng cho một xã hội phản khách quan, phản tự do dân chủ ngay từ đầu. Bởi vì khi đặt rồi, xã hội đó rất khó tự giải phóng. Như vậy cũng có nghĩa đó là lý thuyết phản xã hội, phản khoa học hay chỉ là lý thuyết ma đầu.

Ngược lại cũng thế, sự vận động xã hội hay cá nhân nào mà ngay từ đầu đã nhằm thiết lập một xã hội chuyên chính, độc đoán, ý nghĩa của xã hội hay cá nhân đó cũng cơ bản đã không có tính chân chính ngay từ khi xuất phát, bởi vì đó là sự nghịch lý của mọi ý nghĩa hạnh phúc hay giải phóng.

Do thế, quyền lực riêng tư hay độc đoán của một cá nhân hay của một số cá nhân đối với xã hội là gì nếu không phải chính do cơ chế cứng nhắc, chặt chẽ của xã hội đó tạo thành. Bởi khi đã có quyền riêng tư kiểu độc đoán, khó ai tự nguyện từ bỏ nó nếu chính bản thân cá nhân đó không phải là kiểu mẫu con người cao đẹp hoặc lý tưởng. Đấy cái nguy hiểm của những cơ chế xã hội được tổ chức theo cách chuyên đoán chính là như vậy.

Cho nên sự phân chia giai cấp xã hội theo kiểu khách quan là điều hoàn toàn tự nhiên, và nó cũng không bao giờ vĩnh viễn, cứng nhắc, mà luôn thay đổi, linh hoạt tùy theo hoàn cảnh hay điều kiện phát triển xã hội trong lịch sử nói chung. Có nghĩa những quan điểm về xã hội không giai cấp chỉ là sự mù quáng, dốt nát, phỉnh gạt.

Trái lại sự phân chia giai cấp xã hội giả tạo mới là điều hết sức phản tự nhiên, vô nhân đạo, phản xã hội không thể chấp nhận được. Bởi nó chính là điều kiện của sự bóc lột người khác, bóc lột xã hội, làm xã hội phân hóa, trì trệ, lụn bại. Vì nền tảng cuối cùng của nó chỉ là kiểu cơ chế xã hội được tổ chức theo cách cứng nhắc, cách toàn trị.

Đấy sự khác nhau giữa bản chất các lý thuyết dân chủ tự do đích thực và các lý thuyết phản tự do dân chủ đích thực, sự khác nhau giữa cơ chế xã hội tự do dân chủ đích thực và cơ chế xã hội kết cấu cứng nhắc, chặt chẽ kiểu toàn trị, hay phản tự do dân chủ đích thực cũng chỉ là vậy.

Do đó mọi ngôn ngữ hào nhoáng, giả tạo, mọi tuyên truyền không chính đáng, phản sự thật đều không thể làm thay đổi được bản chất khách quan, hay giá trị và ý nghĩa đích thực của mọi sự vật, cũng chính là như thế. Mọi sự giải phóng hay mọi hạnh phúc chỉ đi đôi với thực chất của nó, nếu không chỉ hoàn toàn là điều ngược lại. Đây tất là điều mà mọi người đều biết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét