Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Mảng Hồn Dân Tộc

Cô Tư Sài Gòn

                 

Có những mảng hồn dân tộc đang nhạt dần đi, và gặp cơ nguy biến mất.

Có những tính xấu cần xóa bỏ, tất nhiên, như lòng căm thù, lòng ghen tỵ, tâm tiểu nhân, tâm chụp mũ... như thời Đảng CSVN mới chiếm xong Miền Nam và bộc lộ hết tất cả mọi tính xấu ra để trả thù -- cả thù vặt, và cả thù dai, như người Cộng sản đã chứng tỏ.

Nhưng có những mảng hồn dân tộc, từ ông bà tổ tiên mình, là những gì làm chúng ta khác các dân tộc khác, và là cảm xúc sâu thẳm, mơ hồ, nối kết cả dân tộc với nhau -- chứ không phải là nồi sà-lách. Thí dụ, nếu chúng ta hoàn toàn không đọc chữ Nôm được nữa, lịch sử sẽ mất trắng nhiều khoảng, và chúng ta không hiểu được ông bà mình ngày xưa chẩn bệnh ra sao, xem hướng bếp thế nào, soạn binh thư ra sao...

Một mảng hồn xưa cũ đó là Nghi lễ chầu văn. Hãy suy nghĩ rằng, thế giới lo sợ gấu trúc biến mất, lo sợ voi bị xóa sổ... và đưa các sinh vật này vào danh sách cơ nguy tuyệt chủng. Một cách lặng lẽ, nghi lễ chầu văn và nhiều hoạt động khác của ông bà mình cũng cơ nguy bị xóa sổ...


Thông tấn nhà nước Vietnam+ có bài viết “Nghi lễ chầu văn: Muốn gìn giữ giá trị, phải quản lý” nêu lên một phần ánh sáng về nỗ lực giữ gìn mảng hồn nước này:

“Sự trở lại và phát triển khá mạnh mẽ của nghi lễ chầu văn trong thời gian gần đây đã đặt ra yêu cầu: Cần phải có nhận thức thấu đáo, khách quan và phương thức quản lý phù hợp để bảo tồn, phát huy được giá trị của loại hình di sản văn hóa này trong đời sống đương đại.

Vấn đề trên đã được các nhà quản lý, nhà khoa học và đại diện các đội chầu văn, thanh đồng, cung văn đưa ra thảo luận tại tọa đàm “Bảo tồn và phát huy giá trị của nghi lễ chầu văn trong đời sống đương đại” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức vào chiều 5/10.

Di sản cần bảo vệ

Xuất phát từ hình thức diễn xướng dân gian trong các lễ hội, nghi lễ chầu văn ra đời gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo)-một tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Cùng với đó, “nghi lễ chầu văn hội tụ trong đó cả năm hình thức cơ bản của loại hình di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh.” Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý, nguyên Phó cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho hay.

“Ở nghi lễ này, sự đoàn kết, tương tác cộng đồng được thể hiện rất rõ nét: Tất cả mọi người cùng hướng về một người và một người luôn vì mọi người,” tiến sỹ Lê Thị Minh Lý phân tích thêm.

Đồng quan điểm với tiến sỹ Lý, tiến sỹ Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long-Hà Nội cho rằng: Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ-Tứ phủ không chỉ là một tín ngưỡng tôn giáo mà còn là văn hóa. Cụ thể, đó là văn hóa nghệ thuật truyền thống phong phú với những truyền thuyết, thần tích, huyền thoại về các vị thần; các hình thức diễn xướng với âm nhạc, ca hát, nhảy múa…

Không chỉ có vậy, “điều khác biệt cơ bản giữa Đạo Mẫu và các hình thức Saman giáo khác là ở chỗ Đạo Mẫu không hướng về đời sống ‘bên kia’ của con người sau cái chết mà nó tập trung vào đời sống thực tại với ước vọng sức khỏe, tài lộc và may mắn,” phó giáo sư-tiến sỹ Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Tín ngưỡng Việt Nam

Chính bởi lẽ đó, “nghi lễ chầu văn là một loại hình di sản rất cần được bảo vệ,” phó giáo sư-tiến sỹ Ngô Đức Thịnh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo phó giáo sư-tiến sỹ Ngô Đức Thịnh, thực tế cho thấy, ở nhiều địa phương, trình diễn hầu đồng và hát văn đã bị biến tướng theo hướng mê tín dị đoan, gây lãng phí và làm mất đi giá trị văn hóa, nghệ thuật của loại hình này; gây rối loạn ý nghĩa của nó trong đời sống xã hội.

“Bản thân tôi đã chứng kiến, có những giá đồng, người ta bỏ ra hàng trăm triệu cho việc đốt vàng mã,” nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Đức Thịnh chia sẻ. Theo ông, một trong những nguyên nhân dẫn tới hiện trạng này là chưa có một tổ chức đứng ra quản lý, cấp phép hành nghề liên quan tới nghi lễ chầu văn...”(ngưng trích)

Vâng, vâng, vâng... Người dân bình thường xin phép ca ngợi các học giả quan tâm. Nhưng chuyện cũng thấy rằng, những người lạm dụng chỗ nào cũng có -- họ nghĩ ra đủ cách kiếm tiền, họ vẽ ra lắm chuyện moi tiền, họ phù thủy lắm trò với đồng bào để móc túi đồng bào... Tất nhiên là phải hạn chế, phải giám sát...

Nhưng thử suy nghĩ kỹ xem. Không phải rằng nhà nước mình cũng đang nghĩ ra đủ cách, vẽ ra lắm chuyện, phù thủy lắm trò với Việt Kiều để moi tiền kiều hối... Đúng không. Nhưng không ai giám sát hết, đúng không.

Vậy thì, đừng vì bất kỳ một cớ nào mà làm tổn thương tới mảng hồ dân tộc này, và hãy xem như là voi, là giấu trúc, là mảng chữ Nôm của ông bà để lại. Giám sát, nhưng hãy trân trọng, kẻo làm vỡ những mảnh hồn của ông bà mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét