TM
Tác giả Hùynh Ngọc Chênh và tôi có lẽ cùng trang lứa, lớn lên trong miền Nam trong những thập niên 60-70 dầu sôi lửa bỏng, và là nhân chứng lịch sử của cuộc chiến tàn khốc, cùng cuộc đổi đời lớn nhất lịch sử cận đại của nước mình.
Anh Hùynh Ngọc Chênh có cha theo cách mạng bị tù đày nên lớn lên trong nghèo khó thiệt thòi thời VNCH, nhưng nhờ đó chuyển sang lý lịch tốt và thành phần ưu đãi sau 1975. Gia đình tôi là VNCH từ đầu đến đuôi. Tôi biết về quê hương thơ mộng miền Bắc của cha mình qua những truyện của Tự lực văn đòan, của thầy Dõan quốc Sỹ, những câu chuyện kể lại từ chú bác họ hàng, thầy cô đã di cư trốn chạy CS vào Nam năm 1954. Tôi trải qua tuổi thơ yên lành tại thủ đô Sài gòn, được che chở cách xa lằn tên mũi đạn, nhưng người anh trai duy nhất đang học năm 3 đại học Khoa học thì có lệnh gọi nhập ngũ sau "mùa hè đỏ lửa" năm 1972. Sáu tháng sau khi tốt nghiệp sỹ quan "anh trở về trên đôi nạng gỗ, anh trở về người lính cụt chân."
Tôi có được xem một tấm hình trên mạng cho thấy ngày 30 tháng 4 1975 anh Hùynh Ngọc Chênh có mặt trong thành phần ủng hộ cách mạng đến tiếp quản đài phát thanh Sài gòn từ chính quyền "ngụy". Chắc hẳn đòan người ấy rất hồ hởi phấn khởi về một tương lai huy hòang cho đất nước kể từ nay. Ngày ấy tôi nằm vùi trong nhà khóc nấc, vì nghĩ rằng có lẽ đến chết cũng sẽ không bao giờ gặp lại được người yêu mình đã lên tàu rời khỏi VN vài tuần trước, vì anh ấy là "bọn đế quốc Mỹ xâm lược". Sau đó tôi lại cố lau nước mắt, mặc quần áo chỉnh tề bước ra đường vẫy tay chào mừng các anh giải phóng quân đang ngồi xe tải chạy vào thành phố, cho đúng thủ tục "điểm danh" của hàng xóm, nếu có ai để ý dò xét. (Trong những ngày tháng ấy những nhân vật "cách mạng 30 tháng tư" mọc lên đầy dẫy chung quanh như nấm sau mưa.)
Những tưởng hai con người miền Nam với lý lịch gia đình cách biệt như tôi và tác giả HNC sẽ mãi mãi bất đồng chính kiến. Tuy nhiên, trong gần 40 năm qua, tôi thấy được ngòi viết của của Hùynh Ngọc Chênh luôn theo sát diễn biến sống động của đất nước và dân tộc. Qua ngòi viết của anh, tôi thấy được lý tưởng chính trị tốt đẹp nhất là làm sao cho người dân được hưởng công bằng, ấm no, hạnh phúc. Lý lịch ưu đãi của anh không làm anh mù quáng "ngu trung" để bênh vực cho chế độ bằng bất cứ giá nào. Anh xứng đáng được giải thưởng Netizen năm 2013 vì anh đi sát với hiện thực xã hội và những bất công lũng đọan làm khổ người dân. Ngày nay đọc bài viết của Hùynh Ngọc Chênh tôi thấy gần gũi với tác giả như một người dân Việt đồng trang lứa, những dị biệt chính kiến, thành phần gia đình không còn là rào cản giữa "đôi bên chiến tuyến" nữa.
Có lẽ lý tưởng vì dân đó cũng là lý tưởng chính trị của những vị lãnh đạo luôn đi sát với dân như Võ văn Kiệt, Trường Chinh (vào những năm 80), Trần Hộ, Nguyễn Hộ, Trần Xuân Bách, Dương Quỳnh Hoa, v.v. Trong những người này, có người khéo sáng tạo "lách quyền", "xé rào", "uyển chuyển" thực hiện được "đổi mới" để cứu dân, có người bị thất sủng hay trù dập bởi chính đồng chí CS của mình vì họ đã không chịu "ngu trung".
Ngược lại, có những người quyết tâm kiên định lý tưởng CS chuyên chính. Những người này tách rời khỏi người dân, đóng mình trong tháp ngà Mác Lê, chỉ biết "Đảng vi trọng, dân vi khinh". Họ đã để lại biết bao di lụy cho dân tộc và đất nước. Ngày nay những tên tuổi ngang dọc một thời trong quá khứ như Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Tố Hữu, v.v., những người đó, họ có còn giữ được chút thương yêu tiếc nhớ nào trong lòng người dân?
Tôi đồng ý với Hùynh Ngọc Chênh rằng tướng Võ Nguyên Giáp là một vĩ nhân lịch sử đã kiên định làm "tôi trung" (=ngu trung?) https://danluan.org huynh-ngoc-chenh-toi-trung . Những vĩ nhân này chỉ sống trong lịch sử huy hòang của họ của 50-60 năm trước, và chỉ còn là bóng mờ trong xã hội trong hơn nửa thế kỷ sau này.
Như nhà văn Phạm Thị Hòai đã viết, theo tướng Giáp ra đi là một thời đại đã thành cổ điển, ...một thời đại đầy xung đột, lầm than, bạo lực. Một thời đại đầy ấu trĩ, cuồng tín, u mê. Mong rằng nó sẽ thật sự ra đi.
https://danluan.org/tin-tuc/20131008/pham-thi-hoai-vinh-biet-mot-thoi-dai
Trong lòng cứ tiếc phải chi sau ngày 30 tháng 4 1975 bên thắng cuộc dốc tòan tâm tòan sức ra tìm cách làm sao cho dân giàu, nước mạnh, làm sao để "người dân được mở miệng ra nói", thay vì "làm sao dể tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội". Được như thế thì những triệu người dân VNCH và những triệu người dân VNDCCH ngày nay đã có thể qui về một mối trong một nước VN với một tên chính trị nào đó không phải là CHXHCNVN, và đã có thể tự hào sánh vai ngang hàng với láng giềng, thay vì tụt hậu sau người hơn cả nửa thế kỷ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét