Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014

Sức Mạnh Thức Tỉnh Từ Chính Thân Xác Người Cầm Bút

Trần Dạ Từ 

                      

TK21: Ngày 9 tháng Chín năm 1987, sau gần 12 năm tù đày, nhà thơ Trần Dạ Từ, một gương mặt trí thức miền Nam Việt Nam ra khỏi trại tù Z30D ở Hàm Tân, Việt Nam. Ngày 9 tháng Chín năm 1988 ông và gia đình được tiếp đón tại Thụy Ðiển. Một năm sau cũng đúng ngày này, ông đến Mỹ và trong một buổi sinh hoạt tại Little Sàigòn, kể lại cùng thân hữu:  

Sức Mạnh Thức Tỉnh Từ Chính Thân Xác Người Cầm Bút


Ðêm thứ Sáu rạng thứ Bảy, 3 tháng Tư, 1976, mười một tháng sau khi chiếm Sàigòn, công an Cộng Sản được huy động toàn lực vào một chiến dịch đặc biệt: bắt giam toàn bộ các nhà thơ, nhà văn, nhà báo và một số nghệ sĩ miền Nam tự do cũ. Từ 0 giờ ngày 3 tháng Tư, 1976, ngay đợt đầu, gần 60 người bị bắt giữ. Chị Chu Vị Thủy, thứ nữ của nhà văn Chu Tử, vừa sinh cháu trai chưa quá 7 ngày. Cả hai mẹ con cùng bị bắt. Ðứa trẻ sơ sinh trở thành người tù trẻ nhất, chỉ vì cháu lỡ mang tý huyết thống của ông ngoại. Ký giả Hồ Nam, tức nhà thơ Vương Tân, từ lâu đổi nghề, ẩn cư đâu đó ở Mỹ Tho, vẫn có xe công an — từ Sàigòn vượt 70 cây số về một chợ nhỏ tỉnh lỵ — bắt cho bằng được… 

Các cuộc truy lùng sau đó còn tiếp diễn cả năm. Tuần báo Pháp L’Express, và tổ chức Văn Bút Quốc Tế, phải mấy năm sau đó, mới công bố được danh sách hơn trăm văn nghệ sĩ Việt Nam bị cầm tù không xét xử. Ðây chưa phải là danh sách đầy đủ. Cho tới nay, gần 14 năm sau, vẫn còn những người bị giam giữ. Nhà văn Thảo Trường tiếp tục bị giam ở Z.30D, Hàm Tân. Các nhà văn, học giả Doãn Quốc Sỹ, Hoàng Hải Thủy, Trí Siêu, Tuệ Sỹ vẫn tiếp tục bị giam cầm tại trại khổ sai Z.30A, Long Khánh. Trong số những văn nghệ sĩ bị chết vì tù đày, riêng Trung Tâm Văn Bút Việt Nam, đã mất trọn một ban chấp hành: nhà thơ Vũ Hoàng Chương, chủ tịch, nhà văn Hồ Hữu Tường, phó chủ tịch, và nhà văn Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, tổng thư ký 

Trong lịch sử văn hóa nhân loại – kể cả thời vua Tần đốt sách chôn học trò ở phương đông, Nê Rô đốt thành La Mã ở phương tây, Mao Trạch Đông làm cách mạng văn hóa ở Hoa Lục – Sự bách hại nhắm riêng vào giới cầm bút và nghệ sỹ, chưa bao giờ đạt tới mức qui mô như biến cố ngày 3 tháng Tư, 1976 ở Việt Nam, cả về tính cách và thời gian. 

Những nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nghệ sỹ Việt Nam, nhờ sự trợ giúp của Cộng Sản, mà được thật sự nhập mình vào những oan nghiệt chung của cả dân tộc. Không chỉ bằng chữ nghĩa, sách vở, mà bằng cả sinh mạng, họ đi nốt con đường phải đi, làm nốt những việc còn phải làm. 

Mười bốn năm, đã tới lúc phải khởi sự nhìn lại.


Một nhân vật nữ, trong tiểu thuyết mới ở Nga, viết thư cho bạn tình già của bà ta. Đại khái: “Em bị đóng đinh trong rừng tai ga mười mấy năm, cho tới khi nhờ thấy được anh mà tái sinh. Anh giản dị như thế. Vậy mà để đủ sức nhận ra được anh, em phải đi qua bao nhiêu là địa ngục. Thật đáng đời cho em.”

Người bạn tình của văn chương Nga thời Glasnost này, chắc nên có tên là sự thật. 

Có những sự thật giản dị, trước mắt, đôi khi ngay trong bản thân. Vậy mà không nghe, không tin, không thấy. Tiến trình của chủ nghĩa cộng sản trong lịch sử nhân loại là một ví dụ. Hai phần ba thế kỷ: bao nhiêu dân tộc, bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu địa ngục. Phải thêm Việt Nam bị đóng đinh trên cây thập tự nữa. Cũng vẫn cứ chưa đủ. Nó còn muốn bước tới. Những trí tuệ lớn của loài người vẫn cãi nhau chí chóe vì nó. 

“Thật đáng đời cho em.” Câu than thở của người đẹp Liên Xô, không chỉ đúng riêng cho nước Nga. Trước mắt, còn đúng cho chính dân tộc chúng ta, trong đó có bọn nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nghệ sỹ. 

Trước 1975, tại Sài Gòn, các nhà báo vui tính, có lần phản đối chính quyền bằng cách xuống đường biểu tình, dưới hình thức ‘ký giả đi ăn mày.’ 

Sau 30 tháng Tư, ở quê hương, ở hải ngoại, vẫn có anh nhà banh hỏi anh nhà báo: ‘Sao các anh không xuống đường ăn mày nữa đi.’ 

Để trả lời giùm câu hỏi này, ông Hoài Bắc, khi còn ở Sài Gòn, thường cười hề hề, hát một câu “tình ca của lính": Ngày ấy, có anh đi hàng đầu. Hàng đầu. Đầu hàng. Có nghĩa là chịu thua. Hết cãi. Đầu hàng, cũng có nghĩa là cái nhục chung. 

Nhà văn, nhà báo thường được coi là những sứ giả truyền thông. Sứ mạng họ, không chỉ là cái máy chuyển hình ảnh, tin tức, mà còn là truyền đạt tâm hồn và lý trí, làm cách nào cho lẽ phải, sự thật được nhìn nhận, bảo vệ. 

Suốt cuộc chiến tranh thảm hại ở Việt Nam, họ đã viết, đã nói, nhưng không hoàn tất được sứ mạng. Sự gian dối và cái ác đã thắng. Tội của họ lớn. 

Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Mạnh Côn, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Hoạt, Dương Hùng Cường, Trần Việt Sơn, rồi Hoàng Vĩnh Lộc, Minh Đăng Khánh, đã chết đều vì tù đầy. Doãn Quốc Sỹ, Thảo Trường, Hoàng Hải Thủy, Trí Siêu, Tuệ Sỹ, Đức Nhuận, cho đến bây giờ, vẫn còn bị giam giữ. Những người sống khác, hầu hết đang tiếp tục bị đày đọa ở quê hương. 

Trong "cộng nghiệp" chung của cả dân tộc, giá phải trả của bọn nhà văn, hình như cũng không nhẹ nhàng gì, nếu đối chiếu tỷ lệ với những ngành nghề khác. 

Trả nhgiệp bằng tù tội, chết chóc, nhục nhã. Toàn món khổ đau cả. Giành nhau làm gì. Điều đáng nhìn cho ra ở chỗ khác: Sự khổ đau, vốn không phải là một thứ vô ích. 

Xăng, khí đốt, thành sức mạnh làm trục quay, đẩy bánh xe lăn. 

Khổ đau, khi đủ sức hùng dũng, cũng thành được sức mạnh, làm nên sự thức tỉnh. Bánh xe đạo lý của loài người, bánh xe tiến hóa của lịch sử, há đã chẳng quay bằng cái trụ thức tỉnh đó sao. 

Chiến tranh Việt Nam là cao trào của chủ nghĩa Cộng sản. Mặt mũi họ được chính lòng tốt của tây phương lau chùi dùm bong loáng. Giải Nobel hòa bình tặng cho Lê Đức Thọ, người điều khiển cả guồng máy chiến tranh khổng lồ ở đông dương. Ông ta chê, không nhận. 

Sau 30 tháng Tư, 1975, đưa gọn được hàng trăm ngàn sỹ quan, viên chức Việt Nam Cộng Hòa cũ vô nhà tù, mặt mũi người cộng sản Việt Nam càng nghênh ngang hơn. Những ngọn đèn pha tối tân nhất của ngành truyền thông thế giới vẫn hăng hái rọi đèn, đánh bóng cho họ. Tại Hoa Kỳ, ông Carter, với nhãn hiệu tự do, cấp tiến, vào được tòa Bạch Ốc. Ở tây phương, cánh tả vẫn tiếp tục ăn khách. 

Câu hỏi "ai thắng ai," do chủ nghĩa cộng sản ném vào mặt nhân loại suốt hai phần ba thế kỷ, xem ra, còn nhức nhối lâu lắm. 

Vậy mà không. Chưa đầy 15 năm, sau khi Cộng sản chiếm miền Nam Việt Nam, mọi loại mặt nạ đều đã bị đập vỡ. Mới đó, còn nghênh ngang vênh váo. Bây giờ, nó dúm dó, thảm hại. Dĩ nhiên, nhiều nhân tố phức tạp, (như những biến chuyển về chính trị, kinh tế, bước nhảy bẩy dặm của khoa học truyền thông ) đã làm nên việc này. Nhưng điều chính yếu là con mắt, trái tim, khối óc của con người đã nhìn được rõ bộ mặt thật của nó.

Cái trục thức tỉnh của nhân loại, một lần nữa, chuyển động. 

Chính sự đau khổ của dân tộc chúng ta, khi bùng sáng thành sức mạnh, đẩy cho nó quay. 

Nhiều người đã bị Hê Rốt đóng đinh. Không phải bất cứ cây thập tự nào cũng sáng lên được sức mạnh cứu chuộc.

Trước và cả sau Việt Nam, nhiều xứ sở đã bị Cộng sản biến thành địa ngục. Chỉ với hàng triệu người Việt liên tiếp lao ra biển, làm thành cuộc vượt thoát chưa từng có trong lịch sử nhân loại về bất cứ phương diện nào, cái địa ngục kiểu mẫu của Cộng Sản ở Việt Nam mới được mở toang ra trước mắt nhân loại.

Những nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ Việt Nam đi với dân tộc họ lên cây thập tự của thời đại. Họ không đông, phần xương thịt không nhiều. Nhưng phẩm giá con người, ý chí một dân tộc không chịu quỳ gối, khi biểu hiện qua họ, gây nên những chấn động kỳ diệu. 

Họ là cái chớp sáng. Một tia thôi. Nhưng báo hiệu đám cháy thành Sô đom. Ly nước đầy sẵn. Chờ thêm một giọt để tràn. Họ là giọt nước ấy. Một giọt thôi. Nhưng báo hiệu cơn hồng thủy sự thật, thức tỉnh đạo lý của nhân loại. Muốn ngơ cũng không được.

Tổng thống Mỹ Reagan, nghe đâu, đã đích than đề cập  tới những văn nghệ sỹ Việt Nam, với Mai Thảo, Kiều Chinh. Nhưng đỉnh đầu khác của thế giới văn minh, cũng không thể làm ngơ việc này.

Tổ chức Văn Bút Quốc Tế, đã phải thành lập hẳn một ủy ban quốc tế về những nhà văn bị cầm tù, do chính Francis King, CBE làm chủ tịch, và Thomas Von Vegesack, nhà văn lớn Thuỵ Điển, nguyên chủ tịch văn bút quốc tế, làm trưởng ban điều hành. Với sự tham dự của 22 khuôn mặt tiêu biểu cho các dân tộc - ở Mỹ là Arthur Miller, ở Pháp là René Tavernier – uỷ ban này hiện vẫn liên tục hoạt động, không mệt mỏi, vì các nhà văn bị cầm tù ở Việt Nam.

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế, cũng như nhiều tổ chức văn hóa và nhân quyền khác, đã dốc toàn lực vào cuộc vận động này. Nhiều cấp lãnh đạo chính phủ đã tích cự can thiệp.

Từ J.P. Sartre cho tới J. Fonda, những khuôn mặt tả khuynh nổi tiếng của thế giới văn minh, đều đã tỏ thái độ. Họ đã viết, đã nói.

Olof Palme, cố thủ tướng Thụy Điển, người từng đích than xuống đường biểu tình ủng hộ cộng sản Việt Nam, cũng đã phải xem lại thái độ của ông đối với họ. 

Ở cương vị và bằng cách thức của ông, Olof Palme không chỉ nói hoặc viết, ông ta còn trực tiếp hành đông. Bằng cách tích cực thực hiện những đề nghị của tổ chức văn bút và ân xá quốc tế, vị thủ tướng nổi tiếng, người lãnh đạo đảng xã hội, đã biến những nhận thức mới của ông đối với cộng sản Việt Nam, thành thái độ và hoạt động chung của cả chính phủ và nhân dân Thụy Điển. 

Trong nhiều năm, ít nhất, có ba bộ trưởng Thụy Điển: Ngoại trưởng Sten Anderson, Bộ trưởng xã hội Lena Hjelm Wallen, Bộ trưởng ngoại thương Anita Gradin, đã tới Việt Nam nhiều lần, và can thiệp trực tiếp với cấp cao nhất của Cộng sản, về trường hợp các văn nghệ sỹ Việt Nam bị giam cầm. 

Olof Palme bị bắn chết trên hè phố Sstockholm. Thái độ và hoạt động ông đề ra càng được trân trọng và đẩy mạnh hơn nữa. Thủ tướng Ingvar Carlson, người kế vị ông, phải viết thư riêng cho thủ tướng Cộng sản Việt Nam Phạm Hùng, về trường hợp nhà văn Việt Nam bị cầm tù mà Thụy Điển chính thức bảo lãnh. 

Gần đây nhất, ngay khi đang công du Đông Nam Á, trước khi tới Việt Nam, ngoại trưởng Thụy Điển Sten Anderson đã phải dừng ở Thái Lan, nhận những chi tiết về hai bản án tử hình Trí Siêu và Tuệ Sỹ, trường hợp Thích Đức Nhuận, Doãn Quốc Sỹ, Hoàng Hải Thủy. Chỉ ít ngày sau khi ông tới, Hà Nội đã chính thức công bố hủy bỏ hai bản án tử hình. 

Ngay từ thời đầu chiến tranh, khi muốn bắn tiếng với phương tây điều gì, Hồ Chí Minh đã phải nhờ Thụy Điển. Sau 30 tháng Tư, 1975, Thủ tướng Cộng sản Phạm Văn Đồng đến Stockholm, Olof Palme mở cửa điện Rosenbad nồng nhiệt đón ông ta. Nhưng cũng nơi đây, 13 năm sau, thực hiện chính ý muốn của Olof Palme, Thủ tướng Thụy Điển Ingvar Carlson đã mở cửa điện Rosenbad, không phải để đón một lãnh tụ Cộng Sản, mà đón gia đình hai người cầm bút Việt Nam tầm thường, chỉ vì họ đã bị chính Cộng Sản bắt bớ, đầy ải. 

Thái độ khinh bỉ loài người, khi cộng sản bắt giữ các nhà văn nhà thơ nhà báo nghệ sỹ Việt Nam, đã được dội lại đầy đủ cho chính họ, từ đủ mọi phía. Ngay đại diện Nga, trong một đại hội văn bút quốc tế gần đây, cũng đã nhất trí lên án hành vi này của cộng sản Việt Nam. 

Trong giai đoạn quỳ gối trước tây phương, sau Nga Sô, Trung Quốc, chắc sẽ tới phiên cộng sản Việt Nam xin gia nhập Văn Bút Quốc Tế. Chẳng bao lâu nữa, họ sẽ phải tự vả vào mặt họ. Tiến trình mới mẻ này, cũng đã được khởi sự tại Việt Nam từ lâu, bằng sự mở mắt của lớp người cầm bút được chính Cộng sản nhào nặn. 

Cũng như những cuộc hành quân mang tên Lam Sơn hay Đống Đa trước 1975, những tác phẩm mang tên các nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ, nghệ sĩ của miền Nam tự do, vì nhiều lý do, đã không đủ sức mạnh góp thành sự chiến thắng. Cũng như hầu hết các chiến sĩ, họ đã ở lại, cùng chịu đóng đinh với dân tộc. Bằng chút vốn liếng cuối cùng là chính than xác mình, những người "tưởng đã tiêu tùng" này, đã có cơ hội hoàn tất được sứ mạng của họ một cách vang dội. Tác phẩm của họ, dù bị xé, bị đốt, vẫn được chép tay, truyền tay ở quê hương. Sức mạnh thức tỉnh của họ, không chỉ lay động được đạo lý phương tây, mà đang bền bỉ nẩy mầm ở quê nhà, ngay trước mặt hoặc ngay trong lòng, những kẻ tự coi là thù địch với họ.

Đây là một đề tài khác. Còn nhiều đề tài khác nữa, phải được nói đến, đào sâu, bật sáng. Doãn Quốc Sỹ, Hoàng Hải Thủy, Trí Siêu, Tuệ Sỹ… chỉ là những người cầm bút yếu đuối thôi. Nhưng chính họ là những người đầu tiên đã đứng thẳng, nhỏ nhẹ mà dõng dạc, trước cái gọi là tòa án của cộng sản. Còn nhiều người cầm bút khác nữa, họ đều vậy. Những người cầm bút đã có cơ hội vượt thoát như chúng ta, có thể yên tâm, tự hào về những đồng nghiệp của mình còn ở lại quê hương. 

Với những người vừa rời họ không lâu, như anh Hồ Văn Đồng và chúng tôi, xin thú thật, lòng tự hào còn biến thành một câu hỏi ray rứt: bản thân mình phải làm gì để xứng đáng với họ? 

Khổ đau chung của cả một dân tộc, bùng sang thành sức mạnh. Sức mạnh lớn lao ấy, không boa giờ chỉ là kỳ công của một người, một phía. Nó là sự nghiệp chung, của cả những người còn ở lại quê hương và những người đang ở hải ngoại. 

Không phải tự nhiên báo L’Express, Văn Bút Quốc Tế, Ân Xá Quốc Tế, ông Tổng Thống này, ông thủ tướng nọ, có được những dữ kiện để mà lên tiếng về bọn nhà văn Việt Nam bị cầm tù. 

Không phải tự nhiên có Văn Bút hải ngoại, duy trì được đến nay. Rồi có những gói quà gửi cho bạn văn quê nhà từ Cao Ngọc Phương, Trần Tam Tiệp, Minh Đức Hoài Trinh, Mai Thảo, Thiếu Mai… 

Cũng không phải dễ dàng mà người đọc hải ngoại có được những trang sách cùm đỏ, đại học máu, đáy địa ngục, sở công an, trại tập trung… duy trì được một sinh hoạt báo chí, xuất bản đều khắp ở hải ngoại, ngày càng lớn mạnh, phong phú hơn. 

Những người ở quê hương tù đầy hiểu rất rõ, rằng đó là công khó của bằng hữu hải ngoại. 

Bản thân chúng tôi và gia đình ngay từ những năm địa ngụ ở quê hương, đã nhận biết bao nhiêu ơn nghĩa, từ bằng hữu hải ngoại và bằng hữu thế giới. 

Cháu trai Lê Phương Đông của chúng tôi năm 1986, vượt biên lần thứ 10, đến được biên giới Thái bằng đường bộ. Bạn hữu tận lực. Ba tháng sau, Marianne Eyre, tổng thư ký PEN Thụy Điển đích thân dẫn cháu đi coi Stockholm. Ông bà Thomas Von Vegesack, chủ tịch văn bút, trưởng ban điều hành Uỷ Ban Quốc Tế các nhà văn bị cầm tù, đón cháu về nhà, cùng viết với cháu một bưu ảnh gửi về Việt nam cho bố trong nhà tù. 

Nhờ thư can thiệp đích danh của thủ tưởng Ingvar Carlson, đúng một năm sau khi rời khỏi nhà tù, chúng tôi và gia đình tới được Thụy Điển ngày 9 tháng 9, 1988. 

Tại điện Rosenbad ở Stockholm, các cháu nhỏ cám ơn Thủ tướng Ingvar Carlson. Ông ôm chúng, nói một cách giản dị: “Các cháu không cần cám ơn. Bố mẹ các cháu là những nhà văn. Họ xứng đáng được vậy. Còn nhiều người xứng đáng khác nữa. Việc đã làm được cho họ còn ít. Sắp tới, phải làm nhiều hơn.” 

Thủ tướng Thụy Điển đã nói vậy về những người văn nghệ sĩ bị cầm tù ở Việt Nam. Sự nhìnlại, không hề có ý coi nhẹ công sức cũ. Chỉ là để khẳng định thêm quyết tâm hướng về tương lai. 

Những nhà văn, nhà báo đang còn trong nhà tù nhỏ, nhà tù lớn ở quê hương, hẳn cũng đang chờ đợi một khẳng định tương tự từ chúng ta, các đồng nghiệp ở hải ngoại của họ. 

Tín hiệu từ thế giới tốt đẹp mà vì nó họ đã không quỳ gối, một lời thăm, một gói quà, một sự can thiệp, hẳng nhiên sẽ gia tăng lòng tin và hy vọng. Đó là việc cấp bách cần thiết. Nhưng chưa đủ. 

Một bà cảnh sát ở một thành phố nhỏ Thụy Điển, giúp lập hồ sơ di trú, sau khi nghe những câu trả lời đơn giản nhất về nghề nghiệp, lý do, thời gian bị tù đầy của chúng tôi, đặt bút xuống, nói: “Những sự việc ông kể, làm tôi xấu hổ quá. Làm sao chúng tôi có thể sống thư thái, sung sướng thế này, trong khi đồng loại phải chịu những điều khủng khiếp ấy. Tôi có thể tìm hiểu thêm những sự việc ông kể bằng sách báo nào không?” 

Không. Không có sách báo nào bằng tiếng Thụy Điển, ngay cả bằng tiếng Anh, để có thể giới thiệu cho bà ta. Thì ra sức mạnh, khổ đau của chúng ta, tuy có bừng sáng, lay động được những đỉnh cao. Nhưng sâu rộng thì chưa.

Với ngày 3 tháng tư, 1976, chỉ bằng một cái búng tay của bạo lực cộng sản cầm tù được cả trăm văn nghệ sĩ Việt Nam. Nhưng bài họ nhận được từ thế giới văn minh về cái búng tay dễ dàng này, họ học 14 năm chưa thông. Họ sẽ còn phải tiếp tục học nữa. 

Đạo lý chung của nhân loại sẽ kiên trì, không chỉ ôn tập cho họ, mà còn để cảnh giác những kẻ đui mù khác, còn muốn bắt chước họ. 

Văn nghệ sĩ Việt Nam, cũng như dân tộc của họ, không có gì lớn hơn, để dâng hiến nhân loại, ngoài những kinh nghiệm đau thương của chính mình. Kinh nghiệm ấy, suốt 14 năm qua, đã không ngừng được thế giới tiếp nhận như một sức mạnh thức tỉnh, để nhận ra mặt thật của bao điều gian trá. 

Trong ý hướng ấy, ngày 3 tháng 4, thật xứng đáng để trở thành “ngày quốc tế các nhà văn, nhà báo bị cầm tù.” Chúng tôi ước mong mỗi chúng ta, bằng cách riêng, cách chung, hãy thúc đẩy việc ấy. 

Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Mạnh Côn, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Hoạt, Trần Việt Sơn, Dương Hùng Cường, Hoàng Vĩnh Lộc, Minh Đăng Khánh… những người đã chết vì tù đày. Họ xứng đáng được tưởng niệm hàng năm. 

Những việc làm tốt đẹp của cộng đồng Việt Nam hải ngoại bao năm nay hướng về những văn nghệ sĩ đang bị đầy đọa trong nhà tù nhỏ, nhà tù lớn ở quê hương, cần được phát huy. 

Những bài học từ kinh nghiệm ngày 3 tháng 4 cần được sưu tập, rao giảng sâu rộng hơn. Trong ý tưởng ấy, ngày 3 tháng 4, ngày đầu tiên những người văn nghệ Việt mang sinh mạng mình đương đầu với nhà tù Cộng sản, xứng đáng trở thành “ngày văn nghệ sĩ Việt Nam” hàng năm.

Quanh những “ngày văn nghệ sĩ Việt Nam” này, hàng năm sẽ có biết bao việc phải làm, phải viết, phải nói, phải phiên dịch, phải hội họp, triển lãm. 

Với những thôi thúc, ray rứt, mang đi từ quê nhà, với lòng cảm kích sâu xa về những ơn nghĩa mà bạn hữu hải ngoại và thế giới dành cho, chúng tôi xin gửi tới bè bạn cũ mới những gợi ý trên đây, về sự thành hình của “ngày văn nghệ sĩ Việt Nam,” trong sinh hoạt cộng đồng; và ngày “quốc tế nhà văn nhà báo bị cầm tù,” trong sinh hoạt văn bút và báo chí thế giới. (Sức Mạnh Thức Tỉnh Từ Chính Thân Xác Người Cầm Bút, đăng trong Thế Kỷ 21, số 6, phát hành tháng 10, 1989)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét