Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

SỰ THẬT VÀ LỊCH SỬ

Ngàn Khơi

                                           
Sự thật là điều gì có thật, điều gì xảy ra thật. Lịch sử là điều gì đã xảy ra xong, đã trở nên quá khứ. Lịch sử có thể thuộc sự vật, cá nhân, tập thể xã hội, hay toàn xã hội. Lịch sử đất nước bởi thế là điều mà người dân một nước, một quốc gia quan tâm nhất. Người không biết lịch sử nước mình coi như kẻ mất gốc, kẻ vong bản, kẻ vô tâm vô tứ, hay nói chung là kẻ vô ý thức, vô trách nhiệm hay cũng gọi được là kẻ chẳng ra gì.


Như vậy biết lịch sử cần phải biết đúng sự thật. Biết sai sự thật cũng coi như không biết hay cái biết đó cũng như không. Biết sai sự thật thì chỉ luôn là kẻ dại khờ hay tội nghiệp. Làm cho người khác biết sai sự thật là coi như dối gạt, là việc làm xấu xa và phải chịu trách nhiệm rất lớn. Bởi vậy khái niệm “tuyên truyền” thực chất là khái niệm không đúng đắn, vì nó có thể chỉ lừa dối, làm cho hiểu lệch lạc, hiểu sai sự thật. Chỉ có khái niệm thông tin hay giảng dạy lịch sử mới đúng đắn, vì nó chỉ cốt truyền đạt sự thật đúng đắn, khách quan, không như các kiểu tuyên truyền nhất thời về chính trị.

Bởi vậy ý nghĩa của lịch sử là cần luôn luôn sưu tập đầy đủ dữ liệu lịch sử cần thiết, quan trọng, vì càng để lâu qua thời gian, càng phân tán, đánh mất và càng dễ sai lạc. Đó cũng là lý do tại sao việc nghiên cứu lịch sử và phổ biến lịch sử đều luôn luôn cần thiết, đó là để giúp các thế hệ đến sau hiểu biết về lịch sử liên qua một cách trung thực, đầy đủ, chính xác và thích đáng nhất.

Nói cách khác, lịch sử sự kiện thì luôn gắn với các thực tế cuộc sống, tức mọi điều gì đã thực tế diễn ra trong không gian và trong thời gian. Còn lịch sử lý thuyết thì cần phải gắn với khoa học, đó là khoa sử học. Sử học nhất thiết phải là môn khoa học, nó không thể là môn chính trị hay môn ý thức hệ. Vì nếu thế là làm hạn chế lịch sử, là xuyên tạc, bóp méo lịch sử, tức cũng có nghĩa là phi lịch sử hay phản lại lịch sử.
Trong các tính cách như thế, thì giai đoạn lịch sử của đất nước Việt Nam từ năm 1945 đến nay chính là giai đoạn lịch sử cần làm sáng tỏ và cần nghiên cứu cặn kẻ, chính xác nhất. Bởi vì nó không giống với bất kỳ giai đoạn lịch sử nước nhà nào trước đó. Lý do đơn giản là các mốc thời điểm trước kia đều chưa có sự xuất hiện của chủ thuyết Mác trên thế giới, chưa xảy ra xung đột quốc tế về chủ nghĩa trên thế giới. Và đặc biệt, nước Việt Nam lại rơi vào đúng những hệ lụy hay những tác động và nhất thiết đã bị gắn kết vào những yếu tố như thế đó.

Cho nên nếu nói cuộc chiến tranh giữa lực lượng Việt Minh và lực lượng Pháp từ năm 1945 đến 1954 hoàn toàn là cuộc chiến tranh vệ quốc của phía VM là chắc chắn không đúng. Bởi vì nó đã gắn kết với yếu tố chủ nghĩa trong đó. Những người lãnh đạo lực lượng VM rõ ràng là những người mác xít, tức những đảng viên mác xít, và đặc biệt tướng Võ Nguyên Giáp nhất hẳn nhiên phải là một người như vậy.

Mục đích cuộc chiến tranh đối với phía VM chắc chắn không phải chỉ thuần túy nhằm giải phóng đất nước, mà mục đích chính yếu là để nhằm thực hiện tức xây dựng chủ nghĩa Cộng sản. Lực lượng Pháp chính là một trở ngại lớn nhất trên con đường này. Bởi vậy sau khi chiến tranh kết thúc và VM thắng lợi, mọi người đều đã biết kết quả của nó như thế nào. Đặc biệt không thể ai phủ nhận là vào những năm cuối cùng kết thúc chiến tranh, hay kể cả ngay trong những ngày đầu, các sách lược giúp đỡ về quân sự cũng như nhiều mặt khác mà Liên xô cũ và TQ đã tiến hành cho VM là một sự thật không thể chối cãi được.

Điều đó cũng có nghĩa bản thân tướng Giáp cũng như mọi người lãnh đạo VM đều không thể tự mình thoát ra khỏi được thực tế cuộc chiến tranh. Bởi vì nó đã là một mục đích, mục tiêu dài hạn về chính trị, và nó cũng đã là cái thế chính trị và quân sự trên thế giới cũng như kể cả trong nước lúc ấy là như thế đó. Cho nên mọi tính cách hi sinh nhiều mặt, mọi tính cách chiến thuật và chiến lược trong bản chất cuộc chiến cũng không thể nào thoát ra khỏi mọi điều như thế. Tính chất phức tạp của cuộc chiến như vậy thực sự có hai mặt. Mặt phân tán sức mạnh trong nước nếu chỉ nhìn ở khía cạnh vệ quốc thuần túy. Mặt gia tăng sức mạnh nếu chỉ nhìn vào phương diện quốc tế thuần túy. Nói cách khác, đều có mặt lợi và mặt hại trong tính chất riêng của cuộc chiến này.

Bây giờ thì tất cả mọi điều như trên đều đã qua. Bởi vì nó đã trở thành lịch sử, và lịch sử thì không thể thay đổi những gì đã xảy ra trong quá khứ được nữa. Bởi vì cho dù mọi cuộc chiến tranh có tàn khốc hay hủy diệt thế nào, đó cũng chẳng khác gì một cuộc cháy rừng. Cho dù rừng cháy trơ trọi hết nhưng rồi nó vẫn cứ lên lại như thường, khiến về sau người ta cũng không còn nhận ra được dấu vết nào cả. Tuy nhiên mọi người VN hiện nay cho dù ở đâu cũng đều cần phải biết rõ điều đó. Kể cả những người hiện nay đang ở trong hàng ngủ CS. Bởi vì nó chính là lịch sử của đất nước mình, đất nước của tất cả mọi người, kể cả mọi thế hệ tương lai cũng phải cần biết như thế. Bởi nếu vì những lý do nào đó mà cứ còn tiếp tục chính trị hóa lịch sử, còn tiếp tục ý thức hệ hóa lịch sử một cách sai lệch và giả tạo, thì những cách làm như thế, cho dù do ai chủ trương như vậy, đều vẫn có tội với quá khứ, với hiện tại và kể cả với tương lai. Bởi mọi người đã chết đi thì không thể sống lại được, mọi đau khổ của họ đều không thể xóa nhòa được, và kể cả mọi hiểu biết và mọi niềm tin đã có của họ cũng không còn có thể sửa chữa, thay thế hay thay đổi được. Bởi chính họ đã phải là những lớp người đã bị hi sinh, và bằng mọi cách cần phải thông cảm và tôn trong mọi sự thực về họ một cách hoàn toàn khách quan và trung thực nhất. Đó cũng là cách thật sự thương yêu, đồng cảm, hoặc thật sự trân trọng đối với họ, còn nếu không thì quả chỉ có hoàn toàn ngược lại.

1 nhận xét: