Nguyễn Thanh Nghiêng
(Danlambao) - Xin trả lời ngay rằng: “Đúng, chúng ta cần thủ lĩnh”. Có thể là một thủ lĩnh hay một nhóm thủ lĩnh.
Cụm từ “thủ lĩnh” hay nhu cầu đòi hỏi cần có một thủ lĩnh được nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhất là trong giai đoạn hiện nay. Khi mà công cuộc tháo gỡ độc tài và xây dựng dân chủ đang ở vào giai đoạn cam go và cấp bách nhất.
Nhiều người đã không ngần ngại liệt kê một số gương mặt “sáng giá” để làm ví dụ điển hình và kỳ vọng những người này sẽ dẫn dắt cuộc cách mạng chống độc tài đi đến chiến thắng cuối cùng. Những người được kỳ vọng sẽ trở thành “thủ lĩnh tương lai” thường là những cựu Tù nhân lương tâm, người đang còn ở trong tù hay có thể là một gương mặt đấu tranh nổi trội được công luận quan tâm. Tức là những người đã kinh qua thử thách trong môi trường khắc nghiệt nhất, đòi hỏi lòng dũng cảm, sức chiu đựng và sự hy sinh không nhỏ. Họ được xem là thành phần tinh hoa, có trình độ học vấn, có nhiều đóng góp và có uy tín, ảnh hưởng đối với giới đấu tranh trong nước cũng như hải ngoại.
Song, người viết cho rằng những phẩm chất và yếu tố trên mới chỉ làm nên chân dung đẹp của một nhà tranh đấu chứ không đủ yếu tố để trở thành thủ lĩnh. Những người tranh đấu này là những cá nhân nhỏ bé, với tiếng nói đối kháng đơn độc đã thách thức chế độ độc tài. Họ là những người đã chủ động mở ra và theo đuổi một cuộc chiến không cân sức, kéo dài hàng nhiều năm và luôn đón nhận như một sự đương nhiên những mất mát, hy sinh và nguy hiểm. Đó là một câu chuyện cảm động nhất mà lịch sử của một Dân tộc cần phải ghi dấu.
Tuy nhiên, điểm kết thúc phải là cuộc xuống đường ầm ầm như thác lũ của số đông quần chúng, nhân tố chính góp phần khai tử và kết thúc một chế độ độc tài tàn bạo. Để có được kết quả ấy, hay nói khác đi khi chúng ta nhìn thấy “hình ảnh sau cùng” của một cuộc Cách mạng, đó là lúc chúng ta thấy được kết quả của một nỗ lực Quy tụ, Thu hút và Dẫn dắt được quần chúng. Đấy là dấu ấn của thủ lĩnh, của một thủ lĩnh hay một nhóm thủ lĩnh. Thủ lĩnh phải được hiểu là (những) người có khả năng Quy tụ, Thu hút và Dẫn dắt được quần chúng. Họ có thể nằm trong số những gương mặt đã được điểm tên, kỳ vọng. Cũng có thể là một người còn chưa... xuất hiện và anh ta chưa chắc là một nhân vật tiếng tăm hoặc được truyền thông chú ý.
Điều chúng ta cần phân biệt rạch ròi khi đánh giá một nhân vật là khả năng quy tụ, thu hút và dẫn dắt quần chúng với một cá nhân có uy tín, ảnh hưởng đối với những người tranh đấu, (tức là có sự thu hẹp trong phạm vi đối tượng). Nhân vật A, B, hay C có thể rất nổi tiếng, được nhiều người ngưỡng mộ song anh ta sẽ không bao giờ đảm nhận được vai trò thủ lĩnh khi không thu hút được quần chúng. Cùng lắm, anh ta trở thành chất keo gắn kết giữa những người tranh đấu với nhau nhằm ngăn chặn yếu tố tan rã vốn luôn tiềm ẩn trong mỗi cá nhân, hay hội /nhóm trong môi trường tranh đấu.
Ngược lại, một người hoặc một nhóm người không tên tuổi hoàn toàn có thể trở thành nhân tố dẫn dắt một phong trào và đóng vai trò quyết định cho thành công của cuộc cách mạng. Điều này đã được chứng minh trong Mùa Xuân Ai Cập với những người lãnh đạo Phong trào 6 Tháng 4, cuộc cách mạng tại Serbia với Phong trào Optor, hay các cuộc cách mạng ở Miến Điện, Zimbabwe... Đơn giản vì họ biết cách huy động quần chúng và vượt qua sợ hãi.
Không thế có một cuộc cách mạng sau cùng nếu không có được sự ủng hộ của nhiều người dân. Không thể có sự xuống đường của người dân nếu họ chưa vượt qua sợ hãi. Và không thể vận động người dân và vượt qua sợ hãi khi bản thân còn sợ hãi và không chịu tiếp cận với quần chúng. Đấu tranh không tiếp cận quần chúng là kiểu đấu tranh què quặt, ảo tưởng và đi đến thất bại. Số lượng quần chúng thật sự nằm rất ít trong số quần chúng ảo (rất lớn) ở trên mạng Internet. Khó mà đạt được kết quả chỉ với những lời hiệu triệu trên mạng mà bản thân những người tranh đấu không bước xuống đời thật để tiếp cận người dân. Tương tự như một lời tuyên bố, một lời kêu gọi của một hay nhiều hội nhóm nhưng chỉ tồn tại trên văn bản mà không kèm theo hành động cụ thể. Giống như việc giậm chân tại chỗ xong vẫn nhận lấy những phiền hà, sách nhiễu không đáng có từ phía nhà cầm quyền chỉ vì gây ra lo lắng ảo cho chúng.
Với khả năng hạn chế, người viết không chủ trương đưa ra giải pháp “Chúng ta phải làm gì?”. Càng không cho rằng mình đứng ngoài tất cả những yếu tố khiếm khuyết của một người đã tham gia đấu tranh và từng chịu tù đầy. Cũng như luôn ý thức được sự đóng góp của mình là vô cùng ít ỏi. Song cũng mạnh dạn chia sẻ chút suy nghĩ nho nhỏ, để phân biệt giữa Thủ lĩnh thực sự tức những người có khả năng thu hút và hướng dẫn quần chúng nhằm tiến hành một phong trào, một cuộc cách mạng với Thủ lĩnh được hiểu theo nghĩa một người có uy tín, có ảnh hưởng nhất định bởi đóng góp trong quá khứ hơn là khả năng lôi kéo được quần chúng hay đưa ra các sáng kiến, giải pháp thực tế thúc đẩy Dân chủ cho đất nước.
Trước mọi diễn biến gần đây, nhiều người khá lạc quan và cho rằng, chỉ một hay hai năm nữa thôi, mọi thứ sẽ thay đổi. Rằng chúng ta sẽ hoàn tất sứ mệnh giải thể độc tài bởi... cộng sản rệu rã lắm rồi. Tôi nghĩ khác, hơn lúc nào hết Phong trào Dân chủ đang đứng trước những khó khăn vô cùng lớn bởi đã bị cuốn vào cuộc chiến chống ngoại xâm. Dù cộng sản rệu rã đến mấy vẫn có thể hồi sinh nếu không gặp một sức ép nào đáng kể từ khối quần chúng. Đây là thời điểm để chúng ta nghĩ đến chuyện bắt đầu hơn là chuẩn bị cho sự kết thúc. Loai trừ yếu tố tham vọng hay điều gì đó thiếu thiện chí, mỗi người (dân) chúng ta hãy khám phá khả năng của mình thay vì tự giới hạn bản thân. Hãy bắt đầu từ việc tiếp cận hoặc tìm kiếm một người bạn đồng hành, hãy bắt đầu bằng một công việc nhỏ nhất nhưng có tiếp cận, có bóng dáng của quần chúng, cho dù chưa được nhiều để có được hàng vạn người cho tương lai. Mọi sự bắt đầu thường khó khăn. Nhất là sự bắt đầu được bắt đầu ở một giai đoạn tưởng như sắp kết thúc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét