Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014

SỰ HỤT HẪNG CHÍNH TRỊ

Đại Ngàn


                                              


Ở Việt Nam có sự hụt hẫng chính trị gần thế kỷ nay mà tới giờ này vẫn còn rất rõ nét. Sự hụt hẫng chính trị này nếu cứ ngày nào đó chưa được làm sáng tỏ hay giải tỏa, giấc mơ đưa VN thành một quốc gia mạnh trên thế giới chỉ vẫn là điều huyễn hoặc.

Hai sự hụt hẫng lớn nhất ngày nay vẫn còn tồn tại nơi số đông người trong nước : Coi chủ nghĩa Mác như chứa đựng những lý tưởng cao đẹp, và coi ông Hồ Chí Minh như một vị thánh ngàn năm mới có một trong lịch sử VN.



1/ Về sự hụt hẫng thứ nhất : Có sự hiểu lầm hay không hiểu gì cả về chủ nghĩa Mác. Học thuyết Mác hầu như giống một kiểu lý luận toán học trừu tượng. Tức cái lô-gích trong đó chỉ là cái lô-gích trừu tượng. Giống như 2 + 2 = 4, lúc nào thấy cũng hoàn toàn chính xác, hoàn toàn hợp lý, hoàn toàn lý tưởng, còn khi áp dụng vào thực tế có đúng hay không là chuyện khác. Người ta không hiểu rằng lý luận toán học, lập luận lô-gích kiểu tư biện hoàn toàn trừu tượng, lý thuyết, chỉ đúng trong sự tưởng tượng, không bao giờ hoàn toàn khách quan về mặt thực tế. Bởi thế nếu cứ theo cách lý luận trừu tượng của Mác, hệ thống XHCN chắc chắn phải luôn tốt đẹp, luôn luôn phát triển đi lên, kinh tế tư bản chắc chắn phải sụp đổ, chủ nghĩa CS lý tưởng chắc chắn sẽ thành công trong nay mai. Nhưng thực tế cho thấy cho tới nay là hoàn toàn khác hẳn. Đó chẳng qua là kiểu lý luận : hai trái cây ngon + hai trái cây thối = 4 trái cây. Có 7 con chim trên trời, bắn rớt hai con thì còn lại năm con ! Đấy sự khác nhau giữa lý luận trừu tượng và thực tế cụ thể nó khác xa nhau trời vực là như vậy. Mác giải bài toán xã hội mà không đá động gì đến các tham số đi kèm, không đã động gì đến các ẩn số còn bị che khuất. Nên bài toán giải ra đó chỉ thuần túy là bài toán áp đặt đáp số, bài toán giải theo cách ảo, tức bài toán có lời giải không chính xác, lời giải không thật, lời giải giả tạo, bịa đặt theo kiểu tưởng tượng. Sự thất bại của chủ nghĩa Mác thuần túy chỉ là như thế. Tức là sự hỏa mù phi thực tế, và Mác hoặc là ảo giác, hoặc là phỉnh gạt người khác hay tự phỉnh gạt mình, cái thất bại căn cơ của lý thuyết Mác là như thế.

2/ Cái hụt hẫng thứ hai là hụt hẫng về ông Hồ. Ông Hồ đã dày công tự xây dựng mình thành hình ảnh một vị thánh về chính trị, và từ đó về sau mọi người theo ông đều không thoát ra được hào quang sáng chói của hình ảnh đó. Như thế có nghĩa họ đã hoàn toàn lóa mắt, không nhìn thấy hướng đi cụ thể, độc lập, tự chủ cho mỗi người về mặt chính trị nữa, mà chỉ biết bám theo hào quang đó một cách hoàn toàn tối tăm và mù quáng. Như vậy cái hại là hại riêng cho mỗi người và hại chung cho xã hội, đất nước, vì khiến cho đất nước, xã hội không còn tự chủ, không có con đường riêng mới mẽ gì do mình tự tạo ra một cách cập nhật và hợp lý cả, mà chỉ theo mọi vết mòn nhẳn thín đều đã có từ trước.

Bởi ông Hồ chỉ tuyệt đối tin vào chủ nghĩa xã hội đã do Mác và Lênin vạch ra mà ông không tạo ra được con đường đi gì khác cho chính mình và cho đất nước. Thực chất ông không có lý thuyết chính trị nào riêng, mà ông chỉ tuân theo bài bản đã có sẳn, nghĩ rằng cứ thực hiện hoàn chỉnh bài bản đó là thành công mỹ mãn. Nên tư tưởng chính trị của ông Hồ thật ra chỉ nhằm cổ vũ mọi người làm sao thực hiện cho thật tốt các bài bản đã có mà ông đã biết. Có nghĩa khi đọc “Luận Cương của Lênin”, ông coi đó là con đường cứu nước duy nhất, con đường giải phóng dân tộc duy nhất, thế thôi. Và ông chỉ có con đường duy nhất đó mà không dự phòng hay sáng nghĩ ra thêm gì các con đường khác. Sự tin tưởng tuyệt đối vào CNXH của ông Hồ chỉ là như thế.

Cho nên điều dễ thấy nhất là trong bao năm cầm quyền, ông không hề có ý đào tạo ra nhân tài cho đất nước. Ông chỉ gom các nhân tài nào sẳn có mà ông gom được, rồi trang bị họ niềm tin vào ông, vào CNXH, tức biến họ hoàn toàn là những cán bộ thuần thành theo các chủ trương của ông đã có mà thôi. Nguyên khí quốc gia theo kiểu đào tạo nhân tài của ông cha ta đã có từ xưa hoàn toàn bị chận đứng, hoàn toàn bị bế tắt. Tức toàn bộ nền đào tạo giáo dục chỉ còn làm sao tạo ra các nhân sự “hồng và chuyên” là duy nhất. Tức chỉ còn nhằm tạo ra cán bộ thừa hành, mà không còn tạo ra các nhân tài có tư duy và tài năng độc lập. Đó là lý do tại sao khẩu hiệu “Bác Hồ còn mãi trong sự nghiệp của chúng ta”. Bởi vì sau Bác không còn ai hơn Bác, hay đi ra ngoài kiểu yêu nước, và kiểu thực hành yêu nước, theo cách thức hay công thức duy nhất, mà Bác vẫn đã làm trước kia nữa. Đó có thể là nguyên nhân của kiểu khủng hoảng ý thức sau khi Liên Xô sụp đổ và đưa đến Hội Nghị Thành Đô với TQ mà ngày nay mọi người đều rõ.

Bởi vậy ngày nay làm thế nào thay đổi, cải thiện được sự hụt hẫng chính trị tại VN là một điều rất khó. Bởi vì nó là kết quả của một thời kỳ rất lâu dài, nên khó một sớm một chiều mà cải thiện hay thay đổi được. Đấy có thể nói là cái chủ quan và cái cạn hẹp của ông Hồ khi nhìn về viễn tượng tương lai của dân tộc và của thế giới khi ông còn sinh thời hẳn là như thế. Và ngày nay kết quả đó đối với xã hội và đất nước ta mọi người sáng suốt, có quan tâm, có ưu tư về vận mệnh của đất nước đều có thể thấy được. Tức sự thần thánh hóa ông Hồ một cách quá mức, không bình thường, và sự đánh đồng lòng yêu nước với lòng yêu Bác và lòng yêu chủ nghĩa thì thật không có cơ man nào mà nói hết được. Suốt cả bao thế hệ thanh thiếu niên cho tới giờ này cũng chỉ được giảng dạy hay tuyên truyền kiểu như thế. Cho nên nếu gặp hoàn cảnh nào đó nước tới trôn thì khó mà trở bộ lại được. Sự hụt hẫng chính trị, sự hụt hẫng nhân tài, sự hút hẫng ý thức yêu nước chính đáng, giá trị, khách quan và thiết yếu nhất kiểu như thế, thật sự làm cho mọi người có ý hướng ưu thời mẫn thế chỉ càng thêm bối rối, ngao ngán và thất vọng mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét