Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Chiến lược cờ vây của Trung Quốc ở Biển Đông


Bài viết của tác giả Alexander Vuving – Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương (APCSS). Bài viết của được đăng lần đầu tiên trên trang Indo-Pacific Review.

            


Người phương Tây nói chung thường khó nhận ra các động thái chiến lược của Bắc Kinh vì họ có thiên hướng nhìn nhận trò chơi giữa các quốc gia theo tư duy của một ván cờ vua. Trong khi đó, các nhà quan sát chiến lược Trung Quốc lâu năm như Henry Kissinger và David Lai thì cho rằng Trung Quốc vận dụng thuật cờ vây trong phần lớn các mối quan hệ đối ngoại của nước này.


Cờ vây là trò chơi lâu đời và nổi tiếng nhất ở Trung Quốc. Giống như tên gọi của nó, cờ vây là trò chơi bao vây; còn cờ vua là trò chơi chiếu tướng…quyền uy của quân cờ chính là vị trí mà nó được đặt trên bàn cờ. Nếu cách chơi của cờ vua là nhằm tích tụ sức mạnh quân ta và làm suy yếu sức mạnh đối phương; thì cờ vây là nhằm chiếm giữ và sử dụng những vị trí chiến lược quan trọng.

Các nhà quan sát quốc tế sử dụng lăng kính của cờ vua sẽ khó nhận ra được các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông. Các quân tốt được đẩy ra phía trước, nhưng các quân cờ khác mạnh hơn thì ít được sử dụng. Quân cờ mạnh nhất trên bàn cờ là căn cứ tàu ngầm hạt nhân Du Lâm (Yulin) phía nam đảo Hải Nam. Tuy nhiên, căn cứ này lại không nằm trong khu vực tranh chấp. Quân đội ít khi can dự vào tranh chấp, mà chủ yếu là các tàu cá và tàu vũ trang hạng nhẹ của chính phủ. Đối tượng tranh giành chủ yếu lại là những bãi đá nhỏ, cằn cọc và thường chìm dưới mặt nước.

Rõ ràng, nếu nhìn trò chơi này từ góc độ cờ vua, thì một nhà ngoại giao kỳ cựu đã cho rằng, “các cường quốc không gây chiến với nhau vì những bãi đá,” còn một nhà phân tích hàng đầu thì kết luận rằng “căng thẳng giữa một cường quốc đang trỗi dậy và các nước láng giềng là tự nhiên và không tạo ra mối nguy lớn đối với cân bằng quyền lực toàn cầu, và thậm chí không ảnh hưởng gì đến sự vận hành bình thường của hệ thống quốc tế.”

Nhưng trong con mắt của người chơi cờ vây, những gì Trung Quốc đã và đang làm ở Biển Đông là một ví dụ điển hình về thuật chơi cờ vây. Mục tiêu cuối cùng là giành kiểm soát khu vực. Chiến dịch để đạt được mục tiêu này không dựa vào các trận chiến có sự tham gia của của các quân cờ hùng mạnh như trong cờ vua, mà dựa vào việc bành trướng dần dần. Đây là một chiến dịch kéo dài hàng thập kỷ. Logic cơ bản là dần thay đổi mọi thứ theo hướng có lợi cho sự thống trị của Trung Quốc bằng việc kín đáo điều khiển sự bố trí chiến lược (strategic configuration) của toàn khu vực.

Chiến lược này cần đến một số điểm mấu chốt sau:
(i) càng tránh được chiến sự càng tốt; đụng độ chỉ xảy ra khi cần phải tận dụng một tình huống có lợi.
(ii) kiểm soát những vị trí chiến lược nhất trên biển; nếu chưa sở hữu được thì phải chiếm các vị trí này một cách lén lút nếu có thể, và trong phạm vi một cuộc xung đột nhỏ nếu cần thiết.
(iii) xây dựng các vị trí này thành những điểm kiểm soát vững chắc, phát triển thành các trung tâm hậu cần và cơ sở phát huy sức mạnh hiệu quả.

Sáu thập kỷ bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông kể từ những năm 1950, đã cho thấy họ tuân thủ rất chặt chẽ các yêu cầu trên.

Dù sẵn sàng chấp nhận tham gia vào đối đầu quân sự nhưng Trung Quốc thường tránh sử dụng các trận chiến vũ trang quy mô lớn để mở rộng vùng kiểm soát của mình. Trong số các cuộc chiến giành giật lãnh thổ trong sáu thập kỷ qua, chỉ có hai vụ liên quan đến đụng độ vũ trang. Cuộc đụng độ thứ nhất diễn ra vào tháng 1/1974 với Việt Nam Cộng hòa và kết cục là Trung Quốc chiếm nhóm Lưỡi Liềm (Crescent Group) – phần phía Tây của Quần đảo Hoàng Sa từ Việt Nam Cộng hòa. Cuộc đụng độ thứ hai có quy mô nhỏ hơn nhiều, nhưng không kém phần đẫm máu – đánh chiếm Đá Gạc Ma (Johnson South Reef) của Việt Nam vào tháng 4/1988.

Điều đáng lưu ý về hai cuộc đối đầu này là đều xảy ra vào thời điểm xuất hiện khoảng trống quyền lực ở khu vực. Trong cuộc đối đầu thứ nhất, Mỹ đang rút khỏi khu vực; và cuộc thứ hai, Liên Xô rút khỏi khu vực. Trong cả hai vụ việc, Trung Quốc đều nhận được sự đồng thuận ngầm của Mỹ, chủ thể mạnh nhất ở Châu Á – Thái Bình Dương). Vì thế, các xung đột quân sự ít gây ra các hệ quả về ngoại giao.

Điểm mấu chốt thứ hai được phản ánh trong việc Trung Quốc lựa chọn địa điểm để chiếm đóng ở khu vực tranh chấp. Khi Trung Quốc cạnh tranh với Việt Nam để giành quyền hiện diện ở Quần đảo Trường Sa năm 1988, Trung Quốc đã chấp nhận đổi số lượng lấy chất lượng. Trung Quốc chiếm 6 bãi đá, so với con số 11 của Việt Nam. Nhưng năm trong số sáu bãi đá đó là những thực thể có vị trí chiến lược nhất trên Quần đảo Trường Sa.

Lựa chọn đầu tiên của Trung Quốc ở Quần đảo Trường Sa là Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), một trong những điểm tốt nhất ở Trường Sa nếu xét cả về vị trí lẫn tiềm năng cải tạo đất. Đá Chữ Thập nằm ở một địa điểm lý tưởng nơi cửa ngõ phía tây của Quần đảo Trường Sa, và là một trong số ít các đảo ở Trường Sa tiếp xúc với các tuyến đường vận tải chính xuyên đại dương đi qua Biển Đông. Vị trí không quá xa nhưng cũng không qua gần các nhóm đảo khác khiến nó một mặt giảm nguy cơ bị tấn công, mặt khác dễ mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Ngoài các lợi thế này, Đá Chữ Thập còn chiếm một diện tích khoảng 10 km2, một trong những thực thể lớn nhất ở Quần đảo Trường Sa.

Bốn trong số năm bãi đá còn lại (bao gồm Đá Su Bi (Subi Reef), Đá Ga Ven (Gaven Reef), Đá Gạc Ma (Johnson South Reef) và Đá Châu Viên (Cuarteron Reef)), nằm ở rìa của bốn nhóm đảo khác nhau, từ đó có thể kiểm soát một vùng biển rộng lớn và các tuyến đường biển quan trọng đi vào các nhóm đảo. Hai thực thể khác mà Trung Quốc chiếm giữ sáu đó cũng có giá trị chiến lược lớn – Đá Vành Khăn (Mischief Reef) và Bãi cạn Scarborough. Đá Vành Khăn, thực thể Trung Quốc lén lút chiếm từ tay Philippin năm 1995, nằm ở trung tâm của cánh phía đông của Quần đảo Trường Sa và gần với tuyến đường biển dọc phía đông Biển Đông. Còn Bãi cạn Scarborough, vốn từ năm 2012 đã thuộc quyền kiểm soát thực tế của Trung Quốc, nằm ở góc đông bắc Biển Đông, và là tiền tiêu lý tưởng để giám sát các tuyến vận tải biển chính qua khu vực.

Chiếm giữ được Quần đảo Hoàng Sa, Bãi cạn Scarborough và một số thực thể có vị trí chiến lược ở Quần đảo Trường Sa, Trung Quốc có ưu thế hơn so với các nước trong việc kiểm soát Biển Đông. Ví dụ, đảo Phú Lâm (Woody island), Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Bãi cạn Scarborough hợp thành hình bốn điểm có bán kính 250 hải lý, có thể giám sát toàn bộ Biển Đông.

Điều đó có nghĩa là những gì Trung Quốc cần tiến hành để làm chủ ở Biển Đông chỉ là cố gắng xây dựng những nơi này thành các căn cứ vững chắc, và triển khai nhiều loại tàu bè, cả quân dự và phi quân sự, cả trên và dưới mặt nước, và máy bay, cả có người lái và không người lái, đến khu vực. Những căn cứ này sẽ là nơi hỗ trợ hậu cần cho tàu bè và máy bay mà Trung Quốc triển khai.

Đây chính xác là những gì mà Trung Quốc đang tiến hành. 60 năm trước, từ một bãi cát không người ở nay Đảo Phú Lâm đã có tới hơn 1.000 cư dân và quân đội. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho dân sự và quân sự bao gồm một sân bay 2.700m với một đường bay và đường bộ song song, cho phép 8 máy bay thế thệ thứ tư như máy bay chiến đấu Su-30MKK và máy bay ném bom JH-7 cất hạ cánh cùng lúc; và một cảng nước sâu dài 1.000m có thể cho tàu 5.000 tấn neo đậu.

Ở phía nam Quần đảo Trường Sa, từ năm 2013, Trung Quốc đã thực hiện cải tạo với quy mô lớn để biến các bãi đá mà nước này chiếm đóng thành các đảo nhân tạo. Trong khi truyền thông quốc tế hướng chú ý tới Đá Gạc Ma, thì dự án cải tạo đất có thể tác động lớn nhất là ở Đá Chữ Thập.

Từ một bãi đá chìm tự nhiên, Đá Chữ Thập nay sẽ trở thành đảo lớn nhất ở Trường Sa. Sau dự án này, với diện tích đất khoảng 2 km2, Đá Chữ Thập thành sẽ lớn gấp 4 lần so với Đảo Ba Bình – hòn đảo tự nhiên lớn nhất ở Quần đảo Trường Sa. Diện tích đất mở rộng này sẽ cho phép xây dựng trên Đá Chữ Thập một sân bay 2.500m; một cảng biển 5.000 tấn; các trạm ra-đa; hệ thống tên lửa chống tàu đất đối không tầm trung đến tầm xa; các nhà kho và công trình dịch vụ khác có khả năng phục vụ cho hàng trăm tàu cá, tàu tuần tra, tàu chiến và máy bay chiến đấu.

Với hệ thống các đảo cải tạo có vị trí chiến lược này, Trung Quốc có tiềm năng lớn hơn so với bất kỳ cường quốc nào trong việc giành ưu thế về hải quân và không quân ở Biển Đông. Mặc dù còn chặng đường dài phía trước, song cũng không khó tưởng tượng ra viễn cảnh trong 2 thập kỷ tới là, Bắc Kinh sẽ rải đầy các căn cứ trên Biển Đông, từ Quần đảo Hoàng Sa ở tây bắc tới Đá Vành Khăn ở đông nam, và từ Bãi cạn Scarborough ở đông bắc tới Đá Chữ Thập ở tây nam.

Nếu thuật cờ vây trên đây là đúng, và nếu các đối thủ của Trung Quốc không có các biện pháp đối phó hiệu quả, Bắc Kinh sẽ trở thành vị chúa tể mới ở Biển Đông, và kết quả là một nước bá quyền mới ở Châu Á ra đời. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét