Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

Trung Quốc: ý nghĩa đàng sau bức tranh sơn dầu của Liu Yi

Nguyên Trương
                     

 Bức tranh sơn dầu này là tác phẩm của Liu Yi, một người Trung Quốc sống tại Canada. Bức tranh được thực hiện ở New York vào ngày 6 tháng 3 năm 2005 với tiêu đề “Bắc Kinh 2008″. Bức tranh vẽ cảnh bốn thiếu nữ ngồi chơi mạt chược với nhiều ẩn ý. Tấm hình này xuất hiện lần đầu cách nay đã 8 năm, nhưng những ẩn ý của nó vẫn mang tính thời sự.

Cô gái với hình xăm trên lưng tượng trưng cho Trung Quốc. Cô gái tập trung cao độ ngồi bên trái là Nhật Bản. Cô mặc áo ngồi đối diện với Trung Quốc là Mỹ. Cô nằm khêu gợi bên phải là Nga. Cuối cùng, cô gái nhỏ đứng ngoài là Đài Loan.



Mấy quân “Đông Phong” trên bàn của Trung Quốc có ý nghĩa kép. Thứ nhất, nó thể hiện sự hồi sinh của Trung Quốc như một cường quốc thế giới (gió đông nổi lên.) Thứ hai, nó biểu thị sự sức mạnh quân sự và vũ khí mà Trung Quốc sở hữu (tên lửa Đông Phong mà Trung Quốc đã thử nghiệm thành công.) Trung Quốc dường như có vị trí tốt, nhưng ta không thấy được những quân bài còn lại. Ngoài ra, cô này còn giấu vài quân bài phía sau.

Mỹ trông có vẻ tự tin khi mới nhìn lướt qua. Cô này đang đưa mắt nhìn Đài Loan, vừa như thăm dò, vừa như gợi ý gì đó.

Nga trông có vẻ không mặn mà với trò chơi, nhưng thật ra không phải vậy. Cô chạm chân tình tứ vào Mỹ, nhưng lại chuyền bài cho Trung Quốc ở phía bên kia. Dường như cứ cái gì có lợi cho đôi bên là cô làm, bất kể đi đêm với ai.

Nhật quá tập trung nên không quan tâm đến những gì đang xảy ra xung quanh. Chính vì vậy cô không biết những gì đang diễn ra ảnh hưởng đến mình thế nào.

Đài Loan mặc một chiếc áo yếm đỏ truyền thống của Trung Hoa, tượng trưng cho sự thừa kế thực chất của nền văn hóa này. Cô này cầm đĩa trái cây bên tay phải, nhưng cầm dao bên tay phía sau. Cô nhìn Trung Quốc với vẻ oán giận và buồn bã, nhưng chẳng làm gì được. Cô ở đây không phải để chơi bài mà chỉ để phục vụ trái cây.

Bên ngoài căn phòng, bờ sông tối đi vì đám mây báo hiệu giông bão đang tới, giống như tình trạng căng thẳng trong khu vực. Trong nhà, bức tranh trên tường có hình Mao, nhưng với bộ ria mép của Tôn Trung Sơn và đầu hói của Tưởng Giới Thạch (có lẽ tác giả ngụ ý hình thức cộng sản che đậy thực chất tư bản và dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc.)

Trang phục của bốn thiếu nữ chơi bài tượng trưng cho tình hình của bốn nước. Trung Quốc ở trần, mang váy và quần lót. Mỹ mang áo ngoài đầy đủ nhưng phần dưới không còn gì. Nga chỉ còn tấm đồ lót hờ hững. Nhật thì khỏa thân hoàn toàn. Mới nhìn qua, Mỹ có vẻ như chỉn chu nhất, trong khi ba cô kia đã khỏa thân một phần hay toàn bộ. Tuy nhiên Mỹ chỉ trông sang trọng vậy thôi, chứ thật ra đã lộ điểm yếu ra ngoài. Trung Quốc và Nga tuy có vẻ trần trụi, nhưng chỗ kín vẫn được che đậy.

Giả sử cuộc mạt chược này chơi như chơi bài “lột đồ”, nếu Trung Quốc thua, cô sẽ mất váy và trông như Nga (tương tự như khi Liên Xô tan rã.) Nếu Mỹ thua, cô cũng tan hoang như Nga bây giờ. Nếu Nga thua, cô sẽ cởi hẳn, mất hết như Nhật vậy. Chỉ cần một lần thua nữa thôi, Nhật sẽ phải ra rìa. Nga trông có vẻ hờ hững như là một tay bài tham gia cho đủ tụ. Thật ra Nhật mới là tay phụ, trong khi Nga vẫn tích cực vuốt ve Mỹ và đi đêm với Trung Quốc.

Tóm lại, Mỹ nhìn đẹp nhất, nhưng thật ra đang gặp nguy hiểm. Nếu thua ván này cô ta sẽ mất vai trò siêu cường trên thế giới. Nga nham hiểm khi đi đêm với cả hai, rất giống Trung Quốc thời sau thế chiến (hết dựa vào Liên Xô lại dựa vào Mỹ để tồn tại và phát triển.) Trung Quốc còn nhiều quân bài ẩn, có thể có át chủ bài trong đó, và sẵn sàng tráo bài với Nga dưới gầm bàn. Mỹ chỉ có thể đoán các cuộc đổi chác này qua những biệu hiện của Đài Loan. Cô này nhìn cuộc cờ một cách lạnh lùng từ bên lề. Cô thấy hết và hiểu hết những gì các cô kia đang làm trong cuộc sát phạt, nhưng cô không được phép tham gia (còn quá nhỏ?) Cô thậm chí cũng không có quyền lên tiếng khiếu nại mà chỉ đứng đó, chờ dâng trái cây cho người thắng cuộc.

Rõ ràng người chiến thắng chỉ có thể là Trung Quốc hoặc Mỹ! Nhưng các cô đang chơi mạt chược chứ không phải bài tây. Chơi mạt chược, theo luật Trung Quốc, liệu Mỹ có bao nhiêu cơ hội chiến thắng?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét