Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

Ðấu đá giữa đảng và chính quyền khó tránh một chính biến tại Hà Nội


Lý Ðại Nguyên



                               

Ðại Tướng Phùng Quang Thanh và các cộng sự. Quân đội Việt Nam nay kiêm nhiệm thêm việc “xử lý chính trị.” 


Quân đội Việt Nam xử lý an ninh chính trị, tựa đề một bản tin của mạng BBC, ngày 17 tháng 6, 2013, về việc “Ðảng Cộng Sản Việt Nam vừa chỉ đạo cho quân đội phải nâng cao năng lực điều hành và chỉ huy, nhằm xử lý các tình huống về an ninh chính trị ở các địa phương đồng bộ và hiệu quả.”

Ðặc biệt, đây không phải là lời phát biểu của Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng, bí thư Quân Ủy Trung Ương, hay Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Quốc Phòng, phó bí thư quân ủy, mà là Ðinh Thế Huynh, ủy viên Bộ Chính Trị, trưởng ban Tuyên Giáo Trung Ương đã phát biểu tại lễ khai mạc lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh tại Học Viện Quốc Phòng hôm 17 tháng 6, 2013 về mục tiêu xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân. Công tác này được triển khai từ cấp bộ, ngành xuống các địa phương. Ðinh Thế Huynh nói, “Ðặc biệt, hai lực lượng quân đội và công an có nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng an ninh ở các địa phương nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.” “Mục tiêu bảo vệ tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, cùng hội nhập quốc tế.”


Ðọc mẩu tin nhỏ này, thì chẳng thấy gì là quan trọng cả, nên các cơ quan truyền thông trong, ngoài nước không mấy chú ý. Nhưng nếu nhìn sâu vào nội tình tranh chấp quyền lực giữa các bè nhóm trong đảng giữa “phe Ðảng Quyền và phe Chính Quyền,” từ Hội Nghị Trung Ương 4, 5, 6, 7, cho tới màn bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc Hội bù nhìn thì mới thấy phe Nguyễn Phú Trọng và Ðảng Quyền Bảo Thủ thân Tàu đã nỗ lực không ngừng, hết tìm đồng thuận trong Bộ Chính Trị, tới vận động Trung Ương Ðảng và cả Quốc Hội nữa, để loại bỏ phe Chính Quyền Tham Nhũng thân Mỹ của Nguyễn Tấn Dũng, mà cái ghế thủ tướng nhiều quyền lực và nắm túi tiền nhà nước, vẫn không hề hấn gì.

Trái lại Nguyễn Tấn Dũng, ngày càng nổi bật trên chính trường quốc tế, nhất là ở Hội Nghị An Ninh Khu Vực - Ðối Thoại Shangri -La 2013, được đọc diễn văn hướng dẫn cuộc đối thoại, và nói lên lập trường chung của các nước trong khu vực, như: “Các nước trong khu vực coi trọng vai trò của Trung Quốc và Hoa Kỳ và ủng hộ hành động của hai cường quốc này, nếu như chiến lược và việc làm của Washington và Bắc Kinh tuân thủ pháp luật quốc tế, tôn trọng chủ quyền của các quốc gia.” Dũng cũng không quên ám chỉ về hành vi bá quyền của Trung Cộng, rằng:

Ðâu đó có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền.” Bài phát biểu đã được các nước tham dự hội nghị đánh giá cao. Trong dạ tiệc sau đó Nguyễn Tấn Dũng đã gặp gỡ Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Chuck Hagel để trao đổi về bang giao giữa Việt-Mỹ.

Có lẽ vì vai trò thủ tướng của Nguyễn Tấn Dũng và thế mạnh của phe Chính Quyền tham nhũng hiện nay đang vượt lên trên phe Ðảng Quyền bảo thủ, nên cả Nguyễn Phú Trọng lẫn quan thầy Tầu của Trọng, đã tung lực lượng tổng trừ bị là quân đội được sự huấn luyện của Trung Cộng vào chính trườngViệt Nam. Trên danh nghĩa là hai lực lượng quân đội và công an có nhiệm vụ: “Xây dựng thế trận quốc phòng an ninh ở các địa phương, nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.”

Nhưng thực tế là quân đội do Nguyễn Phú Trọng trực tiếp lãnh đạo, kết hợp với hệ thống truyền thông, do Ðinh Thế Huynh điều khiển, khống chế luôn lực lượng công an côn đồ của phe Nguyễn Tấn Dũng, vừa để đủ sức mạnh đàn áp những người yêu nước, chống Trung Cộng xâm lược và chống đảng Việt Cộng, đòi Ðân Chủ Hóa, tự do, nhân quyền, hình thành chế độ Quân Quản, cuối cùng lấy lý do diệt tham nhũng, loại bỏ Nguyễn Tấn Dũng và phe nhóm để tái lập hệ thống Ðảng Quyền độc tài toàn trị trên khắp mặt chính quyền, chính trị, văn hóa, xã hội và dân sinh như từ trước tới nay.

Thực ra việc loại bỏ bọn công an côn đồ và bọn tham nhũng ra khỏi hệ thống công quyền thì ai chẳng muốn, nhưng tái lập hệ thống Ðảng Quyền: Ðộc Tài, Ðộc Ác, Toàn Trị vốn là cái gốc của hệ thống tham nhũng và lại làm nô lệ cho cộng sản Tầu, dẫn đến thảm họa Hán Hóa Việt Nam thì toàn dân Việt Nam và cả thế giới đều không chấp nhận.

Thế nên, phe Chính Quyền tham nhũng và bọn công an côn đồ của Nguyễn Tấn Dũng dù chẳng ai ưa, nhưng nếu bỏ lên cân thì vẫn nhẹ tội hơn phe Ðảng Quyền toàn trị lạc hậu, ngu si, bán nước cho kẻ thù truyền kiếp là Trung Cộng nhiều lắm. Vậy là Nguyễn Tấn Dũng và phe Chính Quyền tham nhũng vẫn còn đất trở mình, nếu biết bám vào những nơi cần bám. Ngay lúc này nhà cầm quyền Nguyễn Tấn Dũng còn chưa bị thế lực quân đội của Nguyễn Phú Trọng và phe truyền thông của Ðinh Thế Huynh khống chế hoàn toàn, lập tức phóng thích hết tù chính trị, tôn giáo, và ngôn luận để vận động dư luận quốc dân, quốc tế và chính giới, chính quyền Mỹ hỗ trợ, đặt Tập Cận Bình vào thế phải tôn trọng những thỏa thuận đã đạt được với Tổng Thống Obama về việc: Hai quốc gia có thể xây dựng một mô hình mới của các quan hệ nước lớn.” Mà đã là một nước lớn, theo quan niệm của Hoa Kỳ và chính quyền Obama, thì phải có trách nhiệm tôn trọng những luật pháp quốc tế, tạo môi trường và giúp đỡ các nước nhỏ có cuộc sống an ninh và hòa bình phát triển trong khu vực và thế giới, không dùng sức mạnh kinh tế, quân sự, chính trị để uy hiếp, hay thiết lập ảnh hưởng bá quyền trên các nước khác. Chính vì vậy, mà có thể buộc Trung Cộng không được nhúng tay vào các cuộc chính biến khó tránh khỏi ở các nước chưa được Dân Chủ Hóa như ở Việt Nam.

Biết đâu, một ngày nào đó, ông Tập Cận Bình dù đang nắm trọn quyền lãnh đạo Hoa Lục, mà lại chẳng phải nhờ tới những chuyển biến tại Việt Nam để giải quyết những khó khăn trong nội bộ, như Mao Trạch Ðông phát động cuộc Cách Mạng Văn Hóa, tiêu diệt phe thân Liên Xô vào năm 1966, cũng là lúc quân đội Mỹ vừa có mặt tại chiến trường Việt Nam, khiến Liên Xô không dám dùng sức mạnh quân sự làm áp lực lên Trung Cộng, cuối cùng tiến tới việc Mỹ-Hoa đề huề năm 1972. Từ đó nước Trung Hoa của Mao Trạch Ðông dù còn theo chế độ cộng sản, vẫn được độc lập, thoát khỏi sự chi phối của Liên Xô. Rồi Ðặng Tiểu Bình đẩy mạnh việc hợp tác với Mỹ để đặt nền móng cho việc áp dụng kinh tế cởi mở. Giang Trạch Dân tiến vào kinh tế thị trường tự do. Ðến Hồ Cẩm Ðào, kinh tế và quân lực Trung Hoa tiến vượt mức vì có cơ hội họp tác với Mỹ về việc chống khủng bố toàn cầu. Nhưng lại để lộ ra tham vọng đế quốc Ðại Hán bành trướng, bất chấp luật pháp quốc tế, đòi chiếm cả Biển Ðông Nam Á, và Biển Hoa Ðông của Nhật Bản, tạo thuận lợi cho Mỹ xoay trục chiến lược về Châu Á, nay làm cho nhẹ bớt, nên gọi là kế hoạch tái cân bằng khiến cho Tập Cận Bình dễ dàng hợp tác với Mỹ, kể cả về mặt quân sự để “Xây dựng một mô hình mới của quan hệ nước lớn.” Thế mà nay, Tập Cận Bình lại vẫn theo lối cũ, giúp cho Nguyễn Phú Trọng tái lập Ðảng Quyền loại bỏ Nhân Quyền và loại ảnh hưởng của Mỹ ra khỏi Việt Nam, thì đúng là Tập Cận Bình tự phế bỏ “võ công” của mình rồi. Sự thật, không chỉ ở Việt Nam, mà tình thế Trung Hoa cũng vẫn có bàn tay của siêu cường Mỹ, trực tiếp hoặc gián tiếp nhúng vào. Nhất là hiện nay Mỹ đã quyết liệt xoay trục chiến lược về Châu Á-Thái Bình Dương thì đừng có dại, mà bơi ngược dòng Nhân Quyền của Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét