Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

“không có cảnh người bóc lột người.”

Mạc Nhân            

                 

Xã hội tự do dân chủ không hứa hẹn điều mà xã hội cộng sản hứa hẹn: “không có cảnh người bóc lột người.”

Ngày nào con người còn tham sân si, ngày đó thế gian còn sự bất công. Thể chế chính trị không thể giải quyết được tất cả những sự bất công này.

Xã hội tự do dân chủ chỉ hứa hẹn một điều “mọi người bình đẳng và được quyền mưu cầu hạnh phúc” như Thomas Jefferson đã viết trong Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ vào năm 1776, và Hồ Chí Minh nhắc lại trong Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam vào năm 1945.

Vì thế, xã hội tự do dân chủ ra sức xây dựng những cơ chế như tam quyền phân lập, tự do báo chí nhằm mục đích bảo vệ một cách tương đối sự “bình đẳng” và “quyền mưu cầu hạnh phúc” của mỗi người. Tương đối, bởi vì sự mưu cầu hạnh phúc của người này sẽ ảnh hưởng đến sự mưu cầu hạnh phúc của người khác. Con người không thể có con mắt của thượng đế để thấy hết những sự lừa lọc, hiếp đáp, bất công đằng sau những quan hệ “mưu cầu hạnh phúc” để xét xử một cách tuyệt đối công minh.


Nền công lý của xã hội tự do dân chủ chỉ hứa hẹn rằng nó sẽ cố gắng cải tiến, điều chỉnh từng ngày, qua tiến trình rất chậm chạp của luật pháp và dân chủ. Nó không hứa hẹn giải quyết tất cả những bất công trong vòng một ngày, một tháng, một năm, một đời người, một thế hệ, hay nhiều thế hệ, nó chỉ hứa hẹn rằng sẽ được giải quyết. Nhanh hay chậm là tùy thuộc vào lòng hướng thiện và nghị lực của những con người trong xã hội đó…

Mặc dù chậm chạp, nhưng xã hội được điều chỉnh để ngày càng tốt đẹp hơn. Nước Mỹ giải quyết được các vấn nạn người da đen, người da đỏ, hồi phục quyền công dân, xin lỗi cách đối xử với người dân Mỹ gốc Nhật trong đệ nhị thế chiến. Ngay cả chiến tranh Việt Nam, khi thất bại, họ sẵn sàng nhìn nhận và thành tâm mổ xẻ vấn đề để tìm hiểu và cải thiện cho tương lai. Có thể những giải quyết chưa rốt ráo toàn vẹn, nhưng đó là một hành trình không chấm dứt của việc đi tìm cái tuyệt đối với giới hạn của những cái tương đối.

Kiến tha lâu đầy tổ, ở những xã hội có nền móng tự do dân chủ lâu đời, xã hội tương đối công bằng và tiến bộ hơn.

Xã hội tự do dân chủ cho phép mỗi cá nhân cơ hội bình đẳng như nhau trong việc đóng góp tác động thay đổi xã hội. Trên phương diện quốc tế, nếu nền dân chủ Thái lan không hiệu quả bằng nền dân chủ Mỹ, điều đó không tiết lộ gì nhiều về bản chất của xã hội tự do dân chủ, mà chỉ tiết lộ về nền tảng văn hóa dân chủ khác biệt của hai dân tộc mà thôi. Trên phương diện quốc gia, sự khác biệt giàu nghèo, văn minh hay hạ đẳng cũng là do sự khác biệt của mỗi cá nhân trong quốc gia đó. Sự tiến hóa luôn luôn là cạnh tranh, và tạo hóa sẽ không thể ưu ái chờ đợi những kẻ Hạ Đẳng nếu chúng không tự cố gắng. Có những cái phải bị Tạo hóa loại bỏ vì sự cản trở, sẽ không có đủ chỗ cho tình thương khi nhìn về tương lai. Nhiệm vụ của triết học và của chế độ chỉ là giúp con người nhận ra mình – tiến về phía Con Người – tiến về tầng lớp thượng đẳng.

Vẻ ra một thiên đường mà ở đó người giàu cũng như người nghèo “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” là một cái bánh vẽ quan trọng và cần thiết nhất để một kẻ mị dân lão luyện có tập họp quanh mình một nhóm cố kết những người ủng hộ. Bản chất của con người là dễ dàng đồng thuận trên cơ sở một cương lĩnh mang tính tiêu cực – chí căm thù giặc, lòng ghen tức với những kẻ khá giả hơn mình – hơn là trên cơ sở một nhiệm vụ mang tính tích cực. Sự tương phản giữa “chúng ta” và “chúng nó”, cuộc chiến đấu chống lại những kẻ nằm bên ngoài “tập thể chúng ta” có vẻ như là chất kết dính chủ yếu trong mọi giáo lí, chính nó sẽ gắn chặt người ta thành một nhóm cho những hành động chung. Chế độ Cọng Sản, cơn điên của xã hội loài người đã hình thành và tồn tại cũng bởi có những kẻ biết lợi dụng bản chất tiêu cực này.

Những kẻ CS cầm đầu muốn săn tìm không chỉ sự ủng hộ về mặt chinh trị mà còn săn tìm lòng trung thành vô điều kiện của quần chúng đã cố tình lợi dụng cái phần tiêu cực đó trong bản chất của con người cho mục đích của mình. Theo họ thì các cương lĩnh tiêu cực có ưu điểm là dành cho họ quyền tự do hành động hơn bất kì cương lĩnh tích cực nào. Họ tạo dựng nên một hình ảnh kẻ thù của đám đông cần lao, bất kể ở bên ngoài (ngoại bang xâm lược) hay bên trong (tầng lớp địa, phú, hào, tư sản mại bản…), tất cả đều là một trong những phương tiện thiết yếu trong kho vũ khí giúp họ kích động quần chúng giành chính quyền trao vào tay họ. Lấy một ví dụ điển hình về phong trào “cải cách ruộng đất” ở nước ta. Than ôi! có biết bao những người con yêu nước, những bầu nhiệt huyết, những nhân tài, những đảng phái tiến bộ, một lực lượng trí thức đông đảo, đa dạng và sáng suốt, xứng đáng làm “chất liệu nền” cho công cuộc dân chủ đúng đắn của nước nhà trong tương lai, phút chốc lạc vào mê cung của những tiểu xảo kích thích quần chúng nông dân, rơi sụp vào những sự “nhân danh những điều cao đẹp”, để rồi chết gần hết trong nổi oan uổng, đau đớn của bóng đêm “cải cách”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét