Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

Về đạo Khổng và tham nhũng, dân chủ và trịch thượng (2)

Cuộc đấu tranh của các tư tưởng


Andreas Lorenz


Ba Cơ dịch


Chậm nhất là kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008, chính khách và khoa học gia bắt đầu thảo luận về cái được gọi là Đồng thuận Bắc Kinh và Đồng thuận Washington. Trung Quốc đã phát triển một hệ thống có thể “thịnh vượng mà không cần đến những giá trị và chuẩn  mực của Chủ nghĩa Tự do phương Tây”, như giáo sư người Mỹ Stefan Halper đã nói, người hết sức quan tâm đến cuộc tranh luận này. “Đồng thuận Bắc Kinh” đã gây ra một cuộc cạnh tranh ý thức hệ trên toàn thế giới. “Sức thu hút đang tăng lên của mô hình chính phủ Trung Quốc làm giảm đi sức thu hút đấy của phương Tây”, Halper suy luận, nó khiến cho “ý tưởng của chúng ta về xã hội và chính phủ kém quan trọng đi”.[1] Halper nhìn thấy một “cuộc đấu tranh của các tư tưởng” trên toàn thế giới, cái cũng hiện diện trong chính sách ngoại giao. Tức là: Trung Quốc quan hệ theo một chính sách thuần túy vì lợi ích và giao dịch với những nước khác mà không cần có điều kiện tiên quyết.

Cái được gọi là Đồng thuận Washington đứng ngược lại. Nó phản ánh ngoài những nơi khác là qua chính sách của những tổ chức do USA và châu Âu chiếm ưu thế như Ngân hàng thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), những tổ chức liên kết các chương trình giúp đỡ và tài trợ của họ với những điều kiện chính trị nhất định. Ngân hàng thế giới yêu cầu các chính phủ hỏi vay phải minh bạch, đấu thầu công khai và quản lý tiền bạc một cách hợp lý. Trong những chương trình cứu trợ, IMF lại yêu cầu phải tiết kiệm nhiều hơn, cải tổ hệ thống thuế và chi nhiều tiền hơn nữa cho đào tạo và y tế.

Thuộc bài bản của các quốc gia phương Tây trong những năm vừa qua đặc biệt là trừng phạt các chính phủ độc tài, như ở Triều Tiên, Zimbabwe hay Myanmar. Tuy vậy, họ lại đặt ra hai thước đo: tại các quốc gia quan trọng về mặt chiến lược như Ả Rập Saudi, Ai Cập, Jordan hay Pakistan, người Mỹ cũng như người Âu đều nhắm mắt trước những vi phạm nhân quyền rõ rệt và trước một giới lãnh đạo vô cùng phi dân chủ. Vì thế mà đúng là họ phải gánh chịu lời lên án về một đạo đức nước đôi. Các thước đo được đặt xuống một cách hoàn toàn khác nhau này được quan sát chăm chú ở châu Á và nhiều lần đã được đánh giá như là bằng chứng cho việc rằng các yêu cầu phải coi trọng nhân quyền và lời kêu gọi tôn trọng các giá trị chung chỉ là một vũ khí trong cuộc tranh giành thị trường và quyền thống trị. 

"Các anh đến đây trên những con ngựa cao của các anh như những người hiệp sĩ da trắng, phi ngựa, phi ngựa, và tin là phải giải phóng các dân tộc nghèo khổ ra khỏi những người lãnh đạo xấu xa của họ. Thật ra thì dưới lớp vỏ bọc dân chủ và nhân quyền, các anh chỉ theo đuổi những lợi ích ích kỷ của các anh mà thôi. Chúng tôi nhìn thấu được đạo đức nước đôi của các anh”, người trước đây là Permanent Secretary của Bộ Ngoại giao Singapore, Kishore Mahbubani, khiển trách.[2] 

Niềm mong muốn được tôn trọng và công nhận nhiều hơn, không có những lời giảng dạy về ưu thế của hệ thống riêng của mình, phổ biến rộng khắp ở châu Á. Người dân của nó phản ứng rất nhạy trước sự kiêu ngạo và thái độ thầy giáo của phương Tây. Một nhà môi giới đầu tư người Trung Quốc, học trung học ở Anh Quốc, đại học ở USA, mô tả cảm tính đấy qua một ví dụ: ông ấy tường thuật về số phận của mẹ ông, sinh ra ở Malaysia, được một chiếc tàu của Mỹ cứu thoát khi thuyền của bà chìm, nhưng vì là người châu Á – khác với những người Âu và Mỹ cùng cảnh ngộ – nên những người cứu bà đã không cho phép bà xuống dưới boong tàu vào trong phòng. Điều đấy, ông ấy nói, không bao giờ được phép tái diễn với người châu Á nữa.[3]

____________
[1] Stefan Halper: “The Bejing Consensus”, Basic Books, New York, 2010 
[2] “Schluss mit den Belehrungen” ["Hãy chấm dứt những lời giảng dạy"], Der Spiegel, 21/2008 
[3] Andreas Lorenz, Jutta Lietsch: “Das andere China” ["Trung Quốc kia"], nhà xuất bản wjs, Berlin, 2007


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét