Trung Quốc chinh phục châu Phi và giới tỷ phú
Andreas Lorenz
Ba Cơ dịch
Trong những năm vừa qua, sức mạnh kinh tế mới đã mang lại cho Trung Quốc nhiều sự tôn trọng và thanh thế hơn: trước hết là ở châu Phi và châu Mỹ La tinh, Trung Quốc đã thành công trong việc gắn kết những mối quan hệ chặt chẽ. Công ty nhà nước và ngân hàng Trung Quốc chào mời những điều kiện kinh doanh tốt mà không cần đáp trả đáng kể. Thuộc vào trong số đó là xóa nợ, cho vay thuận lợi, thời hạn dài. Ngân hàng Xuất Nhập khẩu thuộc nhà nước Trung Quốc hứa hẹn cho người Phi vay trong năm 2007 tổng cộng là 20 tỉ dollar cho ba năm – bằng tất cả những người cho vay khác cộng lại. Năm 2009 và 2010, Bắc Kinh cho các nước đang phát triển vay ít nhất là 110 tỉ dollar – và qua đó đã bắt kịp Ngân hàng Thế giới.[5]
Không một ai mô tả sự phát triển này sinh động hơn tổng thống Senegal, Abdoulaye Wade. “Châu lục của chúng tôi đang cần kíp phải xây hạ tầng cơ sở, bảo đảm năng lượng giá rẻ và đào tạo con người của chúng tôi. Trong nhiều quốc gia châu Phi, giới lãnh đạo đang cố gắng củng cố tăng trưởng kinh tế vững chắc theo một phương cách bền vững … Phương cách Trung Quốc tiếp cận với các nhu cầu của chúng tôi đơn giản là phù hợp tốt hơn phương pháp chậm chạp và đôi khi mang tính khinh rẻ hậu thực dân của các nhà đầu tư, tổ chức cho vay và tổ chức phi chính phủ châu Âu. Mô hình Trung Quốc, thúc đẩy một phát triển kinh tế nhanh chóng, dạy cho châu Phi rất nhiều điều.”
Không một ai mô tả sự phát triển này sinh động hơn tổng thống Senegal, Abdoulaye Wade. “Châu lục của chúng tôi đang cần kíp phải xây hạ tầng cơ sở, bảo đảm năng lượng giá rẻ và đào tạo con người của chúng tôi. Trong nhiều quốc gia châu Phi, giới lãnh đạo đang cố gắng củng cố tăng trưởng kinh tế vững chắc theo một phương cách bền vững … Phương cách Trung Quốc tiếp cận với các nhu cầu của chúng tôi đơn giản là phù hợp tốt hơn phương pháp chậm chạp và đôi khi mang tính khinh rẻ hậu thực dân của các nhà đầu tư, tổ chức cho vay và tổ chức phi chính phủ châu Âu. Mô hình Trung Quốc, thúc đẩy một phát triển kinh tế nhanh chóng, dạy cho châu Phi rất nhiều điều.”
Wade tiếp tục công kích: “Tôi đã nhận ra rằng một hiệp định, cái mà với Ngân hàng Thế giới phải cần đến năm năm cho thảo luận, thương lượng và chữ ký, thì chỉ cần có ba tháng khi chúng tôi làm việc với các cơ quan Trung Quốc. Tôi tin tưởng vững chắc vào những hình thức chính phủ tốt và sự thống trị của luật pháp. Nhưng khi quan liêu và tệ nạn giấy tờ vô lý giới hạn khả năng hành động của chúng tôi – và khi cái nghèo vẫn tiếp tục tồn tại, trong khi các quan chức quốc tế cứ tiếp tục đạp phanh –, thì các nhà lãnh đạo châu Phi có trách nhiệm phải quyết định chọn những giải pháp đơn giản hơn.”
Wade ca ngợi một cuộc gặp gỡ với người đứng đầu nhà nước và Đảng Trung Quốc Hồ Cẩm Đào ở Đức năm 2007: “Tại lần trao đổi kéo dài một giờ đồng hồ của tôi với chủ tịch Hồ Cẩm Đào trong một phòng làm việc ở khách sạn của tôi trong Berlin vào lúc … Hội nghị thượng đỉnh G-8 ở Heiligendamm, tôi đã đạt được nhiều điều hơn là trong toàn bộ lần gặp gỡ có tổ chức của những người lãnh đạo thế giới trong Hội nghị thượng đỉnh …”
Và ngoài ra thì người châu Á cũng “linh động hơn” – và rẻ tiền hơn. Với giá tiền của một chiếc ô tô châu Âu, người ta có thể có được hai chiếc ô tô Trung Quốc. “Giá cả và chất lượng của hàng hóa từ châu Á không để cho các chính phủ châu Phi có sự lựa chọn nào khác hơn là mua các sản phẩm Trung Quốc, Ấn Độ và Malasia”, theo Wade.[6]
Ủng hộ cho mô hình Trung Quốc là sự thất bại của thế giới phương Tây ở châu Phi: mặc dù hàng tỉ dollar và euro đã chảy vào lục địa châu Phi trong những năm qua, tình hình ở đấy không được cải thiện nhiều cho lắm. “Chính sách phát triển của chúng ta thế nào đi chăng nữa thì cũng không dẫn đến việc những con hổ tự lập thành hình ở đấy như ở Đông Nam Á.” Rupert Neudeck nói, người thành lập huyền thoại của tổ chức cứu trợ Cap Anamur. “Người Trung Quốc làm đúng cái mà chúng ta đã không thành công trong 50 năm qua: họ góp phần làm tăng sức mạnh kinh tế của châu lục. Và điều đó bằng cách là họ chỉ kinh doanh đơn thuần mà thôi.”[7]
Không chỉ chính khách châu Phi có ấn tượng về người Trung Quốc. Tỷ phú Mỹ George Soros, người với tài sản của mình đã đầu cơ đẩy cả nhiều nước đến bờ vực của sự phá sản và bây giờ trợ giúp cho nền dân chủ ở khắp nơi trên thế giới như người làm việc thiện, còn đi đến mức tuyên bố rằng Trung Quốc không những có “một nền kinh tế sống động hơn mà còn có cả một hệ thống chính trị hoạt động tốt hơn là Hoa Kỳ”. Vì thế mà có “một sự chuyển đổi nhanh chóng lạ thường về quyền lực và ảnh hưởng từ USA sang Trung Quốc”.[8]
Thành công của Trung Quốc có thể quyến rũ tới mức nào, điều đấy bộc lộ qua việc ngay đến cả những người của Đảng Dân chủ cũng bất chợt long lanh mắt khi họ nói về Trung Quốc của ngày hôm nay. Nhà báo nổi tiếng của Mỹ Thomas L. Friedman, nổi nóng về những cuộc tranh cãi kéo dài về cải cách y tế và biến đổi khí hậu trong Quốc hội Mỹ, đã đi đến kết luận: “Chỉ có một việc tệ hại hơn chuyên quyền độc đảng, và đó là dân chủ độc đảng, cái mà chúng ta đang có ở Mỹ”. Một chế độ chuyên quyền độc đảng chắc chắn là có những nhược điểm của nó, ông ấy thừa nhận. “Nhưng khi nó được lãnh đạo bởi một nhóm người minh mẫn thích đáng, như ngày nay ở Trung Quốc, thì nó cũng có thể có những ưu thế lớn.”[9]
Liệu giới lãnh đạo Trung Quốc có thật sự “thích đáng” và “minh mẫn” hay không, như Friedman nói, thì còn phải làm cho rõ. Chỉ chắc chắn là, ngay cả người Nga, những người đã thất bại một cách hoành tráng với mô hình cộng sản của họ, cũng bất thình lình tìm thấy điều tốt ở những người nguyên là địch thủ ý thức hệ của họ. Mặc dù họ đã du nhập chủ nghĩa tư bản, họ còn xa mới thành công được như người Trung Quốc. Năm 2009, trong khi nền kinh tế Trung Quốc leo cao thêm 9,2 phần trăm thì nền kinh tế của nước Nga đã sụt mất 7,9 phần trăm. Một chỉ thị khác cho tình trạng bất ổn của Nga là việc người dân ở Trung Quốc ngày càng thọ hơn, người Nga thì ngược lại càng chết sớm hơn. Đàn ông Nga chỉ có tuổi thọ trung bình là tròn 60. Các nhà y học người Nga và người Anh cho rằng nguyên nhân đặc biệt là do uống quá nhiều rượu.
Vì thế mà Thủ tướng Nga Vladimir Putin và những người bạn của ông ấy nhìn sang láng giềng. “Chúng tôi quan tâm đến kinh nghiệm của cấu trúc đảng và chính phủ ở Trung Quốc”, Vladimir Matkhanov, nghị sĩ của Duma Nga, giải thích tại một hội nghị chuyên gia Nga và Trung Quốc vào đầu tháng 10 năm 2009 ở Suifenhe gần biên giới Nga.[10]
Đến những người đại diện cho doanh nghiệp Đức cũng ca ngợi nước Trung Quốc do ĐCS cầm quyền. “Tôi thán phục ví dụ như các tầm nhìn dài hạn trong chính sách của Trung Quốc, chúng ta cũng có thể học được cái gì đấy từ điều này”, sếp Siemens Peter Löscher nói, người đồng thời cũng là người đứng đầu của Ủy ban châu Á-Thái Bình Dương của doanh nghiệp Đức.[11]
Löscher còn bị đồng nghiệp của ông trong cùng ủy ban đấy, doanh nhân Jürgen Heraeus, qua mặt: “Tôi tin rằng một nền dân chủ ở Trung Quốc sẽ thất bại trong ngày hôm nay. Chúng ta đã nhìn thấy ngay trong nước Đức, rằng vì con số đảng phái đang tăng lên mà chính phủ chúng ta đã dần dần không còn có thể hoạt động được nữa trong một vài tiểu bang và ở liên bang thì cũng đã thế về cơ bản rồi. Chúng ta nhìn thấy Ấn Độ với nền dân chủ của nó còn xa mới thành công được như người Trung Quốc, mang người dân ra khỏi sự nghèo khổ trong quy mô rộng lớn và tiếp tục phát triển.”[12]
______________
______________
[5] Reuters, 18.01.2011
[6] Abdoulaye Wade: Time for the west to practise what it preaches”, Financial Times, 23/01/2008
[7] “China macht es in Africa besser als wir” ["Trung Quốc làm ở châu Phi tốt hơn là chúng ta"], Stuttgarter Zeitung, 05/08/2009
[8] Moneynews, “Soros, Murdoch praise China”, 17/11/2010
[9] Thomas L. Friedman: “Our One-Party Democracy”, New York Times, 09/09/2009
[10] “In Chinese Communist Party, Russia’a Rulers See a Role Model for Governing”, New York Times, 18/10/2009
[11] Dpa, trích dẫn theo bild.de, 11/12/2010
[12] CIHD-Magazin Chinesischer Industrie- & Handelsverband e.V. in Deutschland, [tạp chí CIHD của Liên hiệp Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc ở Đức], số ra ngày 5 tháng 8 năm 2008
Nguồn: Ba Cơ Thư Quán
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét