Tương truyền, sau khi dập tắt cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng vào năm 43 TCN, viên chỉ huy quân đội nhà Hán là Mã Viện đã cho dựng một cây cột đồng lớn trên có khắc dòng chữ “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (Cột đồng gãy, Giao Chỉ mất) để đánh dấu biên giới phía Nam của Trung Quốc. Câu chuyện cây cột đồng ấy thực hư thế nào thì còn chưa rõ, nhưng có một sự thật không thể chối cãi là thời nào cũng vậy, người láng giềng phương Bắc của Việt Nam luôn khao khát đến độ mất ăn mất ngủ về một ngày “Giao Chỉ diệt”, như chính hồn cốt của câu chuyện này vậy.
Năm 986, nhà Tống sai Tả bổ khuyết Lý Nhược Chuyết và Quốc tử giám bác sỹ Lý Giác đem chế sách sang phong cho vua Lê Đại Hành làm Kiểm hiệu thái bảo sử trì tiết đô đốc Giao Châu chư quân sự, An Nam đô hộ, Tĩnh hải quân tiết độ sứ, Giao Châu quản nội quan sát xử trí đẳng sứ, Kinh triệu quận hầu. Nhà vua nhận chế, tiếp đãi sứ thần rất hậu, rồi nói với Nhược Chuyết và Lý Giác rằng: “Nước chúng tôi bé nhỏ, sông núi xa xôi, cách thiên triều muôn dặm, hẻo lánh một nơi, các quan sứ thần đi lại, lội suối vượt đèo, chẳng cũng khó nhọc lắm ư?” Lý Giác nói: “Bản triều bờ cõi muôn dặm, hàng bốn trăm quận, có chỗ bằng phẳng, có chỗ hiểm trở, một phương này sao đáng gọi là xa?”[i]
Trong một bài phát biểu năm 1979, cố TBT Lê Duẩn kể lại một cuộc gặp năm 1963 giữa lãnh đạo hai nước Việt – Trung: “Trước khi chúng tôi ra về, Mao gặp anh Trường Chinh và tôi. Mao ngồi xuống trò chuyện với chúng tôi và cuối cùng ông ta tuyên bố: ‘Các đồng chí, tôi muốn nói cho các đồng chí biết điều này. Tôi sẽ là chủ tịch của 500 triệu nông dân đang thiếu đất, và tôi sẽ mang một đạo quân tiến xuống khu vực Đông Nam Á.’”
Đến đầu thế kỷ 21, tham vọng của Trung Quốc là chia đôi Thái Bình Dương với Mỹ, đuổi kịp Mỹ vào giữa thế kỷ, và tiến tới soán ngôi bá chủ của Mỹ trên toàn thế giới vào cuối thế kỷ. Trong thời đại của cuộc cách mạng giao thông vận tải và thông tin liên lạc xuyên lục địa ngày nay, chẳng có nơi nào trên trái đất này “đáng gọi là xa” đối với tham vọng của chủ nghĩa Đại Hán cả.
Hàng ngàn năm nay, dải đất hình chữ S phương Namluôn là một miếng mồi ngon trong mắt người láng giềng phương Bắc, và chưa bao giờ họ thôi nghĩ đến chuyện thôn tính ViệtNam. Rõ ràng, để có thể tồn tại bên cạnh một “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện 4 tốt 16 chữ vàng” song luôn nuôi tham vọng bành trướng này, Việt Nam cần phải dựa vào thực lực của chính mình trước khi trông chờ vào các “đối tác chiến lược” khác. Chỉ khi nào ViệtNammạnh, Trung Quốc mới tôn trọng chúng ta, và các đối tác chiến lược khác mới đặt cược vào chúng ta.
Sử gia Phan Huy Chú (1782-1840) từng viết: “Việc biên giới ở đời Lý, [nước ta] được nhà Tống trả lại đất rất nhiều. Bởi vì trước thì có oai thắng trận[ii], người trung châu hoảng sợ, đủ làm cho nhà Tống phải phục, sau thì sứ thần bàn bạc, lời lẽ thung dung, càng thêm khéo léo, cho nên cầu gì được nấy, làm cho lời tranh biện của người Trung Quốc phải khuất, mà thế lực của Nam Giao được mạnh. Xem đó cũng có thể biết qua thế cường thịnh của thời bấy giờ.” Sử gia Ngô Sỹ Liên cũng viết: “Nói về thế nước thì không đời nào mạnh bằng đời nhà Lý.”[iii] Rõ ràng, nếu chúng ta muốn cho Trung Quốc “phải phục” thì trước hết phải làm sao cho nước nhà trở nên cường thịnh; ngoài ra, trong thời đại ngày nay, chúng ta cũng phải tính đến chuyện tham gia vào một liên minh nào đó để củng cố thêm sức mạnh của mình, không phải để chống ai mà là để bảo vệ mình. Đây chính là điều kiện cần và điều kiện đủ để cho ViệtNam có thể tồn tại và phát triển bên cạnh người láng giềng “to xác và xấu bụng”.
Tuy nhiên, chúng ta lại đang đứng trước một thực tế phũ phàng là Việt Nam đang ngày càng bị Trung Quốc bỏ xa trên con đường phát triển. Vào đầu thập niên 1980, GDP đầu người của Việt Nam và Trung Quốc hãy còn tương đương nhau, nhưng chỉ 3 thập kỷ sau, GDP đầu người của Việt Nam năm 2011 là 1.300USD trong khi con số đó của Trung Quốc đã là 5.450USD (gấp hơn 4 lần Việt Nam). Không chỉ có vậy, kể từ khi Đảng CSVN tiến hành công cuộc “đổi mới” về kinh tế cách đây 25 năm cho đến nay, GPD đầu người theo mức cân bằng sức mua (PPP) của Việt Nam vẫn thể hiện chiều hướng ngày càng thua xa mức bình quân của số quốc gia đang phát triển ở Châu Á (xem hình dưới đây). Nghĩa là chúng ta đang ngày càng tụt hậu xa hơn chứ không phải ngày càng rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Biểu đồ GDP đầu người qua mức cân bằng sức mua (PPP) của Việt Nam từ năm 1985 đến nay so với mức bình quân của số quốc gia đang phát triển ở Châu Á (theo đồng USD quốc tế)
Nghị quyết Hội nghị TW 4 đã đề ra 4 nhóm giải pháp để thực hiện công cuộc “chỉnh đốn Đảng” đang được đặt ra cấp bách (nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên; nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng; nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng). Tuy nhiên, thực tiễn suốt 2/3 thế kỷ qua, kể từ cuộc “chỉnh đốn Đảng” đầu tiên năm 1947 do ĐCSVN phát động ở Việt Bắc, cho đến vụ việc ở Tiên Lãng, Hải Phòng đầu năm 2012 vừa rồi, đã cho thấy sự phá sản không tránh khỏi của các giải pháp trong 4 nhóm giải pháp đó. Đơn giản, đây phần lớn là những giải pháp đã và đang được thực hiện suốt hàng chục năm qua; những “giải pháp” mới thì chủ yếu xuất phát từ sự ảo tưởng, duy ý chí và mang tính chắp vá, hơn là dựa trên một cơ sở lý thuyết và thực tiễn vững chắc. Sự bất lực và tha hoá của cả hệ thống chính trị ở Hải Phòng (cũng như thái độ bàng quan, vô cảm, vô trách nhiệm và sự bất lực của các vị “đại biểu nhân dân” từ HĐND xã Vinh Quang lên đến Quốc hội) và “kết luận” nửa vời của Thủ tướng Chính phủ về vụ việc ở Tiên Lãng càng cho chúng ta thấy rõ hơn về điều đó.
Câu “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” liệu có đúng hay không thì chưa ai biết nhưng từ bấy đến nay điều mà ai ai cũng biết là Việt Nam đã mất rất nhiều đất đai của tổ tông vào tay Trung Quốc, không chỉ trong thời xưa mà kể cả trong “thời đại Hồ Chí Minh”, không chỉ trên đất liền mà kể cả ở Biển Đông. Các triều đại xưa kia để mất đất ở phương Bắc thì đôi lúc còn lấy lại được và còn có phương Nam để mở mang bờ cõi, âu cũng là một cách “đoái công chuộc tội” với tổ tiên, chứ “thời đại Hồ Chí Minh” ngày nay thì xem chừng đã để một phần giang sơn thấm bao xương máu của tổ tiên mãi mãi “một đi không trở lại”. Hoàng Sa đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm hoàn toàn, Trường Sa cũng đã bị họ xâm lược một phần. Chiến lược của Trung Quốc là “trường kỳ” và chủ yếu dùng bài “mềm nắn, rắn buông”, đặc biệt là họ luôn ra tay nhằm vào những thời điểm mà Việt Nam hoặc là bị suy đốn về kinh tế hoặc là bị xáo trộn về chính trị. Quần đảo Hoàng Sa bị chúng chiếm mất hai đảo lớn nhất trước khi quân đội Việt Nam Cộng hoà ra đóng quân năm 1956 sau Hiệp định Genève, và đánh chiếm nốt phần còn lại từ tay chính quyền Việt Nam Cộng hoà vào cuối cuộc chiến tranh Việt Nam, sau khi đã đạt được thoả thuận ngầm với Mỹ. Quần đảo Trường Sa thì bị chúng đánh chiếm một phần vào năm 1988, khi Việt Nam (và cả đồng minh Liên Xô) đang rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng.
Đường lưỡi bò do chủ nghĩa Đại Hán tưởng tượng ra không chỉ ôm gọn Hoàng Sa và Trường Sa vào lòng mà còn ngoạm sâu vào thềm lục địa của Việt Nam. Họ đang “kiên trì nhìn vào đại cục” để chờ Việt Nam hoặc là suy đốn về kinh tế hoặc là khủng hoảng về chính trị hòng ra tay thâu tóm nốt phần còn lại của Việt Nam ở Trường Sa. Với tình hình hiện nay của đất nước, nếu các nhà lãnh đạo Việt Nam không chủ động tiến hành cải cách toàn diện thể chế chính trị thì hẳn ai trong số chúng ta cũng có thể trả lời được câu hỏi là liệu Việt Nam có ngày càng yếu kém hơn và lệ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn về kinh tế hay không, và liệu chế độ này có đi đến hồi sụp đổ để rồi rơi vào cảnh hỗn loạn như ở Liên Xô cùng một số nước cộng sản Đông Âu đầu thập niên 1990 hay không. Không cần nhìn đâu xa mà hãy nhìn sangMyanmar và lấy đó làm bài học về sự dũng cảm và quyết đoán trong việc cải cách thể chế. Xin đừng đặt Đảng và chế độ lên trên dân tộc. Xin đừng bàng quan và vô cảm với vận mệnh nước nhà./.
Nguồn:www.x-cafevn.
Ghi chú:
[i] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 4, NXB Sử học, 1960, trang 136-137.
[ii] Chiến dịch “tiên thủ hạ vi cường” của Lý Thường Kiệt hạ ba thành Khâm Châu, Liêm Châu và Ung Châu từ tháng 12/1075 – 2/1076 nhằm ngăn chặn trước cuộc xâm lược của nhà Tống, và chiến thắng quân Tống trên phòng tuyến sông Như Nguyệt giữa năm 1076 khi chúng kéo quân sang xâm lược nước ta.
[iii] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 4, NXB Sử học, 1960, trang 136-137.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét