Nguyễn Hoài Vân ghi
Tối hôm đó, trong lúc đang đi về phòng ngủ, con chó chợt hỏi Thày Tư :
- Nè, ông tổ bốn chục đời của Thày phải bỏ xứ ra đi, có thiệt là chỉ ăn cắp gà thôi hay còn chi nữa ?
- À thiệt ra là lâu lâu ổng ra tay trưng dụng vài con gà của một thằng cường hào ác bá đem về nhậu với đám đệ tử. Rồi, một hôm thằng phú hào đó nó dẫn công an tới cự nự ổng sao đó, ổng bực mình đá chết cỡ đâu ... mấy chục đứa, nên phải bỏ quê ra đi. Từ đó, ổng chu du nước này nước khác, vui thì ở, loạn lạc thì bỏ đi.
- Câu « nguy bang bất nhập, loạn bang bất cư » có phải của ổng không ?
- Phải.
- Dzậy ổng cũng khá nổi tiếng ...
- Ờ, thì cũng tàm tạm. Có lúc ổng làm quan, lên tới thủ tướng. Nhưng thấy hổng nên cơm cháo gì nên bỏ. Vợ con thì ôi ... tùm lum ! Nơi nào cũng có. Riết rồi dòng dõi lan xuống Lĩnh Nam. Con cháu ở đó có người tu thày chùa, được phong làm tới Tổ Sư ...
- Ông nội tổ bốn chục đời của tui thì hổng cần biết mình là chó nước nào, cũng chu du khắp trong thiên hạ hổng cần bận tâm chuyện biên giới, vua chúa, chủ quyền ... chi ráo. Khỏe re !
- Bây giờ giả ngộ Trung Quốc với Việt Nam có chiến tranh, thì mày theo bên nào ?
- Hổng theo bên nào ráo trọi !
- Giả sử mày là con người ?
- Giả sử tui bị giáng xuống làm người thì tui lại càng hổng theo đứa nào hết. Vì nói cho cùng chiến tranh chỉ là những cuộc đụng độ giữa mấy đám côn đồ, kéo theo một số người bị bắt buộc hay bị lợi dụng, hổng liên hệ chi tới dân chúng bình thường. Như mai nầy cuộc chiến giữa Việt Nam với Trung Quốc nếu có xảy ra, thì chỉ là hai đảng Cộng Sản Việt Tàu đánh nhau. Ăn thua gì tới tui ?
- Cũng có những cuộc chiến tranh chính đáng chớ mậy ?
- Chỉ khi nào đánh nhau cho một quyền lợi thực tế, thí dụ một nguồn nước, một vùng săn hái ... như ở thời thượng cổ, thì mới chính đáng. Trong trường hợp đó người tham gia cuộc chiến được hưởng một quyền lợi cụ thể. Còn oánh nhau cho những chuyện trên trời dưới biển hổng đem lại đồng xu nhỏ nào cho người dân, mà còn gây tang thương chết chóc, đổ vỡ, tàn phá, thì không bao giờ chính đáng. Đó là chuyện của tụi chính quyền nó bày ra, để bảo vệ cho quyền lợi của tụi nó, dân chúng hổng nên dính dáng dzô ...
- Ậy, thường thì dân chúng bị bắt buộc ... Còn bây giờ nếu chính quyền là một chính quyền dân chủ do dân bầu lên thì sao ?
- Thì Thày cũng thấy như tui là chính quyền dân chủ ít gây chiến tranh hơn chính quyền độc tài. Tuy vậy, cũng phải coi chừng mấy chính quyền độc tài được bầu lên một cách dân chủ, như ông Hitler hồi thế kỷ trước.
- Quan niệm chiến tranh như mày, tao thấy cần học lại lịch sử ...
- Ối, ba cái lịch sử của Thày toàn do đám sĩ phu viết ra. Mà đám đó thì là công cụ của chính quyền, ông nào cũng mơ ước được làm quan, phục vụ cho quyền hành vua chúa. Họ viết, nói, hay làm gì cũng là trên quan điểm của chính quyền, hổng phải quan điểm của người dân. Toàn là đề cao hy sinh, chết chóc, xả thân, thí mạng ... Để làm gì ? Sau mỗi cuộc chiến tranh chết chóc tương tàn, thì lợi tức đầu người của dân chúng lên được bao nhiêu ?
- Còn các cuộc chiến tranh tự vệ ?
- Khi người dân bị tổn hại thực sự thì tự vệ là chính đáng. Còn nếu chỉ mấy thằng chính quyền bị tổn hại, bị bợp tai đá đít, đuổi đi chỗ khác chơi, thì người dân hổng cần can thiệp.
Thằng cháu Thày Tư ở đâu không biết, lù lù xuất hiện, xen vô :
- Úi ! dzậy chớ lỡ Tàu phù nó dzô cai trị nước mình thì mày tính sao ?
- Đối dzới tui, hổng có gì thay đổi
- Mày sẽ phải nói tiếng Tàu ?
- Tu hổng có chuyện chi để nói, nên hông nhằm nhòi gì ! Miễn là khi tui sủa, mấy chị chó Tàu hiểu rành là vui rồi ...
- Còn tinh thần Quốc Gia Dân Tộc mày bỏ đâu ?
- Ở trình độ của tui hổng có dzụ đó. Nè, cái này tui nói theo ông Phật à nghe !
- Sao ?
- Ông Phật ổng nói nguồn gốc khổ đau của con người là vì cố chấp cái ngã nhỏ xíu của mỗi cá nhân. Lên tới mức xã hội, thì không có gì gây khổ đau tang tóc nhiều bằng sự cố chấp dzô cái Ngã bự tổ chảng của quốc gia dân tộc.
Thày Tư ngó con chó :
- Còn tôn giáo nữa. Người ta cố chấp tôn giáo như chấp một cái ngã ...
Chợt bà đại diện Hoa Kỳ đi ngang, nở một nụ cười nghiêng thùng đổ nước. Con chó níu Thày Tư lại sau, thì thầm, không cho thằng cháu nghe :
- Bả chịu đèn Thày.
- Sao mày biết ?
- Tui ngửi thấy. Phụ nữ họ tiết ra những hóa chất ...
- Ôi ! trễ rồi
- Trễ gì ! Bả chờ Thày ở quầy rượu khách sạn đó.
- Cái đó bộ mày cũng ngủi thấy hả ?
- Không. Linh tính !
Thằng cháu đi trước mấy bước, ngáp dài :
- Dzìa ngủ bác Tư. Con chó này nói bậy bạ nghe mệt quá !
- Mày về phòng trước đi. Tao có công chiện.
Con chó gật gù, ngâm nho nhỏ :
- Đêm khuya gà gáy canh ba
Hỏi người quân tử còn mò đi đâu ?
Thày Tư trừng mắt :
- Ê ! Con chó ! mày biết rựa mận là gì hông ?
Con chó đủng đỉnh bỏ đi, bộ râu rung rinh khoái chí :
- Tui cũng có công chiện ...
Thày Tư Bảy Núi chỉnh lại khăn áo rồi quay bước.
Từ quán rượu khách sạn, tiếng dương cầm thỏ thẻ Sầu Khúc Chopin. Đèn tắt gần hết. Trong quán chỉ còn một người duy nhất. Ngón tay ngọc dạo trên phím đàn như bày tỏ một tâm sự u uẩn, buồn thương ...
Ánh trăng lung linh phản chiếu trên hồ cá. Tàn dừa trải bóng trên sân, rung động vuốt ve mặt hồ với hòn non bộ mập mờ bí ẩn. Rồi một đám mây vươn mình quấn quyện lấy vầng trăng mười sáu ...
Có tiếng chó sủa xa xa.
Một trang sử mới đang bắt đầu, cho Việt Nam, cho nhân loại.
Mời ghé thăm web:
Trả lờiXóawww.thienanhdaovang.org
nghe về Thất Sơn Mầu Nhiệm...
Cô Bảy Thất Sơn..