Hình: VOA
Năm ngoái, trong một cuộc họp về ngôn ngữ Á châu được tổ chức tại Úc, một đại diện của Trung Quốc lên phát biểu ý kiến. Ông không những khuyên sinh viên Úc nên học tiếng Tàu mà còn khuyên mọi người nên an tâm trước sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc trong mấy thập niên vừa qua cũng như trước viễn tượng một ngày nào đó không xa, Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc kinh tế số 1 của thế giới. Tại sao mọi người nên an tâm? Ông giải thích: Vì Trung Quốc không hề đe doạ bất cứ ai cả. Tiếp ngay sau đó, ông nhấn mạnh: Trong lịch sử, Trung Quốc chưa hề xâm lược nước nào!
Nghe mấy câu ấy, nhiều người cười. Tôi cũng cười. Cứ cho như một kiểu nói của một người không được bình thường.
Có điều, sau đó, theo dõi báo chí, tôi nghe không ít người, từ trong chính quyền đến giới học giả thân chính quyền, cũng nói y như vậy. Cũng khẳng định dứt khoát như vậy. Cũng bằng giọng điệu nghiêm trang như vậy. Cũng đem cả lịch sử ra chứng minh như vậy.
Có thể nói, liên quan đến vấn đề quân sự, ở Trung Quốc có một hiện tượng nghịch lý:
Một mặt, về ngân sách, họ không ngừng tăng các chi phí quốc phòng. Theo các số liệu được chính thức công bố, từ năm 1999 đến 2008, chi tiêu về quốc phòng của Trung Quốc tăng trung bình 16.2% mỗi năm. Tính từ năm 2006 đến nay, số chi tiêu ấy tăng lên gấp đôi. Mới đây, vào đầu tháng 3, chính phủ Trung Quốc thông báo ngân sách quốc phòng của họ tăng 11.2%, tức lên đến 670 tỉ nhân dân tệ (tương đương 106.4 tỉ Mỹ kim), đứng hàng thứ hai trên thế giới (chỉ sau Hoa Kỳ). Cần lưu ý: ở trên là các con số chính thức được chính quyền Trung Quốc đưa ra. Rất ít người tin vào các con số đó. Nhiều người, nhất là ở Mỹ, tin con số chi tiêu thực sự cho quốc phòng của Trung Quốc cao hơn con số họ đưa ra ít nhất là 50%. Hơn nữa, người ta còn nhấn mạnh: nếu quy ra đô-la Mỹ, chi tiết quốc phòng của Trung Quốc trên thực tế sẽ còn cao hơn nhiều vì vật giá và công lao động ở Trung Quốc rất thấp so với Mỹ. Ví dụ, với một triệu đô-la dùng để trả lương cho binh sĩ, Trung Quốc sẽ có một số lính nhiều hơn Mỹ gấp cả 5,10 lần.
Tất cả những con số ấy làm cho thế giới lo ngại.
Trung Quốc thừa hiểu những sự lo ngại ấy không có lợi cho mình. Do đó, họ ra sức trấn an thế giới.
Trấn an bằng nhiều cách.
Cách chính thức: thông qua các bản bạch thư của chính phủ. Gần đây nhất, vào tháng 9 năm 2011, họ tung ra bản bạch thư về “Phát triển hòa bình”, nhấn mạnh vào mấy điểm chính: một, Trung Quốc không bao giờ có ý đồ xâm lược hay bành trướng, không bao giờ nuôi mộng bá quyền; hai, Trung Quốc chỉ theo đuổi chính sách tự vệ, mọi chi tiêu quốc phòng đều nhằm mục đích tự vệ; ba, Trung Quốc không bao giờ can thiệp vào tình hình nội bộ của các quốc gia khác; và bốn, Trung Quốc tôn trọng các giá trị dân chủ và nỗ lực xây dựng một xã hội dân chủ thực sự.
Bên cạnh những văn kiện chính thức như vậy, bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc không ngừng tô vẽ hình ảnh một Trung Quốc hiền hòa và hiếu hòa, không phải bây giờ mà là trong suốt lịch sử mấy ngàn năm của mình. Ở đây, họ thường có một số luận điểm giống nhau. Ví dụ, trong lịch sử, Trung Quốc có hai biểu tượng quan trọng và tiêu biểu nhất: một, về văn hóa phi vật thể: Nho giáo; và hai, về văn hóa vật thể: Vạn lý Trường thành. Cả hai đều có ý nghĩa và đặc điểm giống nhau: hòa bình. Nội dung chính của Nho giáo là nhắm đến việc xây dựng một xã hội hài hòa và ổn định. Nho giáo không hề chủ trương chinh phục và chinh phạt. Vạn lý Trường thành cũng vậy: Nó được xây dựng, ròng rã cả mấy trăm năm, với công sức của cả hàng trăm triệu người, trong đó, theo ước tính của giới sử gia, có khoảng một triệu người bị mất mạng trong quá trình xây dựng, không phải để tấn công mà chỉ để phòng thủ.
Với hai biểu tượng ấy, giới học giả Trung Quốc lớn tiếng khẳng định bản chất của Trung Quốc, kéo dài trong cả lịch sử mấy ngàn năm của họ, là hiếu hòa. Dù là một nước phát triển sớm và đông dân, họ không hề có tham vọng làm bá chủ thế giới. Thời xưa, so với đế quốc La Mã, họ hiền lành hơn hẳn. Thời Trung đại, so với đế quốc Mông Cổ, họ cũng hiền lành hơn hẳn. Thời sơ kỳ hiện đại, họ cũng không hề giống các đế quốc thực dân ở Châu Âu đem quân đi đánh chiếm và cướp đoạt tài nguyên của các nước khác. Lúc nào họ cũng thu rút vào bên trong, lo giữ gìn trật tự ngay trong nội bộ nước họ. Với nước ngoài, họ không bao giờ gây hấn.
Ngay cả những người không sành về lịch sử Trung Quốc cũng thấy ngay luận điệu không đúng sự thật.
Thứ nhất, hầu như không ai không biết việc Trung Quốc xâm lăng Tây Tạng và áp đặt một nền cai trị hà khắc lên nhân dân Tây Tạng, một quốc gia Phật giáo hiền lành có lịch sử văn hóa rực rỡ kéo dài cả gần 3000 năm nay, và mới bị Trung Quốc lấn chiếm từ năm 1949, sáp nhập vào nước họ từ năm 1951. Từ đó đến nay, dân chúng Tây Tạng không ngừng tranh đấu giành độc lập, hoặc ít nhất, quyền tự trị. Và họ đã bị đàn áp khốc liệt.
Thứ hai, với riêng những người biết về lịch sử Á châu, đặc biệt với người Việt Nam, chúng ta không thể không nhớ mối đe dọa thường trực từ Trung Quốc đối với nền độc lập của Việt Nam. Không người Việt nào không nhớ những lần họ xâm lấn Việt Nam và những tội ác tày trời họ gây ra đối với nhân dân Việt Nam. Lần mới nhất, năm 1979, vẫn còn nóng hôi hổi trong ký ức mọi người.
Thứ ba, những hành động gây hấn ngang ngược trên biển của Trung Quốc gần đây nhất đối với một số nước láng giềng như Nhật Bản, Philippines và Việt Nam vẫn còn gây ồn ào trong dư luận thế giới.
Có thể nói, trong lịch sử, Trung Quốc không xâm lược các nước khác chỉ vì không đủ sức chứ không phải vì không có tham vọng bá quyền. Nước họ quá lớn, gồm nhiều sắc dân khác nhau, riêng việc trị an đã tốn quá nhiều thời gian và sức lực. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ hiếu hòa. Vấn đề, ở đây, chỉ là điều kiện. Trong tương lai, khi họ đã thực sự mạnh, không có gì bảo đảm họ sẽ không xâm lược các nước khác.
À, mà bạn có biết người Trung Quốc trả lời ra sao khi có người nêu lên vấn đề Việt Nam và Tây Tạng hay không? Họ đáp: Đó là vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Xưa, Việt Nam là một phần của Trung Quốc và nay, Tây Tạng cũng là một phần của Trung Quốc. Đánh chiếm hai nước đó, bởi vậy, không phải là xâm lược. Mà là vấn đề trị an trong nội bộ Trung Quốc!
Bạn sẽ cãi với họ thế nào nhỉ?Nguồn:www.voanews.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét