Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Điện mật Sứ quán Mỹ: TQ duy trì yêu sách 'vùng nước lịch sử' cho Đường lưỡi bò





(Đường lưỡi bò cua Trung Quốc chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác)



Trung Quốc đưa ra yêu sách “vùng nước lịch sử” cho Đường lưỡi bò với lí do có công dân cư trú tại các quần đảo từ thời Đông Hán. Ngoài ra, Trung Quốc còn tự ý thiết lập giới hạn 12 hải lý đối với quần đảo Hoàng Sa và ép các công ty dầu khí quốc tế dừng hợp tác với Việt Nam.  


Xuất xứ: Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh (Trung Quốc)

Thời gian phát điện: Thứ 5, ngày 13/03/2008; 09:15’ UTC

Thời gian công bố: Thứ 5, ngày 01/09/2011; 23:24’ UTC

Phân loại: Điện Mật




 


1.Tóm tắt: Trung Quốc tiếp tục giải thích những yêu sách của họ tại Biển Đông (Trung Quốc gọi Nam Hải; ND), bao gồm đường đứt khúc chín đoạn  vốn vượt ra khỏi cơ sở pháp lý đối với những quần đảo, vùng nước tại Biển Đông, gây chồng lấn lên những yêu sách chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế của năm quốc gia cùng một bên khác là Đài Loan thông qua những tham khảo lịch sử hơn là những quy ước quốc tế như Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982. Phó phòng Chính sách Đối ngoại thuộc Vụ Châu Á của Bộ Ngoại giao (Trung Quốc) Zheng Zhenhua nói với Bí thư Chính trị ngày 07 tháng 03 rằng, Trung Quốc không mở ngỏ xung đột quân sự tại Biển Đông và sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách “gác những khác biệt, cùng phát triển”. Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp cận với những công ty dầu mỏ của Mỹ để nhằm dừng các dự án phát triển khí Hydrocarbon của họ với Việt Nam, Zheng thuyết phục Mỹ cần “làm nhiều hơn nữa” để đảm bảo “hòa bình và an ninh” ở Biển Đông.Hết tóm tắt.

Đường Lưỡi bò

2.Phó phòng Chính sách Đối ngoại, Vụ Châu Á của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zheng Zhenhua trong một cuộc gặp gần đây đã thảo luận với Bí thư Chính trị về cái gọi là “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc, hay còn gọi là “Đường lưỡi bò”, một đường gồm 9 đoạn rời trên bản đồ Biển Đông là nhằm chỉ ra yêu sách tài phán của Trung Quốc đối với khu vực. Yêu sách này lần đầu tiên được đưa ra bởi Chính phủ Quốc dân đảng vào năm 1947 và được nhắc đến trong Luật của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa năm 1998 về Vùng Đặc quyền Kinh tế và Thềm lục địa, những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông (và bởi vì tiền đề lịch sử ban đầu của yêu sách, Đài Loan) chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines, và tiếp tục còn là nguyên nhân gây căng thẳng giữa các bên yêu sách trong việc tìm kiếm khai thác các nguồn hải sản, và khí hydrocarbon ở Biển Đông.

Yêu sách Lịch sử


3.Phó phòng Zhen đề cập đến tuyên bố hiện giờ đã quá quen thuộc rằng những hòn đảo trong khu vực đã có người Trung Quốc sinh sống  từ thời Đông Hán (năm 23 tới năm 220 sau Công nguyên) và rằng người Trung Quốc đã thiết lập một kiểu chính phủ “giống với hiện tại” từ thời Tống (năm 420 tới năm 478 sau Công nguyên) “như là một bằng chứng cho chủ quyền không thể chối cãi của Trung Quốc” đối với những khu vực mà nước này yêu sách tại Biển Đông. Zheng nói quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi Tây Sa) và quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi Nam Sa) đã nằm dưới quyền tài phán của khu vực hành chính mà nay thành tỉnh Quảng Đông.

Không thể tranh cãi về mặt Lịch sử?

4.Phó phòng Zheng nói rằng, từ năm 1947 và qua suốt những năm của thập niên 1960, không có quốc gia nào, bao gồm cả Hoa Kỳ, “từng nêu câu hỏi hoặc nghi ngờ về chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”.

…Tới những năm của thập niên 70

5.Zheng nhấn mạnh rằng, chỉ trong những năm của thập niên 1970s, giữa Hội nghị về Luật biển lần thứ 3 (mà kết quả của nó là Công ước về Luật biển - UNCLOS 1982), các quốc gia khác mới bắt đầu tranh chấp với những yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông. Bởi tính phức tạp của các yêu sách chồng lấn tại Biển Đông và những khu vực khác, trong cuối thập niên 1970s, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình tuyên bố cách tiếp cận “gác khác biệt, cùng phát triển” để giải quyết các hoạt động phát triển kinh tế của Biển Đông và những khu vực có tranh chấp khác.

Sự ổn định của Biển Đông

6.Zheng nói, bất chấp tính bất ổn liên tục của các yêu sách mâu thuẫn nhau tại Biển Đông, tình hình hiện “khá ổn định” và anh ta dự đoán “sẽ không có xung đột quân sự” trong khu vực. Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông năm 2002 (Declaration of Conduct – DOC ) là một “biểu hiện của thiện chí chính trị”, rằng tất cả các bên sẽ thể hiện kiềm chế trong việc giải quyết các yêu sách xung đột với nhau ở Biển Đông. Phó phòng Zheng nói rằng, những dự án như thỏa thuận thăm dò địa chấn ba bên năm 2005 và những cuộc họp thường niên về nghiên cứu khoa học hàng hải có sự tham gia của Trung Quốc, Việt Nam và Philippines sẽ giúp “tăng cường lòng tin” trong khu vực.

Ý nghĩa của Đường 9 đoạn

7.Khi được hỏi về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các vùng nước được xác định bởi đường 9 đoạn, Zheng cung cấp một bản tuyên bố được đánh máy có nội dung như sau: “Đường đứt đoạn trên Biển Đông cho thấy chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo ở biển Đông kể từ thời cổ và nó cũng chứng tỏ những yêu sách và quyền tài phán lâu dài của Trung Quốc đối với những vùng nước của Biển Đông”. Zheng nói rằng, những thuật ngữ như “vùng nước lịch sử” hoặc “vùng lãnh hải”, mặc dù thường được sử dụng trên các phương tiện truyền thông và trong bài viết của các học giả để chỉ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng nó không phải là thuật ngữ chính thức mà chính phủ Trung Quốc sử dụng đối với vùng biển bên trong Đường 9 đoạn.

Quan hệ với UNCLOS.

8.Mặc dù không rõ ràng thừa nhận rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông có thể không phù hợp với các quy định của UNCLOS, Phó phòng Zheng nói rằng những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông “có trước” UNCLOS, và do đó, không chịu sự ràng buộc bởi công ước này. Zheng cho rằng, những “mâu thuẫn và ngoại lệ” trong công ước UNCLOS đem lại nhiều biện minh bổ sung cho phép Trung Quốc có thể xác định yêu sách tài phán theo cách hiểu của họ.

Lãnh hải

9.trong một cuộc thảo luận về hoạt động ngư nghiệp tại Biển Đông, Zheng nói rằng, Trung Quốc áp dụng thuật ngữ “lãnh hải” đối với những vùng nước trong phạm vi 12 hải lý kể từ lãnh thổ của Trung Quốc. Anh ta lưu ý rằng, Trung Quốc đã chính thức quy định vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi Tây Sa), nơi mà Trung Quốc tin rằng yêu sách chủ quyền của họ là không thể phản bác. Zheng nói, Trung Quốc chưa thiết lập một khu vực tương tự xung quanh quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi Nam Sa), bởi Trung Quốc nhận thấy rằng yêu sách chủ quyền tại đó phức tạp hơn nhiều. Zheng khẳng định rằng, Trung Quốc “tán thành quyền qua lại tự do của tàu thuyền” bên trong vùng nước của “Đường 9 đoạn”.

Các công ty của Mỹ nên tránh “những vướng mắc”.


10.Zheng gợi ý rằng, các công ty Mỹ nên tránh “liên can vướng mắc” vào những tranh chấp tại Biển Đông. Trong bối cảnh đó, anh ta đề cập rằng Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Houston gần đây đã liên hệ với nhiều công ty dầu khí ở Texas, bao gồm hai công ty Chevron và Hunt, yêu cầu họ dừng những dự án phát triển khí hydrocarbon mà những công ty này khởi xướng thông qua các thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam. Anh ta lưu ý rằng, công ty Chevron đã đồng ý ngừng tham gia vào dự án, ít nhất là tạm thời. Zheng nói, Trung Quốc hy vọng Mỹ “có thể làm nhiều hơn nữa” nhằm đảm bảo “hòa bình và ổn định” trong khu vực.

Nguồn: NCBD

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét