Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

TQ ngăn cản Quốc Hội CSVN thông qua Luật Biển?



Ông Andrew J. Shapiro, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ về chính trị và quân sự

HANOI -- Trong khi một viên chức Hoa Kỳ, cấp tương đương Thứ Trưởng, tới Hà Nội tham dự cuộc đối thoaị song phương về chính trị, an ninh và quốc phòng với VN, một bản tin từ blog của một nhà văn nổi tiếng cho biết Trung Quốc áp lực Quốc Hội VN hoãn thông qua Luật Biển.

Không rõ 2 sự kiện có liên hệ gì hay chăng, nhưng bản tin VOA cho thấy một dấu hiệu lạc quan rằng có vẻ như Hà Nội đang chuyển hướng cởi mở dân chủ để kết thân theo điều kiện của Hoa Kỳ.
Bản tin VOA hôm 18-6-2012 cho thấy những dấu  hiệu quan trọng, rằng Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, ông Andrew Shapiro, Trợ lý Ngoại trưởng về Chính trị và Quân sự đến Việt Nam trong hai ngày 19 và 20.

Bản tin VOA như sau:

“Thông cáo báo chí của bộ này cho biết, trong hai ngày ở Hà Nội ông Shapiro sẽ là trưởng đoàn của Mỹ trong cuộc đối thoại song phương với Việt Nam về chính trị, an ninh, và quốc phòng.

Cuộc họp này được xây dựng trên sự thành công của cuộc đối thoại năm ngoái tại Washington, nhấn mạnh đến lập trường tiếp tục giao tiếp của Hoa Kỳ tại khu vực và quan hệ song phương ngày càng mạnh mẽ với Việt Nam.

Cuộc đối thoại lần này sẽ tập trung vào việc cải tiến quan hệ song phương trong các lĩnh vực hoạt động gìn giữ hòa bình và huấn luyện, giúp đỡ nhân đạo và thiên tai, tìm cứu trên biển, an ninh khu vực, không phổ biến vũ khí hạt nhân, nhân quyền, hồi hương binh sĩ Mỹ hy sinh tại Việt Nam.

Nhân dịp này, luật sư Vũ Đức Khanh ở Canada, một nhà hoạt động tích cực và tác giả nhiều bài báo mạng quốc tế về tình hình Việt Nam và Đông Nam Á, có nhận xét sau đây:

“Tôi nghĩ rằng đây là một chuyến đi chuẩn bị sẵn sàng cho việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Phía Hoa Kỳ từ đầu năm 2012 cho tới nay đã nói với Việt Nam những gì Việt Nam cần phải làm. Đó là cải thiện tình trạng nhân quyền.

Hôm 31 tháng 5 vừa qua, chính Thượng nghị sĩ John McCain đã trả lời đài BBC tại Malaysia rằng Hoa Kỳ đang mong đợi tiến bộ chứ không phải là thay đổi tức thì về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam. Ông nói rằng  Hà Nội chỉ cần cải thiện tình trạng nhân quyền như họ đã từng làm trước đây là có thể đáp ứng được một phần nào yêu cầu của cả hành pháp lẫn lập pháp Hoa Kỳ.

Tôi nghĩ là chuyến đi của ông Shapiro vô cùng quan trọng trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, thiết lập một giai đoạn mới cho mối quan hệ này và thiết lập một con đường tự do dân chủ cho Việt Nam.


Tôi nghĩ rằng con đường tự do dân chủ cho Việt Nam sắp đến gần với Việt Nam hơn, và với những tình hình biến động ở Việt Nam từ những ngày qua và hiện tình kinh tế thì chúng ta thấy rõ ràng rằng Hà Nội đang chuẩn bị cho một bước đi lịch sử.

Tôi cũng hy vọng rằng chính phủ Hà Nội có những tính toán vì quyền lợi của quốc gia dân tộc mà có những bước tiến cụ thể hơn với Hoa Kỳ.

Tôi nghĩ rằng cả lập pháp lẫn hành pháp Hoa Kỳ đang chờ đợi thiện chí của Hà Nội.”

Rời Việt Nam, Trợ lý Shapiro sẽ đến Brunei và Thái Lan trong hai ngày 21 và 22 tháng 6.”

Dù vậy dường như vẫn chưa thấy có dấu hiệu nào khác cho thấy Hà Nội có ý cởi mở dân chủ hơn, vì các đòi hỏi trả tự do cho tù nhân lương tâm chưa được đáp ứng cụ thể.

Trong khi đó, blog của nhà văn Phạm Viết Đào đăng tin:

“TRUNG QUỐC ĐANG NGĂN CẢN QUỐC HỘI VIỆT NAM THÔNG QUA LUẬT BIỂN TẠI KỲ HỌP NÀY

Theo một nguồn tin giấu tên cho biết: Theo chương trình nghị sự, Quốc hội Việt Nam sẽ thông qua Luật Biển tại kỳ họp Quốc hội này...Nhận được thông tin này, phía Trung Quốc đã ra sức ngăn cản, thuyết phục Quốc hội Việt Nam lùi thời gian thông qua Luật Biển chờ cho Trung Quốc tiến hành xong Đại hội Đảng lần thứ XVIII?

Phía Việt Nam đã giải thích cho phía Trung Quốc là: việc thông qua Luật Biển không liên quan gì tới Đại hội Đảng CS Trung Quốc nhưng Trung Quốc vẫn không nghe và càng ra sức gây sức ép về mặt ngoại giao. Trung Quốc đã cử đoàn cấp cao cấp bộ trưởng danh nghĩa là sang thăm Việt Nam nhưng thực ra là để gây sức ép...

Chúng ta chờ xem Luật Biển có được thông qua kỳ họp Quốc hội kỳ này như chương trình nghị sự đã công bố hay không? Nếu quả thật không đưa ra thông qua thì chắc chắn đã phải nhượng bộ trước sức ép vô lối của phía Trung Quốc?

Nếu Luật Biển chưa thông qua tại kỳ họp này, cử tri chờ đợi một sự giải thích chính thức từ phía Văn phòng Quốc hội xem có phải do sức ép của Trung Quốc không?”

Bản tin vẫn không có giải thích rằng Luật Biển có thể giúp gì cho Hà Nội trong việc tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Bắc Kinh, vì trong thực tế nhiều thập niên qua, cả 2 chính phủ Hà Nội và Bắc Kinh không hề tôn trọng luật pháp quốc tế gì, huống là luật do chính họ đưa ra -- trong đó, cụ thể nhất là Hiệp Ước Paris 1973 do Hà Nội ký kết, nhưng vẫn vi phạm như thường.

Nguồn: Việt Báo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét