Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012
Đêm Hà Nội : Nghề đội phế thải
"Trong chiến tranh CS luôn tuyên truyền công nhân , nông dân là giai cấp lãnh đạo để kêu gọi hy sinh xương máu nhiều nhất. Còn trong hòa bình thì chúng cướp đất ruộng, đẩy nông dân trôi vạt đến những thành phố lớn bán sức lao động rẻ mạt để kiếm cái ăn.
Ngày nào cộng sản còn cầm quyền, thì ngày đó quyền lợi của người lao động nghèo còn bị bốc lột, nông dân còn bị mất đất, và người dân sẽ không có tự do".
Nầy người anh em, công nhân và nông dân!
Không ai có quyền quyết định vận mạng của mình!
TP - 22h 30, chiếc xe tải dừng lại bên vệ đường. Ba thanh niên cởi trần trùng trục mang theo xẻng, cuốc, thúng ập vào đống phế thải trên hè phố. Một đêm làm việc của những người đội phế thải thuê ở Hà Nội bắt đầu.
Đội phế thải giữa đêm khuya
È cổ đội cả trăm thúng mỗi đêm. Ảnh: Trường Phong.
Tắm mồ hôi giữa đêm khuya
Vừa nhảy xuống khỏi xe, ba nam thanh niên lập tức cắm đầu hì hục làm việc. Ba chiếc xẻng cắm vào đống phế thải, từng xẻng dần lấp đầy ba chiếc thúng. Chiếc thúng đựng đầy phế thải nằm gọn trên đầu một người trẻ đội mũ. Người này bước nhanh đến cạnh thùng xe, chiếc thúng ụp xuống. Nam thanh niên nhặt lại thúng, quay về bãi phế thải.
Cứ thế, dưới ánh đèn đường giữa đêm khuya, bên cạnh quán cà phê vẫn thơm phức ngày cuối tuần, công việc của nhóm người bán sức lao động vẫn miệt mài.
Để có việc làm như thế này không dễ. Mỗi buổi tối, ở khu vực giao giữa đường Vân Đồn - Trần Khánh Dư - bãi tập kết những người làm nghề đội phế thải đêm ở Hà Nội - có hàng trăm lao động tự do đứng ngồi lổn nhổn, chờ chủ xe, chủ bãi phế thải lựa chọn, thuê đi làm.
Nhiệm vụ của họ là xúc, đội phế thải vào thùng xe. “Tùy từng hôm, có ngày được vài trăm nghìn, có ngày chẳng được đồng nào” - Thảo, một nam thanh niên trong nhóm chia sẻ.
Thảo sinh năm 1991, làm nghề này một thời gian khá lâu. Thảo bảo, cũng có nghề, có nghiệp, nhưng chưa tìm được việc như ý, đành chấp nhận làm nghề này kiếm bữa qua ngày.
“Hầu như đêm nào em cũng đi. Ban ngày lại về ngủ lấy sức. Tuy nhiên, nếu có mối làm ban ngày, em cũng đi” - Thảo nói, sau khi xúc đống phế thải vào trong thúng.
Đêm về khuya, trời vẫn oi nồng. Được vài thúng, mồ hôi đã ướt đầm trên lưng những người bán sức. Bụi, đất, phế thải bám vào người họ, rồi trôi tuột theo dòng mồ hôi chảy xuống. Chiếc quần cắt ngắn te tua không biết gọi là màu gì do bụi đất quyện lẫn cùng mồ hôi, nhuốm màu thời gian cũ kĩ.
“Làm thế này không có thời gian. Có việc thì làm, hết việc mới thôi. Nhiều hôm làm đến tận 2- 3h sáng. Xe chở phế thải chỉ được chở vào đêm thôi mà” - Nam thanh niên tên Đạo nói. Theo Đạo, trung bình, anh đội 300 thúng một đêm.
“Lúc đầu cũng đau đầu, đau lưng lắm, nhưng làm nhiều rồi thành quen, không còn đau nữa. Không rõ sau này có ảnh hưởng đến sức khỏe không” - Thảo nói.
Nhóm của Thảo đội phế thải giữa đêm khuya ở Hà Nội .
Thấy hai thanh niên mải chuyện trò, một người đàn ông cởi trần quát “tập trung làm việc đi, nhanh lên”. Hỏi ra được biết, đó là lái xe, cũng là người trả tiền cho những người như Thảo, Đạo. “Mỗi xe thế này, ba anh em được 120 nghìn đồng” - Người lái xe nói. Tính ra, xúc đầy thùng xe ba khối cát, đá, gạch vỡ, mỗi anh em chỉ nhận được 40 nghìn đồng tiền công.
Ba thanh niên lại cắm cúi làm việc. Chẳng mấy chốc, chiếc thùng xe đã đầy, hai thanh niên lật tấm che phủ lên thùng, chiếc xe từ từ chuyển bánh…
Tranh thủ thời gian nghỉ ngơi, vuốt vội vệt mồ hôi trên mặt, Thảo bảo, trung bình, mỗi đêm cũng kiếm được 200 nghìn đồng, trừ chi phí ăn uống, còn lại khoảng 120 - 150 nghìn đồng lo cho cuộc sống. Để tiết kiệm chi phí, ba anh em thuê trọ bình dân một phòng nhỏ trên đường Bạch Đằng, gần sông Hồng.
Rít hơi thuốc lào từ chiếc điếu cày dựng ngay bên cạnh đống phế thải, không kịp nói chuyện tiếp, chiếc xe thứ hai lại tới. Ba thanh niên dáng người lẻo khoẻo nhưng rắn rỏi lại tiếp tục “đều tay những vòng xẻng”. Những tiếng thở phì phò gấp gáp, những giọt mồ hôi tiếp tục rơi giữa đêm khuya.
Từng thúng, từng thúng phế thải lại được nâng lên đầu, đôi mắt Thảo nhắm nghiền, mặt khẽ nhăn lại. Để đổ đầy thùng hai xe tải cỡ lớn này, đầu của Thảo đã đội đến vài trăm thúng. Thêm xe này, mỗi anh em sẽ kiếm được khoảng 80 nghìn đồng trong đêm nay.
Gần 12 giờ đêm, Thảo bảo, bây giờ nếu có mối, sẽ lại đi tiếp…
Nghề “dùng đầu làm cùng chân tay”
Ở khu vực Phùng Khoang (Từ Liêm - Hà Nội), cũng có nhiều người làm nghề đội phế thải đêm. Lên Hà Nội từ năm 2000, anh Trần Văn Thông (Nam Định) cũng có thời gian làm nghề đội phế thải thuê giữa đêm tối. “Ngay chân lốp, giá khoảng 120 nghìn đồng/xe” - Anh Thông nói, vẻ mặt đầy tự tin.
Anh Thông sinh năm 1973 nhưng nhìn vẻ mặt khắc khổ và nước da ngăm đen, nhiều người nghĩ anh già hơn chục tuổi. Anh bảo, từng trải qua rất nhiều nghề: kéo xe, đội bê tông, đội phế thải, đào móng…
Nói về nghề “dùng đầu làm cùng tay chân”, anh Thông nói vất vả nhất là những ngày đầu, da đầu bị tróc vảy, sưng lên. Tuy nhiên, chỉ một vài ngày sau, quen với công việc, mọi thứ lại trở về bình thường.
“Thúng mới thường nặng khoảng 40 - 45 kg, nhiều khi phải đội quãng đường đi cả trăm mét trong đêm”.
Biết là vất vả, số tiền nhận được chẳng đáng với công sức bỏ ra, nhưng vì miếng cơm, manh áo, vì tương lai của những đứa con ở nhà, anh chấp nhận hết.
Theo anh, lái xe thường nhận tiền từ chủ, rồi dùng tiền đó thuê lao động đội phế thải. Vì thế, số tiền đáng lẽ được nhận nhiều hơn, nhưng lại phải san sẻ theo quy tắc “trung gian, bớt xén”.
“Không có họ, mình cũng không có việc làm. Nghề của mình vậy, chấp nhận thiệt thòi thôi” - Anh Thông chia sẻ.
Hiện anh Thông ở trọ cùng vài đồng hương trong phòng trọ tồi tàn ở làng Phùng Khoang. Căn phòng chỉ rộng hơn chục mét vuông, chẳng có đồ đạc gì đáng giá, ngoài hai chiếc nồi cơm điện, ít xoong nồi nấu ăn, cùng la liệt quần áo cũ treo, mắc trên tường.
Phòng trọ tồi tàn của anh Thông .
Cả dãy trọ, lúc nào cũng lớp nhớp nước, ẩm mốc. Để có chỗ chui ra, chui vào, mỗi tháng, phòng trọ cũng ngốn mất hơn một triệu.
“Hôm qua, nhận được việc đào móng cạnh trường Đại học Sư phạm, tôi gọi mấy anh em đồng hương về làm cùng. Nghỉ trưa, kéo các anh em về đây ăn cùng cho đỡ tốn kém” - Anh Thông nói.
Hai đĩa thịt luộc, một nồi canh bí đao bày trên một tấm pano tiện tay nhặt được thay mâm, đó là bữa trưa “có khách” của những người dân lao động.
Sau bữa trưa, một cuộc điện thoại từ quê ra. Một phụ nữ trong phòng rưng rưng: “Chờ vài ngày nữa, có tiền mẹ mới về được”. Vài ngày nữa, con chị cần tiền để vào năm học mới…
Trường Phong
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét