Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2012
Tuổi thơ bị đảng đánh cắp - Bài 5: Trẻ nghèo mùa ly hương
Đảng Cộng sản luôn tự xưng là người đại diện cho giai cấp Công nhân nhưng lại thờ ơ, vô trách nhiệm với người lao động. Thậm chí họ còn siết chặt sự kiểm soát đối với người công nhân bằng tổ chức Công Đoàn quốc doanh. Điều đó chứng tỏ rằng, đảng Cộng sản chỉ lo cho lợi ích của bản thân và đồng đảng của họ. Và đó là thực trạng về giới công nhân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Tuổi thơ bị đánh cắp bởi lòng tham và cả sự tàn nhẫn của giới chủ và nhà nước cộng sản độc tài.
Bài phát biểu của bà Nguyễn Thị Doan về thăm trường và trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho trường Nguyễn Siêu năm 2010 : "....Chúng ta đã thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Đất nước chúng ta có nguồn nhân lực dồi dào, hiện nay, lực lượng lao động của chúng ta có trí tuệ rất thông minh và rất dũng cảm"....
Thì đây, xin mời " đồng chí" phó Chủ Tịch nước Nguyễn Thị Doan đọc loạt phóng sự nầy về tuổi thơ mà cộng sản đã "trồng" trên đất nuớc Việt Nam
TP - Ngày hè hàng trăm trẻ nghèo Quảng Ngãi lại rồng rắn kéo nhau đến các thành phố lớn bắt đầu hành trình ly hương để mưu sinh, làm đủ nghề: bán vé số, báo dạo, đánh giày hay đi làm thuê, ở đợ… Thấp thoáng trong những bước chân nhọc nhằn, chông chênh ước vọng con chữ.
Em nhỏ tần ngần vì xấp vé số thừa quá nhiều
Rong ruổi cùng cha mù
Cơn mưa giông bất chợt đổ ập xuống thành phố Đà Nẵng, em Lê Văn Kiệt, 13 tuổi (trú xã Tịnh Bắc, Sơn Tịnh – Quảng Ngãi) cùng cha phải nghỉ giữa chừng, ngồi co ro dưới mái hiên tránh làn nước xối xả. Mưa đánh tan cái oi nồng của những ngày hè bỏng rát nhưng làm Kiệt lo lắng: “Em với cha mới đi được vài tuyến phố, bán chưa được bao nhiêu. Nếu còn mưa thế này thì ế ẩm lắm. Cha em mù không đi lại bình thường như những người khác được”.
Ông Lê Văn Cầu (50 tuổi), cha Kiệt cười mỉm, cái nhìn vô định, giọng chậm buồn: Gần chục năm khi đang làm công nhân khai thác đá tại công ty đá Núi Khỉ (Sơn Tịnh), tôi lên dò vị trí đặt kíp nổ, bất ngờ tiếng nổ vang, tôi bị hất văng xuống đất, chân tay thương tích, nhưng cực nhất là đôi mắt mù hẳn từ đó”. Phía công ty đền bù chút đỉnh, từ đó ông thất nghiệp, gia đình nghèo càng chao đảo hơn trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn.
Hè nào cũng thế, cứ hết năm học tại trường THCS Tịnh Bắc, cậu bé Lê Văn Kiệt lại khăn gói cùng cha đến các thành phố lớn. “Ngày thường, em hay phụ ba đi bán ở gần nhà nhưng nghỉ học là em lại dắt ba vào Sài Gòn hay Nha Trang… Năm nay em ra Đà Nẵng vì nghe nói ở đây bán được nhiều hơn. Mấy hôm nay World Cup người ta mua ít hẳn, hình như họ thích hên sui ở trái bóng hơn” - Kiệt bộc bạch.
Ba mùa hè qua, em Kiệt rong ruổi cùng cha mù ly hương, mưu sinh.
Mỗi ngày kéo dài đến tận chiều muộn, bàn chân nhỏ vẫn cặm cụi đến từng ngõ phố, con hẻm, mặc cho cái nóng gay gắt, hay những cơn mưa bất chợt, thậm chí cả những khi đói mệt, hai cha con vẫn cần mẫn, miệt mài. Giọng Kiệt nhỏ nhẹ: “Nếu tính được thì chắc em phải đi đến hàng chục cây số mất, vất vả nhưng có người mua vé số là em mừng và cố gắng đi tiếp” – Kiệt tâm sự.
Vòng xoáy ly hương
Em chỉ muốn nói về niềm vui, chẳng muốn nhắc khó khăn làm gì, vì nó quá rõ rồi. Nhưng mấy khi có được niềm vui. Làm thêm ở gần nhà vất vả một, phải xa gia đình đến chốn lạ lẫm, dò dẫm mưu sinh vất vả mười. Thiếu thốn tình cảm, lẻ loi cô đơn lắm!
Em Lê Văn Kiệt tâm sự
Không riêng Kiệt, hàng trăm bạn nhỏ trên địa bàn các huyện khó khăn Quảng Ngãi mùa hè lại là mùa ly hương mưu sinh. Bao lần chúng tôi ngồi quán cà phê cóc 43 Ngô Gia Tự, lẫn trong những dòng người bán vé số, báo dạo, khuôn mặt của em Lê Tấn Thanh Tùng (14 tuổi, trú Tịnh Hiệp, Sơn Tịnh) lại ám ảnh đến thế. Lần này Tùng mặc nguyên bộ đồng phục của trường THCS Tịnh Hiệp cố rảo bước nhanh về phía các hàng quán trên địa bàn Đà Nẵng, chào mời người qua đường.
Vượt hơn 200 cây số, Tùng có mặt ở Đà Nẵng ngay sau ngày kết thúc năm học lớp 7 của mình. “Nhà em làm nông, mùa hè nào cũng vậy, cứ được nghỉ là em theo mẹ đi bán vé số. Ở Quảng Ngãi ít người mua nên hai mẹ con kéo nhau ra tận đây để dễ bán vé số hơn”, Tùng bộc bạch, rồi nói vội: “Quê em cũng có vài đứa ra đây nữa anh ạ. Chúng nó làm đủ nghề, hết vé số đến đánh giày..., có đứa xin trông giữ xe, bọn em cứ hết mấy tháng hè rồi lại về quê học tiếp”. Câu chuyện thỉnh thoảng ngắt quãng mỗi khi Tùng phát hiện người mới vào quán.
Mặc nguyên bộ đồng phục, em Thanh Tùng bán từng tờ vé số .
Chúng tôi theo Tùng gần 5 cây số về khu trọ. Căn phòng rộng chưa tới 10m2, thấp nóng nhưng được chủ đại lý vé số Tuyết (đường Trần Cao Vân, Đà Nẵng) thuê cho 7 người ở. Nguyễn Văn Sinh (học sinh lớp 7, trường THCS Phú Diên), bạn Tùng thổ lộ: Ở đây chúng em hầu hết là trẻ con, chỉ có hai người lớn ở phòng này. Bên cạnh cũng thế, các bạn đều từ xa đến đây, như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thanh Hóa, hay Thừa Thiên – Huế.
Công việc thường ngày với những trẻ nghèo ly hương mưu sinh bắt đầu từ 5 giờ sáng, đến đại lý vé, rồi rảo bước trên các kiệt, hẻm, kéo dài đến cuối chiều, nhiều khi tăng ca đến tận 8 – 9 giờ tối. “Sáng ăn xôi 5 nghìn cho chắc bụng, quá trưa ăn đĩa cơm 5 – 7 nghìn, tối về ăn qua loa rồi ngủ lấy sức. Mỗi ngày như thế được ba bốn chục. Bữa nay người ta đổ về bán vé số đông quá nên cũng khó bán được nhiều hơn” – Sinh tâm sự.
Mặc thời tiết nóng như rang, những bàn chân nhỏ như vắt kiệt sức với công việc hằng ngày, giữa vòng xoáy ly hương. Theo khảo sát của Sở LĐ - TB&XH Quảng Ngãi: Sau mỗi mùa rẫy, mùa nương hay những lúc nông nhàn, người dân nghèo, thất nghiệp lại đổ xô vào Sài Gòn, ra Đà Nẵng hay lên Tây Nguyên để mưu sinh. Tình trạng ly hương trên địa bàn đang có xu hướng gia tăng. Điều tra xã hội năm 1995, số người ly hương khoảng hơn 40.000 người,nhưng đến nay con số này đã lên khoảng 150.000 người.
Vòng xoáy ly hương chủ yếu kéo theo phụ nữ và trẻ em. Ông Đỗ Tiến Tân – Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, chuyên trách bảo vệ chăm sóc trẻ em (Sở LĐ – TB&XH tỉnh Quảng Ngãi) cho biết: Chưa có thống kê cụ thể nhưng chỉ tính riêng những tháng hè tại một số huyện (Sơn Tịnh, Bình Sơn)… số trẻ em nghèo ly hương mưu sinh chừng ba đến năm trăm em.
Giấc mơ xa ngái
Sinh kéo va ly nhỏ, lấy cuốn sách nhàu cũ kỹ đọc vội vài trang trong căn phòng còn nóng hầm hập dù đã cuối chiều. “Hôm qua, em mua nó tại vỉa hè, sách giảm giá mà, có vài nghìn thôi. Đọc được lúc nào hay lúc đó, chứ bình thường đã mệt đừ rồi. Năm tới em lên lớp 8, phải tranh thủ vì năm học vừa rồi em chỉ xếp trung bình” – Sinh tâm sự.
Em Sinh tranh thủ ôn bài khi đã rã rời, mệt mỏi . Ảnh: Nguyễn Huy
Nhà Sinh có 5 anh em, bố vừa bị tai biến mạch máu não, mẹ ở nhà làm nông qua ngày, các anh đổ xô vào Sài Gòn học nghề. Em là con út nên chọn Đà Nẵng cho gần nhà. Sinh cho biết: Mỗi tháng em cố gửi về dăm ba trăm nghìn đồng cho bố chữa bệnh, còn lại em tích góp cho năm học mới.
Cô bé Nhung (13 tuổi, trú Sơn Tịnh – Quảng Ngãi) phòng bên cạnh, theo mẹ ra Đà Nẵng bán vé số, đồng cảm: “Em cố gắng làm để vừa phụ mẹ vừa có tiền mua sách vở cho năm học mới. Ở quê em nhiều bạn khổ lắm, một số bạn bỏ học đi làm xa từ nhỏ, nhưng em cố gắng cứ hết hè lại về nhà để tiếp tục học lên. Thầy cô bảo có học thật giỏi mới thoát nghèo, thoát khổ được anh ạ”. Nhung thầm mong ước về một giấc mơ xa ngái.
Dọc dài chuỗi ngày ly hương theo cha mẹ hay một mình giữa chốn xa lạ với các em nhỏ không ít kỷ niệm vui buồn, cơ cực mưu sinh. Điều ám ảnh với chúng tôi, trong ánh mắt ái ngại, xót lòng của các bậc cha mẹ, còn đó không ít sự vô tâm trong hành trình mưu sinh của con cái.
Nguyễn Huy
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét