"Về vị trí thì giai cấp Công Nhân Việt Nam đang ở trong một giai đoạn tồi tệ nhất trong lịch sử, đó là chế độ độc tài Cộng sản. Ở đó mọi quyền lợi của con người bị che đậy và giảm thiểu tới mức tối đa, người Công Nhân cũng không là ngoại lệ. Mọi quyền lợi căn bản của người Công nhân đã bị nhà nước Cộng sản cướp mất thông qua hệ thống Công Đoàn nhà nước tay sai. Vì vậy nhiệm vụ của giai cấp Công Nhân Việt Nam hiện nay là đấu tranh với nhà nước Độc tài, đòi quyền được thành lập tổ chức Công Đoàn Độc lập. Đó là một tổ chức thực sự đại diện cho người Công Nhân, đấu tranh cho quyền lợi của họ. Từ đó mà người Công Nhân sẽ được độc lập - tự chủ mà không bị nhà nước kịp kẹp cũng như giới chủ bóc lột thậm tệ nữa." ( HUỲNH CÔNG ĐOÀN )
Thực trạng buồn về đời sống nữ công nhân
Việc làm không ổn định, đời sống vật chất và tinh thần nhiều khó khăn, thu nhập không tương xứng với cường độ lao động thực tế, không đủ để tái sản xuất sức lao động... đó là những nhận định về thực trạng đời sống và việc làm của nữ công nhân hiện nay được Trung tâm hợp tác phát triển nguồn nhân lực (C&D) đưa ra.
Những số liệu trong cuộc khảo sát này một lần nữa đã chỉ ra những khó khăn không dễ gì khắc phục trong đời sống người lao động, đặc biệt là lao động nữ
Thực tế cho thấy việc làm của phần lớn công nhân nữ nhập cư ở ba thành phố lớn Hà Nội, Sài Gòn và Đà Nẵng đều được xếp vào diện "bấp bênh". Chỉ có 28% số ấy có hợp đồng không xác định thời hạn (Hà Nội là thấp nhất, chỉ 15%). Đáng nói là 10% công nhân nữ lại đang ký hợp đồng miệng hoặc không ký hợp đồng lao động và 24% đang ký hợp đồng thời hạn dưới 12 tháng ngay cả khi đang làm việc trong các khu công nghiệp với những công việc không mang tính thời vụ. Thậm chí, có những trường hợp (khoảng 2%) không được biết "cái hợp đồng lao động ra làm sao". Sự bấp bênh trong việc làm của họ còn thể hiện ở chỗ có tới 36% công nhân nữ đã từng chuyển nơi làm việc từ 1 đến 5 lần trong 5 năm qua, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi.
Theo thống kê, số công nhân làm việc đúng 8 giờ/ngày chỉ đạt 78%, có 15% làm việc 9 đến 11 giờ /ngày,7% làm việc 12giờ /ngày, thậm chí vẫn có những công nhân làm việc trên 12 giờ/ngày. Cường độ làm việc "chóng mặt" như thế nhưng thu nhập lại không tương xứng. Mặc dù các doanh nghiệp đều điều chỉnh theo hướng tăng tiền lương tối thiểu năm 2009, song hầu hết công nhân nữ nhập cư cho rằng, tiền lương, tiền công được trả chưa đúng với thời gian và công sức lao động mà họ bỏ ra. Song với tâm lý của những người cần việc làm, họ không dám đòi hỏi và tất nhiên họ không được thương lượng, thỏa thuận về tiền lương, tiền công và cả thời gian làm thêm giờ. Tiền lương trung bình của công nhân nữ nhập cư đều được doanh nghiệp trả cao hơn mức lương tối thiểu, song chỉ cao hơn khoảng từ 50.000 - 200.000 đồng. Nhóm có tiền lương thấp nhất thuộc những người không có tay nghề, mà nhóm này chiếm tới 78%. Để đối phó với việc thực hiện lộ trình tăng lương tối thiểu, nhiều doanh nghiệp đã mạnh tay cắt xén những khoản chi cho công nhân như tiền thưởng, tiền "chuyên cần", trợ cấp đi lại, hỗ trợ tiền nhà ở, học tập đào tạo nghề...
Đời sống của nữ công nhân cũng không khả quan hơn. Phần lớn chị em tự mua thực phẩm về nấu thay vì ăn ở các quán bình dân với mức chi bình quân chỉ là 3.000 - 7.000 đồng/ bữa. 42% nữ công nhân thỉnh thoảng và 8% phải thường xuyên phải cầm đồ, vay lãi hoặc mua chịu để lấy tiền sinh sống. Thời gian gần đây tình trạng người lao động chậm đóng tiền nhà, tiền điện, mua chịu hàng hóa... tăng nhiều so với trước. Tại các khu công nghiệp và khu chế xuất của Hà Nội, công nhân nữ phải thuê nhà trọ, phần lớn không đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tối thiểu như: diện tích chật hẹp, thiếu ánh sáng, nước sạch. Phòng từ 12 - 15m2 cho 3 - 6 người, bao gồm cả nơi tắm rửa, vệ sinh, nấu nướng, ăn ở.
Suốt ngày "ngập đầu" trong công việc, điều kiện vui chơi giải trí với những nữ công nhân này cũng chỉ là "mơ ước". Hơn nữa, do tính chất công việc, nữ công nhân ít có điều kiện hòa nhập nhịp sống của thành phố. Một nữ công nhân may tâm sự: "Mình hiếm có thời gian cho những cuộc chơi với bạn bè, nếu nói là "tối mắt, tối mũi" vào đường kim, mũi chỉ cũng chẳng sai. Làm việc từ sáng đến tối, nghỉ trưa được 30 phút, nhất là những ngày có lô đặt hàng lớn thì phải thức cả đêm. Dẫu rằng, làm nhiều thì kiếm được nhiều… nhưng đấy không phải là cái quan trọng nhất với bọn mình".
Hà Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét