Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012
GIÁ ƠI! LEO ĐẾN CHỪNG NÀO ? HÃY NGÓ XUỐNG ĐỜI SỐNG CÔNG NHÂN!
Chúng ta phải tự đứng lên để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, không có ai làm điều đó thay cho chúng ta, hỡi những người Công nhân Việt Nam. Hãy ý thức được vai trò to lớn của mình, hãy đấu tranh để lấy lại những quyền lợi mà bấy lâu nay bị nhà cầm quyền tước đoạt. Để làm được điều đó, các bạn hãy đoàn kết chung quanh tổ chức Công Đoàn độc lập của mình, một tổ chức thực sự đấu tranh cho quyền lợi của Công Nhân. Khi giai cấp cấp Công nhân đã ý thức được điều đó thì không điều gì và ai có thể ngăn cản được sức mạnh chân chính của các bạn" .( HUỲNH CÔNG ĐOÀN )
Lương chưa đến kỳ tăng, thì các loại thực phẩm, gas, xăng, nhà trọ, nước... cứ đua nhau tăng giá, khiến đời sống người công nhân càng thêm khó khăn, vất vả. Gặp gỡ và trò chuyện với những công nhân ở các khu công nghiệp Quế Võ, Yên Phong, Tiên Sơn… chúng tôi cảm nhận trên khuôn mặt họ nỗi âu lo, vật lộn với sự leo thang của giá cả.
Mức lương bình quân hằng tháng của công nhân khoảng 2 triệu đồng. Trong khi đó, giá các mặt hàng sinh hoạt thì tăng chóng mặt. Chính vì vậy mà công nhân phải thắt lưng buộc bụng, đi chợ chỉ toàn thấy mua rau và đậu phụ. Chợ vỉa hè dành cho công nhân thường là tự phát, bán thức ăn giá rẻ, không được tươi ngon, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm: Thịt lợn, cá, tôm… bán cho công nhân chủ yếu là hàng ôi, hàng ế từ buổi trưa hoặc ướp đá lâu ngày.
Chúng tôi tới một xóm trọ ở thôn Ấp Đồn (Yên Trung), nhìn bữa cơm của 4 nữ công nhân một phòng chỉ có đĩa rau luộc, lạc rang và mấy con cá khô muối mặn mà thấy ái ngại cho cuộc sống của họ. Với thu nhập trung bình 2,5 triệu đồng/tháng, chị Nguyễn Thị Hòa, công nhân Sam Sung (KCN Yên Phong) trừ tiền ăn 1 triệu đồng, nhà trọ 500.000 đồng, tiền điện nước 100.000 đồng, còn các khoản chi tiêu khác như đồ dùng, quần áo... nên chẳng dư đồng nào mà gửi về cho các em ăn học.
Chị Hòa kể: “Khoẻ thì cố làm tăng ca, nhưng khi ốm yếu, em chẳng biết lấy tiền đâu ra khám bệnh”. Có nhiều hoàn cảnh như chị Hòa đang phải gắng gượng mà cắt giảm mọi chi phí, để bù vào phần trượt giá, tăng giá, nhưng cũng có không ít công nhân khác đành bỏ việc về quê hoặc chuyển chỗ trọ xa hơn để tiết kiệm chi phí.
Đi vào sâu, phòng trọ chừng 10m2, là nơi trú ngụ của anh Nguyễn Đình Tuấn với vợ và đứa con 2 tuổi. Bữa cơm gia đình anh chị chỉ thấy rau và đậu phụ. Chị Nguyễn Thị Lan (vợ anh Tuấn) công nhân Công ty ORION (KCN Yên Phong) cho biết: “Lúc trước một tháng chỉ hết 1 triệu đồng tiền mua thức ăn, nay giá lên thì phải từ 1,4-1,5 triệu đồng. Vậy mà cũng không đủ, mỗi lần đi chợ là phải suy nghĩ mua gì, ăn gì được trong mấy ngày”. Trong túi ít tiền nên người công nhân chỉ chọn mua những món hàng giá thấp nhất. Ăn uống qua loa nên không ít công nhân ốm yếu, nhất là công nhân ngành may.
Nhiều công nhân ở khu nhà trọ xã Yên Trung (Yên Phong) cõng thêm gánh nặng vì chủ nhà trọ đã tăng giá từ 450 ngàn đồng/phòng lên 550 ngàn đồng/phòng, tiền điện cũng tăng từ 2500 đồng lên 3.500 đồng/KWh, cộng thêm việc tăng giá ga, giá xăng dầu làm cho bữa ăn của người công nhân xuống thấp. Suy nghĩ và trăn trở của họ cứ trĩu nặng phải làm sao để duy trì cuộc sống.
Để chống chọi với sự tăng cao của giá cả, các công nhân vẫn thường chọn là tăng ca, miễn sao tăng thêm tiền để ổn định cuộc sống. Anh Trần Văn Khôi, công nhân Longtech (KCN Quế Võ) buồn rầu: “Lương tháng chỉ có 1,8 triệu đồng, tăng ca trầy trật cũng chỉ đạt 2,5 triệu đồng. Bây giờ cái gì cũng đắt đỏ, mà tiền lương thì chưa tăng không theo kịp mức tăng của giá cả thị trường nên chúng tôi không còn cách nào khác là phải thắt lưng buộc bụng, cắt giảm mọi chi phí không cần thiết”.
Cuộc sống chật vật, công nhân phải gồng mình tăng ca để có thêm chút tiền đi chợ, còn đời sống tinh thần của họ cũng vô cùng nghèo nàn, những các nhu cầu vui chơi, giải trí, mong muốn có một gia đình êm ấm cho riêng mình với họ là một điều xa xỉ.
Bao nhiêu năm làm công nhân, họ chỉ biết làm bạn với nhà xưởng và căn phòng trọ thuê vẻn vẹn 10m2. Nhiều người không thể trụ vững với những khó khăn đã sa ngã vào chốn cờ gian bạc lận, tệ nạn xã hội... Cuộc sống của người công nhân gian nan vật lộn, còn tương lai thì mờ mịt. Mọi vướng mắc, âu lo của họ chỉ vì đồng lương eo hẹp mà giá cả các mặt hàng sinh hoạt cứ ồ ạt leo thang.
V.P
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét