Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012

Cách Mạng Nhung Đông Âu: Công Đoàn “Solidarnósc” giải phóng Poland : Phần Kết

Revolution fist.jpg
Không thể để đất nước điêu tàn và cuộc sống của anh chị em ta mãi mãi tăm tối. Anh chị em ta hãy đoàn kết một lòng, rầm rộ xuống đường để phản đối chính sách bóc lột thậm tệ của chế độ tư bản đỏ. Kiên quyết đấu tranh đòi cho bằng được quyền lợi chinh đáng như tiền lương đúng với sức lao động và các tiêu chuẩn an sinh khác…Kiên quyết đòi cho được quyền thành lập công đoàn độc lập để đứng ra bảo vệ mọi người khi quyền lợi của anh chị em bị giới chủ xâm phạm.
 Điều cấp bách nhất hiện nay là anh chị em chúng ta xuống đường đòi cải thiện đời sống. Nếu cứ cam chịu thì tương lai của anh chị em ta càng mờ mịt hơn. Ở đâu có áp bức ở đấy có đấu tranh, đó là lẽ đương nhiên. Vì quyển lợi thiết thực của bản thân; vì tương lai tươi sáng của đất nước. Chúng tôi kêu gọi anh chị em công nhân Việt nam hăng hái xuống đường;biểu tình; đình công…Đòi hỏi nhà cầm quyền phải đáp ứng những nguyện vọng chính đáng. Chúng tôi luôn luôn sát cánh bên anh chị em.

                   

TBT Brezhnev gặp Kania ở Moscow hồi tháng ba; nói rằng “nếu chúng tôi thấy các anh bị lật đổ, chúng tôi sẽ tiến vào”. Andropov thì than phiền rằng mật vụ SB của Poland tệ hơn mật vụ Đông Đức và Tiệp; thậm chí khi có hai cán bộ KGB đến thăm xưởng đóng tàu “Lenin” ở Gdansk, giám đốc Gniech khuyên họ nên để chiếc xe du lịch lớn đằng xa bên ngoài cổng để tránh khiêu khích bọn thợ ở bên trong; nay nằm ngoài quyền sinh sát của chế độ! Gần một năm sau vào tháng mười, Kania bị Andropov hạ bệ vì câu nói khinh thường Nga, phát hiện qua băng thu lén “. . .kiểu mẫu Soviet thất bại. Liên-xô phải mua gạo một cách có hệ thống từ phương Tây cho thấy sự quản lý của họ sai sót trầm trọng . . . sức mạnh của họ chỉ dựa vào quân đội và áp bức. Cho dù Liên-xô hơn Mỹ về chiến lược đi nữa thì chỉ trong vài ba năm cũng thua về kinh tế”.

Tướng Wojciech Jaruzelski sinh ngày 6/7/1923 trong một gia đình địa chủ giàu có gần Bialistok có truyền thống quốc gia chống Nga. Ông cố và hai ông cậu từng nổi lên chống Tsars Hoàng hồi 1863 rồi bị đày đi Siberia suốt 12 năm. Cha ông cũng chiến đấu chống Nga hồi 1920 và thắng trận hiếm hoi này. Ông được học trường dòng Thánh Mẫu ở thủ đô. Cả gia đình ông phải lánh nạn ở Lithuania khi Đức Quốc Xã chiếm đóng Poland. Sau đó gia đình ông bị Soviet đày đi Siberia lao động khổ sai khiến cha ông mất tại đó. Bản thân ông bị đày đi Taiga lao động 2 năm, bị té cây rồi bị phản xạ mặt trời từ đá tuyết khiến mắt ông bị hư hại phải đeo kính râm từ ngày đó đến nay. Khi Đức xâm lăng Nga năm 1941, ông gia nhập quân đội Poland chiến đấu bên cạnh Hồng quân Nga. Sau Thế chiến II, ông lên cấp tướng và được giao việc thành lập Hồng quân Poland và chỉ nổi danh sau vụ 44 công nhân xưởng đóng tàu “Lenin” bị bắn chết hồi 1970; mặc dù không không phải là người trực tiếp ra lệnh. Từ tháng 2/1981 ông là Thủ Tướng kiêm bộ trưởng Quốc Phòng rồi sau thay Kania làm Tổng Bí Thư Đảng CS Poland.

Jaruzelski lập đội cảnh sát chống nổi dậy (KOR) 15,000 người hầu đối phó với tình hình mới. Để lấy cớ ra lệnh thiết quân luật, mật vụ Đảng tạo ra một băng giả thâu âm các lãnh tụ Solidarity họp mật bàn chuyện lật đổ chính quyền. Thiết quân luật được ban hành đêm lạnh giá 12-13/12/1981. Gián điệp của CIA bên cạnh Jaruzelski là Đại tá Ryszard Kuklínski, bí danh “Jack Strong” có báo cáo tin này nhưng Mỹ không báo động cho Solidarity. Do đó, vào 2 giờ sáng một ngày chủ nhật, 2,000 cảnh sát hành quân bắt giữ tại nhà hầu hết các lãnh tụ công đoàn này. Walesa bị bắt tại nhà ở Zaspa, ngoại ô Gdansk bởi 6 mật vụ SB và Bí Thư Đảng bộ Gdansk Tadeusz Fiszbach. Trước khi bị dẫn đi, Walesa đã bảo họ “đây là giờ phút các ông thua, là ngày tàn của chủ nghĩa cộng sản”. Một số cũng trốn thoát được như Zbigniew Bujak 27 tuổi lúc đó đang ở trong một bar rượu. Chỉ mấy hôm đầu đã có trên 6,000 người bị bắt. Walesa bị đưa đến vùng săn bắn Arlamówo cách thủ đô 500km; ngụ tại nhà cựu TBT Ed Gierek nhưng được đối đãi đặc biệt tử tế. Có linh mục đến cho rước lễ hàng tuần. Vợ ông cũng thỉnh thoảng được đến thăm chồng. Các bữa ăn thật thịnh soạn và thuốc lá mặc sức mà hút. Tuy nhiên ông bị cô lập và ít được tập thể dục. Chả thế mà sau 11 tháng bị giam giữ, ông mập ú và trắng xanh!

Sáng hôm sau đó, Jaruzelski tuyên bố lý do trên TV hồi 6 giờ sáng. TGM Glemp (thân chế độ) cũng phụ họa sau đó rằng thiết quân luật là biện pháp “nhẹ hơn giữa 2 biện pháp; đừng gây nồi da xáo thịt”. Jaruzelski phái Florian Siwicki sang Nga cầu viện để hỗ trợ thiết quân luật nhưng bị từ chối. Chính Andropov hôm 10/12 trong cuộc họp Bộ Chính Trị về Poland đã khẳng định “. .  ngay cả trường hợp Poland nằm trong tay Solidarity thì cứ kệ nó; các xứ tư bản mà cấm vận kinh tế và chính trị Liên-xô thì là gánh nặng cho chúng ta.”. Gromiko kết luận “không thể đưa quân vào Poland được”!

Walesa được trở về với vợ con và trở lại xưởng “Lenin” làm việc. Ông được đồng nghiệp đón tiếp như một anh hùng! Đến nay đã có khỏang 10,000 người bị bắt giam trong các nhà tù hoặc trong 49 trại tân lập vội vã. Hàng triệu công nhân, viên chức chính phủ buộc phải ký giấy tuyên thệ trung thành với chế độ. Báo chí bị đóng cửa, 370 nhà in và 1,200 thiết bị in ấn bị tịch thu. Điện thoại, máy fax bị cắt và cấm. Tuy nhiên không ai bị trục xuất hay bị hành quyết như ở Hung năm 1956. Walesa bị quấy nhiễu, bị điều tra thuế má, bị chụp mũ “đại sứ tự phong của Mỹ”. Khi “cây gậy” không hiệu quả, chế độ dùng “củ cà-rốt”: hứa thưởng số tiền lớn nếu ông chịu lưu vong ra nước ngoài; nhưng ông từ chối thẳng! Chẳng những giữ vững lập trường, ông còn có lần bí mật gặp gỡ ban lãnh đạo công đoàn suốt mấy ngày mà mật vụ không biết. Hơn thế nữa, ông còn lừa được chế độ bằng cách đề nghị hòa giải nếu họ cho ông lên TV để họ phỏng vấn. Chế độ mừng ra mặt; tưởng sẽ có một cú “đảo chính” tuyên truyền ngoạn mục và ít tốn kém. Nhưng khi vừa được cầm lấy micro, ông đã chỉ trích chế độ thiết quân luật thậm tệ. Cuốn băng được lệnh phải bị tiêu hủy. Nhưng tuyệt vời thay, một phó bản bị Wojciech Harasiewicz – một cảm tình viên Solidarity trong đài – chuyển lén cho phái viên ABC News ở Warsaw là David Ensor. Thế là nó được phát thanh trên Radio Free Europe và BBC World Service và nhiều phó bản khác được truyền tay lậu trong cả nước (tựa Internet ở VN ngày nay)! Chế độ bắt giam Wojciech ngay nhưng không dám “động đến lông chân” Walesa vì ông quá nổi tiếng khắp thế giới với giải Nobel hồi tháng 12/1983! Ông khôn khéo không đi Stockhom nhận giải vì sợ chế độ không cho trở về. Vợ ông đi thay chồng để nhận giải. Danuta Walesa nay không còn e lệ, sợ sệt như xưa. Bà đối đầu với mọi nghịch cảnh và mọi đe dọa từ chế độ không chút nao núng!

Rốt cuộc thiết quân luật cũng bị bãi bỏ hồi tháng 7/1983 nhưng không hoàn toàn. Điều khoản cấm biểu tình và cấm Solidarity vẫn được giữ nguyên. Một số phần tử lãnh đạo Solidarity tại ngoại như Zbigniew Bujak vẫn âm thầm hoạt động để nuôi dưỡng tổ chức mà bên ngoài ai cũng tưởng như đã biến mất. Một số phần tử quá khích trong công đoàn dự trữ vũ khí, đạn dược liền bị các phần tử lãnh đạo tại ngoại này gom đem vứt hết xuống sông Vistula để tránh bị chế độ chụp mũ “khủng bố”! Adam Michnik khẳng khái chọn nhà tù thay vì lưu vong như chế độ đã nhờ bạn gái ông ta dụ dỗ dùm họ! Chế độ CS cố vô hiệu hóa Solidarity bằng cách tuyên truyền rằng tổ chức này “không còn hiện hữu”; rằng Walesa là “cựu lãnh tụ của cựu công đoàn thương mãi” hoặc “thường dân”. Còn TGM Glemp thân chính thì nói với khách thăm viếng Poland lúc bấy giờ, PTT Bush rằng đến cuối năm 1987 “Solidarity đã khép lại một chương của lịch sử Poland!”.

Việc bãi bỏ thiết quân luật chỉ là điều kiện mà ĐGH John Paul II đòi hỏi cho chuyến viếng thăm lần thứ nhì của ngài hồi tháng 6/1983. Cũng như lần 4 năm về trước, ngài không “vạch mặt chỉ tên” ai nhưng trong bài giảng trước hàng triệu tín đồ, ngài đã nói về “sự bất công khủng khiếp của lịch sử” và tuyên bố dân chúng đã được “mời gọi chiến thắng”. Ai cũng hiểu ngài muốn nói gì! Trong tình trạng kinh tế kiệt quệ, tiền lời nợ cũ không trả nổi lấy đâu ra tiền vay mới được các nhà băng tư bản chấp thuận, nội bộ đảng CS suy yếu trầm trọng trong thời gian này. Hơn một nửa trong tổng số 3 triệu đảng viên bỏ Đảng suốt 5 năm qua. Gần 1/3 đảng viên dự thánh lễ Misa hàng tuần; chưa kể 20% khác đi lễ không đều đặn và có ý không ra mặt. Hệ thống Đảng nay chỉ còn các cựu chiến binh già và thành phần bám Đảng để giữ job (tựa VN hiện nay). Ngay thành phần “con ông cháu cha” cũng không còn muốn vào Đảng vì đồng lương “chết đói”! Hồi tháng 11/1987, Jaruzelski sau khi hội ý Gorbachev đã tổ chức “trưng cầu dân ý” để tỏ ra sẵn sàng thay đổi kiểu “perestroika” của Nga. Trong phiếu trưng cầu có câu hỏi “Bạn có thích mô hình dân chủ hóa tận gốc không?”. Kết quả 66% trên tổng số cử tri 67% trả lời “Yes”. Mưu đồ cuộc trưng cầu này của Đảng là: Thứ nhất, nếu cử tri tự trả lời “Yes” thì chế độ CS cũng vớt vát được tiếng là người tổ chức. Thứ hai, nếu Solidarity xúi dân bầu “Yes”, chế độ sẽ có cớ vô hiệu hóa kết quả để tiếp tục độc quyền cai trị!

Trong chuyến viếng thăm Vatican hôm 7/6/1982, TT Reagan và ĐGH John Paul II đồng ý chia sẻ tin tình báo và cùng nhau giúp Solidarity. Trùm CIA William Casey, một tín đồ Công giáo mộ đạo gặp gỡ lien lạc thường xuyên TGM Pio Laghi ở thủ đô Mỹ và ĐHY Agostino Casaroli ở Vatican để lên kế hoạch giúp Solidarity về vật chất. Nhưng chính TT Jimmy Carter sau này mới bắt tay vào việc giúp Solidarity thực sự. Cố vấn an ninh QG của TT Carter, Zbigniew Brzezinski sinh ở Poland, là người tích cực giúp với tư cách riêng. Tiền được chuyển qua trung gian Vatican Bank; máy in và vật liệu được văn phòng Solidarity của Jerzy Milewski ở Brussels chuyển qua thương buôn Panama và Bahamas rồi cập bến Thụy-điển trước khi đến Gdansk. Thủ Tướng Thụy-điển Olof Palme, một cảm tình viên của Solitarity hứa với Reagan sẽ không đánh thuế thứ hàng hóa này. Chế độ CS Poland biết nhưng làm lơ để tiếp tục theo dõi thay vì làm bể ổ. Tổng cộng có đến hơn $50 triệu USD hàng hóa lọt vào tay Solidarity trong thời gian thiết quân luật.

Nhưng không phải không có trả giá. Linh mục Jerzy Popieluszko 37 tuổi nổi tiếng trong nước còn hơn Walesa; đặc biệt qua các bài giảng chống bất công áp bức hùng hồn ở giáo xứ St Stanislaw Kostka của ngài tại thủ đô qui tụ có lúc đến 40,000 tín hữu! Ngài cũng gặt hái ra tiền cho Solidarity nên mật vụ chế độ đã chiếu cố ngài đêm hôm 15/10/1984. Ba mật vụ SB chận xe ngài sau mục vụ từ Gdansk trên đường về thủ đô; bắt cóc và đem ngài vào rừng. Họ dùng cây đánh vào đầu ngài; quá tay khiến ngài bị tử thương. Bối rối trước “sự cố” bất ngờ khiến 3 tên SB phải liệng xác ngài xuống sông Vistula để phi tang. Xác ngài được tìm thấy mấy hôm sau đó tại khúc sông thuộc làng Wloclawek cách thủ đô 12km. Để tỏ ra “vô can” trong vụ này, chế độ đã lần đầu tiên truy tố 3 mật vụ ra tòa. Ba tên SB đều là sĩ quan; mỗi tên lãnh án vài chục năm nhưng chỉ thọ án 1/3 thời gian này. Đám tang vị linh mục ngày thứ bảy 3/11/1984 tại giáo phận Kostka có tới 200,000 người tham dự. Ai cũng nghi còn cấp cao hơn ở trung ương can dự! (chẳng khác ở VN hiện nay).

Do lạm phát 50% và không vay được nợ mới vì không trả được tiền lời nợ cũ đúng hạn, chế độ Jaruzelski đành phải tăng giá thực phẩm lên 40% hồi tháng 4/1988. Thế là lại có đình công suốt mùa hè để trả đũa. Lần này phải cho chế độ cộng sản “knock out” như Walesa đã thề! Từ 1/5/1988 đã có nhiều vụ đình công đòi tăng lương 50%-60% với 15,000 công nhân gần Krakow. Gorbachev thăm Jeruzelski hôm 12/7/1988 trong bầu không khí lạnh nhạt nhưng lại được tiếp đón nồng hậu bởi mọi thành viên công đoàn. Khi hội đàm với Gorbachev, Jaruzelski than không vay được tư bản nên năn nỉ xin vay Liên-xô 500 triệu USD để tránh phá sản cấp thời. Nhưng Gorbachev từ chối vì chính Soviet cũng “không mang nổi mình ốc” với công nợ, Afganistan và vô số tai họa phải đối phó. Gorbachev khuyên ông ta nên thương lượng với Walesa; phải đạt được hiệp ước với ông ta để được tư bản phương Tây có điều kiện cho vay thêm. Thế là Jeruzelski phải xin gặp Walesa lập hội nghị “bàn tròn” và hứa hợp thức hóa Solidarity nếu Walesa chịu ngừng đình công. Nhiều phần tử cố vấn khuyên Walesa đừng mắc mưu ông Tướng. Walesa ôn tồn bảo họ “nhưng bàn tròn vẫn tốt hơn là phòng giam vuông!” Vả lại chính Giáo Hội CG Poland cổ động và bảo trợ việc này. Và chính Vatican cũng đồng ý. Walesa đã từng mượn lời Thủ Tướng Anh Churchill tâm sự với các đồng nghiệp “Tôi sẵn sàng nói chuyện với chính tên ác quỷ nếu nó đem lại ít nhiều lợi ích cho Poland”!

Walesa phải đi một vòng Poland để giải thích và thuyết phục công nhân về chiến thuật “đàm thoại” để có giải pháp chiến thắng. Jaruzelski thì nghe cố vấn Rakowski khuyên nên nhường cho Sodalitary mấy ghế bộ trưởng không quan trọng trong chính phủ để có cớ đổ lỗi khi thất bại và có cớ vay tư bản. Nhưng phe diều hâu trong Đảng phản đối. Họ sợ mất Đảng (tựa VN hiện nay)! Jaruzelski phản bác rằng “không có chọn lựa nào khác” để vay tiền tư bản; và rằng “chúng ta đang nói ở đây về việc sắp xếp để Đảng tồn tại; không phải để bỏ rơi quyền lực”. Alfred Miodowicz, chủ tịch công đoàn “quốc doanh” bù nhìn của Đảng thì rút kinh nghiệm hồi 1980-81; chán nản nói rằng hồi đó họ (Solidarity) đã có đến 10 triệu đoàn viên trong khi Đảng ta chẳng còn ai. Huống gì bây giờ hợp thức hóa họ thì có mà chết! Ông ta thử mời Walesa hội luận trên TV. Lần đầu tiên từ 1981, dân chúng lại được chiêm ngưỡng chân dung Walesa; lần này trên TV hẳn hoi! Hai ông lãnh tụ công đoàn, một thật, một bù nhìn bốp chát rất thú vị. Thắng lợi về phía Walesa vì dân chúng tán thưởng lối nói chuyện bình dị, mộc mạc nhưng sắc xảo, châm biếm của ông. Chẳng hạn nói về mức sống hai khối tư bản-cộng sản, ông mô tả “phương Tây đi xe hơi còn chúng ta thì cưỡi xe đạp” khiến khán thính giả TV rầm rộ tán đồng và đối phương Alfred phải cúi đầu câm mồm ngậm bồ hòn làm ngọt!

Sau hai ngày họp kín với ban lãnh đạo Đảng với trên 10 giờ thảo luận gay gắt để bỏ phiếu đồng ý hay không việc hợp thức hóa Solidarity, Jaruzelski quyết định làm yêu sách với đồng ngũ bằng cách đe dọa từ chức vì ông biết ngoài ông ra không ai ở trung ương đủ uy tín hơn để đối phó với cả thù lẫn bạn hơn ông. Ngày giờ “hội nghị bàn tròn” được qui định là 6/2/1989 tại dinh Radziwill. ĐGH John Paul liền gởi phép lành Tòa Thánh cho hội nghị. Ngài nói với một khách đến yết kiến rằng “nhà cầm quyền Poland có mọi thể lực nhưng không có ảnh hưởng; còn đối phương có ảnh hưởng lại không có thế lực”. Lãnh tụ CĐ Adam Michnik thì bảo “nhà cầm quyền thì quá yếu để chà đạp chúng tôi; còn chúng tôi cũng quá yếu để lật đổ họ”, cả hai cùng yếu!

Qua 92 đợt hội đàm; phần lớn bàn về y tế, giáo dục, an toàn lao động, phương thức lao động ..vv.., nhưng mục tiêu chính của cuộc hội đàm vẫn chưa thành tựu. Rốt cuộc “hội nghị bàn tròn” chỉ được giải quyết tay đôi “bàn vuông” giữa Walesa và Kiszczak tại một villa ở Magdalenka, cách Warsaw 25km. Tiến trình hội nghị được đưa tin mỗi tối trên TV đế mọi người theo dõi. Cuối cùng hôm 4/4/1989, Walesa và Jaruzelski cũng đi đến một thỏa hiệp - không hoàn hảo cho cả đôi bên - là hợp thức hóa Solidarity và tổ chức bầu cử “tự do” ngay sau đó như một điều kiện đính kèm. Thể thứ bầu cử “bán tự do” này qui định dành 35% ghế Hạ Viện (Sejm) được đem ra bầu; số còn lại dành cho Đảng CS miễn bầu. Còn 100 ghế Thượng Viện dành hết để bầu tự do. Chế độ CS tự tin rằng Solidarity không thể giành đa số ở cả 2 viện và rằng phải đến “hết thế kỷ 20” Đảng mới bị mất (!?)

Kết quả cuộc bầu cử “bán tự do” ngày 4/6/1989 đến với Solidarity tại trụ sở tuyển cử của tổ chức ở lầu hai của quán “Café Surprise” ngay trung tâm Warsaw: Solidarity thắng 33/35 ghế Hạ Viện, Cộng sản “thắng” 65 ghế “chiếm sẵn, không đem ra bầu”! Solidarity thắng 99/100 ghế Thượng Viện (ghế kia chắc là do Đảng gian lận). Ba ứng cử viên Cộng sản Kiszczak (bộ trưởng nội vụ), Rakowski (thủ tướng), Siwicki (bộ trưởng quốc phòng) và các ứng viên CS khác đều bị thất cử nhục nhã! Đúng là “gậy ông đập lưng ông” vì chính chế độ CS đã đòi bầu cử ngay sau hội nghị bàn tròn như một điều kiện để thỏa thuận! Trong hội nghị bàn tròn có giai thoại tên phát ngôn viên Jerzy Urban của Tướng Jaruzelski (nổi tiếng chuyên quấy rầy các ký giả nội địa và phương Tây) đã bảo lãnh tụ CĐ Jacek Kuron rằng “chúng tôi sẽ cho anh cơ quan Zomo (cảnh sát chống nổi dậy) trước khi cho anh TV”. Kuron đáp lại “chúng tôi cần TV hơn nhiều, cảm ơn”! Urban cũng thất cử nặng kỳ này!

Solidarity nhờ dân chúng ủng hộ và Giáo Hội hậu thuẫn nên có nhiều nhân vật lực và sáng kiến. Để cử tri nhận diện được hết các ứng viên của “phe ta”, ứng viên nào cũng có ảnh chụp chung với Walesa cả! Hơn nữa dưới các poster tranh cử còn có thủ bút của chính Walesa viết “Chúng ta phải thắng!” dùng như con mộc chứng từ vậy. Lại còn BBC và Radio Free Europe công khai quảng cáo giúp nữa! Thế thì đối thủ chạy trời không khỏi nắng!? Ngược lại như thế “còn nước, còn tát”, chế độ cố dùng thủ đoạn thâm độc cuối cùng để lừa cử tri: Poster của họ không in màu đỏ (mang tiếng khát máu đã lâu nên phải giấu) và lời hô hào phần lớn là câu “Theo chúng tôi an toàn hơn!” (một ký giả Tây phương mỉa mai nói “nghe sao giống quảng cáo bao cao su ngừa SIDA” quá!). Phiếu bầu là một xấp giấy dầy tên các ứng viên khó mà phân biệt “thiện, ác”; cho nên tại 20,000 phòng phiếu toàn quốc đều có tình nguyện viên “phe ta” hướng dẫn cử tri thực hành bằng phiếu mẫu để cử tri dễ phân biệt và nhanh chóng xong việc! Giáo Hội qua các bài giảng lễ chủ nhật, các linh mục chủ tế thường nhắc cử tri “Tôi nghĩ ông bà anh chị em biết Chúa sẽ bầu cho ai trong ngày bầu cử này rồi chứ!”. Chưa hết, đại sứ Mỹ John Davis 62 tuổi làm đại sứ ở Warsaw 6 năm có dịp thăm dò dư luận và thăm một phòng phiếu đã đánh điện về thủ đô Hoa Kỳ rằng “Solidarity sẽ thắng và thắng lớn!”. Trong điện văn đánh về bộ Ngoại Giao ngày 19/4, ông viết “nhà cầm quyền cộng sản có lẽ sẽ bị đánh bại hoàn toàn”. Hôm 2/6 hai ngày trước ngày bầu cử, ông tiên đoán “Solidarity gần như hoàn toàn chiến thắng”. Trước thắng lợi vẻ vang, Walesa cười nói dí dỏm “Tôi đang đứng trước tai họa trúng mùa gặt hái. Lúa chín nhiều thế này thì bồ đâu mà chứa cho hết cơ chứ!”. Cùng ngày ấy, khi nghe tin hàng ngàn người biểu tình bị Hồng quân Tàu Cộng bắn giết ở Thiên-an Môn, cố vấn Geremek của ông cảnh báo “dĩ nhiên chúng ta thắng nhưng nên nhớ là họ có đủ loại súng đạn”.

Sáng hôm sau kết quả bầu cử, Jaruzelski than: “Kết quả thật khiếp đảm hơn ta dự đoán. Cũng tại Giáo Hội. Họ là thủ phạm chính. Chúng ta phải gặp lãnh đạo GHCG ngay mới được!” . Còn Stanislaw Ciosek thì bảo: “Lỗi tại mình. Chúng ta đánh giá sức mạnh của mình quá lố”. Alex Kwasniewski, nhà lãnh đạo CS trẻ nhất đám thì trách đảng viên phe ta: “Con số đảng viên cộng sản gạt bỏ ứng viên của ta không phải là ít”. Jerzy Urban thì bi quan hơn “Đây không phải chỉ là thất bại một cuộc bầu cử mà là ngày tàn của một thế hệ”. Jeruzelski vẫn ngoan cố và hy vọng mong manh cứu vát tình thế tuyệt vọng bằng cách họp hội đồng các tướng lãnh; định tái lập thiết quân luật và hủy bỏ kết quả bầu cử. Ông ta nói “Chúng ta vẫn còn cán cân quyền lực trong tay”. Ông ta gọi Gorbachev nhưng chỉ được tiếp bởi người phụ tá để xin ý kiến và được khuyên nên tôn trọng kết quả bầu cử và tập sống với nó. Ông ta bị xốc, cay cú, trầm cảm khi ngẫm nghĩ thấm thía câu nói của Rakowski hồi sáng nay “Nhân dân đơn thuần không còn ưa chúng ta nữa!”. Ông Tướng cũng gọi cho lãnh tụ các nước trong Minh Ước Warsaw và nói như thể trối trăn rằng “Solitarity đã tràn ngập đời của chúng tôi như cơn bão”; rằng “. . .dù được chỉ huy bộ máy quân sự, chúng tôi đã thua đau về chính trị”. Trong tình huống lạm phát nay lên đến 500%, nợ nần và tiền lời không trả nổi cho tư bản, quan thầy đã bỏ rơi không can thiệp quân sự lại không còn tiền cho vay, các chư hầu chung quanh cũng đang hấp hối, bức tường ô nhục Bá-linh đang sụp đổ, Jaruzelski thú nhận với BCT trung ương Đảng Cộng “. . .hợp tác với Solidarity là con đường duy nhất để sống còn”! (cho Đảng). Thế chả trách chế độ cộng sản Việt Nam sợ bầu cử tự do đến cỡ nào!

Trong một buổi chiều thứ sáu 18/8/1989, ông Tướng gặp Walesa và bảo đồng ý để Solitarity thành lập chính phủ không cộng sản đầu tiên không khối chư hầu Đông Âu sau gần nửa thế kỷ. Các lãnh tụ trong Công Đoàn thúc giục Walesa đứng ra lập chính phủ nhưng Walwsa bảo “Tôi chỉ mong vẫn là người công nhân, người của quần chúng. Tôi ở với số đông và là một trong số đó”. Và ai cũng biết Walesa nay là người có thế lực mạnh nhất trong nước. Ông là “Kingmaker” duy nhất có quyền chọn một trong các lãnh tụ Solidarity làm Thủ Tướng chính phủ không cộng sản đầu tiên ở Đông Âu: chính phủ Tadeusz Mazowiecski. Điện văn chúc mừng đầu tiên không đến từ London, Paris, Bonn hay Washington mà đến từ Moscow! Tân Thủ Tướng là một lãnh tụ ôn hòa. Sau khi được thả tù năm 1984, ông được Solidarity chỉ định phụ trách hải ngoại vụ; do đó được các lãnh tụ phương Tây biết và kính trọng; nhất là Vatican vì ông cũng là con chiên ngoan đạo như Walesa. Trớ trêu thay trước đó, chính ông là người đã bất đồng mạnh mẽ nhất với Walesa về việc Solitarity lập chính phủ; sợ hãi quá đáng rằng chế độ có thể gài bẫy để trút những thất bại của họ lên đầu mình như tuồng “kẻ ăn ốc, người đổ vỏ”!

Trong buổi lễ nhậm chức hôm thứ năm 24/8/1989, tân Thủ Tướng rươm rướm nước mắt đến bắt tay từng bộ trưởng trong chính phủ cộng sản cũ; giờ phút này ai cũng sửng sốt chết điếng người! Cuối cùng, ông ôm hôn tân thủ lãnh Solidarity Bronislaw Geremek, cả hai má! Một giai thoại vui liên quan đến tân bộ trưởng bộ Lao Động Jacek Kuron, cựu tù chính trị hồi 1969: Sáng hôm tuyên thệ, lúc đang cạo râu trong nhà để chuẩn bị đến dự lễ ra mắt tân chính phủ, một cú phôn từ người hàng xóm báo cho biết phải coi chừng chiếc xe đậu đã lâu đối diện nhà ông bên kia đường Mickiewicz; có lẽ là mật vụ như thường thấy hai thập niên qua. Người láng giềng tốt bụng khuyên ông nên chuẩn bị tư trang và túi xách để đi “nằm nhà đá” không có ngày trở về! Kuron ngạc nhiên; không lẽ mới được chỉ định làm bộ trưởng cách đây vài giờ mà lại . . . Hóa ra chiếc xe của tân chính phủ và tài xế riêng phái đến đón ông tân bộ trưởng! Sau lễ nhậm chức, tân Thủ Tướng được mời sang Vatican để nhận phép lành Tòa Thánh từ chính con dân Karol Wojtyla: ĐGH John Paul II.

Với Thượng Viện, một phần Hạ Viện trong tay, hai đảng bù nhìn “Nông Dân” của Roman Malinowski và “Dân Chủ” của Jerzy Jozwiak nay đứng về phía Solidarity, với chính phủ dân chủ đa đảng đầu tiên của Poland và Đông Âu, với tiền tư bản phương Tây đầu tư lại đổ vào như thác lũ, một trang sử mới bắt đầu được lật qua êm thắm như nhung. Sức mạnh nhân dân đã chiếm lại được chính quyền; sức mạnh ấy là “Công Đoàn Đoàn Kết” Poland: Solidarnósc.

Hà Bắc
(tham khảo tài liệu của ký giả Hung Victor Sebestyen)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét