Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Con số biết nói


   Bùi Tín


                     


«Lời kêu gọi thực thi quyền con người theo Hiến pháp» được đưa ra mới 2 tuần lễ, đến hôm nay đã có 3.382 người tham gia. Có thể nói đây là văn kiện được hưởng ứng vào loại nhanh chóng nhất, đông đảo nhất ở nước ta trong những năm gần đây.


Đây là một hiện tượng rất đáng mừng trong cuộc đấu tranh dành lại quyền làm người. Những người ký tên đông nhất là ở thủ đô Hà Nội, ở tỉnh Hòa Bình, và rải rộng ra khắp cả nước, từ các thành thị lớn nhỏ tới nông thôn. Thành phần xã hội cũng nhiều vẻ, nhiều nghề, đông nhất vẫn là anh chị em trí thức, giáo sư, nhà nghiên cứu, sinh viên, học sinh, rất đông nông dân. Đáng chú ý là có tướng lãnh Quân đội Nhân dân, đại tá Công an Nhân dân, nhân sỹ, đảng viên CS, đoàn viên CS, cán bộ nghỉ hưu. Bà con ta ở hải ngoại, từ Hoa Kỳ, Canada, Đông Âu, đến Pháp, Nga, Úc, Nhật bản, Bắc Âu…cũng nhiệt liệt hưởng ứng.

Rất đáng mừng vì năm ngoái đã vài có ý kiến dèm pha, bàn lùi, cho rằng biểu tình, xuống đường còn bị đàn áp, thì kiến nghị, kêu gọi, tuyên bố… phỏng có tác dụng gì, chỉ mất công, mất thì giờ, làm cho chế độ độc đoán độc đảng và công an của đảng thêm ù lỳ, đắc chí.

Sự thật không phải thế. Đây là một hình thức đấu tranh dư luận, ôn hòa không bạo động, có tác dụng huy động công luận, tập dượt dân chủ, cổ vũ trách nhiệm, biểu thị ý chí, thể hiện đồng thuận dân tộc, là thước đo của ý nguyện nhân dân đông đảo, đã được chứng minh là lợi hại, sắc bén.

Hôm nay hàng vài ngàn người chung lòng ký tên bằng bàn tay cầm bút, bằng ngón tay gõ phím, thì ít lâu sau có thể vài ngàn người ấy cũng lại đứng thẳng dậy, bước ra khỏi cửa, đàng hoàng xuống đường, tự tin và tin rằng ta thuộc về một tập thể đông đảo, trong một đội ngũ trùng điệp khắp cả nước, được đồng bào ta khắp thế giới nhiệt tình cổ vũ.

Đây là điều mà những người lãnh đạo CS tham quyền, tham tiền, quay lưng với nhân dân, cùng với lực lượng công an của đảng, vì đảng, làm thuê cho đảng chống nhân dân yêu nước lo sợ nhất.

Đầu năm 2013, cuộc ra quân đầu tiên của nhân dân đòi quyền làm người đã có thuận lợi mở đầu.

Nhớ lại, bản kiến nghị đòi chấm dứt khai thác quặng bauxite ở Tây Nguyên vào tháng 4/2009 đã đạt 2.746 chữ ký. Sau đó kiến nghị đòi tự do cho Ls Cù Huy Hà Vũ vào tháng 5/2011 đạt 1.889 người tham gia. Tiếp dó kiến nghị về bảo vệ và phát triển đất nước vào tháng 7/2011 thu được 1.219 chữ ký. Đặc biệt là tuyên bố về cưỡng chế giải tỏa đất đai ở Văn Giang bằng vũ lực ngày 1/5/2012 đã đạt 3.350 người tham gia.

Lời kêu gọi thực thi quyền con người theo Hiến pháp nay đã đạt kỷ lục, vượt qua con số 3.350 vừa kể, và rất có thể đạt tới 5.000 vào dịp Tết Quý tỵ này. Đây sẽ là món quà Tết quý báu nhất gửi đến các chiến sỹ dân chủ đi đầu trong cuộc tranh đấu giành lại quyền con người cho nhân dân ta, đang bị mất quyền này như Ls Cù Huy Hà Vũ, Lm Nguyễn Văn Lý, ông Vi Đức Hồi, nhà nghiên cứu Trần Huỳnh Duy Thức, Ks Lê Công Định, Ts Nguyễn Tiến Trung, các nhà báo Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải và Hoàng Khương, cô Đỗ Thị Minh Hạnh, cô Hồ Thị Bích Khương, cô Nguyễn Phương Uyên, các nhạc sỹ Việt Khang và Anh Bình, ông Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, 17 thanh niên các tôn giáo và những tù nhân lương tâm khác…

Bài học lịch sử của nhà phản kháng ôn hòa Gandhi của Ấn Độ còn nguyên giá trị, khi ông chủ trương thuyết phản kháng ngồi, phản kháng đi, tay không, ý chí sắt đá, trái tim nồng nhiệt, lúc đầu có 76 đồ đệ, vài ngày sau lên hơn 600 đồng hành, cho đến khi lên đến 10 ngàn, rồi 50 ngàn để giành lại cả đất nước Ấn Độ tự do, nay thành nước dân chủ đông dân nhất trên hành tinh.

Nhà lãnh tụ phản kháng Nam Phi Nelson Mendela cũng từ phản kháng ôn hòa giành lại tự do dân chủ trọn vẹn cho đất nước, từ nhà tù lên chức tổng thống, chứng minh hùng hồn vũ khí tuyệt vời của ý chí phản kháng, đội quân tay không khi đạt 4O ngàn có tác dụng hơn 1 quân đoàn xe tăng.

                    

Hai năm trước, ở Tunisie, chỉ sau 2 tuần lễ đấu tranh - 600 người xuống đưòng ngày 27/12/2010, rồi 1.200 người xuống đường ngày 5/1/2011, lên đến 3.000 ngày 11/1 - là Tổng thống Ben Ali cùng bà vợ Léola Trabelsi phải kinh hoàng bỏ chạy.
 

             

Ngay sau đó ở Ai Cập, quần chúng xuống đường cuối tháng 1/2011, gần 1.200 người, 5 ngày sau vọt lên 3.500 người, đến ngày Thứ Sáu đen 11/2/2011 đã lên đến 9 ngàn người, ở cả thủ đô Cairo và cảng Alexandria, thì Tổng thống Hosni Mubarak ra đi sau 18 ngày đêm đối phó. Trước khí thế của quần chúng, quân đội chẳng những không thi hành lệnh đàn áp mà còn ra tuyên bố 3 điểm: không bắn vào nhân dân, nhận sứ mạng bảo vệ nhân dân và đồng tình với nguyện vọng dân chủ hóa của nhân dân. Tiếng nói của nhân dân xuống đường vang động, không có tiếng nổ của vũ khí, chiến sỹ xe tăng nhận hoa của nữ sinh viên luật khoa. Cuộc cách mạng dân chủ hoàn thành.

Ở nước ta, 3.382 người yêu nước thương dân đã ký tên, đã đứng dậy đòi quyền làm người, quyền được nói, được nghĩ, được tự do tín ngưỡng, tự do chọn người cai trị mình, đòi thay đổi hẳn hệ thống cầm quyền khi hệ thống cũ dã tỏ ra suy thoái và thối nát. Chưa từng có, nhưng đó mới chỉ là bước khởi đầu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét