Sơn Khanh
Ngay sau khi liệt cường vào xâu xé Trung Hoa bắt đầu từ 1899-1900, (từ loạn Thái Bình Thiên Quốc - The Boxer Rebellion), họ ra vào Trung Hoa dễ dàng như lấy món đồ trong túi ra. Người Trung Hoa với vài ngàn năm văn hiến và lịch sử bị chế riễu khắp thế giới về cách “sống thiếu vệ sinh” và hình ảnh người Trung Hoa với “đầu cạo trọc” với cái “đuôi sam dài.” Cũng vào khoảng thời điểm này (giai đoạn thuộc địa), ở ngoài Trung Hoa, người Hán (cũng tương tự như người Việt) đã bị người phương Tây cư xử như đồng hạng với súc vật (!)
Người dân Hoa lục và các dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa bắt đầu nhận thấy rằng Khổng Tử và triết lý của ông đã là một trong những nguyên nhân chính làm cho phần lớn dân Á Châu trở thành nạn nhân của chế độ thuộc địa.
Hôm nay, bắt đầu đã thấy Trung Hoa biến thể từ một con bệnh ốm quá lâu sắp chết, biết dùng thuốc uống để chữa bệnh cho tỉnh táo và khỏe mạnh lại từ từ. Việt Nam cũng bắt đầu theo gót Trung Quốc (theo từ cái xấu đến cái tốt!?) trong giai đoạn gọi là “đổi mới!”
Nhìn vào văn hóa phương Tây, nó cũng không hẳn là một văn hóa hoàn hảo:
- “Coi quá trọng vật chất, cá nhân chủ nghĩa, giá trị gia đình lỏng lẻo, thiếu khái niệm về thiên nhiên và vấn để bảo tồn thiên nhiên, dửng dưng trước những tệ nạn của xã hội mà chính mình đang sống trong đó”.
Tuy nhiên, triết lý của Khổng Tử cũng có nhiều khuyết điểm cần được xem lại:
- “Hệ thống giáo dục theo ảnh hưởng Khổng học chỉ theo một khuôn khổ cũ đã có sẵn. Những ý kiến muốn thay đổi cái khuôn khổ này chẳng những đã không được chấp nhận mà còn bị xem là một “tội phạm” nữa (?) Khổng học không để cho tự do cá nhân có cơ hội phát triển (học giỏi hơn thầy chẳng hạn!), không thể mở đường cho sự thành đạt của các khoa học gia lỗi lạc, người có khả năng phát minh, người biết cách bày ra những phương cách thực tế phụng sự cho đời sống, hạnh phúc của nhân loại.”
Qua lịch sử, một dân tộc sinh tồn được sau những chịu đựng triền miên của lãnh đạo ngu xuẩn, chiến tranh vô nghĩa, thời tiết khắc nghiệt, thiên tai, đói khát… bởi vì dân tộc đó có một “khả năng” chịu đựng đặc biệt mà ngay chính dân tộc đó cũng không hiểu là cái gì? Tại sao? Tuy nhiên phải hiểu cho rõ hai vấn đề khác nhau của sự sinh tồn: “sống sót một cách mạnh giỏi” và “sống sót một cách tàn tật” hoàn toàn khác hẳn nhau. Phải nhìn nhận, Khổng học đã giúp cho dân Trung Hoa (và dân Việt Nam) có cái khả năng “sinh tồn một cách tàn tật” này!
Khổng học đặt ra vấn đề hệ thống hóa chặt chẽ các kỷ luật (còn gọi là đạo lý) trong đời sống. The Red Lanterns đã trình bày sự sắp đặt của hệ thống này như là một trong những thí dụ điển hình. Trong phim, những người đàn bà (các bà vợ, nàng hầu) toa rập với đàn ông (người chồng) để hành hạ, và có lúc sát hại, những người đàn bà đáng thương vô tội khác trong cùng hòan cảnh “chồng chúa vợ tôi.” Một nàng hầu đã giải thích việc làm xấu xa của mình là “việc gì phải làm sẽ được làm…” (we have to do what we have to do!).
Cái đáng sợ nhất của vấn đề kỷ luật này là con người đối xử với nhau một cách tàn nhẫn là vì con người “được phép” làm những điều xấu mà Khổng học đã làm thành khuôn thước. Đó là chuyện làm “phải đạo!” Những con người ngu muội được dạy dỗ để hiểu và hành động như vậy! Không hơn không kém.
Những nàng hầu (trong phim “The Red Lanterns”) hiểu sự dạy dỗ của Khổng học là “xã hội phải có tôn ti trật tự.” “Tôn ti trật tự” ở đây nghĩa là xã hội đã được Khổng giáo chia ra thành nhiều giai cấp. Mỗi người một khi đã được xếp hạng ở giai cấp nào rồi, thì họ “được phép” hành hạ, hoặc nếu cần, tiêu diệt những cá nhân ở cái giai cấp thấp hơn! Thật ghê sợ! Sự ghê sợ này cũng xẩy ra trong nhiều xã hội quân chủ khác ở phương Tây. Tuy nhiên, ở Châu Á, nhất là Trung Hoa và Việt Nam, sự “ghê sợ” này đã được Khổng Tử “hợp thức hóa” và rộng rãi truyền bá.
Khổng giáo dưới chế độ phong kiến đa thê, dạy (bắt buộc?) người phụ nữ phải tuân theo “Tam Tòng” (Tòng phụ, Tòng phu, Tòng tử - theo cha, theo chồng và theo con) và cho nhân vật “đàn ông” trong gia đình và xã hội cái quyền tối thượng. Thật là vô lý! (Cũng nên biết Việt Nam thu nhập Khổng giáo chứ không bị bắt buộc phải theo Khổng giáo!) Người phụ nữ, dưới chế độ phong kiến Khổng giáo, được xem như công dân hạng hai (second class citizen). Nói cách khác, phụ nữ bị cha, chồng và ngay cả con trai đối xử như một món đồ vật sở hữu trong nhà. Đã có nhiều hoàn cảnh, phụ nữ được đàn ông dùng như các quân cờ chính trị, như một món quà thưởng chiến thắng hay một trao đổi thương lượng chính trị thương mại!!!
Theo tâm lý thông thường, sự khôn ngoan của dân tộc Việt đáng lẽ phải thu góp và sử dụng đúng lúc, đúng cách các cái hay cái đẹp của đạo Khổng chứ không phải nhắm mắt lập lại (từ chương) cho đúng tất cả các bài vở cũ của Khổng giáo. Ngoài ra đạo Khổng còn trì kéo các phát triền, sáng kiến của ngành khoa học ứng dụng thiết thực làm cho đời sống dân chúng tiện nghi và hạnh phúc hơn.
Chính trị gia ở các nước tân tiến, muốn thành công, phải được sự ủng hộ của đa số (50% cộng 1 phiếu) chứ không phải vì sự đề cử, chiếm đoạt bằng vũ lực hay cha truyền con nối… Vấn đề này cũng được thấy ở Việt Nam (và Trung Quốc) nếu sự tiến bộ hưng thịnh của quốc gia, chứ không phải sự phù vinh của một nhóm người có đặc quyền, là quốc sách!
Tôi thấy loại lãnh đạo tồi tệ nhất là “lãnh đạo làm dân sợ.” Loại lãnh đạo tồi tệ thứ hai là “lãnh đạo bị dân ghét.” “Lãnh đạo tốt” phải là loại “lãnh đạo được dân thương mến.” Lãnh đạo bất chính (chính quyền dã man vô cảm) còn nguy hiểm hơn là sát nhân.
Một hôm Khổng Tử và một đám để tử đi qua đường ở một xứ nọ, thấy một người đàn bà ngồi khóc bên những ngôi mộ mới đắp. Khổng Tử cho học trò đến hỏi thăm.
Người đàn bà nói:
- “Tôi khóc vì chồng, rồi đến bố chồng, rồi đến con của tôi đã lần lượt bị cọp giết.”
Khổng Tử hỏi:
- “Lý do tại sao chị lại không dời đến vùng khác làm ăn sinh sống mà chịu ở mãi đây để chồng, cha và con phải bị cọp giết?”
Người đàn bà trả lời:
- “Ở đây quan lại không hà hiếp dân chúng!”
Khổng Tử quay lại nói với đệ tử:
- “Các còn nhớ rõ điều này. Chính quyền hà khắc còn đáng sợ hơn là cọp dữ!”
Bài học nhỏ này có thể dùng làm một tấm gương thật lớn để quan lại (hay người đang cầm vận mạng của dân) tự soi và xem xét lại sự trị dân, chính sách của mình như thế nào mà thay vì dân thà chịu chết bám với đất nước đến cùng chứ không chịu bỏ đi; ngược lại, người dân lại phải chấp nhận cả sự chết để bỏ quê cha đất tổ ra đi hàng lọat (?) Người phương Tây gọi vấn đề “ra đi” tránh sự hà khắc này là “bỏ phiếu bằng chân.”
Công bằng mà nói, về chính trị Khổng học cũng có nhiều cái rất tốt của “nhân và lễ” nên giữ lại. Chẳng hạn, Khổng Tử đã dạy nguời cai trị một cách đơn giản là:
- “Vua và quan lại phải trị dân với lòng nhân và lễ không phải bằng bạo lực. Có như thế thì vua và quan sẽ không phải sợ gì cả! Công vụ của lãnh đạo là dẫn dắt dẫn, không phải để hành hạ, để cướp của, để giết dân!”
Lịch sử Trung Hoa và Việt Nam đã nhiều lần chứng minh rằng lãnh đạo “tàn nhẫn với dân” không thể nào kéo dài lâu và sẽ “bị kết thúc một cách tàn nhẫn” không kém!
Cần sửa lại quan điểm chính trị và hành động chính trị của Khổng Tử là lãnh đạo không phải vì do thiên mệnh (số trời) mà là vì sự anh minh sáng suốt! Lãnh đạo anh minh là lãnh đạo tất thắng. Sự tiến hoá, sự sinh tồn và vinh quang của dân tộc Việt hoàn toàn tùy thuộc vào sự can đảm của người lãnh đạo mạnh dạn, biết làm giảm thiểu sự xiết chặt của tinh thần nho giáo trong đời sống của dân tộc Việt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét