Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

Cảnh Giác Biển Đông

Cô Tư Sài Gòn

                     

Trước giờ mình vẫn dè dặt khi nói về chuyện lớn, chuyện đất nước... vì thiệt sự đời mình nhiều thập niên chỉ quanh quẩn trong nhà, quanh sân trường, và rồi mấy khu phố Sài Gòn... Đúng ra, còn may mắn đi thêm một số tỉnh thành nữa, để nói cho đủ. Nhưng như thế là tầm nhìn hẹp lắm.

Bởi vì tầm nhìn hạn hẹp, ước mơ thường bao giờ cũng lớn, nhưng thực tế đời thường cứ lo chuyện tiền rau, tiền chợ, tiền xăng, tiền điện... là đủ tối tăm mặt mũi một đời huê rồi.

Hôm nay mới thấy thêm mấy chuyện nguy hiểm về Biển Đông, xin góp thêm lời cảnh báo.


Bản tin từ Trí Thức Trẻ, đăng ở mạng Soha.vn ngày 27-6-2013 có tựa đề rất đáng sợ “Biển Đông: Lật tẩy chiêu độc Trung Quốc dùng văn hóa xâm phạm chủ quyền Việt Nam,” trong đó nói rằng gần đây, Trung Quốc đã nhiều lần cố tình xuyên tạc sự thật về lãnh thổ nước ta thông qua các ấn phẩm văn hóa.

- Thứ nhất, theo bản tin, là trắng trợn thay đổi lãnh thổ của Việt Nam trên các loại bản đồ. Bản tin nói, Trung Quốc ngày càng bộc lộ tham vọng độc chiếm biển Đông một cách trắng trợn khi liên tiếp cho phát hành bản đồ dưới nhiều hình thức, trong đó thâu tóm trái phép gần như toàn bộ biển Đông.

Tháng 4/2013, Trung Quốc phát hành mẫu bản đồ mới nhất, vô lý “quy hoạch” 80% diện tích biển Đông, trong đó có những vùng lãnh hải của Việt Nam, thành của mình.

- Thứ nhì, ngang ngược in sách kỷ niệm 1 năm thành phố phi pháp "Tam Sa". Bản tin Soha nói, TQ tiếp tục lấn tới khi Nhà xuất bản Nhân dân (Trung Quốc) phát hành cuốn sách khoe khoang về “lịch sử, nguồn tài nguyên và vai trò quốc phòng" của cái gọi là thành phố Tam Sa – đơn vị hành chính mà Trung Quốc thành lập trái phép trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.

- Thứ ba,  in hình Hoàng Sa của Việt Nam trên tem Trung Quốc. Đầu tháng 6/2013, nhân kỉ niệm ngày du lịch quốc gia, Trung Quốc đã phát hành bộ tem phổ thông “Mỹ lệ Trung Quốc” (Trung Quốc xinh đẹp), bao gồm 6 mẫu, nhằm giới thiệu một số danh thắng của nước này. Điều đáng nói ở đây là bên cạnh những mẫu tem in hình thắng cảnh của mình, nước này đã ngang nhiên đưa vào đó cả hình ảnh biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam.

Mẫu tem này có giá 1,2 nhân dân tệ và được đặt tên là “Tam Sa thất liên dữ” (tạm dịch: Nhóm 7 đảo nhỏ liền nhau ở Tam Sa). Song, trên thực tế, các đảo nhỏ này thuộc nhóm đảo An Vĩnh, nằm ở phía Đông bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

- Thứ tư, thâm độc tuồn đèn lồng in chữ Tam Sa vào Việt Nam. Cũng nhằm âm mưu xuyên tạc, bóp méo dư luận về vấn đề chủ quyền, Trung Quốc đã “tuồn” những chiếc đèn lồng in chữ Tam Sa và Nam Sa (bằng tiếng Hoa) vào thị trường đèn lồng Tết của Việt Nam.

Những người dân tại Chí Linh (Hải Dương) cho biết họ đã mua những chiếc đèn lồng này với giá từ 75 – 150.000 đồng mà không hề hay biết các chữ Trung Quốc in trên đó có nghĩa gì.

- Thứ năm, lợi dụng cẩm nang du lịch để xuyên tạc sự thật. Tháng 5/2013, 98 cuốn cẩm nang du lịch có xuất xứ từ Trung Quốc đã bị thu giữ tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Lí do là trên bản đồ Việt Nam được in kèm với cuốn cẩm nang này hoàn toàn không xuất hiện hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Còn gì nữa nhỉ?

Mình tin là còn nhiều lắm. Hãy nhìn tới Tây Tạng và Tân Cương thì biết. Độc chiêu văn hóa của TQ chỉ là nhắm tuyên truyền cho thế hệ sau, thế hệ trẻ, đầu độc lâu dài. Không nhiễm độc nổi thế hệ lớn tuổi nổi.

Nhưng hồi nhỏ đọc truyện Tàu, mình chỉ sợ mưu kế Kim thiền thoát xác, nghĩa là làm kiểu ve sầu lột xác, sử dụng bộ dạng mới để làm quân địch bất ngờ trở tay không kịp.

Khi anh TQ lột xác, làm sao chúng ta nhận dạng ra? Nếu các Phố Tàu ở Bình Dương, Tây Nguyên, Hà Tĩnh... nơi nhiều anh TQ bước vào kiểu ve sầu thoát xác, khi tái xuất hiện tay ẵm, tay bồng thêm vài em bé lai Việt... thì lâu dài làm sao đỡ nổi?

Lúc đó, xin đừng nói rằng Việt Nam mình đang dùng mưu Mỹ nhân kế để buộc chân mấy anh Tàu...

Lúc đó, lại bùi ngùi nhớ tới chuyện anh Tiêu Phong, tức chàng hiệp sĩ Kiều Phong... mang hai dòng máu trong người, khi đứng giữa Nhạn Môn Quan, mà trách Trời than người.

Hãy nhớ, mất nước là chuyện có thật.

Hãy hỏi Tây Tạng và Tân Cương. Không phải thuần túy chuyện tiểu thuyết đâu.

Nguon: Viet Bao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét