Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Hồi ức của những thương binh về cuộc chiến tranh biên giới

MẠNH QUÂN

Cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc từ năm 1979 tuy đi qua đã lâu, nhưng ở quê tôi – một vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội xưa – nay đã thành phố, phường (phường Việt Hưng, quận Long Biên), những dấu vết, nỗi đau của cuộc chiến ấy vẫn luôn được thấy, ở đâu đó, trên những bước đi khập khễnh, những đôi nạng gỗ… của những người thương binh trở về từ vùng biên giới Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng…



Bộ đội biên phòng tuần tra biên giới Việt – Trung. Ảnh
tienphong.vn


Từ cuộc chiến năm xưa…

Khi chiến tranh biên giới nổ ra, tôi mới năm tuổi, chưa hiểu được những gì diễn ra. Mãi cho đến những năm 1983 – 1984, tôi mới bắt đầu hiểu lờ mờ thế nào là chiến tranh khi tận mắt đã thấy, hàng ngày, hàng đoàn tàu, hàng đoàn xe nối nhau chở pháo, xe tăng… rầm rập theo đường sắt, đường bộ từ Hải Phòng, qua cầu Chui, ngược lên phía Bắc; các loại máy bay chiến đấu, máy bay phản lực luyện tập, đuổi nhau gầm rít đinh tai, nhức óc suốt ngày từ sân bay quân sự Gia Lâm – cách nhà chỉ khoảng 700m.

Lúc đó, thanh niên cả thủ đô và vùng ngoại thành Hà Nội được gọi lính để đi huấn luyện, chiến đấu trên các mặt trận: Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn rất nhiều. Xã tôi cũng thế, thanh niên được động viên, nô nức đi tòng quân. Cứ mỗi đợt như vậy, chúng tôi ai có người nhà đi lính, cũng được đi theo đưa tiễn. Rất bùi ngùi, bịn rịn. Nhưng, một hai năm sau, có khi chỉ 5 – 6 tháng, đã thấy có những ông anh trẻ trung, vui vẻ trong làng khi ra đi phấn khởi thế nào, bây giờ đã trở về đầy trên cáng thương hoặc đôi nạng gỗ…

Cho đến ngày hôm nay, nhiều người thương binh mà tôi còn biết, còn nhớ tên từ thời đó vẫn còn sống trong làng (nay gọi là tổ 3 – tổ 4 của phường Việt Hưng, Long Biên). Cuộc sống của họ cũng đã thay đổi rất nhiều theo quá trình đô thị hoá. Nhưng, ký ức chiến tranh, đối với những người không may mắn trong cuộc chiến ấy, dường như vẫn chưa mấy phai mờ.



Cách nhà cũ của tôi không xa, là nhà anh Lương Văn Liên, thương binh hạng 2/4, bị mất hơn nửa bàn chân trong trận đánh chiếm lại cao điểm 300 gần khu vực cửa khẩu Thanh Thuỷ – Hà Giang vào tháng 6.1984 – nơi cũng được mệnh danh là một “cối xay thịt” bởi quân của hai bên nướng vào đây, chết, bị thương rất nhiều. Điểm cao này bị một đơn vị quân đội Trung Quốc chiếm giữ nhiều ngày và bị đơn vị của anh Liên (thuộc trung đoàn 141 tăng cường cho sư đoàn 356 tại Hà Giang) đánh bật ra trong vòng chưa đến nửa ngày.

Hồi tưởng lại trận đánh này, anh Liên nói: “Trước trận này, đơn vị chúng tôi đóng quân ở Tràng Định – Lạng Sơn, sau tăng cường sang cho mặt trận ở khu vực Thanh Thủy – Hà Giang. Lúc chiếm lại cao điểm 300, hầu như không tổn thất mấy về người, nhưng sau đó, bên Trung Quốc dập pháo trở lại rất mạnh thì thương vong nhiều. Tôi bị trúng một mảnh đạn pháo, ngất đi. Tỉnh dậy vẫn còn trên núi, người máu me đầm đìa do còn chưa kịp được bông băng đầy đủ. Ngớt trận pháo, tôi được đưa về tuyến dưới để điều trị”.

Liên bị thương khá nặng, anh không chỉ mất nửa bàn chân, mà cả cơ thể, bị dính rất nhiều mảnh đạn, phải qua phẫu thuật, điều trị nhiều lần, có lúc tưởng chết. Mấy năm sau, anh mới lành bệnh và được xuất ngũ, bố trí làm công nhân ở xưởng may Thương binh 875 gần nhà. Hơn mười năm trước, xưởng may cũng bị thua lỗ, phá sản, anh về nhà, giúp vợ đi mua heo, mổ thịt, bán ở chợ trong làng.

Gần nhà anh Liên, có một người khác mà tôi cũng đã quen biết khi còn nhỏ – anh Âu Văn Lừng, thương binh hạng 3/4. Anh Lừng đi lính năm 1984, thuộc trung đoàn 567, sư đoàn 322, đóng quân tại Cao Bằng, sau cũng tăng cường sang mặt trận Hà Giang. Anh bị thương khá nặng trong trận đánh diễn ra ngày 31.5.1985, chiếm lại đỉnh 6B. Cũng giống như trường hợp anh Liên, anh Lừng nói: “Thực ra đánh thì rất nhanh, chúng tôi ém quân từ 5 giờ sáng, có lực lượng đặc nhiệm hỗ trợ, nên chỉ chưa đầy một tiếng lấy lại được. Nhưng kiểu như bên kia họ cay cú vì đợt đó, mình chiếm lại hầu hết các điểm cao, nên hàng tuần sau, đạn pháo bắn rất nhiều; bắn dày đặc từ Thanh Thuỷ đến Yên Minh. Chỗ tôi đóng quân cũng bị bắn phá ác liệt, nên cả mấy tháng, nép trong khe đá tránh đạn, người ngợm bẩn thỉu, tóc không cắt được, trông ai cũng như thổ phỉ. Nhiều tuần cơm chẳng có mà ăn, toàn ăn đồ hộp, hoặc vớ được cái gì ăn cái đó”.

Anh Lừng cũng bị mảnh đạn pháo làm hư hại cả hai mắt, đến nay, chỉ còn nhìn thấy lờ mờ và bị găm nhiều mảnh vào phần mềm. Sau khi được đưa xuống tuyến dưới điều trị một thời gian, năm 1986, anh được phục viên về làng.

… Đến ngày trở về hôm nay

Cho đến nay, cũng như anh Liên, anh Lừng có một cuộc sống khá bình dị: thầu một ao cá nhỏ, giúp việc cho vợ đi chợ làng. Hai người có một cô con gái còn nhỏ, sống trong một căn nhà cấp 4. Hàng tháng lĩnh trợ cấp thương binh khoảng 1,5 triệu đồng. Những ngày như 27.7 này, có thêm độ 1,2 triệu đồng và quà cáp khác do thành phố, lãnh đạo quận, phường… trao tặng.(!)

Kém may mắn hơn anh Liên, anh Lừng, anh Âu Xuân Long, thương binh bậc 4 bị dính đạn ngay trong trận đánh đầu tiên do phía Trung Quốc đơn phương tấn công vào thị xã Lạng Sơn tháng 2.1979. Không may nữa là anh bị bắt làm tù binh, đưa sang bên kia biên giới và sau này được trao trả lại cho phía Việt Nam. Hôm qua (25.7), khi tôi đến thăm, anh không có ở nhà. Vợ anh cho biết hàng ngày, anh vẫn đi làm thêm về xây dựng cho nhà này, nhà kia, nhưng càng về già, nhất là những hôm trái nắng, trở trời, anh trở nên rất khó tính do những mảnh đạn còn trong đầu gây đau nhức và buốt.

Một người cậu của tôi – ông Âu Xuân Tuyến cũng bị thương khá nặng trong một trận đánh ở mặt trận Vị Xuyên – Hà Giang năm 1985. Cậu tôi mất mấy ngón tay trái, nhưng tệ hại hơn là bị sức ép quá mạnh và nhiều mảnh đạn pháo găm vào người gây nhiều di chứng sau này. Hơn mười năm trước, nhờ ai đó mai mối, cậu tôi lấy vợ, nhưng chỉ đúng một ngày sau, cô vợ mới cưới đã bỏ cậu tôi đi mất vì chỉ qua đêm tân hôn, cô này nhận ra người chồng của mình rất không bình thường.

Vâng, quê cũ của tôi như vậy đó. Có rất nhiều thanh niên đã lên đường nhập ngũ, tham gia bảo vệ tổ quốc thời chiến tranh biên giới phía Bắc. Một số người đã nằm lại, có người không tìm thấy xác ở các mặt trận Hà Giang, Lạng Sơn.

Nhưng cũng có nhiều người trở về với những vết thương khó lành, những vết thương còn gây đau đớn, tiếp tục cuộc sống nghèo, bình dị từ đó đến nay. Họ vẫn được sống dựa một phần vào tiền trợ cấp của Nhà nước, tuỳ theo mức độ thương tật; vẫn được thăm hỏi, trao quà, động viên vào ngày lễ, tết, ngày 27.7 và họ rất ít phàn nàn. Nhưng một điều rõ ràng là những cựu binh ấy vẫn rất quan tâm đến thời cuộc. Họ vẫn quan tâm đọc báo, nghe đài, để nghe và phẫn nộ về những câu chuyện đang diễn ra trên Biển Đông, ở những vùng biển Trường Sa – Hoàng Sa…

http://sgtt.vn/Thoi-su/181803/Hoi-uc-cua-nhung-thuong-binh-ve-cuoc-chien-tranh-bien-gioi.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét