Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013
Nói Gì Với Tư Sang?
Trần Khải
Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ nói gì khi gặp Chủ Tịch Nước VN Trương Tấn Sang?
Còn vài ngày nữa mới gặp, nhưng đã có nhiều lời cố vấn rồi. Sẽ rất cải lương nếu Obama nói câu tiếng Việt truyền thống: “Xin chào...” Vì như thế là đúng điệu phim bộ. Và cũng rất đúng điệu của mùa bầu cử Hoa Kỳ, khi các nữ ứng cử viên mặt áo dài để kiếm phiếu cử tri Mỹ gốc Việt, và nam ứng cử viên luyện gịong sẵn vào câu chào hỏi bằng việt ngữ.
Trong thời buổi Biển Đông dậy sóng, không nên cải lương như thế.
Nhưng không lẽ không chào hỏi? Vậy thì, có nên bắt chước kiểu chào hỏi của các võ sư trên sàn đấu võ MMX, là lấy cặp găng tay cụng vào găng tay đối thủ? Hay là kiểu phim bộ truyền hình Tàu, là hai bên hét lên một tiếng rồi phi thân, phóng lên 2 mái nhà kên nhau?
Cũng cải lương lắm, và cũng mất thì giờ lắm. Vì sẽ làm rất nhiều người quan tâm tới tình hình Việt Nam phiền lòng: có một blogger đang tuyệt thực tới ngày thứ 30 trong tù CS, và sinh mạng anh Điếu Cầy rất mực mong manh vào giây phút này.
Có phải Tư Sang muốn bắt bí Obama bằng sinh mạng các tù nhân lương tâm?
Nếu anh Điếu Cày có mệnh hệ nào, cuộc nói chuyện giữa Obama và Tư Sang sẽ diễn ra như thế nào?
Obama có sẽ nói rằng, nếu Obama sinh ra tại VN, có thể Obama cũng sẽ chết trong tù như thế?
Thực sự, sinh mạng Điếu Cầy đang tính từng giờ.
Mạng Dân Làm Baó cho biết:
“Ngay trong sáng nay, 22/7/2013, chị Dương Thị Tân và con trai Nguyễn Trí Dũng sẽ trực tiếp đến trụ sở Viện Kiểm sát tỉnh Nghệ An để gửi đơn khẩn cấp, đồng thời chất vấn về việc tiếp nhận và giải quyết đơn thư tố cáo của blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải.
Cả tuần nay, chị Tân và các con hoang mang như ngồi trên đống lửa. Từng giờ trôi qua là những nỗi lo âu, hồi hộp. Điếu Cày đã tuyệt thực sang đến ngày thứ 30 liên tiếp trong tình trạng biệt giam kỷ luật. Đến hôm nay, 22/7, không có dấu hiệu nào cho thấy Điếu Cày ngưng tuyệt thực. Mạng sống của anh đã hết sức nguy kịch và chỉ còn tính từng giờ.
Là một người cương trực, Điếu Cày sẽ đấu tranh đến chết để đòi công lý. Trong khi đó, CA trại giam số 6 vẫn tỏ ra chây lỳ, tiếp tục dùng mọi thủ đoạn để ép bằng được Điếu Cày phải ký tên vào lá đơn 'nhận tội'...” (hết trích)
Trong khi đó, nhà nước Hà nội nói gì? Bản tin VietnamNet hôm 22-7-2013 ghi lời Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, nói rằng chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, “mở ra một giai đoạn mới cho quan hệ hai nước”.
Giai đoạn mới? Thế nào là giai đoạn mới?
Bản tin VietnamNet viết về cuộc phỏng vấn ông Đại sứ:
“...hai nước đang tích cực tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng với 10 quốc gia khác. Nếu có thể ký kết vào cuối năm nay như cam kết của các nhà lãnh đạo, TPP sẽ mở ra một cơ hội lớn cho sự hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ một thị trường rộng lớn với 800 triệu dân và chiếm tới khoảng 40% thương mại cũng như GDP toàn cầu...
Ông kỳ vọng cuộc hội đàm giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ xác định được khuôn khổ quan hệ mới đó, cùng với những nguyên tắc và nội hàm rõ ràng.
Đề cập về những khác biệt của hai nước liên quan vấn đề dân chủ nhân quyền, Đại sứ Cường cho rằng, những khác biệt là thực tế. Vấn đề quan trọng là hai bên sẵn sàng trao đổi thẳng thắn để tăng cường hiểu biết, thu hẹp các khác biệt.
“Được biết, Chủ tịch nước có mời một số vị chức sắc tôn giáo ở Việt Nam cùng tham gia đoàn, và các vị chức sắc tôn giáo đó sẽ có cuộc trao đổi rất thẳng thắn và cởi mở với nhiều tổ chức phi chính phủ quan tâm đến vấn đề này, kể cả những tổ chức xưa nay vẫn có cái nhìn thiên lệch về dân chủ nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam” - ông cho hay...”(hết trích)
Khác biệt “dânc hủ nhân quyền”? Thế nào khác biệt?
Trí thức VN đã gửi kiến nghị lên Tư Sang, gửi lời cố vấn, tất nhiên là ý kiến khác biệt với ý kiến của ông Đại sứ Nguyễn Quốc Cường.
Lá thư ký tên 82 trí thức đăng ở BoxitVN, có thể tóm ý:
- Phải ngừng kết thân kiểu lệ thuộc Trung Quốc, vì Biển Đông của VN đang liên tục bị lấn ép.
- Kinh tế VN gặp nguy khốn, cần hội nhập kinh tế toàn cầu qua TPP.
- Và do vậy, là phải mở cửa dân chủ nhân quyền, một điều kiện phía Hoa Kỳ đòi hỏi. Đây cũng là thời cơ để giải trừ Hán hóa.
Tuy nhiên, có vẻ như hiệp định TPP sẽ bế tắc... Bản tin RFI từ Paris ghi nhận:
“Trong số các hồ sơ chính mà tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ bàn thảo khi tiếp chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang ngày 25/07/2013 tại Nhà Trắng, có vấn đề đàm phán giữa Hà Nội với Washington về hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Hiệp định được cho là đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam, cho tới nay vẫn chưa được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường...
...Các công ty dệt may của Mỹ lo ngại rằng, nếu không áp dụng quy định “ yarn forward”, Trung Quốc sẽ chuyển hàng vải sợi sang cắt may Việt Nam, nơi mà chính phủ vẫn trợ giá ngành dệt may, rồi lợi dụng quy chế ưu đãi thương mại của Việt Nam để xuất hàng dệt may giá rẻ sang thị trường Hoa Kỳ.
Theo hãng tin Reuters ngày 02/07, Hoa Kỳ hy vọng kết thúc đàm phán về TPP với Việt Nam trước cuối năm nay, nhưng hai bên còn nhiều bất đồng trong lĩnh vực hàng dệt may. Hôm 19/06, trong một cuộc thảo luận tại trung tâm Wilson, cơ quan chuyên nghiên cứu các chính sách ngoại giao, ông Nguyễn Vũ Tùng, Phó Đại sứ Việt Nam ở Washington, cho biết đề nghị mới nhất của Mỹ “thực sự, thực sự rất khó để chúng tôi chấp nhận”. Theo ông Tùng, trừ phi hai bên có bước đột phá, không chắc là Việt Nam đàm phán thành công hiệp định TPP.
Mặt khác, Việt Nam sẽ gặp nhiều bất lợi, vì Mỹ và một số thành viên tương lai của TPP vẫn chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Nếu hàng hóa Việt Nam bị kiện chống bán phá giá ở Hoa Kỳ, chắc chắn doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị thua. Hơn nữa, không giống như các hiệp định khác, TPP là một sân chơi bình đẳng, không phân biệt quốc gia phát triển hay đang phát triển, nên không có chính sách ưu đãi như khi Việt Nam đàm pháp gia nhập WTO.
Thêm vào đó, trong khuôn khổ TPP, Việt Nam phải cam kết về nhiều lĩnh vực như đầu tư, sở hữu trí tuệ, lao động... Đặc biệt, những yêu của Mỹ về bảo hộ sở hữu trí tuệ rất cao, cho nên một nước đang phát triển như Việt Nam khó mà đáp ứng nổi.
Tuy nhiên, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, trả lời RFI từ Hà Nội, nghĩ rằng, do nền kinh tế hai nước Việt Mỹ mang tính bổ sung cho nhau, cho nên cả hai bên đều sẽ cố vượt qua những bất đồng để nhanh chóng kết thúc đàm phán về TPP.”
Tuy nhiên,Bản Tuyên Bố Của Các Tổ Chức Quần Chúng Việt Nam sẽ phổ biến vào buổi họp báo 9g sáng Thứ Ba 23-7-2013 ở trước Quốc-hội Hoa Kỳ -- buổi họp báo này do các dân biểu Hoa Kỳ tổ chức, trong đó bản tiếng Anh sẽ đọc bởi GS Nguyễn Ngọc Bích theo lời mời của DB Loretta Sanchez.
Bản Tuyên bố tập trung về nhân quyền, đưa ra “nhân dịp có cuộc gặp gỡ giữa Tổng Thống Barack Obama và Chủ Tịch Trương Tấn Sang tại Tòa Bạch Ốc, chúng tôi, đại diện những đoàn thể quần chúng Việt Nam ký tên dưới đây, xin đưa ra trước công luận Tuyên Bố này.”
Bản văn đòi hỏi:
1/ Hủy bỏ những điều khỏan gọi là “an ninh quốc gia”, đặc biệt là các điều 79,87, 88, 89 và 258 trong Luật Hình Sự hiện nay của Việt Nam.
2/ Thả tất cả các bloggers đang bị giam giữ (35 người theo con số của Reporters Sans Frontieres) chỉ vì đã nói tới những vấn đề đang tác hại đến đất nước, và do đó, không làm gì hơn là thực thi một cách hòa bình quyền tự do tư tưởng và tự do phát biểu ý kiến của họ...”
Bản văn cũng đòi trả tự do tức khắc cho các tù nhân lương tâm, đòi tự do tôn giáo...
Vậy thì, Obama sẽ nói gì, và Tư Sang sẽ nói gì?
Để chờ xem... Và hãy nhớ, có những người trong tù, sức khỏe không còn bao nhiêu nữa, như anh Điếu Cầy, như người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu... Sinh mạng họ như chỉ mành treo chuông vậy.
Chỉ xin cố vấn cho anh Obama rằng: “Đừng tin những gì CS nói, mà hãy nhìn kỹ những gì CS làm.... Chân lý đó không bao giờ thay đổi.”
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Hà Nội nên biết rằng, Hoa Kỳ vẫn bảo đảm hoàn thành tốt đẹp chương trình tái cân bằng chiến lược của mình tại châu Á, trong thế kỷ 21 này, ngay cả trong tình huống không có sự tham gia của VN. Đây là một khả năng thật sự của Hoa Kỳ, hoàn toàn không kiêu hãnh, chủ quan hoặc cường điệu.
Trả lờiXóaTuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn luôn tôn trọng và đề cao mọi thiện chí hợp tác toàn diện của các bạn, nói riêng, và toàn khối Á châu, nói chung.
Và để mục đích tốt đẹp này nhanh chóng trở thành sự thật, các bạn cần phải tạo ra được những động lực cần thiết “đủ mạnh”, nhằm hổ trợ cho Chính phủ Hoa Kỳ vượt qua được những ràng buộc pháp lý kinh điển đối với Nhân dân Hoa Kỳ, và điều này không phải chỉ có áp dụng riêng đối với VN, đó là vấn đề Nhân Quyền.
Khách quan mà nói, đây là một điều vô cùng tốt đẹp cho các bạn, ít nhất là trong bối cảnh thực tế hiện nay trên ba góc độ, VN, khu vực và TG.
Tích cực cải thiện Nhân Quyền, chỉ giúp cho các bạn càng ngày càng mạnh mẽ hơn, vững chắc hơn, năng động hơn và sáng tạo hơn mà thôi.
Bởi vì toàn thể Nhân dân VN, nội địa lẫn hải ngoại, cùng với TG loài người tiến bộ, sẽ đứng bên cạnh các bạn một cách mạnh mẽ, lâu dài và toàn diện, trước tất cả các thách thức vô cùng quan trọng, trên hai kích thước đối nội và đối ngoại mà các bạn sẽ phải trực diện, trong những ngày tháng sắp tới.
Đây chính là thời điểm “thích hợp” nhất cho các bạn, và Myanmar cũng là một mô hình “khá xinh đẹp” đấy, các bạn ạ.
Hãy bắt đầu thực hiện ý tưởng sáng tạo, tốt đẹp và độc đáo này, bằng những hành động cụ thể và thiết thực nhất, ngay chính từ ngày hôm nay.
Toàn thể Nhân dân VN cùng với TG, đang nóng lòng chờ đợi, để hội đủ những điều kiện cần thiết, nhằm hổ trợ các bạn thật sự mạnh mẽ lâu dài và toàn diện đấy.