Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Tại sao lại trì hoãn tiến trình “dân chủ hóa”?



Trần Ngọc Thạch

                  

Thưa các vị lãnh đạo Đảng (CSVN) 

Tôi viết ra những lời này với tư cách của một công dân Việt Nam bình thường nhưng khó có thể im lặng trước hiện tình trì trệ của kinh tế – xã hội đất nước, trước tham vọng ‘bá quyền’ của ‘đường lưỡi bò’ Trung Quốc. Tôi tin vào “sức mạnh của lý lẽ” mà GS Ngô Bảo Châu đã viết, cũng như tin vào lý trí, cái tâm trong sáng và lòng yêu nước của Quí vị mạnh hơn cả “sự tồn vong của chế độ” – điều mà các nhân sĩ tri thức và hàng ngàn người đã lên tiếng trong “Bản kiến nghị 72” về sửa đổi Hiến pháp 1992.




Đã có nhiều ý kiến phản biện xác đáng cả trong và ngoài nước đối với bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Với tôi, dù không am hiểu lắm về ngôn ngữ luật pháp nhưng qua các điều 1 & 2, tôi cảm thấy cái mô hình XHCN – một nhà nước toàn trị – vẫn in đậm trong tư duy lãnh đạo của Quí vị. Có người cho rằng, nếu bỏ đi cái chế độ XHCN thì Quí vị chẳng còn vai trò lãnh đạo, hay “Bỏ điều 4 là tự sát”! Bởi vậy, đưa vào điều 4 (Đảng Cộng sản Việt Nam … là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội) & điều 70 (Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân) là ngầm định Quí vị vẫn quyết tâm duy trì vai trò lãnh đạo đất nước trong khi lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng đang cạn dần, giống như ánh đèn leo lét của CNXH.

Quí vị quên rằng, vai trò lãnh đạo xuất phát từ lý tưởng, hình ảnh và sức cuốn hút của người lãnh đạo, thứ mà dù có đi vào chỗ chết quần chúng cũng lao theo. Và rằng, sức mạnh thực sự của Lực lượng vũ trang nhân dân xuất phát từ sự ‘bảo vệ chính nghĩa’, thứ mà Quí vị đã từng sử dụng trong các cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc và giải phóng đất nước trước đây nay đang nhằm sử dụng để ‘bảo vệ chế độ XHCN’, áp chế tiến trình ‘dân chủ hóa’đất nước’ – cái xu thế mà ¾ nhân dân trên thế giới đang tận hưởng vị ngọt của nó.

Làm sao mà Hiến pháp – bản khế ước xã hội giữa nhân dân và chính quyền – đảm bảo tính dân chủ-văn minh khi “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” (Điều 2) lại bị phủ định bởi “Đảng Cộng sản Việt Nam… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” (Điều 4)? Điều này có nghĩa, trên thực tế nhân dân Việt Nam không có quyền lựa chọn trực tiếp lực lượng lãnh đạo xứng tầm của dân tộc. Và hệ lụy là, thiếu sự cạnh tranh, Đảng CSVN đã đánh mất ‘vai trò lãnh đạo’ của mình mà chỉ còn vai trò ‘Đảng trị’.

Làm sao Quí vị có thể giương cao ‘ngọn cờ chính nghĩa’ để giữ vững vị trí lãnh đạo khi Quí vị đang đi ngược với trào lưu dân chủ? Há chẳng phải Quí vị đã và đang đấu tranh cho một đất nước Việt Nam “độc lập – tự do – hạnh phúc” đó sao? Làm sao mà nhân dân có được tự do – hạnh phúc khi mà đất nước thiếu tự do dân chủ, văn hóa – xã hội xuống cấp trầm trọng, nền kinh tế trì trệ, tham nhũng tràn lan, biên cương hải đảo đang bị xâm lấn nghiêm trọng?

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói: “Đảng gắn bó máu thịt với dân. Trên dòng sông cuộc sống, Đảng mà tách khỏi dân thì chẳng khác nào như cá bị ném lên bờ, chết là chắc.” Ông cho rằng: “Đất nước VN, giang sơn VN cùng mọi thành quả của nền văn hóa VN không phải của riêng ai, của một giai cấp hay đảng phái nào, mà là tài sản chung của mọi người VN, của cả dân tộc VN… Phải phát huy dân chủ cao độ, thực hành dân chủ thật sự, hòa hợp dân tộc rộng rãi. Mọi người VN không chỉ là chủ đất nước mà phải làm chủ thật sự, được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra và được thụ hưởng thành quả dân chủ.”[1] Dù đã hơn 37 năm sau ngày thống nhất đất nước, tôi vẫn có cảm giác đất nước, nhân dân Việt Nam giống như một ‘chiến lợi phẩm’ (?) của một cuộc chiến ý thức hệ: Kẻ thắng thì làm Vua. Làm thế nào để có được một xã hội dân chủ thực sự khi mà Quí vị luôn gạt bỏ ngoài tai, nếu không muốn ghép vào tội ‘chống chế độ’, rất nhiều những tiếng nói lương tri, đấu tranh (cả nội bộ và công khai) cho một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh?

Vấn đề là ‘tầm nhìn’! Nếu các nhà lãnh đạo lựa chọn sai ‘tầm nhìn’, không những họ đánh mất vị trí và vai trò lãnh đạo mà còn kéo theo đất nước đi đến chỗ tụt hậu và đói nghèo.

Điều này đã từng được Tướng Trần Độ nêu ra trong bài tham luận gởi ĐCSVN: “Tình hình đất nước đang đòi hỏi dân chủ hóa một cách bức thiết. Tôi không nói rằng, dân chủ là thuốc trị bách bịnh; còn phải làm những việc khác nữa mới đưa đất nước lên con đường phát triển…, mới rửa được cái nhục nghèo khổ và tụt hậu. Nhưng dân chủ hóa là điều kiện không thể thiếu, điều kiện đầu tiên để đảm bảo sự phát triển của đất nước. Khi người dân không có tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập hội… thì mọi bàn luận về sự phát triển đất nước và hiện đại hóa… chỉ là vô ích. Bởi vì,… chỉ có những quyền tự do này mới tạo nên được sức mạnh trí tuệ toàn dân tộc, và chỉ có sức mạnh này mới đưa tới sự phát triển của đất nước.” [2] Cũng chính vì các quan điểm trên mà ông bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam sau đó. Tôi thật sự ngạc nhiên và khâm phục về ‘tầm nhìn’ và tư duy đổi mới của ông khi vẫn đang sống trong môi trường XHCN ngần ấy năm.

Thưa Quí vị,

Sẽ là thừa thãi và vô ích khi tôi muốn làm rõ thêm về sự cạnh tranh (kinh tế – chính trị) trong một xã hội dân chủ sẽ thúc đẩy đất nước đó phát triển bền vững. Vấn đề là, chính Quí vị nhìn nhận ‘dân chủ’ có đối lập với ‘vị trí lãnh đạo’ của mình hay không mà thôi. Xin nhắc lại câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt – một nhà lãnh đạo được nhân dân hết mực kính trọng và yêu mến trong thời kỳ đổi mới của đất nước: “Một là để dân đói, các đồng chí giữ nguyên chức vụ. Hai là dân no, các đồng chí mất chức. Chọn cái nào?” Cuối cùng, lãnh đạo các tỉnh Tây Nam bộ chọn: Thà mất chức mà dân no![3]

Tôi tự nhủ, trong hoàn cảnh hiện nay, nếu có ai đó vô phép hỏi: Nếu mất ‘quyền lãnh đạo’ mà ‘đất nước phát triển, nhân dân được hạnh phúc’, các đồng chí chọn cái nào, chắc hẳn nhiều người sẽ cho đó là câu hỏi ngớ ngẩn! Những thông tin ‘chính thống’ trên báo đài thời gian qua đã cho ta câu trả lời không thể rõ ràng hơn: Vị trí lãnh đạo của Đảng là không thể đánh đổi. Nhưng còn vận mệnh dân tộc?

Đưa ra vấn đề này tôi dựa vào cảm nhận là: Khi Đảng “nới lỏng quyền kiểm soát” thì đất nước phát triển.

“Năm 1986, đứng trước những thách thức xã hội và khủng hoảng kinh tế, lãnh đạo Đảng và nhà nước đã dám nhìn thẳng vào sự thật để chấp nhận đổi mới mà trước hết và quan trọng nhất là đổi mới về tư duy. Đặc trưng của đổi mới từ cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990 [giai đoạn Võ Văn Kiệt đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, sau đó là Thủ tướng Chính phủ] là chấp nhận những quy luật kinh tế thị trường, cho phép kinh tế tư nhân phát triển, và mở cửa cho kinh tế đối ngoại. Kết quả của những đổi mới về nhận thức là sự ra đời của các đạo luật chưa từng có trong tiền lệ như Luật đầu tư nước ngoài 1987, Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp Tư nhân cuối năm 1990.” [4]

Hầu hết mọi người đều cho rằng hai sự kiện trên (khoán sản phẩm trong nông nghiệp và thừa nhận qui luật kinh tế thị trường) là kết quả của sự đổi mới về tư duy. Thực tế đúng là như vậy, nhưng tôi thì cho rằng, những kết quả trên, mặc nhiên nó là phương thức vận hành của một nền kinh tế thị trường TBCN mà nhà nước XHCN đã kìm hãm cạnh tranh tự do của thị trường trong một thời gian dài, cho đến khi xảy ra sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ kéo theo sự sụp đổ của khối XHCN Đông Âu. Với khối XHCN tại châu Á, chỉ có Mông Cổ là tiến hành cuộc cách mạng dân chủ thành công; còn với Trung Quốc, để tránh sự sụp đổ, họ đã tiến hành cải cách kinh tế nhưng chỉ một nửa, tức là kết hợp nền kinh tế thị trường (TBCN) với kinh tế kế hoạch hóa (XHCN) với tên gọi khá mỹ miều: nền kinh tế thị trường mang màu sắc Trung Quốc; Việt Nam là một nước láng giềng có cùng ý thức hệ nên không thể không học tập mô hình trên, với tên gọi: nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN.

Mô hình phát triển ‘thành công’ của Trung Quốc vẫn còn nhiều điểm cần bàn cãi (nhờ lợi thế địa kinh tế, thị trường tập trung với dân số đông, dựa chủ yếu vào xuất khẩu với hàng hóa giá rẻ chiếm dụng tài nguyên trên nền tảng đồng nội tệ thấp hơn giá trị thực tế, kinh tế thế giới khủng hoảng khiến các nhà đầu tư đổ xô vào thị trường này, v.v.; tuy là quốc gia có GDP thứ hai thế giới nhưng tính GDP/đầu người năm 2011 là 5.445 USD, nằm trong nhóm các nước có thu nhập trung bình).

Cũng với mô hình kinh tế song trùng trên, Việt Nam lại đang lộ rõ những khiếm khuyết của nó: DNNN có nhiều lợi thế, ưu đãi nhưng năng lực quản trị và năng lực cạnh tranh kém dẫn đến nền kinh tế cạnh tranh không minh bạch, không lành mạnh. Kết quả là, với cú sốc Vinashin & Vinalines, thị trường BĐS đóng băng với lượng ‘hàng tồn kho’ khổng lồ, hệ thống ngân hàng hoạt động kém hiệu quả, kinh tế Việt Nam đang tuột dốc với khối nợ công ngày càng phình to (tất nhiên không thể không tính đến những tác động tiêu cực từ khủng hoảng kinh tế thế giới kéo dài).

Để vực dậy nền kinh tế có nguy cơ đổ vỡ, chúng ta đang loay hoay với những đề án tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách hệ thống ngân hàng, cải cách hành chính công, v.v. Nhưng có một ‘điểm nghẽn’ cực kỳ quan trọng mà các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đã từng đề cập, đó là cải cách thể chế! Khó có thể có một nền kinh tế phát triển năng động, phản ứng linh hoạt với một bộ máy quản lý vẫn còn nặng tính bao cấp (với cơ chế xin-cho), quan liêu và trì trệ.

Chỉ có ‘thân thể tráng kiện’ trên một ‘bộ óc lành mạnh’! Một cơ chế lãnh đạo toàn trị thiếu sự cạnh tranh lành mạnh chắc chắn sẽ kìm hãm sự phát triển nền kinh tế thị trường năng động (cạnh tranh tự do trong khuôn khổ luật pháp). Sẽ có nhiều người cho rằng, nền ‘kinh tế thị trường theo định hướng XHCN’ sẽ khắc chế sự bóc lột TBCN, phân phối công bằng của cải cho xã hội. Lý thuyết nghe thì đúng nhưng trong thực tế lại hoàn toàn khác: kẻ hưởng lợi nhiều nhất là những ‘lợi ích nhóm’; Cũng như không hề có nền kinh tế thị trường tự do hoàn toàn mà, nhiều hay ít, luôn có sự điều tiết, định hướng của nhà nước/chính quyền vì lợi ích chung, nếu họ không muốn đánh mất phiếu bầu của cử tri. Như vậy, lực lượng lãnh đạo chính trị cũng phải luôn đổi mới, cạnh tranh nhau để phát triển phù hợp với một nền kinh tế thị trường năng động. Điều này chỉ có thể có trong những thể chế chính trị dân chủ-cộng hòa mà sự phát triển kinh tế vượt bậc của nó là một minh chứng rõ ràng nhất.

Philipp Roesler, Phó Thủ tướng Đức gốc Việt, một lãnh tụ trẻ tuổi của đảng Tự do Dân chủ đã nói về sức mạnh của tự do khi nhận bằng Tiến sĩ danh dự tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội (18/9/2012): “Một đứa trẻ mồ côi thời chiến tại Việt Nam được nhận làm con nuôi mà có cơ hội vươn lên trong một xã hội dân chủ như vậy, và gánh vác trách nhiệm lớn thì đó là bằng chứng nền dân chủ có thể tạo ra sức mạnh như thế nào.” [5]

Thưa Quí vị,

Tôi biết rằng những lời nói thẳng, nói thật thường khó nghe, nhưng vì “thuốc đắng dã tật” nên tôi chẳng ngần ngại mà bộc bạch hết suy nghĩ của mình. Dù rằng đã có rất nhiều người làm như vậy và hầu hết mọi ý kiến tâm huyết của họ đều rơi vào khoảng không im lặng!

Đất nước Việt Nam ngay thời điểm này, giai đoạn này cần một sự đổi mới triệt để: đổi mới về thể chế chính trị! Một bản Hiến pháp thực sự ‘tự do dân chủ’ với thể chế dân chủ cộng hòa sẽ là động lực mới tiếp sức cho đất nước/xã hội phát triển, vượt qua những cú sốc lớn về kinh tế, lấy lại niềm tin trong nhân dân…

Nếu có ai so bì về thành tích trong quá khứ với việc phải chia sẻ quyền lực, họ cũng phải hiểu rằng cái quá khứ vẻ vang chưa hẳn đã mang lại một tương lai tươi sáng, bởi môi trường cạnh tranh luôn biến đổi, không thay đổi, không cạnh tranh thì đất nước khó có thể phát triển. Mỗi một giai đoạn lịch sử cần có một đội ngũ lãnh đạo năng động, một định hướng (tầm nhìn) đúng, và một phương thức lãnh đạo thích hợp; nhất là trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay khi các nước trên thế giới đang chạy đua với nền tảng ‘kinh tế tri thức’ đầy tính cạnh tranh và sáng tạo.

Nhà văn Nguyên Ngọc có viết bài đăng trên báo VietnamNet gần đây cho rằng “Dân chủ không phải cái đem cho.” Lịch sử đấu tranh cho nền tự do dân chủ của nhân dân thế giới hàng trăm năm qua khẳng định điều này. Nhưng, thế giới cũng đã chứng kiến nhiều cuộc cách mạng dân chủ ‘bất bạo động’ đem lại kết quả thành công khi mà các nhà lãnh đạo chính quyền và nhân dân ‘cùng nhìn một hướng’, lợi ích dân tộc là trên hết! Dù sao thì làn sóng ‘dân chủ hóa’ vẫn đang cuộn chảy…

Tôi nghĩ, trong tình hình hiện nay, Quí vị phải ‘tự lột xác’ (dù rất khó khăn) để thay đổi, để tồn tại và cùng lãnh đạo, dẫn dắt đất nước/xã hội phát triển. Đó là ý chí, bản lĩnh của những người làm Cách mạng vì Nhân dân. Chấp nhận mình đi ‘lệch hướng’, chấp nhận thay đổi tư duy XHCN đã định hình trong nhiều năm đã là khó, nhưng để ‘bỏ bớt quyền lực’ (chia sẻ vị trí lãnh đạo) trong một thể chế dân chủ lại càng khó hơn. Điều này chỉ có những nhà lãnh đạo ‘có tâm có tầm’ và cả trí dũng mới có thể.

John C. Maxwell, chuyên gia về kỹ năng lãnh đạo có đúc kết một câu nổi tiếng: “Mọi sự thành bại đều do lãnh đạo!”. Đúng vậy. Nhân nhân Việt Nam, những người yêu chuộng hòa bình, tự do & dân chủ đang chờ đợi những quyết định sáng suốt của Quí vị.

Kính thư

9 nhận xét:

  1. Bài viết hay quá, anh hẳn pahir là người có kiến thức khá sâu rộng.Em đồng ý với ý tưởng của anh, cải tổ bộ máy chính trị, từ trung ương đến địa phương.Vì xã hội đang quá bức xúc khi các quan tham nhũng từ trung ương đến địa phương, ngày càng trắng trợn. Điển hình như đất ở Văn Giang, Hưng Yên. Cưỡng chế đất ở Hải Phòng.Còn đài báo thi mị dân, không chịu tập trung vào bức xúc của nhân dân, toàn dân tự quay rồi poss lên yourtube
    Chán!Quá Chán Với các nhà lãnh đạo!

    Trả lờiXóa
  2. Trong lịch sử mấy mươi năm cầm quyền , chưa bao giờ uy tín của đảng cộng sản VN xuống dốc thảm hại như năm nay . Cái gì đến sẽ đến và nó đã dến ! Bộ mặt phản động và đê hèn của chúng đã lộ rõ - Thứ nhất là chúng tự đào hố chôn mình ( bằng những việc làm sai trái , phi nhân , phi đạo lý ... ) - Thứ hai là trình độ hiểu biết về chính trị của tòan dân đã trưởng thành sau bao nhiêu năm bị bộ máy tuyên truyền khổng lồ của chúng lừa bịp ,mê muội .
    Đây là thời cơ để những người yêu dân chủ ,công lý và tòan dân đứng lên đồng lòng vượt qua sợ hãi , chấp nhận hy sinh để đấu tranh đánh đổ ách thống trị thối nát và phản động của chúng , xây dựng Tổ quốc VN thân yêu tiến lên DÂN CHỦ , CÔNG BẰNG , THỊNH VƯỢNG !
    Cộng sản không thể sửa đổi mà chỉ có DẸP BỎ
    Chỉ có một con đường : đánh đổ ách thống trị cộng sản , xây dựng một chính thể dân chủ , đa nguyên , đa đảng thì đất nước VN mới phát triển thịnh vượng , nhân dân VN mới thực sự sống trong hạnh phúc !
    Tiếng súng Đoàn văn Vương , KIẾN NGHỊ 72 , TUYÊN BỐ CÔNG DÂN TỰ DO ... là những pháo lệnh tấn công !!!
    Hãy dũng cảm lên mọi người VN - BÌNH MINH ĐANG ĐẾN

    Trả lờiXóa
  3. Xin cảm ơn bác Thịnh . Những lời tâm huyết của bác thật tuyệt và phù hợp với tâm tư của rất nhiều người VN trong đó có tôi . Ngố mà như bác thì tôi cũng muốn " ngố " Chúc bác dồi dào sức khỏe . Kính !

    Trả lờiXóa
  4. vẫn là giọng điệu của những thằng muốn chống phá mà thôi.toàn là những lời dối trá bẩn thỉu. Nếu 1 lần được gặp mặt những kẻ đã viết những bài xuyên tạc sự thật bêu xấu Đảng, lãnh đạo Đảng, nhà nước kia, tôi sẽ băm cái mặt của hắn ra.Một trong các chiến lược được ưu tiên của các tổ chức phản động đó là bôi nhọ cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước để hạ uy tín của họ trong lòng dân làm giảm lòng tin của dân chúng xuyên tạc, vu khống đủ điều ngay cả nhưng thứ vô lý đến khó tin mà vẫn có thể nói được cần lật tẩy bộ mặt của chúng và những trang tin cúng tiến hành điều đó để tránh nhân dân không biết hiểu lầm

    Trả lờiXóa
  5. Hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước là một trong những nội dung quan trọng của hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng. Mục tiêu hướng tới nhằm làm cho quần chúng nhân dân mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước. Thông qua việc dẫn những hiện tượng tiêu cực trong xã hội; những tồn tại, sơ hở thiếu xót trong công tác lãnh đạo, quản lý như hiện tượng tham nhũng,…Các đối tượng đã đưa lên những blog các bài viết quy kết mọi nguyên nhân là do năng lực yếu kém của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

    Trả lờiXóa
  6. Việc đòi bỏ điều 4 Hiến pháp vừa phi lý, vừa chẳng hợp tình. Phi lý ở chỗ với vai trò lịch sử của mình không một ai có thể làm thay Đảng ta công cuộc đưa đất nước phát triển, lớn mạnh; chẳng hợp tình ở chỗ cố tình quên lịch sử, cố tình quên những hy sinh xương máu của Đảng ta, dân ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, cố tình quên công lao, đóng góp, vai trò lãnh đạo tiên phong của Đảng ta trong công cuộc đổi mới đã và đang thắng lợi toàn diện.toàn là những cái tên được nhắc lại , hoàn toàn là những blog ger nổi tiếng kêu gọi đa đảng và xóa bỏ điều 4 Hiến Pháp bằng những giọng điệu "đúng sự thật", đánh vào quyền lợi nhân dân, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo. nhưng bản chất của những tên này vẫn là hám quyền lợi của bản thân để bán rẻ Tổ Quốc

    Trả lờiXóa
  7. Ở đây, vấn đề nếu xóa bỏ điều 4 Hiến pháp, chắc chắn sẽ có sự tranh chấp quyền lực xảy ra, đây là một điều tất yếu, bởi vậy sẽ gây ra cảnh sinh linh lầm than. Và rõ ràng cho thấy hiện nay ĐCS sẽ là người lãnh đạo duy nhất.Cùng với một số người trong nước mơ hồ về chính trị; các thế lực thù địch huy động nhiều phương tiện, tận dụng mọi cơ hội, với nhiều hình thức, biện pháp, nhiều mũi tiến công vào vấn đề này

    Trả lờiXóa
  8. Được thể, mấy ông "dân chủ" rởm đời ở Việt Nam tung hô hết cỡ nhằm kiếm chút ít.
    Sự ra đời của blog phản động ví dụ như diễn đàn công nhân ban đầu, tuy mới xuất hiện chưa đầy một tuần lễ nhưng gây chú ý vì loạt bài công kích Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ tịch nước và những người thân tín, cùng những lãnh đạo trong tổ chức chính trị Đảng cộng sản Việt Nam thậm chí cả Hồ Chí Minh vĩ đại. Với những thông tin được gọi là “bí mật hậu trường” được đăng trên các blog đã gây tò mò rất lớn cho bạn đọc trong và ngoài nước. Những thông tin được đăng trải trên trang này làm nhiều người đặt dấu hỏi không biết “cái nào đúng, cái nào sai” và nên theo ai?

    Trả lờiXóa
  9. hình thức hàng chợ, phong cách bát nháo, nghiệp vụ thô sơ và nội dung đáng ngờ. Xấu. Huếnh. Rởm. Cẩu thả. Rẻ tiền. pha chế các tin tức với mục đích kích động, gây chia rẽ và gây nhiễu loạn thông tin theo phương châm "vứt xương chó chó cắn nhau", nghĩa là kích động tất cả các bên nhằm chơi trò "ngao cò đánh nhau, ngư ông đắc lợi". mình có lẽ đang đánh phải vào tim đen của diễn đàn công nhân Việt

    Trả lờiXóa