Hình Ảnh Chiến dịch thủ tiêu các cột mốc biên giới VIỆT TRUNG Diễn Biến Sự Kiện Thủ Tiêu Cột Mốc Biên
Chân Mây
Nhận thấy dư luận rất quan tâm về sự kiện thủ tiêu các cột mốc (cũ) phân chia biên giới Trung-Việt, là người đã đăng tải sự kiện kèm theo các hình ảnh đầu tiên trong bài viết “Từ lễ tế Mã Viện đến ngày Đảng CSVN cho Hai Bà Trưng mặc váy” (chuyên mục “Chuyện Phải Nói” của Diễn Đàn TGNV ngày 14.11.2010), Chân Mây sẽ trình bày rõ ràng hơn để giải tỏa các thắc mắc và ngờ vực về tính xác thực của sự kiện này.
Những gì đang xảy ra…
-
Biên phòng Trung-Việt bắt tay trên đường biên giới năm 2010
Theo quan điểm của hai Đảng CS Trung-Việt thì cương vực giữa hai nước gọi là “hữu biên vô giới”, mặc dầu như chúng ta đã biết là có sự tồn tại của các cột mốc quốc giới giữa “Trung Hoa” (Đại Thanh) và “An Nam” (Đại Nam) thiết lập sau chiến tranh Trung – Pháp vào năm 1885.
Những cột mốc quốc giới nói trên được thiết lập công phu căn cứ vào thực địa cương vực, chánh sử giữa hai nước Trung – Việt, do đó không thể có cách nào để biện luận cho rằng các mốc quốc giới cũ không có giá trị, hoặc tạo nên các ngụy thuyết cho rằng thực dân Pháp đã dâng chia lãnh thổ Việt Nam cho Trung Hoa. Thực tế thì ngược lại, chúng ta có thể dễ dàng kiểm chứng là trọn vùng Vân Nam, Quý Châu, Ải Nam Quan sang Long Châu, vịnh Băc Bộ đến vịnh Quảng Đông đã thuộc sự kiểm soát của thực dân Pháp trong quá trình bảo hộ lãnh thổ Việt Nam.
Tình trạng “hữu biên vô giới” của hai Đảng CS Trung – Việt (có đường biên nhưng không có giao giới, nói theo kiểu “núi liền núi, sông liền sông”) kéo dài đến năm 1979 xảy ra chiến sự trên toàn biên giới Trung-Việt và đến khi kết thúc thì bắt đầu nổi lên vấn đề tranh chấp lãnh thổ lục địa. Tức là những vùng đất Việt Nam bị Trung Cộng tiến chiếm vượt qua các cột mốc quốc giới thiết lập từ thời thực dân. Để ngăn ngừa Việt Nam tái chiếm, Trung Cộng đã gài mìn dầy đặc trên lãnh thổ biên giới Việt Nam. Số lượng mìn cài đặt sau chiến tranh biên giới, phía Trung Cộng xác định là có trên 2 triệu quả mìn.
-
Mốc 18 trên Ải Nam Quan mà Đảng CSVN đã bịa đặt nên câu chuyện bị Trung Cộng cho xe tăng ủi nát trong chiến tranh biên giới. Thực tế của hình ảnh này cho biết mốc 18 vẫn còn tồn tại trong tấm ảnh chụp của quân Trung Cộng năm 1988.
-
Mốc 19 tại Hà Giang (khu vực núi Đất, tức Lão Sơn) với sự chiếm giữ của quân đội Trung Cộng năm 1980.
Lãnh thổ bị chiếm đoạt nhưng Đảng CSVN và lực lượng “Quân Đội VN Anh Hùng” đã không dám kháng cự và năn nỉ qua nhiều năm xin đi vào đàm phán.
Năm 1993, hai bên chính phủ CS Trung-Việt bắt đầu đi vào đàm phán các vùng “tranh chấp”. Đến ngày 30.12.1999, hai bên Trung-Việt hoàn thành 16 lần đàm phán và cho ra kết quả là bộ văn bản “Trung Việt Lục Địa Biên Giới Điều Ước” (中越陆地边界条约). Một phần nội dung “nổi” của văn bản này cho biết rằng có 227Km2 diện tích “tranh chấp” trên dường biên giới Trung-Việt được giải quyết sau đàm phán là …chia đôi: 113Km2 thuộc Việt Nam, 114Km2 thuộc Trung Quốc.
Không khác gì văn bản dâng lãnh hải cho Trung Cộng của Phạm Văn Đồng vào năm 1953, những văn bản giải quyết đường biên giới lục địa Trung- Việt của Đảng CSVN là một trong nhiều vết dơ nhục nhã của Đảng CSVN chàm khắc lên tổ quốc của người Việt Nam và họ, những người người lãnh đạo Đảng CSVN, với kết quả giải quyết tranh chấp đường biên giới như trên vẫn vui mừng đặt thành “thắng lợi”.
Khi bộ văn bản “Trung Việt Lục Địa Biên Giới Điều Ước” hoàn thành, hai bên Trung-Việt tiếp tục đi vào công tác giải tỏa các khu vực gài mìn, tức là những vùng đất biên giới trên lãnh thổ Việt Nam. Một cách tự nhiên, những vùng trong qui hoạch gỡ mìn được dựng bảng bằng tiếng Trung và người dân trong khu vực trở thành công dân Trung Quốc.
-
Lực lượng công binh Trung Cộng đi vào lãnh thổ Việt Nam (Hà Giang) năm 2002 thực hiện chiến dịch gỡ mìn với sự đón chào niềm nở của Quân Đội NDVN Anh Hùng. Các chữ Trung văn trên đầu xe tải có thể đọc được là: “Vi Nhân Dân Bài Lôi…” (gỡ mìn cho nhân dân…). Nhân dân nào đây?
-
Các khu tử thần trên núi đồi Việt Nam (vùng Hà Giang) và vô số nạn nhân nay đang được chính phủ Trung Quốc bảo hộ.
“Trung Việt Lục Địa Biên Giới Điều Ước” đặt ra 1537 tọa cột mốc biên giới cần thiết lập trên 1347 Km tuyến biên giới Trung-Việt. Vào tháng 9 năm 2002, Cục Đo Đạc Quốc Gia Trung Quốc phái 39 nhân viên kỹ thuật thường trú đến 12 tọa điểm biên giới kết hợp với công binh chính quyền Vân Nam, Quảng Tây và chính phủ CS Việt Nam thực hiện công tác gỡ mìn. Tháng 11 năm 2005 sơ bộ hoàn thành, đến năm 2008 thì tuyên bố hoàn thành công tác gỡ mìn, phân giới, cắm mốc. Ngày 23.2.2009 đặt thành Lễ Hoàn Thành Phân Giới Cột Mốc Trung Việt (Chân Mây đã đưa tin qua bài “Đại Lễ Dâng Ải Nam Quan Cho Trung Cộng”).
Tuy nhiên những điều đó chưa phải là chấm dứt. Vào ngày 14.07.2010, phía Trung Cộng tuyên bố các văn kiện phát sinh hiệu lực là “Trung Việt Lục Địa Biên Giới Khám Giới Nghị Định Thư” (中越陆地边界勘界议定书), “Trung Việt Biên Giới Quản Lý Chế Độ Hiệp Định” (中越陆地边界管理制度协定), và “Trung Việt Biên Cảnh Khẩu Ngạn Cập Kỳ Quản Lý Chế Độ Hiệp Định” (中越边境口岸及其管理制度协定). Theo nội dung pháp luật yêu cầu trong nội dung các văn kiện, thì việc trước hết là phải tiến hành bài trừ ngay tất cả các cột mốc cựu thời. Phía Trung Cộng phát lệnh bài trừ các cột mốc cũ bắt đầu tại đoạn Vân Nam, Hà Khẩu vào ngày 20.07.2010, tại đoạn này có tất cả 22 cột mốc đã được bài trừ, hiện tại được biết có các cột 15, 17, 21 đã mang vào lưu trữ vĩnh viễn tại Phòng Quản Lý Văn Vật Huyện Hà Khẩu (河口县文物管理所), số còn lại chuyển lên trung ương quản lý. Căn cứ theo tài liệu “Trung Pháp Điều Ước”, 22 cột mốc quốc giới Việt Nam-Trung Hoa tại đoạn Vân Nam được xây dựng trong 12 năm, từ tháng 8 năm 1885 cho đến tháng 6 năm 1897. Khi Trung Cộng tiến hành bài trừ, trên các cột mốc này vẫn còn rõ các chữ “Trung Hoa” và “An Nam”.
Tiếp theo đoạn Vân Nam, vào ngày 10.08.2010 tỉnh Quảng Tây tuyên bố đã hoàn thành sứ mệnh bài trừ 33 cột mốc cũ, một nữa số do các địa phương sở hữu bảo tồn, nữa số còn lại phân chia vào quản lý tại Bảo Tàng Quốc Gia Trung Quốc (中国国家博物馆) và Bảo Tàng Quảng Tây (广西博物馆)
Hàng trăm trang mạng, báo đài Trung Cộng đang truyền tải sự kiện, nhưng bên Việt Nam thì không ai được biết đến. Vì sao? Không cột mốc cũ nào còn nằm trên lãnh thổ Việt Nam! Đây chính là những chứng cứ không thể chối cãi cho việc mất đất ở biên giới, lãnh thổ bị xâm phạm, mất chủ quyền hàng chục năm và sự đê tiện của Đảng CSVN khi họ vẫn tươi cười bất chấp dư luận!
Chân Mây đã lên diễn đàn Trung Cộng thăm dò và nhận các câu trả lời như sau:
Hỏi: Ni Hao! Có thể cho tôi biết tại sao Chính Phủ Trung Quốc phải loại trừ các bia giới cũ vùng biên giới Trung-Việt?
Đáp: Tồn tại các bia giới cũ là điều không thể chấp nhận được.
Hỏi: Bia giới cũ vẫn còn giá trị lịch sử chứ!
Đáp: Việt Nam cũng như Triều Tiên là phiên thuộc của Trung Quốc từ thời xưa, các bia giới không có giá trị. Ngay cả các cột mốc hiện tại cũng không có ý nghĩa phân chia quốc giới.…
Không như cách trả lời thô thiển của tên Trung Cộng này. Một thực tế man rợ là Đảng CSVN cấu kết với Trung Cộng nhằm xóa mọi dấu tích của đường biên giới cũ!
Tập hợp rất nhiều hình ảnh thu thập từ các trang thông tin, diễn đàn của Trung Cộng sau đây sẽ làm rõ hơn vấn đề. Những hình ảnh có ghi rõ địa chỉ cần tham khảo, tuy nhiên nếu bạn đọc cần thêm chi tiết xin vui lòng dán các chữ Trung Văn sau lên Google để kiểm chứng:
- 中越拆除陆地边界旧界碑工作正式启动 (Trung Việt Sách Trừ Lục Địa Biên Giới Cựu Giới Bài Công Tác Chính Thức Khải Động: Trung Việt chính thức khởi động công tác tháo bỏ mốc bia giới biên giới đất liền)
- 中国云南河口县辖区内的旧界碑开始拆除 (Trung Quốc Vân Nam Hà Khẩu Huyện Hạt Khu Nội Đích Cựu Giới Bài Khai Thủy Sách Trừ: Bắt đầu tháo bỏ bia giới cũ trong địa hạt huyện Hà Khẩu, Vân Nam Trung Quốc).
- 中越边界拆除旧界碑 (Trung Việt Biên Giới Sách Trừ Cựu Giới Bài)
- Hoặc tham khảo hình ảnh nhiều nhất tại diễn đàn sau (truyền tải từ ngày 03.11.2010):
hongdou.gxnews.com.cn/viewthread-5538500.html
-
-
-
-
Mốc 17 tại Vân Nam (Hà Khẩu)-Hà Giang
-
“Tân Kinh Báo” (Quảng Tây) đưa tin tức ngày 13.08.2010
-
Ảnh tham khảo: “Nhất xứ tam bài” (một nơi có 3 cột mốc) là hiện tượng sau các đợt đặt mốc quốc giới của hai bên Chính phủ CS Trung-Việt. Hình trên là giao giới Trung-Việt tại khu vực Đông Hưng, bờ bên kia sông là mốc mới của quốc giới Việt Nam (mốc 1325). Trên mỗi cột mốc xưa đều chia ra một mặt là Việt Nam, một mặt là Trung Quốc. Tình trạng của mốc mới tạo nên vùng đệm và rõ ràng lãnh thổ Việt Nam đã nằm ngoài đường biên giới xưa.
-
Biên dân Việt Nam tham gia bài trừ cột mốc dược Trung Cộng gọi trìu mến là “đồng bào tôi ơi!”.
-
Mốc giới mới (1050) và cũ "Trung Việt Quốc Giới, Khang Anh Ngoại Sách Số 5" trên đỉnh Bình Cương Lĩnh nay thuộc Quảng Tây. Có cả mốc cũ bị đập bỏ!
Tiêu mốc số 18 đoạn Quảng Tây-Việt Nam vẫn còn rõ hai mặt chữ "Đại Nam", "Đại Thanh" và năm tạo lập là 1893.
-
Mốc "Đại Nam Quốc Giới" tại Phòng Thành-Quảng Tây
-
-
Khu vực Quảng Tây: Có cái bị đập vụn, có cái bị chôn dưới đất nhờ dân địa phương chỉ điểm để đào lên. Trơ trọi chiếc lõi cột mốc trăm năm!
-
-
-
Đưa lên xe tải phi tang!
…
Ôi Tổ Quốc bốn ngàn năm lịch sử
Đã về miền quá khứ xa xăm!
Chân Mây
Tìm hiểu các mô hình mốc giới được cắm trên đường biên giới Việt Trung theo các công ước Pháp-Thanh 1887 và 1895
Những ngày vừa qua, trên một số trang blog và báo chí, có đăng tải một số hình ảnh và phụ chú theo đó phía Trung Quốc đang có phong trào đào lấy các cột mốc biên giới cắm theo công ước Pháp Thanh 1887 để đưa vào viện bảo tàng. Đây là một việc làm khuất tất vì các cột mốc này là các di vật lịch sử, thuộc chủ quyền của hai nước Việt Nam và Trung Quốc (ngoại trừ một số mốc kép cắm dọc theo sông Ka Long ở vùng giáp ranh Móng Cái). Phía Trung Quốc không thể đơn phương tự tiện lấy các mốc này làm của riêng.
Tuy nhiên, không thể loại trừ trường hợp Hiệp ước phân định biên giới mà hai bên Việt-Trung ký năm 1999 đã làm thay đổi đường biên giới lịch sử, khiến những cột mốc này nằm sâu vào trong lãnh thổ Trung Quốc. Nếu các mốc này đã nằm sâu trong lãnh thổ của TQ thì họ có thể có quyền làm các việc này.
Dư luận từ lâu nay cho rằng nhà nước CSVN “nhượng đất, nhượng biển” cho Trung Quốc. Việc nhổ mốc đã xảy ra từ tháng năm năm 2010 mà bộ Ngoại Giao VN không lên tiếng phản đối. Rõ ràng hành vi của phía Trung Quốc khẳng định việc đồn đãi của dư luận. Việc nhổ đi các mốc giới lịch sử còn mang ý nghĩa xóa bỏ vết tích lịch sử, từ nay không còn ai có thể kiểm chứng được hai đường biên giới 1887 và 1999 trên thực địa.
Phải chăng phía Việt Nam đồng lõa với phong trào nhổ cột mốc lịch sử của Trung Quốc?
Trong bài viết nhỏ này người viết mô tả sơ lược về hình thể và nội dung của các cột một được cắm theo công ước 1887. Từ đó, mọi người có thể quan sát các tấm hình các mốc bị đào lên (được đăng trên BBC hay blog Phạm Viết Đào), để có thể đoán cột mốc ấy ở đâu, vùng nào, từ đó suy luận đường biên giới ở các nơi đó phía VN có bị thiệt hại hay không.
Đường biên giới giữa hai nước Việt-Trung đã được phân định rõ rệt theo hai công ước: 1/ Công ước phân định biên giới giữa Trung Hoa và Bắc Kỳ (Convention relative à la délimitation de la frontière entre la Chine et le Tonkin) do ông Constans ký tại Bắc Kinh ngày 26 tháng 6 năm 1887 và 2/ Công ước bổ túc do ông Gérard cũng ký tại Bắc Kinh ngày 20 tháng 6 năm 1895.
Người Pháp thay mặt triều đình nhà Nguyễn ký kết với nhà Thanh (Trung Hoa) các kết ước này chiếu theo tinh thần điều 1 của Hiệp ước bảo hộ (Traité Protectorat): “L'Annam reconnaît et accepte le Protectorat de la France. La France représentera l'Annam dans toutes ses relations extérieures. Nước An Nam nhìn nhận và chấp nhận sự bảo hộ của nước Pháp. Nước Pháp sẽ đại diện cho An Nam trong mọi liên hệ với các nước khác".
Theo "Convention sur le Droit des Traité de Vienne – Công ước về Luật của các kết ước ký tại Vienne (thủ-đô Áo-Quốc) ngày 29 tháng 5 năm 1969 – (Vienna Convention on Succession of States in respect of Treaties): một nước có thể ngưng thi hành một kết ước đã ký cũng như có thể hủy bỏ toàn bộ nội dung các kết ước nầy do tính bất bình đẳng của nó (trường hợp các kết ước ký dưới thời một nước bị bảo hộ). Tuy nhiên, Ðiều 11 của Công ước Vienne có nội dung:
“Boundary regimes: A succession of States does not as such affect: (a) a boundary established by a treaty; or (b) obligations and rights established by a treaty and relating to the regime of a boundary.”
“Thể lệ về biên giới: Một sự kế tục của Quốc Gia không đặt lại vấn đề về: a) biên giới xác định do một hiệp ước và b) nghĩa vụ và quyền lợi xác định do một hiệp ước có liên hệ với một thể lệ về biên giới.”
Ðiều nầy cho thấy, trên quan điểm công pháp quốc tế, các kết ước về biên giới Việt-Trung ký giữa Pháp và nhà Thanh năm 1887 và 1895 vẫn còn giá trị pháp lý, nếu hai bên Việt-Trung không có các kết ước khác thay thế. Mặt khác, ngoài một số địa phương đã bị Pháp nhượng cho Trung Hoa để được quyền lợi về kinh tế, đường biên giới này thể hiện thực tế lịch sử giữa hai nước Việt-Trung từ nhiều ngàn năm qua.
Nhà nước CSVN đã ký lại Hiệp ước phân định biên giới trên đất liền với Trung Quốc vào tháng 12 năm 1999 vì nhiều lý do: “Do lời văn công ước 1887 mô tả đơn giản, không rõ ràng, do nội dung không phù hợp với thực địa, bản đồ tỷ lệ nhỏ, nhiều địa danh, khu vực không thể hiện… nhiều khu vực chưa được phân giới cắm mốc hoặc cắm mốc quá thưa. Ngoài ra, qua hơn trăm năm, hệ thống mốc cũng bị hư hại, xê dịch, phá hủy do chiến tranh và thời gian…”
Những lý do này đưa ra thì phù hợp với thực tế. Nhưng việc có cần phân định lại biên giới hay không và phân định trên căn bản nào thì còn nhiều điều cần bàn luận (nhưng không phải là chủ đề viết ở bài này).
Việc phân định lại biên giới năm 1999 làm vô hiệu hóa hiệu lực các kết ước lịch sử 1887 và 1895 về biên giới.
Nhưng theo điều I của hiệp ước 1999: “Hai Bên ký kết lấy các Công ước lịch sử về biên giới hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc làm cơ sở, căn cứ vào các nguyên tắc luật pháp quốc tế được công nhận cũng như các thỏa thuận đạt được trong quá trình đàm phán về vấn đề biên giới Việt - Trung, đã giải quyết một cách công bằng, hợp lý vấn đề biên giới và xác định lại đường biên giới trên đất liền giữa hai nước.”
Các công ước lịch sử liên quan đến biên giới hai nước chỉ gồm có hai công ước 1887 và 1895. Theo nội dung điều I, đường biên giới 1999 như thế sẽ trùng hợp với đường biên giới 1887 ở những đoạn (hay điểm) mà nó thể hiện rõ ràng. Dĩ nhiên ngoại trừ những đoạn (hay điểm), mặc dầu thể hiện rõ ràng trên thực địa, nhưng đã được dời đổi theo các “thỏa thuận đạt được trong quá trình đàm phán” giữa hai bên Việt-Trung.
Các mốc giới được cắm theo các công ước Pháp-Thanh có nhiều mô hình khác nhau. Tùy theo (a) vùng biên giới, (b) thời kỳ cắm mốc, hay (c) đoạn biên giới mà hình thức các mốc giới hoàn toàn khác nhau.
(a) Vùng biên giới:
Có ba vùng biên giới: vùng tiếp giáp các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam. Ở thời kỳ phân định và cắm mốc 1885-1897, vùng tự trị Choang tỉnh Quảng Tây chưa thành lập. Phủ Khâm Châu thuộc tỉnh Quảng Đông.
- Vùng biên giới thuộc tỉnh Quảng Đông: bắt đầu từ biển (Trúc Sơn-Trà Cổ) cho đến Bắc Cương Ải.
- Vùng biên giới thuộc tỉnh Quảng Tây: từ Bắc Cương Ải cho đến “Nham Động Hà Ca” là giao điểm hai vùng biên giới Quảng Tây và Vân Nam.
- Vùng biên giới thuộc tỉnh Vân Nam: từ Nham Động Hà Ca cho đến sông Cữu Long. Theo tinh thần của công ước Gérard 1895 thì Lào thuộc về Việt Nam.
(b) Thời kỳ phân giới: Có hai thời kỳ:1/ phân định và 2/ phân giới và cắm mốc:
- Thời kỳ phân định: Bắt đầu buổi họp phân định biên giới lần đầu tiên tại Đồng Đăng ngày 12 tháng 1 năm 1886 và chấm dứt ở ngày ký công ước 26-6-1887.
- Thời kỳ phân giới và cắm mốc: chia làm 5 thời kỳ. 1/ thời kỳ do ông Chiniac de Labastide (1889-1890) làm chủ tịch ủy ban Pháp, phân định vùng biên giới Quảng Đông. 2/ Thời kỳ do ông Frandin (1890-1891) làm chủ tịch, phân định vùng Quảng Tây. 3/ Thời kỳ do ông Servière (1892-1893) tiếp tục công trình của Frandin. 4/ Thời kỳ do Galliéni (1893-1894) làm chủ tịch, kết thúc phân giới, cắm mốc và công nhận công trình của các ủy ban trước (vùng Lưỡng Quảng). 5/ Thời kỳ do Pennequin (1895-1897) làm chủ tịch, phân giới, cắm mốc vùng Vân Nam và kết thúc công trình phân giới toàn bộ, qua việc trao đổi giác thư (nghị định thư) công nhận đường biên giới ngày 2 tháng 10 năm 1897.
Các cột mốc cắm ở các thời kỳ 1, 2 đều là cột mốc tạm vì lý do các viên chức phụ trách (De Labastide, Frandin…) thì không có thẩm quyền. Các kết quả cắm mốc phải đưa về Bắc Kinh để Tổng Lý Nha Môn (tương đương bộ ngoại giao) và Đặc sứ toàn quyền Pháp phê duyệt. Các công trình của ông Frandin sau này được công nhận bởi ông Galliéni, do đó các biên bản mô tả vị trí các cột mốc do ê-kíp Frandin phụ trách thì có giá trị và hiệu lực pháp lý. Các thời kỳ sau (thời Galliéni và Pennequin), người phụ trách có toàn quyền quyết định mà không cần phải đưa về Bắc Kinh nữa.
(c) Các đoạn biên giới:
- Vùng biên giới tỉnh Quảng Ðông chia làm hai đoạn. Đoạn 1 từ biển cho đến hợp lưu sông Ka Long, đoạn này trung tuyến dòng sông là đường biên giới. Gồm có 20 cột mốc, mỗi bên có 10 cột mốc (mốc kép) được cắm dọc theo hai bờ sông, được đánh số từ 1 đến 10, theo thứ tự từ đông sang tây, do ủy ban Chiniac de Labastide thực hiện năm 1890.
Đoạn 2 từ có 23 cột mốc được cắm, theo thứ tự từ đông sang tây.
Mô hình cột mốc vùng Quảng Đông, cắm bên phía bờ Việt Nam:
Trên mốc có ghi chú: Frontière Sino-Annamite, 1890, Đại Nam (chữ Hán)
Cột mốc cắm phía bờ Trung Quốc:
Trên mốc ghi: Hàng giữa ghi: Đại Thanh Quốc Khâm Châu Giới. Hàng phải: Quang Tự Thập Lục Niên Nhị Nguyệt Lập (làm năm Quang Tự thứ 16, tháng hai). Hàng trái: Tri Châu Sự Lý Thọ Đổng Thư (do tri châu Lý Thọ Đổng viết).
- Vùng biên giới tỉnh Quảng Tây được chia làm hai đoạn. Ðoạn 1 từ Bình Nhi, trên sông Kì Cùng, cho đến biên giới Quảng Ðông có 67 cột mốc, cắm từ Tây sang Ðông. Ðoạn thứ 2 từ Bình Nhi đến biên giới Vân Nam có 140 cột mốc, cắm từ Ðông sang Tây.
Sơ đồ mô hình mốc giới vùng Quảng Tây do ủy ban Frandin thực hiện:
Ký tên trên sơ đồ mốc giới là đại úy Didelot ngày 30 tháng 3 năm 1891 tại Bình Nhi. Nội dung mốc được ghi theo hình sau:
Trên mốc có ghi: hàng trên chữ Pháp Frontière Sino-Annamite (Biên giới Trung-Việt). Hàng dưới chữ hán: An Nam Quốc Biên Giới. Năm 1891.
Hình dưới đây là mô hình một loại cột mốc khác cắm trên vùng Quảng Tây.
Hình này chụp từ cuốn "Au Tonkin et sur la frontière du Kwang-si" của Commandant Famin. Trên mốc có ghi: Trung Quốc Quảng Tây Giới.
- Vùng biên giới tỉnh Vân Nam: Trên vùng biên giới Vân Nam thì được phân chia ra làm năm đoạn .
Vùng hữu ngạn sông Hồng, là đoạn thứ 5, được phân định lại theo công ước Gérard năm 1895. Theo công ước nầy, phần thượng Lào thuộc về Việt Nam. Từ Sông Hồng đến sông Ðà (Rivière Noire) thì không cắm mốc. Từ sông Ðà đến biên giới Lào có 4 cột mốc được cắm theo thứ tự từ Ðông sang Tây. Cột thứ 1 ở mệng núi Phúc Ngỏa, cột thứ 2 ở miệng núi Chỉ Sưởng, cột thứ 3 giáp Mường Sa và Mường Bun, cột thứ 4 ở cửa trại Sông Mặc Ô. Vùng nầy đã được ông Auguste Pavie, trong lúc nhận công tác nghiên cứu vùng thượng Lào để chuẩn bị cho một Quốc Gia trái độn (Etat tampon), thì đã vẽ họa đồ. Vùng tả ngạn sông Hồng thì được chia làm bốn tiểu đoạn. Ðoạn thứ nhứt, từ hợp lưu của sông Hồng với sông Lũng Pô qua sông Nậm Thi, biên-giới là dòng sông thì không cắm mốc. Ðoạn 1 đến sông Kosso (Qua Sách) thì có 21 cột mốc. Ðoạn hai từ sông Qua Sách đến Cao Mã Bạch có 19 cột mốc được cắm. Ðoạn 3 và 4 từ Cao Mã Bạch đến biên giới Quảng Tây gồm có 24 cột mốc được cắm. Như thế tổng cộng gồm có: Từ sông Hồng đến biển có 314 cột mốc. Từ sông Hồng đến biên giới Lào có 4 cột mốc. Tức là có 318 cột mốc tất cả.
Mô hình cột mốc vùng Vân Nam:
Trên mốc có ghi: Hàng trên số mốc, hàng kế Chine-Annam, hai hàng (viết dọc) ở dưới bằng chữ Hán, hàng phải: Đại Pháp Quốc Việt Nam; hàng trái Đại Thanh Quốc Vân Nam.
Các cột mốc được làm bằng xi măng, vôi, gạch, đá… tùy theo có sẵn ở địa phương. Ngoài ra còn có một số mốc thiên nhiên làm bằng những tảng đá lớn, trên đỉnh núi hay đèo.
Kết luận:
Quan sát các cột mốc đăng trên BBC:http://www.bbc.co.uk/vietnamese/pict...ina_border_mar...
Hình thứ nhất mốc có đề chữ Hán: Đại Nam. Theo ghi chú trên BBC thì mốc này ở Đông Hưng (Quảng Tây). Thực ra mốc này là mốc kép, cắm dọc theo sông Ka Long, phía bờ Việt Nam, thuộc đoạn biên giới Quảng Đông (nay thuộc Quảng Tây) giáp ranh với Đông Hưng. Phía Trung Quốc cho người đào như thế cho thấy vùng đất này thuộc về họ, mặc dầu theo công ước 1887 là trên đất Việt Nam (nếu cột mốc còn ở đúng vị trí cũ).
Hình thứ 4, chụp cột mốc số 17. Theo nội dung và hình dáng thì cột mốc thuộc vùng biên giới Vân Nam như không biết đoạn nào vì có đến 3 cột mốc cùng mang số 17 sau đây:
Ðoạn thứ 1: Từ hợp lưu sông Long Bác (Lũng Pô) (龍賻) với sông Hồng (紅河) đến sông Qua Sách (戈索河)
Cột số 17: ở giữa đèo, trên đường từ Nhai Đầu (崖頭) đến Ðường Tử Biên (塘子邊).
Ðoạn biên-giới thứ 2: Từ Qua Sách Hà (戈 索 河 ) đến Cao Mã Bạch (膏 馬 白 ) thuộc Bắc Kỳ và Tân Nhai (新 崖) thuộc Vân Nam.
Cột số 17: đường từ Thạch Duẫn (石筍) đến Tie-Tchang.
Các đoạn biên giới thứ 3 và thứ 4: Từ Tân Nham 新 岩 (Trung Hoa) và Cao Mã Bạch 高 馬 白 (Việt Nam) đến biên giới Quảng-Tây廣 西.
Cột số 17: trên đèo, trên con đường nối Long Qua Ca 龍 戈 卡 (Trung-Hoa) với Long Cô 龍 姑 (Việt Nam).
Trong nhất thời ta không thể xác định cột mốc trong hình thuộc về đoạn biên giới nào, nhưng điều chắc chắn là mốc này, theo công ước 1887, thì nằm trên biên giới và thuộc chủ quyền của hai nước.
Hình thứ 5: mốc có ghi Đại Thanh Quốc Khâm Châu Giới. Mốc này là mốc kép, cắm dọc theo sông Ka Long, cắm ở phía bờ Trung Quốc.
Trương Nhân Tuấn
Tài liệu tham khảo: Tập tài liệu "Biên Giới Việt-Trung 1885-2000 Lịch sử thành hình và những tranh chấp" NXB Dũng Châu, in năm 2005, của Nhân-Tuấn Ngô Quốc Dũng.
1. Như các vùng tổng Tụ Long (Hà Giang, diện tích 700km², có nhiều mỏ kim loại quí), Đèo Lương (hay Luông) (Cao Bằng, diện tích khoảng 300km²), các xã thuộc hai tổng Kiến Duyên và Bát Trang (thuộc Hải Ninh), vùng mũi Bạch Long (phía bắc Móng Cái…)
2. "Việt-Trung và Đường biên giới pháp lý, công bằng và hữu nghị", nguồn http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/2009/01/821775/, tác giả TS Nguyễn Hồng Thao.
CỘT MỐC OAN HỜN
( tin báo : Đầu năm 2002, nhà đương quyền CSVN đã đặt cột mốc cái thứ nhất mang số 745 tại Móng Cái, phần đất trước của Việt nam, nay là điểm phân chia biên giới mới giữa Việt Cộng và Trung Cộng. Cột mốc cái cao gần hai mét và làm bằng đá khối. Ngoài chữ số ghi kilomet, mốc cái còn có quốc huy của CSVN và cờ đỏ sao vàng. Ngày 13/7/2002 CSVN khánh thành đặt cột mốc thứ hai mang số 102 tại tỉnh Lào Cai. Phần đất này trước đây cũng thuộc Việt Nam)
Ai đem phiến đá vô hồn
Biến thành Cột Mốc Oan Hờn, hỡi ai !!!
Núi cao soi bóng sông dài
Sao thu hẹp để u hoài núi sông ?
Nỗi đau đã nhức mọi lòng
Nỗi hờn tươm máu triệu dòng lệ chan
Bao đời mốc tại Nam Quan
Sao nay Móng Cái, Hà Giang hở Trời !?
Vết dao, cột mốc, còn tươi
Cắt da thịt Mẹ chao ơi, bạo tàn !!!
Hỡi Bản Giốc, hỡi Nam Quan
Sao đem đất nước Việt Nam dâng người ?
Đất ta, xương máu, cơ ngơi
Ông cha ta đã bao đời dựng xây
Quyền chi cắt đất dâng thày ?
Tại sao làm nước non này đau thương ???
Niềm đau, nỗi nhục quê hương
Hỡi ai, tráng sĩ, tuốt gươm báo đền!
Ta ơi, toàn quốc đứng lên !
Nhổ phăng cọc mốc oan khiên, xây đời ...
Ngô Minh Hằng
Hàng loạt những cột mốc lịch sử quốc giới Trung-Việt đã bị Trung Cộng và CS Việt Gian tất bật tháo gỡ đưa vào các Bảo Tàng Lịch Sử địa phương mà chúng gọi: Chiến dịch “bài trừ các mốc biên giới cũ”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét