Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

TÍNH NGHỊCH LÝ TRONG CUỘC ĐỜI

ĐẠI NGÀN

                                             

Tình trạng dân trí một nước càng thấp họ lại càng cần có người lãnh đạo. Nhưng nếu người lãnh đạo không đàng hoàng, dễ dàng mị dân, thế là dân chỉ ăn bánh vẽ, lại rơi vào chỗ độc tài. Người dân vẫn lại không có lối ra, xã hội lại sa vào bế tắt, không có lối ra.

Như thế ý nghĩa không phải lãnh đạo mà tính cách của lãnh đạo như thế nào. Nếu lãnh đạo thật ra chỉ là cơ hội, là lợi dụng, kết quả của lãnh đạo đó không có, lãnh đạo cũng như không lãnh đạo, chẳng qua cũng chỉ là tình trạng phi lãnh đạo này thay cho tình trạng phi lãnh đạo khác.

Vậy lãnh đạo không phải là khái niệm chung chung mà phải có nội hàm cụ thể tốt thật, tức hiểu biết, sáng suốt, chân chính, không lừa dân, không mị dân, không là công cụ hay tai sai của bất cứ ai khác.
Có nghĩa tinh thần lãnh đạo phải tinh thần, ý thức độc lập. Ý nghĩa người lãnh đạo phải là người độc lập. Nếu không có ý nghĩa như thế, thực chất gọi là người lãnh đạo không phải người lãnh đạo mà cũng chỉ là kiểu cán bộ, kiểu thừa hành cho những lực lượng nào đó khác mà không phải do sự chủ động từ ý chí sáng suốt, cao quý của mình.

Vậy nhưng dân càng kém hiểu biết, dân càng ngu thì không thể tự mình đi đứng độc lập được về phương diện xã hội nói chung mà cần có người lãnh đạo. Nhưng gặp lãnh đạo phi lãnh đạo hay phản lãnh đạo lại chỉ có giao trứng cho ác.


Tức là chỉ giá trị của lãnh đạo mới cần thiết, không phải mọi sự lãnh đạo đều cần thiết.

Trong những xã hội độc tài rất khó xuất hiện những yếu tố lãnh đạo độc lập vì những nghịch lý như trên cứ đeo đẵng. Đã độc tài thì luôn làm dân ngu, muốn dân ngu. Đã độc tài thì không chịu đối lập, không ưa đối lập, tiêu diệt đối lập. Vậy thử hỏi dân đã ngu mà trong hoàn cảnh như thế, làm gì có được lãnh đạo đối lập.

Bởi lãnh đạo không từ trời rơi xuống nhưng phải từ dân mà ra. Nhưng giữa đám dân ngu thì lấy đâu mà ra lãnh đạo.

Như thế lãnh đạo nếu không phải tay sai của nước ngoài, phải từ những thành phần tinh túy trong dân mà ra.

Có nghĩa chỉ những thành phần tài năng và những thành phần trí thức, hiểu biết trong dân mới cung cấp được cho dân người lãnh đạo. Trí thức đúng nghĩa thì luôn có tài năng. Tài năng đúng nghĩa luôn có trí thức. Có nghĩa chỉ tài năng dỏm, trí thức dỏm mới cùng đi với nhau. Còn tài năng thật và trí thức thật vẫn cùng đi với nhau. Tức yếu tố trí thức và yếu tố tài năng cùng đúng nghĩa, không thể coi nhẹ yếu tố nào.

Ngày xưa nhà cách mạng chân chính và thông minh Phan Chu Trinh đã hoàn toàn thấy hết điều đó. Chủ trương khai dân trí như yếu tố hàng đầu của ông chính là như vậy.

Ngày nay ở những nước phương Tây tiên tiến, trình độ dân trí đều cao nên họ không cần người lãnh đạo theo kiểu dẫn dắt, dẫn đường, mà chỉ là kiểu thừa hành có năng lực chính sự ủy quyền của dân. Dân chủ tự do đúng nghĩa và xã hội dân sự chính đáng chỉ có sự ủy nhiệm, ủy quyền mà không có ý niệm lãnh đạo kiểu anh mù dắt đám mù. Chính trình độ dân trí thấp, sự ngu dân mới cần lãnh đạo và tôn vinh sự lãnh đạo. Cho nên sự thần thánh hóa lãnh đạo, yêu cầu cao về lãnh đạo chỉ cho thấy một tỉnh trạng dân ngu và cũng hứa hẹn nhiều triển vọng ngu dân.

Có nghĩa khi trình độ dân trí nâng cao, mọi người đều tự ý thức được nhiều điều, khi đó không cần ai lãnh đạo mà tự xã hội quyết định lấy mọi hướng đi cần thiết của mình. Sự chuyển biết từ chất thành lượng là như thế. Chất trong mỗi cá nhân trở thành lượng chung cho xã hội. Sự biến chuyển từ lượng sang chất cũng vậy. Càng nhiều người hiểu biết, trình độ dân trí chung càng nâng cao, mọi vấn đề và yêu cầu của xã hội tự nó đều được giải quyết, không cần ai lãnh đạo cả.

Nên khái niệm lãnh đạo là khái niệm thường bị lợi dụng, lạm dụng trong các xã hội dân ngu, xã hội ngu dân trong các thể chế độc tài. Càng tôn vinh lãnh đạo càng cho thấy sự thấp kém của xã hội, sự nhục nhã và sự nhục mạ đối với toàn dân.

Do thế người cách mạng chân chính, người trí thức chân chính không cần biến mình thành người lãnh đạo mà chỉ cần biến mình thành là người nâng cao được dân trí, sự hiểu biết cho tất cả mọi người. Tức tự mình làm thành men của cuộc cách mạng xã hội mà không ham muốn mình thành kiểu lãnh đạo ngu dân và mị dân.

Yêu cầu cuối cùng của xã hội là lối ra, không phải lãnh đạo. Lãnh đạo hoài mà không thấy lối ra chẳng qua cũng chỉ là những anh mù dẫn được cho đám thằng mù. Nên lối ra là kết quả, mục đích sau cùng nhưng không phải lãnh đạo. Không đưa đến được lối ra, lãnh đạo cũng chỉ là lãnh đạo dỏm, lãnh đạo giả, phi lãnh đạo hay lãnh đạo bất lực.

Vậy cuối cùng đầu vào chính là dân trí, đầu ra cuối cùng vẫn là dân trí. Nếu đầu vào chỉ thuần túy là lãnh đạo, đó là loại lãnh đạo mị dân, ngu dân. Nếu đầu ra cũng chỉ thuần túy lãnh đạo, đó là kiểu thần thánh hóa lãnh đạo, kiểu độc tài cộng sản hại dân, hại xã hội nói chung.

Nói khác đi lãnh đạo nếu cần cũng chỉ là bất đắc dĩ, tạm thời hay giai đoạn. Một đất nước và một dân tộc mà chỉ có mong có người lãnh đạo, đó là một đất nước tồi, một dân tộc tồi. Một đất nước, một dân tộc mà suốt đời chỉ ca ngợi lãnh đạo, lãnh tụ, là đất nước thấp kém và một dân tộc bạc nhược.

Nên nói cho cùng, chỉ có dân chủ tự do thực chất, chỉ có xã hội dân sự thực chất mới thể hiện được sự tự chủ, tự ý thức sáng suốt, hiểu biết của tất cả mọi người, mới thoát ra được mọi tình trạng dân ngu và mọi hiện tượng ngu dân. Dân chỉ làm chủ lấy mình khi không cần ai lãnh đạo, không cần hay không muốn tôn vinh lãnh đạo, bởi mình là người có thẩm quyền cao nhất, chỉ trao quyền, ủy quyền thừa hành chính trị cho người mình tín nhiệm mà không phải tự hạ mình để chỉ tôn vinh hoặc tìm kiếm chính người đè đầu chận cổ hoặc nô lệ hóa mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét