Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

TRUYỀN THÔNG : CHÂN VÀ GIẢ

 Vân Kiều             

               

Truyền thông là sự chuyển giao thông tin trong xã hội. Đây là nhu cầu thiết yếu vì nó là nhu cầu đầu tiên của mọi nhu cầu hay nhu cầu của các nhu cầu. Con người là một đơn vị có nhận thức. Xã hội là sự liên kết của những đơn vị cá nhân có nhận thức. Đó chính là ý nghĩa, cơ sở hay nguồn gốc của truyền thông.

Truyền thông như vậy là sự chuyển giao thông tin, sự lan truyền tin tức, sự liên kết tin tức.

Tinh tức là yếu tố thông tin, nội dung thông tin. Nó cũng là nội dung hay đơn vị của sự hiểu biết về mọi loại.

Như vậy giá trị của thông tin, hay sự hữu ích của thông tin chính là sự thật, là ý nghĩa khách quan của nội dung nguồn thông tin đó. Người mình có nói mười voi không được bát xáo, hay nói láo như cuội, đó là sự phản đối, sự chê trách, sự lên án những thông tin giả. Thông tin giả là những thông tin không có nội dung thật, phản lại nội dung đúng đắn, nó chỉ phịa đặt, phản hiệu dụng và phản kết quả.
Thông tin ngoài ra cũng như ngôn ngữ, nó có hình thức thông tin và nội dung của thông tin. Các hình thức thật ra chỉ là phương cách chuyển tải. Chính nội dung thông tin mới là yêu cầu đích thực. Cái đầu chỉ cái vỏ, chính cái sau mới là cái ruột. Mọi cách thông tin tuyền truyền dối gạt với con người trong xã hội đó là loại đồ vật chỉ có vỏ mà không có ruột, nó hoàn toàn không giá trị, phản giá trị, lừa đảo giá trị.



Cho nên chất lượng của thông tin cũng quan trọng không kém. Chất lượng là tinh chất của thông tin. Người ta có thể biết cả vài ngàn trang sách, nhưng nếu nội dung của nó chỉ nghèo nàn hoặc sai sự thật, ý nghĩa của các thông tin đó cũng chẳng để làm gì. Nên nói chung ý nghĩa của thông tin cần phải khách quan, đúng đắn, chân thật, đồng thời phải có giá trị sử dụng, tức chất lượng cần thiết của nó. Một bài văn, một bài báo, một bài thơ, một tác phẩm văn học mang ý nghĩa thông tin chân thật, súc tích chính là các tính cách như thế.

Cho nên thông tin cũng giống như mọi sự truyền thông khác trong thực tế, tức nó phải có nguồn, có đích, có phương thức và có nội dung, ý nghĩa. Chính ý nghĩa là cái quyết định sau cùng. Tất cả mọi cái đi trước cũng đều là cái vỏ, cái phương tiện, cái bên ngoài nếu có thể nói như vậy.
Nguồn nói lên tính chính đáng, ý thức chính đáng của người truyền đạt thông tin. Đích có nghĩa là nội dung được phục vụ của người tiếp thu, tiếp nạp, được chuyển giao hay được truyền đạt thông tin.
Bởi thế những xã hội văn minh, khoa học, mọi thông tin phải bào đảm tính khách quan, tính chính xác, tính đúng đắn, tính hữu ích của nó. Trái lại những xã hội lạc hậu, thông tin dễ rơi vào kiểu tuyên truyền chủ quan, một chiều, tùy tiện, tạo dựng, giả tạo để nhằm những mục đích nhất thời nào đó.

Nên nói chung lại, ý nghĩa của xã hội chính đáng không phải chỉ có sự hoạt động, sự sinh hoạt tự do dân chủ đúng đắn, mà ý nghĩa của thông tin cũng phải mang tính tự do dân chủ và tính khách quan, đúng đắn. Những sự tuyên truyền chính trị kiểu giả dối đó là phản truyền thông, phản xã hội, phản nhân văn. Bởi vì nó coi thường con người, coi thường xã hội, xem con người, xem xã hội chỉ là công cụ thuần túy mà không phải mục đích đúng nghĩa. Đó là sự khác nhau về tính chân và giả của yếu tố truyền thông. Truyền thông nói tóm lại không phải là phương tiện cai trị mà là mục đích phục vụ. Nếu truyền thông chỉ là phương tiện cai trị, tức truyền thông giả dối, đó là xã hội phi nhân văn, trái văn minh. Trái lại ý nghĩa của truyền thông chính là phục vụ thông tin và ý nghĩa thông tin trung thực, đầy đủ và khách quan nhất nhằm đáp ứng mọi yêu cầu hiểu biết chính đáng, cần thiết, giá trị của cá nhân cũng như xã hội. Tính ác hay tính thiện của truyền thông cũng chính là như thế. Truyền thông đúng đắn là sự thông tin khách quan mà không chủ đích tuyên truyền sai trái. Trái lại truyền thông không đúng đắn, thực chất chỉ là công cụ hay phương tiện lừa đảo cá nhân cũng như toàn xã hội về phương diện nhận thức, để nhằm phục vụ những ý đồ sai trái hoặc xấu xa, thấp kém nào đó. Chính chất lượng của thông tin, tính chân chính của thông tin là cái quyết định giá trị và ý nghĩa của truyền thông mà không phải hình thức, số lượng, phương thức hoặc ý đồ gian dối của mọi loại truyền thông trong tương quan cá nhân cũng như trong tương quan xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét