Nhà Quê
Qua cái chết của vị đại tướng 103 tuổi, lẽ ra nhà nước có thể nhân đó lấy làm bằng cớ tuyên truyền cho khái niệm ” đại đa số dân chúng tin tưởng vào đảng “, như ông Trọng lâu nay luôn hô hào nhiệt tình. Tiếc thay, thời đại truyền thông bằng internet không gì cấm cản nỗi đã khiến tham vọng ấy có mang ra áp dụng chỉ càng thêm sượng sùng. Người ta đọc “Bên thắng cuộc”, đọc Basàm, Quechoa, Một góc nhìn khác, Phạm Viết Đào… , và ngay cả đọc Hieuminh blog nữa, là đủ hiểu “thế trận lòng dân” của đảng ta đã tan hoang thế nào, như làng chài vào mùa giông bão ( Nhân miền Trung đang tan tác vì bão tố, ví thế cho dễ hiểu, hì hì…)
Những dòng sông người chảy dài từ Hà Nội vào đến Quảng Bình không đơn giản là biểu thị cho sự nuối tiếc, ngưỡng mộ một thần tượng quân sự, ngấm ngầm bên dưới những giọt lệ, những gương mặt sầu đau, những cánh tay giương cao di ảnh vị tướng tài, còn là nỗi xót xa cho chính thân phận mình và các đồng cảnh ngộ với mình là đồng – bào – dân – đen khắp nước. Một khi lâm vào tình thế bi đát, điều những con người thấp cổ bé họng nghĩ tới đầu tiên là trông ngóng một anh hùng xuất hiện giải vây cho mình. Thế nên khi đã có một hình tượng anh hùng thật ngoài đời, lúc họ mất đi, người ta sẽ khóc than cho ông ấy lẫn xót thương bản thân vì ám ảnh tuột mất cứu tinh quí giá. Có thể nói đám tang của tướng Giáp là đám tang vực dậy tiềm thức một dân tộc dư thừa thần tượng quá khứ song lại đói khát anh hùng thực tế là vậy.
Chữ “NHẪN” treo trong nhà cụ Võ, nhiều người lôi nghĩa nó vào chữ NHỤC, những người khác lại cho là chỉ NHỊN mà thôi. Như vậy, vấn đề cần sáng tỏ chính là NHẪN NHỤC hay NHẪN NHỊN. NHẪN đương nhiên phải nhịn, chuyện này khỏi bàn, logic còn lại là liệu có NHẪN đến mức “con giun bị xéo” mà cũng chẳng dám “quằn” để bị xếp vào diện NHỤC hay không. Nhưng cuộc đời có nhiều tình thế làm cho giá trị hai ý niệm NHẪN NHỤC, NHẪN NHỊN đôi khi cách nhau có nữa bước, chệch cái là vượt làn ranh sa vào phía bên kia ngay. Có những cái nhục đáng trách, cũng có cái nhục khiến người ta thương xót mà lại đắn đo thông cảm. Chữ NHẪN của một đại tướng bách chiến bách thắng như cụ Võ cần được kết luận sau khi đã tham khảo từ nhiều hướng, mà muốn có nhiều hướng lại phải tiếp cận sự thật chính xác . Nguồn của đảng thì đương nhiên không đáng tin cậy rồi, nguồn lề trái không phải không có quá khích song độ tin cậy dồi dào hơn, nguồn từ nhân vật chính thì bó tay, vì nghe bảo cụ không hề hé răng với bất kỳ ai về hỉ nộ ái ố đời mình. Vậy chỉ có thể suy đoán từ những thông tin theo mình là xác thực hơn cả. Nếu thông tin tương tự những gì Huy Đức cho biết là chân tín, việc cụ Võ từng phản đối Cải cách ruộng đất, Văn nhân giai phẩm thời hậu 1945, và cải tạo lính Cộng Hoà, đánh tư sản hậu 1975, rồi vụ boxit gần đây, cho thấy cụ có cái TRÍ lẫn cái TÂM để có thể trở thành nhà lãnh đạo quốc gia đáp ứng được nguyện vọng người dân. Song có lẽ ông thừa cái NGHĨA mà lại quá thiếu cái DŨNG với đồng đội đồng chí mình khi bị trù dập, hay do ông quá đỗi tin yêu cái ý thức hệ đã cắm sâu gốc rễ tận đáy tâm tư, nên làm gì, bị gì ông cũng cố nép mình cam chịu, nghĩ rằng mọi thứ đều đi qua, chỉ đảng và ý thức hệ trường cửu ? Giả thuyết đó mà đúng thì giỏi lắm ông chỉ đáng gọi là ngu trung hơn là nhục. Một giả thuyết nữa : ông chính là người trong cuộc, trải qua quá nhiều đủ để chứng kiến và hiểu thế nào là sự trả thù tàn khốc của một hệ thống chính trị dành cho kẻ đối nghịch. Nhiều tấm gương tày liếp đã diễn ra trong nội bộ không thoát khỏi tầm quan sát của ông. Ông có thể không lo cho bản thân song toàn bộ gia đình, bà con dòng họ ông có nguy cơ “trảm 3 đời”, bằng án tử ngay tức khắc hoặc bằng lý lịch về sau cho con cháu, nên ông đành giữ im lặng, dẫu trong ngậm ngùi và uất hận ?
Tôi thì không nghĩ rằng ông đã NHỤC, tuy rằng chính ông chưa chắc nghĩ vậy. Dân chúng đã quét sạch chữ NHỤC sau chữ NHẪN đầy ngậm ngùi của ông, điều mà chính quyền đang đầy thành kiến với ông cũng không ngờ tới. Vị đại tướng đến phút chót cuộc đời lại chiến thắng lần nữa, không phải bởi mưu lược từ bộ óc của mình, mà tự người dân bất ngờ “xung trận”. Và với cái khí thế vang trời tạo nên từ quần – hùng – dân – đen ấy, ông không còn gì để bị kết là nhục nữa, vì người chiến thắng lòng dân thì không thể nhục !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét