Sơn Diệu Mai
Vào mùa thu năm 1975. Trên các ngả đường từ Sài Gòn trở ra Quảng Bình, đặc biệt trên vùng đất Quảng Trị, tôi chứng kiến cảnh những người lính cộng sản bị khám xét, lục soát, hạch sách, nhục mạ hệt như các nô lệ tại các khu vực được mệnh danh là: Trạm kiểm soát quân nhân. Ở các trạm này, lính cộng sản phải tháo cởi ba-lô, lục lọi hành lý để trình bày trước đám nhân viên kiểm soát. Nhà nước CS ra lệnh cho mỗi người trong bọn họ chỉ được phép mang về miền Bắc một chiếc khung xe đạp, một con búp-bê nhựa, hai chiếc rổ rá nhựa và một chiếc chảo nhôm. Họ không được phép mang thêm các thứ hàng hoá khác bởi điều ấy sẽ là bằng chứng xác thực ca ngợi “chủ nghĩa phồn vinh giả tạo của chính quyền miền Nam”, và như thế, một cách tố cáo hiển nhiên sự nghèo khổ lầm than ngự trị bấy lâu nay trên đất Bắc.
Cái hiện thực phũ phàng xẩy ra mùa thu năm 1975 là một cú đấm nổ đom đóm mắt đối với tôi. Hoặc mắt tôi tối sầm vì phẫn uất, hoặc cái hiện thực kia không thể nuốt trôi: Trước mặt tôi, những người lính cộng sản từng được ngợi ca suốt các năm dài là các anh hùng vượt Trường Sơn, những con người đáng yêu đầy dũng khí đó trong phút chốc trở thành những kẻ thảm hại, khiếp nhược, họ gãi đầu gãi tai xin xỏ đám nhân viên kiểm soát khi họ muốn mang thêm một con búp-bê bé tẻo tèo teo để làm quà cho cháu, hoặc chiếc rổ nhựa thứ ba để cho người chị ruột. Nhìn những gương mặt khổ sở của họ, giọng nằn nì cầu khẩn của họ, tôi có cảm giác như máu đông lại giữa tim. Tôi biết rằng con người có thể bị phản bội một cách dễ dàng, và sự phản bội có thể đến ngay vào lúc người ta không ngờ tới. Chính quyền này đã phản bội lại nhân dân quá sớm, vì âm ba của tiếng súng chưa dứt hẳn bao lâu. Cơn say chiến thắng khiến họ tự cho phép mình làm tất cả mọi điều mà không tính đếm đến hậu quả của các hành vi đó. Tôi cũng hiểu rằng các khái niệm như Đạo đức, Lương tâm, Tinh thần vị tha không thể là bạn đồng hành với kẻ nắm quyền, nhất là khi quyền lực ấy đặt trên cơ sở độc đảng.
Trước đó vài tuần, khi đang còn ở Sài Gòn, do các mối quen biết mà tôi chứng kiến tận mắt các quan ông, quan bà cộng sản dùng từng đoàn xe tải của nhà nước để chở hàng riêng về Hà Nội cho gia đình họ: Nào giường tủ, sa-lông, tủ lạnh, máy điều hoà nhiệt độ, quạt máy, ra-đi-ô, loa thùng nghe nhạc, vải vóc quần áo và cho đến cả bát, đĩa, li tách… Cơn khát triền miên của những kẻ thiếu thốn tiện nghi trong chế độ Xã hội Chủ nghĩa cộng sản được thoả mãn thả phanh.
Không ai trách cứ họ vì điều ấy. Con người có quyền được sống sung sướng và mọi sáng tạo của nhân loại cũng chỉ nhằm mục đích làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Điều đáng hổ thẹn là: Nếu họ tự cho phép mình thụ hưởng ê hề mọi tiện nghi, hà cớ gì họ ngăn cấm người lính, hạn mức cho họ ở một chiếc khung xe đạp và một con búp-bê? Ở đây, tính độc ác và sự đạo đức giả tự lột áo cùng một lần. Cái thể chế cộng sản ra rả tuyên bố nhân nghĩa; ông ổng ngợi ca sự công bằng bình đẳng té ra là một xã hội phân chia đẳng cấp khốc liệt và trắng trợn hơn bất kỳ thể chế nào khác. Cuộc kháng chiến chống Pháp cũng như chiến thắng ngày 30 tháng 4 năm 75 chẳng rơi từ trên trời xuống mà đó là các đài tưởng niệm xây trên xương cốt của lính và của dân. Tính kiêu mạn và sự độc ác của chính quyền cộng sản ngày ấy đã khởi dậy trong tim tôi cảm xúc : sự khinh bỉ và lòng căm uất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét