Nam Nhân
Việt Nam là một nước nhỏ so với TQ là một nước lớn ở sát nách. Điều đó bó buộc VN luôn phải giữ hòa khí với TQ nhưng nhất thiết không được lệ thuộc hay bị động trước TQ. Bởi phụ thuộc, bị động là rất nguy hiểm và rất dễ bị mất nước. Đó là bài học đã có từ ngàn xưa trong lịch sử hai nước.
Tính cách dễ thấy nhất của dân TQ là khuynh hướng cá nhân, hay chia rẽ nội bộ, nên học thuyết nhân văn đại đồng của Khổng tử không bao giờ áp dụng được mà lịch sử cổ TQ chỉ có Đông châu liệt quốc, Xuân thu chiến quốc, tam quốc phân tranh, tức chỉ thường tranh bá đồ vương là chính yếu, nên mới có chính sách khốc liệt của Tần Thỉ Hoàng để nhằm thống nhất rồi cuối cùng cũng chỉ có chia ba thiên hạ trong thời tam quốc. Đó là chưa kể điểm yếu đó khiến cho các thời kỳ ổn định, thống nhất TQ lâu dài thực tế lại bị ngoại tộc cai trị. Thời Mao Trạch Đông thống nhất nhưng cũng thống nhất trong chế độ độc tài và trong ý thức hệ của nước ngoài mang đến. Điều đó cho thấy TQ thật khác với trường hợp nhiều nước lớn trên thế giới cho tới ngày nay.
Bởi vậy thật sự nếu VN đã từng có hiệp ước Thành Đô như thế nào đó với TQ, thì đó quả thật là chỉ đường cho hươu chạy, tự mình làm khổ mình vì thiếu sáng suốt, vì mù quáng đích thực. Bởi như thế chỉ là tiếp sức cho TQ mà không có lợi gì cho mình cả. Cho dù đó chỉ là tin tức không chính thức, vì nó không hề được công khai phổ biến. Cái hớ hênh hay cái khờ dại nếu quả thật có những người lãnh đạo VN nào đã từng làm điều đó chính là như thế.
Bởi vậy ý nghĩa chính yếu của VN trong vị trí địa lý của mình là giữ hòa khí với TQ nhưng không phải bằng mọi giá. Ngoài ra luôn phải biết tự chủ, tự cường, độc lập, tránh sa lầy hay lệ thuộc vào TQ trong bất cứ mặt nào. Bởi khuynh hướng bá chủ vẫn là khuynh hướng cố hữu, tự nhiên của đất nước TQ, nên mọi thế hệ cầm quyền của họ cũng chắc chắn không thể thoát ra khỏi điều đó. Trường hợp ý hướng của Mao Trạch Đông hay ý hướng của Đặng Tiểu Bình vẫn là điều từng có trong lịch sử mà ai cũng thấy.
Thật ra họ Mao cũng chẳng phải thực chất bị lậm gì đối với chủ thuyết Mác. Vì ngay từ đầu Mao chỉ cảm hứng với chủ thuyết đó để nhằm vạch ra ý nghĩa và mục đích riêng của mình như bản chất vốn có của người TQ. Có nghĩa thực sự Mao chỉ lợi dụng Mác còn thực chất khuynh hướng bá quyền nước lớn của TQ ngay từ đầu đã lộ rõ khi tranh chấp với Liên Xô ngay từ đầu trong thế giới CS. Nhưng đến Đặng Tiểu Bình thì ý nghĩa quốc gia nước lớn, ý nghĩa bá quyền đã thay thế hẳn chủ thuyết Mác, để chỉ còn học thuyết Đặng là chính yếu.
Nhưng người VN thì lại không như thế. Ý nghĩa hăng say, trung thực của người VN hay ít nhất cũng của, một số giới lãnh đạo VN trong thế kỷ trước cho thấy đó chỉ là tâm lý của nước nhỏ, tâm lý của người lãnh đạo ở nước nhỏ. Cái khác nhau giữa tâm lý nước nhỏ và tâm lý nước lớn, hay giữa lãnh đạo nước nhỏ và lãnh đạo nước lớn, như VN và TQ, chẳng qua chỉ là như vậy.
Bởi vậy cái khôn ngoan của người VN ngày nay là phải hướng tới toàn cầu, liên kết toàn cầu. Bởi chỉ có cái lực bao quát kiểu như thế mới có cơ sở để bứt VN ra khỏi mọi sức hút, mọi ảnh hưởng không chế tự nhiên của TQ về mọi phương diện đối với chính đất nước và chính dân tộc mình. Đã cả nhiều ngàn năm ông cha ta luôn bảo vệ hoặc giữ vững chủ quyền độc lập cho quốc gia riêng mình, bởi vì thấy đó là cái lý của tồn tại và phát triển, thấy sự độc lập, tự cường là nhu cầu tất yếu, thế thì không thể nào trong những phút ngã lòng, những trường hợp bốc đồng, nông cạn nào đó mà lại đi ngược lại chính các ý nghĩa mà người xưa từ ngàn năm đã có. Những bài học của quá khứ là nền móng cho hiện tại và ý hướng cho tương lai quả thật chỉ thiết yếu như vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét