Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

Hiến pháp mới: Cơ hội cuối không thể cứu vãn!

Phạm Chí Dũng

                 


Hãy mở tiệc ăn mừng!

Không thể tôn bật cho cơ hội cuối cho một triều đại, bản Hiến pháp mới 2013 lại tôn tạo cơ hội duy nhất còn lại cho các nhóm lợi ích kinh tế để tiếp tục trục lợi trên đầu người dân.

Tạm gác lại sự bất hòa khôn tả giữa giới bất đồng chính kiến và đảng về điều 4 hiến pháp hay những chủ đề cực kỳ nhạy cảm về chính trị, đã không một nội dung sống còn nào với xã hội và dân sinh được thay đổi trong hiến pháp mới so với hiến pháp 1992. Ít nhất, “kinh tế quốc doanh chủ đạo” và “thu hồi đất đối với các dự án kinh tế - xã hội” vẫn tượng trưng cho tiêu điểm của một não trạng bảo thủ đến mức cực đoan dành cho những người đã bầu ra Quốc hội.

Được hưởng gấp đôi ưu thế về tài sản cố định, dễ dàng hơn hẳn trong tiếp cận vốn vay giá rẻ, ưu đãi quá lớn về chính sách độc quyền và cả về “cơ cấu nhân sự”, các doanh nghiệp nhà nước đã chỉ tạo ra sản phẩm xã hội bằng 2/3 khối doanh nghiệp tư nhân. Không những thế, nhiều tập đoàn và tổng công ty nhà nước từ nhiều năm qua đã gây nên một cơn “xả lũ giết dân” ghê gớm với hậu quả lỗ lã từ đầu tư trái ngành cùng gánh nặng sơn hà về nợ nần luôn chồng chất trên bờ vai gày mòn của đất nước.

Không thể đồng pha hơn, các nhóm lợi ích kinh doanh bất động sản có thể lập tức mở tiệc ăn mừng ngay sau khi đại đa số nghị sĩ bấm nút duy trì cơ chế thu hồi đất đối với “các dự án kinh tế - xã hội” - một hành động không còn đếm xỉa đến đại đa số người dân, những người đã, đang và sẽ rơi vào cảnh màn trời chiếu đất vì bị đẩy đuổi khỏi nơi chôn rau cắt rốn với giá đền bù rẻ mạt.

Nếu tư tưởng “kinh tế quốc doanh chủ đạo” trong chừng mực nào đấy vẫn chỉ là một tiêu cực gián tiếp đối với đời sống người dân, thì toàn bộ công đoạn thu hồi đất ở và đất canh tác lại đã kiến tạo không thể thành công hơn một tầng lớp dân oan hiện đại và gây nên vô số cuộc biểu tình lớn nhỏ, trong đó có cả những cái chết oan khuất của người đòi đất.

Thường chỉ sử dụng 1/3 diện tích đất dự án cho mục tiêu ban đầu là “phát triển xã hội”, các chủ đầu tư dự án đã kịp phân lô bán nền ngay từ khi người dân còn chưa kịp di dời. Số tiền đền bù cho người dân, hoàn toàn gắn bó môi răng với tình trạng tương tự trong xã hội Trung Quốc, luôn chỉ bằng 1/10 - 1/20 giá bán “đất sạch” trên thị trường.



98% bỏ phiếu thuận - tỷ lệ tâm lý học và xã hội học quá vô thức này đã phản ứng rất đúng cái logic im lặng sâu kín của giới dân biểu thời nay: họ đã không nói trong nhiều kỳ họp quốc hội, họ lại tiếp tục im lặng trước những bất công trong bản hiến pháp mà họ là một thành tố cùng tác nhân; và cuối cùng, họ nhẫn tâm đi ngược lại lợi ích của người dân mất đất.

Tâm lý chán chường “nói không để làm gì” hoặc tâm trạng sợ sệt mơ hồ từ bao nhiêu năm qua đã kiến thiết một thế cam chịu chưa từng thấy nơi nghị trường - một tâm thế không khó tìm trong quá nhiều triều đại lịch sử Việt Nam với điểm đáy vào thời Lê mạt.

Nếu cả những vấn đề thiết thân với quyền lợi nhân dân như đền bù và thu hồi đất đai cũng không còn làm lay động tâm can của tuyệt đại đa số các đại biểu quốc hội, bài học lịch sử lớn nhất có thể rút ra chính là Quốc hội đã trở nên vô hiệu đối với dân chúng. Nói cách khác, cơ quan dân cử cao nhất này đã không còn “của dân, do dân và vì dân” nữa.

Một bản hiến pháp được xem là “nối tiếp niềm vui cùng việc Nhà nước Việt Nam vào Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc”, nhưng đã thất bại đầy cay đắng và phẫn nộ trong lòng dân chúng.

Tất cả đã chấm hết! Không còn gì cứu vãn nổi cho một triều đại!

Không thể cứu vãn!

Phía trước là cái gì? Nền kinh tế đang oằn mình trong cơn ung thư nợ xấu giai đoạn cuối, với 70% trong đó thuộc về khối đại gia bất động sản. Tất cả các dự án đã triển khai và đang chịu cảnh tồn kho như núi, những dự án chưa triển khai và cần phải thu hồi đất nhanh chóng để bán tống bán tháo nhằm trả nợ… đều sẽ được giới lợi ích nhà đất kết hợp với các nhóm thân hữu chính trị tạo nên những chính sách cực kỳ “nhất quán” để tạo ra những thuận lợi không thể tốt đẹp hơn cho quyền lợi của họ.

Hiến pháp - văn bản có tính pháp lý cao nhất của quốc gia - chính là khung vải để nặn vẽ bức tranh quyền lợi sống còn ấy. Sau khi hiến pháp không thay đổi chút nào về vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh và cơ chế thu hồi đất, những tập đoàn sâu ruột như Điện lực Việt Nam và Xăng dầu Việt Nam vẫn có thể ung dung tiếp tục chiến dịch tăng giá “bù lỗ vào dân”.

Với 118.000 tỷ đồng nợ ngân hàng và với “quyết tâm” đến năm 2017 phải hoàn thành chiến dịch bù lỗ, EVN lại vừa được Chính phủ thông qua một quyết định cho phép tăng giá mỗi năm 2 lần. Cho dù quyết định này là “EVN không được tăng giá quá 10%/lần”, nhưng ai cũng hiểu là cơ chế tăng giá định kỳ hàng năm sẽ được đẩy cao trên 20% - một con số quá đủ để kích phát lạm phát và trút toàn bộ gánh nặng giá cả tiêu dùng lên đầu các tầng lớp dân chúng, giới công - viên chức và toàn thể lực lượng vũ trang.

Vơ vét, vơ vét và vơ vét - đó là “sứ mệnh” và cũng là cơ hội cuối cùng, là tất cả những gì mà các nhóm lợi ích sẽ mặc tình hành xử với dân tộc trong những năm tháng tới - thời kỳ cuối cùng của một triều đại đặc trưng bởi ích lợi nhóm.

Không dừng lại ở bất kỳ giới hạn đạo lý nào, chủ thuyết của giới lợi ích sẽ là tìm mọi cách để 90 triệu dân Việt nam phải trả nợ và làm giàu cho họ.

Dư luận về “Phải chăng Quốc hội cũng là một nhóm lợi ích?” trước khi hiến pháp mới được thông qua đã tỏ ra có lý, thậm chí có lý một cách sâu sắc. Bất chấp rất nhiều ý kiến tâm huyết “còn nước còn tát” của giới trí thức, người dân và báo chí về những chủ đề dân sinh, người ta đều phải tự hiểu là không phải tự nhiên Ủy ban thường vụ quốc hội quyết liệt giữ một bản hiến pháp cố thủ đến mức nhà văn Võ Thị Hảo phải đặc tả như “ngày tang khốc cho dân tộc”.

Cỗ xe hiến pháp đang kéo chế độ chính trị trượt dần rồi lao nhanh xuống vực thẳm trong tương lai không quá xa xôi. Tương lai đó sẽ không phải là sự phản ứng thuần túy của nhóm “Kiến nghị 72” hay những trí thức trong đảng, mà sẽ được chung quyết bởi thế cùng đường của dân chúng - những đám đông ngày càng đông hơn của các nạn nhân về thu hồi đất, giá cả, môi trường và rất có thể cả giới hưu trí khi phải đối mặt với thảm họa vỡ quỹ lương hưu. Đó chính là những tác nhân mà sẽ có thể hình thành và kết tụ với nhau để tạo nên một sự đảo lộn, dù đó chỉ là sự đảo lộn tự phát.

Với bản hiến pháp mới, chế độ chính trị cầm quyền ở Việt Nam đang và sẽ phải đối mặt với một tình thế hết sức nguy hiểm. Sự bất mãn của nhiều tầng lớp nhân dân, vốn đã tích tụ và đang tích lũy đủ dày, sẽ có quá nhiều cơ hội để bùng phát thành tia lửa và dẫn đến những đám cháy.

“Bất ổn xã hội” - cụm từ đang được các báo cáo của đảng và chính quyền buộc phải thừa nhận, sẽ không còn êm ả như những gì đang cố phủ dụ dân chúng, mà sẽ mau chóng trở thành cơn khủng hoảng xã hội lan rộng và dữ dội.

Biện chứng lịch sử, nói theo triết thuyết của giới triết gia cộng sản, sẽ ứng nghiệm vào những thời điểm mà sự chuyển hóa bùng nổ khủng hoảng xã hội lên đến mức không còn nằm trong giới hạn “biểu tình ôn hòa”. Chỉ mới mấy năm trước, người ta đã chứng kiến không ít hình ảnh tương tự ở Ai Cập, Tunisie, Lybia.

Với bản hiến pháp 2013 như một trong những nguồn cơn sâu xa và trực tiếp, hãy coi chừng hỗn loạn xã hội - một tâm tưởng không hề mong muốn - rất có thể sẽ xảy ra ở Việt Nam và làm đảo lộn chân đứng chính trị chỉ trong ít năm tới.

Nguồn :http://boxitvn.blogspot.com/2013/12/hien-phap-moi-co-hoi-cuoi-khong-cuu-van.html

1 nhận xét: