Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Phải có một thái độ mạnh mẽ, dứt khoát với đảng CSVN

Lâm Thế Nguyên

                  


Ngày 28/11/2013, Quốc hội nhà nước Cộng sản Việt Nam (CSVN) biểu quyết thông qua Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp 1992. Nội dung Hiến pháp “mới” chỉ khẳng định thêm tham vọng độc tài quyền lực cố hữu của đảng cầm quyền. Nguyện vọng của đa số nhân dân đã không được đáp ứng, ý kiến của nhiều người trí thức có tâm huyết đã không được lắng nghe, và lời kêu gọi của những người Cộng sản cấp tiến cũng đã không được quan tâm. Việt Nam đã không có được cơ hội để dân chủ hóa một cách hòa bình, và đảng CSVN đã cố tình bỏ qua thêm một cơ hội rất tốt để “hạ cánh an toàn”. Trước thực trạng này, chúng ta cần phải có một thái độ mạnh mẽ, dứt khoát hơn với đảng CSVN.

Nếu đảng CSVN nhân cơ hội kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII để chấp nhận ý kiến của giới trí thức và sửa đổi Hiến pháp, để dân chủ hóa đất nước từ Lập pháp sang Hành Pháp và Tư Pháp thì đảng Cộng sản sẽ được nhân dân, thế giới hoan nghênh. Với thiện chí đó, đảng CSVN mặc nhiên được tồn tại trong xã hội dân chủ sắp tới và vai trò tiếp nối sau này chỉ là khả năng thích ứng với xã hội dân chủ mà họ sẽ phải tự điều chỉnh. Nhưng thực tế diễn ra hoàn toàn trái ngược.



Đảng CSVN đã hiến pháp hóa quyền lực lãnh đạo độc tôn của đảng cầm quyền ở mức độ cao nhất. Đảng CSVN đồng thời công khai thách thức cả thế giới khi vừa được chấp nhận vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thì đã nhanh chóng khẳng định tính độc tài của chế độ một cách chính thức nhất.

Thời gian sẽ chứng minh là các cam kết đã có với thế giới sẽ gây áp lực được với nhà cầm quyền, buộc họ phải nhượng bộ các đòi hỏi nhân quyền hay không. Nhưng kinh nghiệm quá khứ và thái độ sơ cứng của đảng CSVN hiện nay cho thấy là sẽ KHÔNG có bất cứ hy vọng gì trong thời gian tới, ngoại trừ một vài hành động để đánh lừa dư luận khi cần thiết như đã có. Vài “động thái” đầy mâu thuẫn với hiện trạng nhân quyền không thể được xem là bằng chứng cho sự tiến bộ nhân quyền của chế độ độc tài.

Nhưng dù độc tài đến đâu, với nội dung bản Hiến Pháp vừa được thông qua một cách trâng tráo, và với tình trạng bảo thủ độc tài hiện nay, đảng CSVN sẽ phải tiếp tục đối đầu với vô số áp lực xã hội, kinh tế và chính trị. Đảng CSVN có thể kiểm soát nhà tù song không thể kiểm soát suy nghĩ và khát vọng của con người. Nhân dân Việt Nam ngày nay đã có đủ kinh nghiệm và kiến thức để nhận thức và hành động. Khi nhu cầu tự nhiên của xã hội bộc phát với nhiều hình thức đấu tranh chống tham ô, bất công khác nhau, với bản năng sinh tồn, nhân dân sẽ không ngần ngại hành động, kể cả bằng vũ lực như đã có ở nhiều nơi. Một khi mất ổn định chính trị, tình trạng “tức nước vỡ bờ” sẽ xảy ra và khả năng kiểm soát của đảng cầm quyền sẽ có thể mất đi nhanh chóng. Sự sụp đổ của chế độ sẽ khởi đầu từ đó.

Muốn chấm dứt chế độ độc tài toàn trị và xây dựng một chính thể dân chủ đa đảng, chúng ta cần khẳng định một số nguyên tắc không thể thiếu trong tiến trình đấu tranh giải trừ tình trạng độc tài toàn trị hiện nay. Đó là: Muốn có Dân Chủ thì phải chấm dứt tình trạng độc đảng một cách dứt khoát — yêu cầu không thể thiếu, và không thể tương nhượng. Đấu tranh ngoại vận hay phát triển xã hội dân sự là nhu cầu không thể thiếu của Việt Nam nhưng đó không phải là giải pháp duy nhất. Nói cách khác, đó là những yếu tố CẦN nhưng chưa ĐỦ.

Thế giới chỉ có thể giúp lên tiếng can thiệp cho một vài trường hợp vi phạm nhân quyền nổi tiếng nhưng không phải sự lên tiếng nào cũng có kết quả. Danh sách nhiều người đấu tranh dân chủ tiêu biểu đang bị cầm tù nhiều năm qua chứng tỏ thực tế đầy bi quan này. Giá trị dân chủ đang được công nhận một cách phổ quát trên thế giới nhưng sẽ không có nước nào hy sinh quyền lợi nước họ cho công cuộc dân chủ hóa Việt Nam. “Quốc tế” chỉ thay đổi thái độ và tỏ thái độ hậu thuẫn tích cực khi họ nhìn thấy sự thay đổi gần kề của chế độ chính trị Việt Nam. Hơn nữa, quốc nạn Việt Nam bao gồm nhiều vấn đề vượt ra khỏi phạm vi nhân quyền thuần túy.

Để ngăn ngừa cảnh tang thương, đổ vỡ cho đồng bào và đất nước, chúng ta không nên khích động bạo lực, chiến tranh hay khủng bố song dân chủ không thể có chỉ bằng hình thức kiến nghị, kêu gọi hay chỉ trích suông. Đối với những chế độ độc tài đã chiếm và giữ chính quyền bằng bạo lực, Dân chủ chỉ có thể giành lại khi đa số nhân dân nước đó sẵn sàng đối đầu với sự đàn áp bằng bạo lực. Ngày nào chúng ta còn khoan nhượng với chế độ độc tài, ngày đó đảng cầm quyền sẽ tiếp tục không nhân nhượng. Ngày nào còn tiếp tục kỳ vọng chế độ độc tài sẽ tôn trọng nhân quyền, vì bất cứ lý do gì, là ngày đó chúng ta còn vô tình cho tập đoàn thống trị thêm cơ hội để tiếp tục tồn tại.

Những nghiên cứu, phân tích về chủ nghĩa và bản chất chế độ Cộng sản đã đủ. Cơ hội hòa bình dành cho đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã đủ. Điểm còn thiếu là một quyết tâm sắt đá: đảng CSVN phải dứt khoát trả lại quyền lãnh đạo đất nước cho toàn dân, hoặc bị giải thể.

Trong tinh thần xiển dương nhân bản và dân chủ, chúng ta luôn tránh tất cả hình thức trả thù báo oán nhắm vào toàn bộ cán bộ, đảng viên Cộng sản. Bởi lẽ, phần lớn cũng là nạn nhân của một hoàn cảnh chính trị.

Mục tiêu của chúng ta là chấm dứt chế độ độc tài toàn trị để thành hình một chính thể dân chủ đa đảng, thì vấn đề chỉ là thay đổi cơ chế và thành phần lãnh đạo quốc gia. Chúng ta sẽ không lật đổ chế độ đương quyền như họ đã làm với chế độ VNCH vào năm 1975. Chính phủ mới cần phải lưu dụng quân đội, công an và bộ máy hành chánh đang có để có thể có đủ điều kiện ổn định tình hình quốc gia một cách nhanh chóng, đồng thời tránh gây những mâu thuẫn, đổ vỡ có thể làm phương hại đến an ninh quốc gia và sự phát triển của đất nước sau đó. Vấn đề đáng quan tâm của giai đoạn chuyển thể là làm sao loại trừ được các thành phần xấu trong quân đội, công an và chính quyền để những người tốt trong các bộ phận này có thể hành xử chức năng chuyên môn hầu phục vụ quốc gia, thay vì đảng Cộng sản.

Khi đảng cầm quyền đã hoàn toàn không trân trọng thiện chí hòa bình của những người đấu tranh dân chủ ôn hòa thì con đường duy nhất là giải thể bộ máy độc tài đó, chứ không kêu gọi sửa sai hay đổi mới gì nữa!

Lâm Thế Nguyên (ĐVDVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét