Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

NÓI VỀ NGUYÊN LÝ VÀ THỰC TẾ : ĐA ĐẢNG

ĐẠI NGÀN

                 

Trong thế giới vật chất và trong xã hội con người, vấn đề nguyên lý hay quy luật khách quan luôn mang ý nghĩa quan trọng. Tác động vào vật chất mà không đúng quy luật của nó luôn luôn thất bại. Đối với xã hội cũng luôn luôn nhất thiết như vậy.


Có nghĩa làm đúng quy luật cũng tiết kiệm được công sức, tiền của, thời gian, có hiệu quả cao và kết quả tốt. Nếu không thì hoàn toàn ngược lại.

Cho nên ý nghĩa của đa đảng hay độc đảng là ý nghĩa của nguyên lý khách quan, không phải chỉ là ý muốn, sở thích hay ý chí chủ quan. Không phải muốn điều này thì làm điều này, muốn điều kia thì làm điều kia, như thế có nghĩa chỉ là vô trách nhiệm với chính mình, với người khác cũng như với tất cả mọi người hay toàn xã hội.

Bởi mọi cá nhân sinh ra đều bình đẳng, tự do, như vậy không bất kỳ một ai có thể lấy quyền gì, nguyên do gì để khống chế, cưỡng bách người khác trái với ý muốn của họ. Điều đó có nghĩa chỉ có nguyên lý dân chủ, tự do khách quan trong xã hội mới là giá trị. Trái lại mọi ý nghĩa độc tài, dù theo hình thức, lý do hay mục đích gì đều cũng chỉ là chủ quan, không đúng với nguyên lý và quy luật khách quan của từng cá nhân cũng như toàn xã hội.

Bởi chỉ có nguyên lý tự do, đa đảng thì thật sự mới huy động được sức mạnh, sáng kiến của mọi người, cũng như mới đáp ứng được nhu cầu hạnh phúc khách quan của tất cả mọi người.

Có nghĩa ý nghĩa của xã hội không phải là mớ hổ lốn, mà luôn được xây dựng trên trật tự, luật pháp, thiện chí, tri thức, đạo đức và giá trị. Nói khác đi, giữa mặt tiêu cực và mặt tích cực nơi mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội, bao giờ mặt tích cực cũng thắng lướt được mặt tiêu cực nếu xã hội hoạt động đúng nguyên tắc, nguyên lý như trên đã nói.

Bởi vậy nếu cho đa đảng sẽ lộn xộn, hổn loạn, vô trật tự, dễ bị lợi dụng, lạm dụng, tức là chỉ nhìn mặt tiêu cực của con người và xã hội mà hoàn toàn không nhìn vào mặt tích cực nói chung.

Thế nên độc tài, độc đảng thực chất chỉ đặt nền tảng trên mặt tiêu cực của cá nhân, của xã hội. Ngược lại chỉ có quan điềm dân chủ tự do đúng đắn thực sự, quan điểm đa đảng khách quan và cần thiết thật sự, mới chính là ý nghĩa xây dựng trên mặt tích cực của mỗi con người cũng như toàn xã hội.

Như vậy có nghĩa làm điều đúng, điều tốt, đó là chân lý và ý nghĩa hay giá trị đạo đức của chính trị. Trái lại chỉ nại ra những lý do chủ quan để làm điều ngược lại nguyên tắc, giá trị khách quan chung của mỗi người, của toàn xã hội, tức chủ trương độc tài và chủ trương độc đảng, đương nhiên thực chất chỉ là điều chống lại chính ý nghĩa đạo đức và ý nghĩa nguyên lý khách quan trong chính trị.

Cho nên, không thể nhân danh bất kỳ lý thuyết nào để áp đặt sự độc tài, độc đảng lên toàn xã hội. Bởi bất kỳ lý thuyết nào chủ trương như thế cũng đã tự căn bản sai về mặt nguyên lý khách quan, sai về mặt chân lý, sai về mặt ý nghĩa thực tế của xã hội. Không thể nhân danh một lý thuyết sai để bảo vệ một điều đúng nào đó. Nhưng chỉ có thể nhân danh cái sai để làm điều sai, và cũng chỉ có thể nhân danh điều đúng để bảo những nguyên tắc hay những giá trị đúng. Chính nguyên tắc đa nguyên, đa đảng là nguyên lý hay giá trị đúng của xã hội. Và thực hiện điều khách quan đó trong ý nghĩa trật tự, khoa học, sáng suốt, hiệu quả và tốt đẹp, đó mới chính là tài năng và thiện chí của những người làm chính trị đúng nghĩa thật sự. Không làm được như thế chỉ chứng tỏ sự kém tài và sự kém thiện chí đối với toàn xã hội mà thôi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét