Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

CHÂN LÝ VÀ PHÁP LÝ

Diễn Đàn Công Nhân

                      


Chân lý là sự thật khách quan, có thể trường cửu hay bất biến. Tức có thể tồn tại lâu dài, xác thực qua thời gian.

Pháp lý là tính cách quy định của thực tế pháp luật nào đó. Nó luôn có phạm vi trong không gian và thời gian. Tính cách pháp luật có thể phù hợp với chân lý hay không phù hợp với chân lý nhất định nào đó. Có nghĩa pháp luật không bao giờ có thể vượt qua hoặc vượt quá xa ra ngoài chân lý. Chân lý về mặt cụ thể cũng có thể hiểu là công lý, tức sự thật bắt buộc mọi người đều phải thừa nhận.


Đất nước VN là một thực thể có thực từ xưa nay nên đó là ý nghĩa chân lý. Hoàng Sa, Trường Sa cũng là thực thể có thực đã thuộc về đất nước VN trước tất cả mọi tranh chấp hiện nay, nên đó cũng là ý nghĩa chân lý hay công lý.

Tuyên bố của TQ đưa ra đơn phương của họ vào năm 1958 về phạm vi lãnh hải 12 hải lý mà họ muốn áp đặt cho mọi nơi, đây chỉ là ý nghĩa pháp lý chủ quan của họ. Pháp lý này có thể không được các nước khác thừa nhận, nó chưa có cơ sở hay chưa đủ điều kiện để thành một bó buộc cho luật pháp quốc tế hay luật pháp thế giới.

Công hàm của ông Phạm Văn Đồng sau đó, tuy nhằm đồng ý bất đắc dĩ do tình huống cụ thể bó buộc với lời tuyên bố của TQ, thật sự nó cũng chỉ là văn kiện ngoại giao đơn phương của nhà nước VNDCCH lúc đó, hay có sự phối hợp song phương với TQ, nhưng cũng không hề mang tính cách pháp lý nào với các nước khác hay với thẩm quyền của toàn thể quốc dân và toàn thể nước VN trọn vẹn sau này.

Lúc ông Đồng đưa Công hàm của mình cho TQ, tính cách pháp lý này lúc đó chỉ có ý nghĩa hay giá trị với miền Bắc, không có giá trị với miền Nam khi ấy, và đương nhiên cũng không thể có giá trị với toàn cõi VN sau này tức là hiện nay.

Như vậy việc TQ nại vào Công hàm 58 do ông Đồng đưa ra để nói rằng ông Đồng đã thừa nhận các đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của TQ chỉ mang tính cách lễu lự, man định hay hoàn toàn sai trái. Đó là tính cách cưỡng từ, đoạt lý vì trong nội dung Công hàm ông PVĐ không hề đề cập cụ thể gì đến hai hải đảo này. Vả chăng ông Đồng lúc đó chỉ nhân danh quyền hạn Thủ tướng của miền Bắc để đưa ra, thực tế nó không thể có giá trị với Miền Nam lúc đó (chủ thể đang chiếm hữu thật sự), vì miền Nam lúc đó là một chính quyền tức một thực thể pháp lý khác, hoàn toàn độc lập với miền Bắc, nên Công hàm hoàn toàn không mang tính cách pháp lý gì đối với miền Nam.

Hiện tại VN đã thống nhất, có nghĩa đã trở lại thực thể VN nguyên trạng từ trước khi chia cắt. Tính cách pháp lý của VN hiện nay bao trùm cả miền Bắc và miền Nam trong hiện tại, nên chắc chắn nó không thể bị bó hẹp hay phải khung theo các tính cách pháp lý của riêng miền Bắc hay riêng miền Nam trước đây. Thực thể miền Bắc và thực thể miền Nam trước đây coi như đã hoàn toàn đi qua. Ngày nay VN thống nhất cũng có vấn đề mới của mình, có pháp lý khác của mình, pháp lý đó không thể bị khống chế bởi pháp lý quá khứ của miền Bắc hay của miền Nam trước kia được nữa.

Nói tóm lại, đất nước VN từ trước và hiện nay trong lịch sử là một thực tế, một thực thể không ai có thể phủ nhận được. Sự gắn kết lãnh thổ biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN ngay từ xa xưa cũng vậy. Đó là một chân lý khách quan, có trước hết thảy mọi tranh chấp một chiều của phía TQ hiện nay. Do đó ý nghĩa pháp lý của lời tuyên bố năm 1958 của TQ và Công hàm lúc đó của ông Phạm Văn Đồng thực chất ngày nay không hề bó buộc gì với thực thể VN toàn vẹn và luật pháp hiện tại của đất nước VN ngày nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét