Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

CÔNG HÀM PHẠM VĂN ĐỒNG THỰC CHẤT CÓ LÀM YÊU SÁCH CHỦ QUYỀN CỦA VN TRÊN CÁC ĐẢO HOÀNG SA, TRƯỜNG SA BỊ LUNG LAY KHÔNG ?

Diễn Đàn Công Nhân

                                      
Có người cho rằng vào tháng 9 năm 1958, khi TQ đơn phương tuyên bố hải phận 12 hải lý của mình, đã có nhắc tới hai đảo Nam Sa và Tây Sa, cho rằng là của TQ.

Vậy mà 12 ngày sau ông Phạm Văn Đồng là Thủ Tướng nhân danh nước VNDCCH lúc đó gửi Công hàm cho Quốc vụ viện TQ nói VN hưởng ứng lời tuyên bố của TQ, hợp tác với lời tuyên bố đó, tức là đã mặc nhiên nhìn nhận đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của TQ rồi !

Thật sự lập luận như vậy không ổn !


Bởi vì trong Công hàm, ông Đồng không hề nhắc gì đến các đảo HS, TS của VN. Do vậy cũng không thể đồng hóa khái niệm NS, TS của TQ vào hai nhóm đảo này, mặc dầu danh gọi của TQ là ám chỉ hai nhóm đảo thuộc chủ quyền VN ! Bởi trong chính trị và ngoại giao quốc tế, không thể có suy diễn lập lờ, đa nghĩa được, mà phải căn cứ theo từng câu chữ, tên gọi cụ thể về đối tượng sự vật xác đáng theo từng văn kiện. Văn kiện không nói rõ thì phải lờ đi mà không được gom vào, vì như vậy là hàm hồ và không rõ rệt, chính xác, thực tế.

Có nghĩa lời tuyên bố của ông Đồng chỉ là lời tuyên bố tình huống. Nó có thể qua đi khi tình huống đó qua đi. Chỉ trừ khi nội dung tuyên bố đó đã được lập thành văn kiện ký kết thật sự giữa hai bên về sau. Điều này hoàn toàn không có. Chẳng có văn bản nào tương ứng của cả Quốc hội TQ và Quốc hội VN đã cụ thể hóa hay pháp lý hóa về sau cho mãi đến giờ đối với nội dung tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng khi đó cả.

Bởi vậy việc TQ đánh chiếm Hoàng Sa của VN là hoàn toàn một hành động xâm lược trắng trợn. Vì lúc đó Hoàng Sa đang do người VN trấn giữ, tức do quân lực Miền Nam lúc đó là nước VNCH bảo vệ, đã phản công anh dũng lại, nhưng đã không chống lại được TQ.

Bởi vậy, một phần lãnh thổ bị xâm chiếm cách ngang trái, phi pháp, VN đến nay có toàn quyền kiện ra Liên Hiệp Quốc để đòi lại. Điều này căn cứ vào các chứng liệu lịch sử đã có mà ai cũng biết, căn cứ vào quyền quản lý của Miền Nam lúc đó, căn cứ vào câu chữ trong văn kiện Công hàm, tất yếu VN khó mà có thể thua được, chỉ phải kẹt là TQ một nước có quyền biểu quyết. Tuy nhiên trong tính cách Tòa án quốc tế phải độc lập, VN vẫn hi vọng chính nghĩa pháp lý của mình phải được vận dụng một cách công bằng, chính đáng và mang lại kết quả thắng lợi cho phía VN.

Nói chung lại, Công hàm của ông Đồng chỉ có tính cách tuyên bố hay văn kiện ngoại giao nhất thời, của cấp Thủ tướng, hoàn toàn không phải quyết định về mặt pháp lý cao nhất hay tối hậu nhất, đó là trưng cầu dân ý hay văn kiện Quốc hội thừa nhận của cả hai bên. Thứ nữa lúc đó Hoàng Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ của Miền Nam, một chính phủ có bang giao quốc tế rộng rãi trên thế giới thực tế lúc đó, nên hoàn toàn ra ngoài mọi thẩm quyền lời tuyên bố của Công hàm Phạm Văn Đồng.

Nên nói tóm, Công hàm Phạm Văn Đồng thực chất không hề làm lung lay hay bất lợi gì đối với yêu cầu nhìn nhận về lãnh thổ đối với vùng biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN ngày nay cả. Hành động cụ thể và các lời tuyên bố đơn phương của TQ có liên quan thực tế là không mang ý nghĩa bó buộc gì với tính cách pháp lý về chủ quyền của VN đối với các nhóm biển đảo như đã nói trên mà mọi người đều thấy rõ được. Bởi vì khi kiện ra Tòa án Quốc tế, toàn bộ vấn đề phải được xem xét một cách bao quát, tổng hợp, đầy đủ, toàn diện mọi mặt, cả mặt thực tế lịch sử lâu dài trong quá khứ, cả mặt thực tế hiện thực mới vừa xảy ra trong mọi ý nghĩa đạo lý, hợp pháp hay không hợp pháp, không thể chỉ căn cứ vào lời tuyên bố đơn phương của bên nào, hay kể cả những hành vi lấn chiếm ngang ngược đều phải bị bác khước nhằm bảo vệ sự thực khách quan cũng như công lý nói chung.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét