Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

Xuống Cấp Văn Hoá

Tam Hmong


                                        

Cho đến đầu thế kỷ 20 văn hóa VN về cơ bản vẫn là văn hóa ứng xử của con người trong xã hội nông thôn thuộc nền văn minh lúa nước.

Người dân VN hầu hết đều cư ngụ sinh sống trong những xóm làng với lũy tre bao bọc xung quanh. Sinh kế chủ yếu trồng cấy chăn nuôi hoặc làm nghề tiểu thủ công nghiệp chủ yếu theo phương thức tự cung tự cấp.


Giữa các cá nhân cùng trong một làng xã có sự quen thuộc, gắn bó thân thiết với nhau qua nhiều thế hệ tạo nên một tiểu xã hội ổn định, bền vững. Trong mỗi làng xã đều có những người có học, các vị hào trưởng bao gồm các vị hào lý và tộc trưởng là những người bậc tôn trưởng quản lý công việc làng xã kể cả việc phân chia sử dụng CÔNG ĐIỀN là tái sản chung của làng xã.

Nói chung, các bậc tôn trưởng (kể cả nhừng người học vấn không cao) đều cố gắng sống và xử sự theo đạo THÁNH HIỀN, theo Phật dạy nên thường được mọi người yêu mến kính trọng và sẵn sàng nghe theo lời chỉ dẫn khuyên bảo trong những công việc liên quan đến cộng đồng làng xã và đời sống riêng tư.

Trong một cộng đồng làng xã như vậy dần dần hình thành một nề nếp sinh hoạt được các thành viên chấp nhận và tuân thủ. Mọi người đều phải nén bớt cái tôi trong hành xử. Đổi lại TÌNH LÀNG NGHĨ XÓM là một giá trị tốt đẹp có thật. Con người đối xử với nhau có tình nghĩa và đạo lý chuẩn mực chung cho cả xã hội.

Mắt khác trong làng xã VN truyền thống mỗi con người đều “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” , “người ta sao tôi vậy”, “mắt toét là tại hướng đình, cả làng mắt toét chứ mình em đâu”, “xảy nhà ra thất nghiệp’’ tức là con người của cộng đồng với tâm lý phụ thuộc, bày đàn. Họ thường thích sống ổn định khép kín và rất sợ “tha phương cầu thực”.

Tâm lý này cản trở sự phát triển của ý thức cá nhân trong con người cộng đồng, cản trở sự phát triển của ý thức tư hữu. Đồng thời tâm lý này cũng dễ dẫn đến việc hình thành tư duy DUY NGÃ (cảm tính, lấy mình làm chuẩn). Từ đó kìm hãm sự hình thành văn hóa đô thị.

Môi trường làng xã cũng đã là cái nôi của tín ngưỡng dân gian với tư duy mê tín dị đoan đã cản trở hình thành tôn giáo bản địa. Tư duy này cũng làm biến thể các tôn giáo du nhập như Phật Giáo, Đạo Giáo và Thiên Chúa Giáo. Nhìn chung tư duy này làm cho tư duy tôn giáo, triết học thuần túy và cả tư duy khoa học khó hình thành và chậm phát triển.
Trong xã hôi VN truyền thống chỉ có một tầng lớp rất mỏng những người quân tử và tài tử là phần nào miễn nhiếm với hai đặc điểm tâm lý này.

Ở Đằng Trong, sau này là Miền Nam với tâm thế của người khẩn hoang một đi không quay đầu lại cùng với việc tiếp nhận kinh tế sản xuất hàng hóa từ người Trung Hoa, hai đặc điểm tâm lý làng xã này đã nhạt nhòa đi phần nào.

Tóm lại, hai đặc điểm này của con người làng xã trở thành căn tính trong mỗi người Việt Nam, kể cả khi đất nước đã bước sang thời kỳ của văn minh đô thị, thời kỳ của con người cá nhân.

Bước vào thế kỷ 20 Hà Nội chỉ có vài chục ngàn dân. Năm 1940 có khoảng 130.000 dân và đến 1954 chỉ còn 53.000 dân (Wiki). Nói chung cho đến thời điểm đầu 1990 HN vẫn mang tính chất một trung tâm hành chính nhiều hơn là một đô thị đúng nghĩa.

Sài Gòn với chế độ trực trị của Pháp vừa to hơn về diên tích, đông dân hơn và mang dáp dấp đô thị rõ nét hơn.

Thời kỳ từ đầu thế kỷ 20 đến 1945 là thời kỳ chuyển tiếp từ văn hóa Khổng Mạnh truyền thống sang văn hóa đô thị chịu ảnh hưởng mạnh của Pháp. Cuộc chuyển tiếp dù bị áp đặt nhưng diễn ra khá suôn sẻ.

Kết quả đã hình thành một nền văn hóa đô thị khá phong phú với nhiều thành tựu rực rỡ trong mọi lĩnh vực văn học nghệ thuật. Lần đầu tiên, trong xã hội VN con người tự do và QUYỀN CÁ NHÂN được đề cao. Tư duy khoa học bước đầu được hình thành. Nền văn hóa này có ảnh hưởng mạnh đến toàn bộ xã hội kể cả cộng đồng các tỉnh lẻ và làng xã. Những giá trị truyền thống của văn hóa làng xã bước đầu bị lung lay dù rằng văn hóa đô thị chưa thực sự định hình.

Tuy thế, cũng ngay từ khi đó việc phá vỡ tâm lý và tư duy làng xã, cuộc chuyển hóa con người cộng đồng làng xã thành con người cá nhân thành thị cũng đã diễn ra đầy BI HÀI KỊCH. Đặc biệt đối với những cá thể có nhận thức hạn chế hiểu lệch lạc khái niệm tự do cá nhân hoặc thiếu căn cốt. Quá trình chuyển hóa này cũng như sự SHOCK văn hóa đô thị được phản ánh trong nhiều tác phẩm nghệ thuật xuất sắc của thời kỳ này, Từ thơ Tú Xương đến các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng,…

Từ sau 1945 có thể nói văn hóa VN đã trải qua rất nhiều cung bậc chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố làm cho sự phát triển vừa đứt đoạn, vừa méo mó.

Về đinh hướng và mô hình phát triển văn hóa. Sau 1954 ở Miền Bắc và 1975 ở Miền Nam văn hóa VN đã chuyển sang hệ văn hóa với một số giá trị cốt lõi tham chiếu từ mô hình văn hóa Liên Xô cộng với một số giá trị truyền thống văn hóa làng xã không hẳn là tốt đẹp nhưng phù hợp vơí mô hình này.

Đó là lần đứt đoạn thứ hai của văn hóa VN trong thế kỷ 20. Sự phát triển văn hóa VN một lần nữa bị đứt đoạn khi khối Liên Xô sụp đổ 1991.

Bối cảnh phát triển văn hóa VN sau 1945 cũng vô cùng bi thảm. Chiến tranh liên miên kéo dài con người cá nhân bị con người lính trong đội ngũ chiến binh lấn áp. Sự hiện diện của quân đội nước ngoài, những cuộc di dân khổng lồ. Đấu tranh ý thức hệ khốc liệt bằng bạo lực. Hận thù giai cấp và đấu tranh giai cấp bằng bạo lực được cổ xúy. Cải cách ruộng đất và hợp tác hóa. Tất cả đó làm lung lay mạnh mẽ nền tảng văn hóa làng xã và văn hóa đô thị phôi thai.

Tiếp sau đó là một cuộc BUNG RA khổng lồ, một sự phát triển đô thị đột biến (năm 1993 HN có hơn 6 triệu dân, nội thành hơn 3 triệu) không hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu tự nhiên của một xã hội chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp.

Tất cả những điều này lại diễn ra trong bối cảnh thể chế lạc hậu thiếu dân chủ, nhân quyền, không có tinh thần thượng tôn pháp luật. Tham nhũng, bất công, bệnh thành tích và sự gỉa dối bao trùm xã hội.

Hậu quả tất yếu là chúng ta đã mất hầu hết những giá trị tốt đep của văn hóa làng xã, chúng ta có một nền văn hóa đô thị bệnh hoạn, lệch lạc khi mà khả năng kiếm tiền và các đồ chơi đắt tiền trở thành giá trị cốt lõi của rất nhiều người trong xã hội. Phong hóa suy đồi là tất yếu.

Hậu quả nhãn tiền. Điều đáng buồn và nguy hiểm nhất là chúng ta đang và sẽ có nhiều thế hệ người VN mất hết động lực phấn đấu. 

Tóm lại, để khôi phục những giá trị cũ hoặc xây dựng những giá trị văn hóa mới tốt đẹp sẽ mất rất rất nhiều thời gian của nhiều thế hệ. Vì chúng ta cũng đã mất khá nhiều thời gian để mất đi thì tìm lại và xây mới chắc chắn còn lâu hơn nhiều.

Không lẽ lại BOTAY.COM. Xin hãy bắt đầu bằng sự tôn vinh ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP nghĩa là ai làm nghề nào cũng phải có sản phẩm tốt được xã hội thừa nhận. Đó chính là cơ sở để công dân trong xã hội có sự đồng thuận và tin cậy lẫn nhau. Mắt xích đầu tiên của chuỗi giá trị văn hóa trong xã hội.

1 nhận xét: