Lê Trọng Quân
Nếu không có gì thay đổi, chỉ còn hơn 3 tháng nữa ĐCSVN sẽ tổ chức ĐH 12 để thông qua kế hoạch cho 5 năm tới (2016 – 2021), bầu BCHTW, Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư và các Ban của đảng cùng Tổng Bí Thư. Sau đó chọn 3 chức danh hàng đầu của chính thể là Chủ Tịch Nước (CTN), Thủ Tướng Chính Phủ (TTCP), Chủ Tịch Quốc Hội (CTQH) cùng TBT. 4 vị trí này hợp lại tạo thành bộ máy quyền lực cao nhất dưới sự chỉ đạo của BCT ĐCSVN. Nhóm lãnh đạo này thường được dân Việt gọi là “Tứ Trụ’’ (TT) – giống cơ cấu của triều đình phong kiến khi xưa.
Chúng ta cùng nhau lần lượt nghiên cứu các vị trí của Tư Trụ, trước tiên là người thứ nhất, đứng đầu: Tổng Bí Thư.
I . Tổng Bí Thư
Cho tới lúc này (tháng 9 năm 2015), chính trường VN trở nên bình lặng – thứ bình lặng “không bình thường’’ – giống như trước ngày trời có bão, gió tích tụ lại để sau đó tung ra tàn phá dữ dội…Nếu trước tháng 5.2015, nhân vật nổi đình đám, có khả năng gìanh chức TBT là Phùng Quang Thanh, có tiếng thân TQ, đương chức UVBCT, Bộ trưởng quốc phòng thống lĩnh quân đội, dưới trướng có 500 viên tướng đang giữ những vị trí xung yếu trong lực lượng vũ trang với gần nửa triệu quân, mà điển hình nắm địa thế của 2 quân khu quan trọng: Bộ tư lệnh Thủ đô và BTL Quân khu 9, thì đến tháng 9.2015, “tự dưng’’ PQT (…) sau các sự kiên “bị ám sát… đi chữa bệnh… mất tich 1 tháng…’’ dường như đã không còn vị thế ứng cử viên TBT trong khi trước cuộc bỏ phiếu tín nhiệm 20 chức danh trong BCT và BBT ông đứng hàng thứ tư có số phiếu tín nhiệm cao (sau NTD,TTS, NTKN). Từ 26.6, PQT “mất tích’’ đến 25.7 mới xuất hiện trở lại, chính trường VN diễn ra 2 sự kiện quan trọng:
Một – Đại hội thi đua toàn quân họp (1.7), TT Nguyễn Tấn Dũng chủ trì mà lẽ ra đó là vị trí của BTQP Phùng Quang Thanh.
Hai – Bộ Tư Lênh Quân khu Thủ đô đột ngột thay 2 vị trí chủ chốt – Tư lệnh và Chính ủy (3.7), Bộ tư lênh quân khu 9 cũng có xáo trộn trên các vị trí này sau đó ít lâu…
Xâu chuỗi các sự kiện đã, đang diễn ra cùng một số hành vi trước đó của PQT, như khi đứng trên diễn đàn trong nước hay ngoài nước (…), Bộ trưởng QPVN, hoặc im lặng trước hành động ngang ngươc của TQ, bắn giết ngư dân Việt, lấn chiếm vùng biển, trời đối với Tổ quốc mình, hoặc công khai ủng hộ, bào chữa cho TQ bằng những lời nói (…) coi những tên xâm lược là “anh em trong nhà…’’. Đáng chú ý nhất : Cuộc gặp “ôm hôn thắm thiết’’BTQP Trung Quốc trên biện giới Việt – Trung…và cuộc “lẻn sang’’ gặp riêng lãnh đạo Trung Nam Hải khi TT NTD vắng mặt… các động thái của ông Thanh khiến dư luận trong đảng, quân đội và nhân dân VN chú ý, ngỡ ngàng, “nghi’’ họ Phùng đang có âm mưu “phục vụ lợi ích cho ngoại bang’’ và hậu qủa tiếp theo đối với PQT – đã xẩy ra…
Giờ đây, Phùng Đại Tướng dù xuất hiện trở lại, đi đây đó, hiện diện trên truyền hình, trong hội nghi, hay báo viết, (chỉ thấy cử động, không nói) khiến dư luận phân vân, nghi ngờ nhân vật này như “con rối do ông chủ rạp Xiếc tạo ra’’.
Cộng với các biến cố khác (…), chính trường VN cho rằng: Sự nghiệp Võ, Văn của Phùng Quang Thanh đã chấm hết, hi vọng làm ứng cử viên chức TBT khóa XII cũng tiêu tan!
Rút cục, bây giờ trên sàn đấu chỉ còn lại 3 võ sĩ: Anh Ba… X (ABX) và Anh Tư…S (ATS), Anh Năm… N (ANN). Vậy thì ai sẽ có khả năng đoạt chức vô địch – giành vương miện “Vua Chính Trường’’ Việt Nam giai đoạn 2016 – 2021?
Trước tiên chúng ta xét vị thế của ANN – Phạm Quang Nghị.
1-Ông Phạm Quang Nghị nhiều năm là UV BCT, đương chức BTTU Hà Nội – địa bàn quan trọng bậc nhất của đất nước. Là cánh tay đắc lực của TBT, được Nguyễn Phú Trọng chính thức chọn, cấu tạo cho chức TBT khóa 12. Thế nhưng ông Nghị đã làm NPT cùng phe cánh thất vọng khi đem cọ sát thăm dò trong đảng thông qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm 20 chức danh quan trọng của TƯ, PQN đứng áp chót (19/20). Dưới mắt các UVTW. PQN đã hoàn toàn không có chút uy tín nào trên cương vị BTTU chứ chưa nói đến sẽ làm TBT như NPT đề bạt.
Ít lâu sau, PQN lại dấn sâu vào sai lầm khác bằng một chủ trương: Cho thuộc cấp thực hiện việc chặt 6700 cây xanh cổ thụ trên phố phường Hà Nội. Chủ trương phá di sản của Thủ đô ngàn năm văn hiến này “nặng mùi’’ trục lợi của nhóm lợi ích khiến dân chúng phản ứng kịch liệt… Với những diễn tiến trên đây, PQN chắc chắn sẽ bị loại khỏi “vòng đấu’’, PQN nên tự nguyện rút khỏi danh sách mà TBT NPT đề cử chức TBT ĐCSVN cho ĐH khóa 12.
– Người thứ hai có thể ứng cử chức TBT là Trương Tấn Sang.
Hiện ông đang là Chủ tịch nước, đứng vị trí thứ 2 sau TBT. Trong hơn 4 năm làm CTN, ông cũng tạo cho dân Việt một số ấn tượng thông qua những cuộc thăm viếng, giao tiếp với cử tri và những bài diễn văn, câu văn ví von như gọi TT NTD là “Đồng chí…X’’, gọi bọn quan Tham là con Sâu, bầy Sâu (làm rầu nồi canh) như tục ngữ trong dân gian gọi bọn cán bộ thoái hóa biến chất… Nhưng cố gắng “vốn liếng’’của anh Tư chỉ đến vậy, tư duy, bản lĩnh, trí tuệ cuả người lãnh đạo tối cao ở ông chưa đủ tầm bởi ông không có thực lực, vây cánh, con người ông toát lên sự chân tình của một người bình thường, trong khi trên cương vị người lãnh đạo tối cao của đất nước lại đòi hỏi những yêu cầu vượt trội cần thiết. Nếu được tham gia vào danh sách ứng cử viên TBT, nếu do một sự dàn xếp thỏa hiệp nào đó… may ra CTN Trương Tấn Sang cũng có nhiều hi vọng gặt hái thành công!
– Về ứng cử viên Nguyễn Tấn Dũng.
Nếu trong năm 2014, ông bị đối thủ tấn công liên tục, có lúc rơi vào hoàn cảnh gay go “ngàn cân treo sợi tóc’’, nhưng vốn có bản lĩnh chính trị, kinh nghiệm sống trong chính thể cộng sản và chất “anh hùng mã thượng giang hồ’’… ông vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm một cách ngoạn mục. Dù dư luận đánh giá về ông có nhiều luồng trái chiều, quy trách nhiệm cuối cùng cho ông về lãnh đạo chính phủ không tốt để nền kinh tế nước nhà suy xụp đi gần tới bờ vực thẳm, kéo cuộc sống của nhân dân khó khăn đói khổ chồng chất. Đặc biệt dân bất mãn guồng máy do ông điều hành để cho nạn tham nhũng hòanh hành, tràn lan, trở thành căn bệnh nan y “chờn thuốc’’, trong khi nguồn gốc của tham nhũng lại do chính TBT và BCT đảng CSVN dung dữơng, tạo ra.
Dù vậy, dư luận của nhân dân, cán bộ đảng viên vẫn cho rằng các khuôn mặt trên chính trường VN tranh chức TBT vẫn không có ai sánh được với NTD mà điểm son của ông là người duy nhất trong số lãnh đạo cao nhất dám công khai bày tỏ tinh thần “thoát Trung’’ lên án hành động xâm lược của chúng… Nếu lên sàn đấu, “Võ sĩ…X’’ sẽ cầm chắc chiến thắng !
Chủ Tịch Nước
Nếu một trong hai người – Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang trúng cử TBT, thì người kia phải về hưu. Trường hợp có ưu tiên về tuổi tác cho 4 chức danh Tứ Trụ (vì họ đều sinh năm 1949, đến 2016 đều 67, quá tuôỉ) cũng không thể cả hai chiếm giữ hai vị trí cao nhất nhì là bởi theo thông lệ của hệ thống tổ chức của ĐCS – không bố trí 2 người cùng vùng miền (Nam Bộ) vào 2 chức vụ TBT và CTN, nghĩa là nếu dân Nam Bộ giữ chức TBT thì dân Trung hay Bắc phải giữ chức Chủ tịch nước (nhân vật số hai) . Vậy chức CTN sẽ do ai đảm nhiệm? Chức CTN tư trước đến nay chỉ là “hữu danh vô thực’’. Trong tình hình hiện nay, người hội đủ tiêu chuẩn cho chức vụ này chỉ có Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang (trong ĐH 11 đã có dự kiến trao cho PQT). Ông Quang nắm ngành CA – ngành mà ĐCSVN dựa chính trong công việc nội trị, giúp cho Đảng giữ được vị thế độc quyền cai trị đất nước.
Thế nhưng, trên dư luận báo chí, ông TĐQ đang vướng vào một Xì căng đan: “khai man lí lịch’’. Phe đối lập sưu tầm, trưng ra một số bản chụp giấy khai sinh của ông …rồi kết luận ông khai rút tuổi để được bầu vào BCT (…). Sự việc chỉ đến đây, không thấy có gì thay đổi đối với ông Quang. Có thể đây là tin thất thiệt, đòn đánh của phe đối lập… nên mọi việc lắng xuống.
Nhưng nếu đây là sự thật (được che chắn), khi vào cuộc bầu bán chức chủ tịch nước, chắc sẽ không thể nào phe đối lập cho qua!
Khi TĐQ không được cấu tạo làm CTN thì ai sẽ thay vào đây? Liệu sự “dàn xếp gia tăng hạn tuổi cho 4 “Trụ’’, các nhân vật đã hết hạn tuổi có được xem xét? Câu hỏi này còn bỏ ngỏ, chờ hội nghị TƯ 12 (hội nghị chốt nhân sự ĐH 12 sẽ họp vào tháng 11), sẽ rõ.
III – Thủ Tướng
Theo dư luận, có 3 người có thể được cấu tạo cho chức TT : Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thiện Nhân và Vũ Đức Đam.
* Về Vũ Dức Đam.
Ông Đam có ưu thế là trẻ tuôỉ, được đào tạo bài bản, có kiến thức nhưng chưa tham gia BCT, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc điều hành chính phủ nhất là gần đây bộc lộ rõ trong phát ngôn và hành động khi kí quyết định phê duyệt cho tỉnh Sơn La xây dựng khu quảng trường (có tượng đài HCM chi phí 200 tỷ,,,) với tổng kinh phí 1400 tỷ đồng khiến dư luận cả nước phản đối. VĐĐ đã mất điểm nên có ý đưa ông vào danh sách ứng cử chức TT nhiệm kì tới là chỉ để mang tính thăm dò dư luận ! Nhưng rất có thể VĐĐ sẽ được đặc cách nếu NTD trúng cử TBT.
* Về Nguyễn Xuân Phúc.
Ông Phúc hội đủ các tiêu chuẩn để làm Thủ Tướng như : Đã là UVBCT, đang là Phó TT thường trực, dân miền Trung, còn hạn tuổi phục vụ, có nhiều kinh nghiệm trong công tác điêu hành guồng máy chính phủ… Tuy nhiên, nếu NTD trúng cử TBT thì NXP khó có thể dựợc dùng cho chức Thủ Tướng vì những “ân oán giang hồ’’ giữa ông và TT thời gian gần đây…
* Về Nguyễn Thiện Nhân
Ông Nhân càng hội đủ mọi tiêu chuẩn cho chức Thủ Tướng: Đang là UVBCT, còn hạn tuổi phục vụ, được đào tạo bài bản ở nước ngoài (nhất là ở Mỹ), điều quan trọng là cùng ê kíp với TT đương nhiệm. Nếu NTD trúng cử TBT, NTN sẽ được đặt vào chiếc ghế Thủ Tướng chính phủ nhiệm kì tới.
IV – Chủ Tịch Quốc Hội
Nguyễn Thị Kim Ngân.
Chức này hầu như không có ai tranh được với đương kim Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân. Bà đang là UVBCT, là người Nam bộ nhưng kinh qua nhiều công tác ở các vùng miền, nhất là đã từng làm Bí thư tỉnh ủy Hải Dương.Trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm 20 chức danh trong đảng, bà có số phiếu tín nhiệm cao, đứng thứ ba sau NTD và TTS. Kì này CTQH Nguyễn Sinh Hùng phải rời chức, về hưu. Các đối thủ của bà Ngân trong các chức Phó chủ tịch QH đương nhiệm hầu như không ai có ưu thế gì vượt trội bà về uy tín, chuyên môn … cho nên dù không thuộc phe cánh nào, nếu được đề cử vào chức vụ này cũng sẽ được các phe phái chấp nhận… huống hồ theo dư luận, bà thuộc ê kíp của Thủ Tướng đương nhiệm!
***
Hiện nay, bộ máy chóp bu của ĐCSVN đang vận hành hết công xuất để chuẩn bị cho cuộc đấu – có thể xem là “cuộc sát phạt’’gay go nhất dù trước đó cuộc đấu này đã diễn ra “kinh thiên động địa’’, có cả máu và nước mắt!…Đó mới chỉ là màn dạo đầu. Chắc chắn cuộc đấu sẽ chuyển sang giai đoạn khốc liệt khi ĐH XII triển khai !
Một vấn đề đáng chú ý: ĐH lần naỳ của ĐCSVN không thể thoát khỏi ảnh hưởng của Đảng CSTQ, khi kế hoạch bành trướng của họ xuống phương nam (Đông Nam Á) đã tới hồi gấp rút, gay cấn. Nhóm lãnh đạo bành trướng TQ đứng đầu là Tập Cận Bình, đã trở nên nôn nóng tới cay cú mà Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong chuỗi dây chuyền bành trướng. Chúng sẽ có những nước đi quyết định ngay tư khi VN chuẩn bị nhân sự cho ĐH XII, Chúng ta hãy bình tĩnh quan sát chuyến đi Mỹ của Tập Cận Bình sau đó sẽ sang VN. Ông ta đến để ra các chỉ thị cho đám tay chân đã được cài cắm vào các cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ CSVN nhằm phục vụ cho chủ trương bành trướng, trước hết là cấu tạo các chức danh trong “Tứ Trụ’’…
Tuy nhiên, chắc chắn họ Tập không thể nào lường trước được những bất ngờ như tổ tiên ông ta đã gặp trong lịch sử bang giao 2 nước mà kết cục chúng đã phải nhận lấy thất bại thảm hại! Thời thế đã thay đổi. Lịch sử của mỗi dân tộc, đất nước đã sang trang, không còn như xưa, không phải cái gì muốn bọn xâm lược cũng giành được trong khi bộ mặt bành trướng ghê tởm của chúng đã phơi bầy trước nhân loại tiến bộ và nhân dân vùng Đông Nam Á mà trực tiếp là Việt Nam, Phi lip pin…
*
Nhân dân ta chỉ ước mong đất nước mình an ninh – toàn vẹn lãnh thổ, thịnh vượng. Nhân dân được hưởng các quyền tự do, dân chủ đã ghi trong Hiến pháp, dân tộc có cuộc sống ấm no hạnh phúc. Ai lên làm TBT, ai vào danh sách “Tứ Trụ Triều Đình’’ cũng được, miễn là họ – những người đang tranh nhau các chức vụ này – sau khi tại vị, đừng dẫm vào vết xe đổ của nhưng người tiền nhiệm kéo dài sự tụt hậu của đất nước, tiếp tục đẩy sự nghèo khó, đói khổ của nhân dân Việt Nam xuống thấp hơn!
Và điều quan trọng nhất: Đừng bắt nhân dân Việt Nam làm nô nệ cho ngoại bang !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét