Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

Thiên Nguyên - "Dân chủ là gì? Có... ăn được không?"

  

Lâu nay anh Minh thấy các bác rất hay bàn về khái niệm dân chủ. Thật lạ, chỉ hai chữ "dân chủ" có sáu chữ cái thôi, mà để giải thích cho nó không biết bao nhiêu vạn chữ đã được viết ra bởi bao nhiêu nhà văn, nhà báo, nhà kinh tế, chuyên gia, chính trị gia... rất nhiều nhà và rất nhiều gia. Từ đơn giản dễ hiểu cho đến học thuật hàn lâm, từ những bài chỉ vài trăm chữ cho đến những bài vài nghìn chữ; tất cả chỉ nhằm một mục đích là làm sao cho cái khái niệm  "dân chủ" trở nên phổ quát và phổ biến. Song cho đến nay Minh thấy tình hình vẫn chưa sáng sủa hơn được bao lăm. Có thể trong giới học thuật mọi người đã phần nào nhất quán với nhau về những giá trị cơ bản của dân chủ, nhưng trong giới trẻ như bọn anh Minh thì đó vẫn là một khái niệm xa vời và khô khan.

"Dân chủ à? Dân chủ là như Mỹ phải không? Thế thì mình đếch cần dân chủ. Dân chủ để bất cứ thằng học sinh nào cũng có thể găm súng trong người và xả đạn vào bạn bè bất cứ khi nào nó thấy ức chế thần kinh thì có hay ho cái giề?"- Dân chủ đồng nghĩa với "tự do tàng trữ sử dụng vũ khí".

"Dân chủ á? Dân chủ là như Thái Lan phỏng? Thế thì tớ chẳng ưa dân chủ. Dân chủ để nhân dân cứ hở tí là bỏ nhà bỏ việc cầm cờ quạt biểu ngữ ra đường quẳng gạch quẳng đá vào đầu nhau như thế thì vui vẻ lắm đấy?"- Dân chủ trong trường hợp này đồng nghĩa với việc "Bạo loạn xã hội"

Một bộ phận thanh niên, có học hành đàng hoàng hẳn hoi, nhưng vẫn khăng khăng cho rằng: "Ai mà chẳng muốn dân chủ? Nhưng mà dân chủ của ta khác với dân chủ của Mỹ, hoàn cảnh của hai nước nó khác nhau, không thể áp dụng một cách máy móc được." Đến thế này thì hòa cả làng.

Bộ phận còn lại, đối với hai chữ dân chủ, thực hiện chính sách ba không: "Không nghe, không thấy, không [cần] biết." Đảng, nhà nước cho thế nào thì nhận như thế. Không kêu ca, không phàn nàn. Có khó khăn thì lại luồn lách kiếm sống bằng nhiều nguồn. Thằng khôn lừa thằng ngu để mà sống. Thằng ngu lừa thằng ngu hơn... kiểu gì cũng chẳng chết đói. "Dân chủ là gì? Có ăn được không?"

Có một vài bác dân chủ kêu gọi cách mạng hoa nhài, rồi hoa đào, bông lúa. Không biết là lời kêu gọi đó chủ yếu nhắm đến đối tượng nào? Nhi đồng? Thanh niên? Trung niên? Cao niên? Ở Tunisia, Ai cập, cách mạng đã được tiến hành và giành thắng lợi bởi lực lượng nòng cốt là những người thanh niên từ 20- 30 tuổi. Độ tuổi này ở nước ta chiếm một tỉ lệ khá lớn trong dân số, không thể nhỏ hơn 20%. Vậy nếu một cuộc cách mạng hoa nhài muốn được diễn ra và thành công ở xứ sở thiên đường, không thể không có sự đóng góp của một nguồn sức mạnh tiềm tàng là giới trẻ, là học sinh, sinh viên, công nhân, nhân viên...

Nhưng các bác, những nhà dân chủ, làm sao có thể kêu gọi thế hệ thanh niên cùng chung tay góp sức đứng lên để dỡ bỏ chế độ độc tài? Một vài lời hứa hẹn là sẽ có dân chủ. Anh Minh xin nhắc lại một câu đã nói ở trên: "Vậy dân chủ là gì? Có... ăn được không?" Dân chúng bây giờ quá đỗi thực dụng, họ không cần đến những giá trị cao sang và xa vời. Điều họ quan tâm là cái gì sẽ đổ vào mồm vào ngày mai. Ăn gì? Mặc gì? Chơi gì? Đảng lại thừa khôn ngoan để cho những nhu cầu ấy không bao giờ bị xâm phạm một cách quá đáng. Vậy đứng lên để làm gì? Dân chủ làm gì? Hãy xem gương những nhà hoạt động dân chủ kia kìa, có sung sướng không? Tại sao phải đánh đổi một cuộc sống cũng chưa đến nỗi bi đát để lấy một cái giá trị mà còn chưa biết là nó có tốt đẹp hơn không, trong khi hậu quả nhãn tiền không mấy dễ chịu? Bảo rằng thanh niên thời nay vô cảm. Đúng quá! Thanh niên vô cảm. Vô cảm mới chịu bị đè đầu cưỡi cổ chứ hữu cảm thì các bác dân chủ đã không còn đất diễn. Cái quan trọng, là các bác dùng phương thuốc gì cho căn bệnh vô cảm ấy? Làm sao để những con tim khối óc ấy nhận ra rõ rệt một điều rằng: "Ra là thế! Đã đến lúc cần phải thay đổi. Và không ai khác, chính ta là người sẽ đứng lên để thay đổi!"

Bài thuốc dân chủ xem ra chưa thực sự hiệu quả. Hoặc giả, các bác đã phức tạp, rối rắm hóa hai chữ "dân chủ". Để hiểu hai chữ "dân chủ" mà các bác đưa ra, thì người tiếp thu phải có một trình độ nhất định. Xin thưa rằng, đa số người dân hiện nay do được thừa hưởng nền giáo dục thiên đường, nên trí tuệ đã trì trệ đến mức khó có thể nhét mớ lý luận ấy vào trong sọ được. Nâng cao dân trí là một điều đúng đắn, rất đáng hoan nghênh, nhưng một người thày giỏi không phải là một người thày tỏ ra cho học trò mình thấy rằng mình rất giỏi đến đâu, mà là người thày có thể truyền thụ được tối đa kiến thức của mình. Các bác chưa phải người thày thứ hai.

Để một cuộc cách mạng có thể nổ ra rộng khắp, theo ngu ý của anh Minh, cần phải có sự thống nhất của đại bộ phận xã hội trong ba điều sau:

1. Đã quá chán cái chế độ này lắm rồi.

2. Một chế độ mới chắc chắn sẽ đem lại một cuộc sống tốt đẹp hơn chế độ hiện thời.

3. Có một tổ chức đủ vững mạnh để đặt vào đó niềm tin.

Trong ba điều trên, thì (1) xem như đã có. (2) thì chưa đâu vào đâu, (3) lại càng bóng mây tăm cá. Vậy hoa lài hoa loẹt gì ở đây?

Năm 1946, khi trả lời các nhà báo nước ngoài, Cụ Hồ lúc ấy với vai trò là Chủ tịch nước của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã bộc bạch một cách giản dị: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Không hào hoa bóng bẩy, không biện điển cố cổ kim, không triết học Đông Tây, không hàn lâm kinh viện, chỉ đơn giản một câu, vậy mà đã khiến toàn dân đồng lòng nổi dậy lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp, rồi đế quốc Mỹ. Người đã kê cho toàn dân tộc một toa thuốc hết sức công hiệu (ít nhất là trong thời điểm đó)

Còn các bác dân chủ? Bài thuốc nào các bác sẽ kê cho toàn thanh niên Việt Nam lúc này?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét