Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

ĐIỀU 4 HP: ĐỘC TÀI ĐẢNG CSVN TOÀN TRỊ, ĐỘC TÀI NỮA, ĐỘC TÀI MÃI... ( P2 )

HXP

               

Nếu quan niệm rằng hai đặc tính “đội tiên phong…” và “đại biểu trung thành…” là đòi hỏi, là điều kiện cần cho quyền “lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, thì Điều 4 cần được hiệu chỉnh cho chuẩn xác về mặt lô-gíc, chẳng hạn như sau:

“Đảng cộng sản Việt Nam phải là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, … thì mới là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”
Hoặc hoán vị đoạn cuối lên đầu và dùng chữ “để” thay cho hai chữ “thì mới”:

“Để là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng cộng sản Việt Nam phải là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc…”

Đó là hai phương án hiệu chỉnh lô-gíc kinh tế nhất, chỉ thêm ba hoặc bốn chữ và giữ nguyên các thành phần khác. Kể cả trong trường hợp thừa nhận quyền lãnh đạo của ĐCSVN như một thứ đương nhiên, bất chấp hiện trạng của đảng, thì cũng nên viết lại như sau:

“Đảng cộng sản Việt Nam, theo chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng phải là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc.”

Dù chọn phương án nào thì cũng cần thêm chữ “phải“, để nhấn mạnh rằng: Đó là đòi hỏi mang tính pháp lý mà đảng cầm quyền phải thực hiện. Liệu giới cầm quyền có muốn viết như vậy hay không? Chắc là không! Vậy thì nội dung về “đội tiên phong…” và “đại biểu trung thành…” trong Điều 4 không phải là đòi hỏi, mà mang ý nghĩa ”thừa nhận một thực trạng đã, đang và sẽ mãi tồn tại”, tức là một hình thức “công chứng bất chấp hiện trạng của nguyên bản”.

Vấn đề tương tự được đặt ra với khoản tiếp theo của Điều 4, viết rằng:

“Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”

Đây có phải là một yêu cầu, một đòi hỏi hay không? Nếu là đòi hỏi thì cần bổ sung một chữ “phải“ như sau:


“Mọi tổ chức của Đảng phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”

Câu hỏi nảy sinh là: Tại sao lại thiếu chữ “phải” tại vị trí quan trọng như vậy? Có phải do vô tình hay không?

Muốn hiểu được ý tứ của các tác giả, hãy điểm mặt 39 chữ “phải“ trong Hiến pháp 1992 để nhận ra rằng: Từ “phải“ là một trong những thuật ngữ đặc trưng trong Hiến pháp, thường được dùng để chỉ những điều bắt buộc phải thực hiện. Ví dụ:

“Điều 51 … Công dân phải làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước và xã hội…”

“Điều 76 Công dân phải trung thành với Tổ quốc…”

“Điều 77 … Công dân phải làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân.”

“Điều 100 Đại biểu Quốc hội phải dành thời gian để làm nhiệm vụ đại biểu…”

“Điều 122 Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn… Người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân trong thời hạn do luật định…”

Tại sao không viết tương tự, mà lại tránh dùng chữ “phải“ trong Điều 4? Nếu quan niệm rằng chỉ cần viết

“Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”

là đã hàm chứa chữ “phải“, do đó có thể lược bỏ nó, thì sao không bỏ nốt chữ “phải“ trong những trường hợp cũng “đã hàm chứa” tương tự? Chẳng hạn, sao không bỏ chữ “phải“ trong hai điều khoản sau đây:

“Điều 115 … Những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Chính phủ phải được thảo luận tập thể và quyết định theo đa số.”

“Điều 124 … Khi quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, Uỷ ban nhân dân phải thảo luận tập thể và quyết định theo đa số…”

Để hiểu hết thâm ý chứa trong Điều 4, nên so sánh nó với điều khoản sau:

“Điều 12 … Các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật…”

Vâng, không chỉ “các… tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân”, mà cả “các cơ quan Nhà nước” đều “phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật. Nhưng ĐCSVN và các tổ chức của đảng thì không bị liệt kê trong Điều 12, tức là chúng không nằm trong diện “phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật”.

Điều 4 chỉ viết là: “Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Khi đã ngăn chặn việc ban hành luật về các đảng chính trị hay luật dành riêng cho ĐCSVN, thì chẳng hề tồn tại “khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”nào có thể khống chế và ràng buộc đảng. Vậy là ĐCSVN được mặc sức tung hoành. Hơn nữa, giả sử có ràng buộc pháp luật nào đó liên quan, thì ĐCSVN cũng không nhất thiết phải tuân theo, bởi vì câu hiến định “Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” không nhất thiết là một đòi hỏi, mà ngược lại, rất có thế là một hình thức“công chứng bất chấp hiện trạng của nguyên bản”, cũng tương tự như việc “công chứng” cho đặc tính “đội tiên phong…”và “đại biểu trung thành…” mà thôi.

Hẳn là đạo diễn của Hiến pháp 1992 đã cân nhắc rất kỹ lưỡng, và cố tình không cho “diễn viên” tên “phải“ lạc vào “màn kịch” Điều 4, để tạo ra một “hoạt cảnh thực thực hư hư”, “nói dzậy mà không phải dzậy”. Cái tinh vi ấy được kế thừa trọn vẹn trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 2 (được đăng tải để lấy ý kiến nhân dân từ ngày 02/01/2013) và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 3 (được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII, ngày 17/05/2013). Chưa thỏa mãn với đặc quyền vô biên đã có, người ta đã sửa câu
“Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”
trong Hiến pháp 1992 thành
“Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”
Hạ cấp từ chữ “Mọi” xuống chữ “Các”, phải chăng là cố chừa ra thế lực bất khả xâm phạm? Tuy trong phương án sửa đổi có bổ sung thêm đối tượng đảng viên”, nhưng đó là “đảng viên thường”. Còn các vị lãnh đạo đảng là “siêu đảng viên”, và cá nhân họ cũng không phải là “tổ chức”, vì vậy có thể hoàn toàn tự do “ngoài vòng Hiến pháp và pháp luật“.

Trong tham luận trình bày tại phiên họp Quốc hội vào buổi sáng ngày 16/11/2012, Luật sư Trương Trọng Nghĩa (Đại biểu Quốc hội khóa XIII của Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) đã phân tích và kiến nghị như sau:

“Về Điều 4, hiện nay về Đảng thì chúng ta có 3 chủ thể: Thứ nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam; Thứ hai là các tổ chức của Đảng; Thứ ba là đảng viên. Nhưng khi thiết kế Điều 4 thì chúng ta bỏ quên chủ thể quan trọng nhất là Đảng cho nên chúng ta chỉ quy định các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động theo khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Điều 4 tôi chỉ xin thêm một từ ở đằng trước, tức là ‘Đảng, các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật’.”

Đề nghị của Luật sư Trương Trọng Nghĩa là rất hợp lý, để loại trừ khả năng biện hộ rằng: “Đảng không phải là một tổ chức của Đảng, nên Đảng không phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Nếu thực tâm muốn tôn trọng“khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”, thì chẳng tiếc gì mà không thêm chữ “Đảng” vào đầu câu như ông Nghĩa đề xuất.Thế nhưng, đề nghị ấy đã không được chấp nhận. Phải chăng việc khước từ đó càng thể hiện rõ hơn động cơ của đạo diễn và bản chất của Điều 4?
Một nét mới của Điều 4 trong phiên bản 2 và phiên bản 3 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là khoản sau đây được chèn thêm vào giữa:

“Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.”

Câu này đã khiến một số người hâm mộ đảng hân hoan ca ngợi. Nhưng thực ra có gì là mới ở đây hay không? Thế nào là “gắn bó mật thiết”? “Gắn bó” như hiện nay đã đủ hay đã quá “mật thiết” hay chưa? “Phục vụ nhân dân” thế nào thì bấy lâu đã rõ, xin kiếu, xin kiếu! “Chịu sự giám sát” hay “đành chịu sự giám sát”? Nhân dân “giám sát” thế nào, khi mọi chuyện tày đình đều diễn ra ở những nơi kín cổng cao tường, được súng ống bảo vệ nghiêm ngặt? Giả sử bằng cách nào đó mà biết được chút chuyện “thâm cung”, thì đành ngậm miệng, hay nông nổi phát ngôn, để rồi có thể bị khép vào “tội cố ý”hay “tội vô tình làm lộ bí mật nhà nước” (Điều 263 và Điều 264 Bộ luật hình sự)? Và “giám sát” để làm gì? Nếu được phép“giám sát”, nhưng khi phát hiện ra điều sai trái thì cũng chỉ có thể bó tay bất lực và thêm ấm ức, thì “quyền giám sát đảng”có hơn gì so với “quyền được tò mò, nhòm ngó chuyện riêng của nhà hàng xóm”? Thế nào là “chịu trách nhiệm trước nhân dân”? Ăn chán, phá chán cũng chỉ cần buông một câu “xin chịu trách nhiệm” là xong, vậy thì tội gì mà không ăn, không phá? Toàn là mỹ từ chung chung, vô định, phù hợp với mục đích tuyên huấn, nhằm mê hoặc và ru ngủ người đọc, chứ không thể dùng để diễn đạt các ràng buộc pháp lý.

Những băn khoăn vừa kể chỉ có ý nghĩa khi khoản mới bổ sung vào Điều 4 là đòi hỏi mà đảng cầm quyền phải thực hiện. Nhưng lấy gì để đảm bảo rằng đó thực sự là đòi hỏi, chứ không phải là tái diễn hình thức ”công chứng bất chấp hiện trạng của nguyên bản”? Nếu quả là đòi hỏi, thì cần thêm bốn chữ “phải“ như sau:

“Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phải phục vụ nhân dân, phải chịu sự giám sát của nhân dân, phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.”

Hoặc ít nhất cũng bổ sung một chữ “phải“ để áp chung cho cả bốn nghĩa vụ:

“Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.”

Như vậy không phải là quá máy móc, mà cũng chỉ hiến định giống như hai điều khoản sau đây của Hiến pháp 1992, cũng về quan hệ với Nhân dân:
“Điều 8 Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, viên chức Nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân…”
Điều 97 … Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri…”

Quan sát kỹ sẽ nhận ra sự khác nhau “tinh tế” giữa yêu cầu đối với Nhà nước trong Hiến pháp 1992 và yêu cầu đối vớiĐCSVN trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp: Các cơ quan Nhà nước ”phải tôn trọng nhân dân” và “lắng nghe ý kiến… của nhân dân”, còn đảng thì không “phải tôn trọng nhân dân” và cũng không phải ”lắng nghe…nhân dân”; các cơ quan Nhà nước phải “tận tụy phục vụ nhân dân”, còn đảng thì cũng “phục vụ nhân dân” nhưng không cần phải ”tận tụy“. Thế cũng đã là tiến bộ vượt bậc rồi, bởi Hiến pháp 1992 còn không hề nhắc đến quan hệ của đảng đối với Nhân dân.

Có lẽ để “cởi trói” cho Nhà nước, nên “Các cơ quan Nhà nước” được giải phóng khỏi Điều 8 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 2:

“Cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân…”

Sau đó, không hiểu do sức ép nào mà người ta lại đành chịu để cho “Các cơ quan Nhà nước” tái hiện trong Điều 8 củaDự thảo sửa đổi Hiến pháp phiên bản 3:

“Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân…”
( Còn tiếp )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét