Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

Hy Lạp tê liệt vì tổng đình công

Hy Lạp liên tục đối mặt với các cuộc đình công kể từ khi đưa ra các biện pháp khắc khổ.

Mọi hoạt động trên đất nước Hy Lạp bị tê liệt khi cuộc tổng đình công bắt đầu vào hôm thứ Tư ngày 19/10 làm ngưng trệ các chuyến bay, các dịch vụ công trong khi các công sở và cửa hàng đóng cửa.
Cuộc đình công trong vòng 48 giờ diễn ra khi Quốc hội chuẩn bị bỏ phiếu cho các biện pháp thắt lưng buộc bụng mới nhất, bao gồm nhiều khoản tăng thuế, giảm chi tiêu và cắt việc làm.



Phóng viên BBC Chris Morris ở Athens cho biết các hoạt động phản đối ở Hy Lạp càng lúc càng gia tăng trong những tuần gần đây.

Đã xảy ra đình công trong hầu hết các khu vực của nền kinh tế Hy Lạp khi các công nhân vệ sinh không thu gom rác và văn phòng các bộ bị chính các viên chức phong tỏa.

Trong bối cảnh đó, hai tổ chức công đoàn lớn của Hy Lạp trong các khu vực công và tư nhân đã kêu gọi hai ngày đình công vào thứ Tư và thứ Năm ngày 19 và 20/10.

Các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp, công sở và cửa hàng đều sẽ đóng cửa. Các chuyến bay, tàu hỏa, xe buýt, taxi và xe tải sẽ không hoạt động. Chủ các doanh nghiệp nhỏ và các cửa hàng nhỏ cũng lần đầu tiên tham gia ̣đình công.

Thông điệp mạnh mẽ

“Chúng tôi sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ đến chính phủ và hệ thống chính trị," Costas Tsikrikas, người đứng đầu tổ chức công đoàn Adedy trong khu vực công, nói.

“Chúng tôi tin rằng sẽ có rất đông người tham gia,” ông nói.

Những người đình công sẽ tập họp bên ngoài trụ sở Quốc hội ở Athens vào cuối buổi sáng thứ Tư 19/10 để phản đối các chính sách thắt lưng buộc bụng hà khắc của chính phủ.

Trước đó vào tháng Sáu cũng trước trụ sở Quốc hội đã xảy ra xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình ̣yêu cầu chấm dứt các biện pháp khắc khổ.

Các nhà lập pháp sẽ bỏ phiếu về hai dự luật trong hai ngày 19 và 20/10, trong đó có những khoản cắt giảm lương và lương hưu trong khu vực công, tăng thuế và đình chỉ các thỏa ước lao động tập thể.
Đảng Pasok của Thủ tướng George Papandreou hiện đang chiếm thế đa số ở Quốc hội nhưng một số nghị sỹ trong đảng đã đe dọa sẽ bỏ phiếu chống các biện pháp trên.

Vào cuối ngày thứ Ba 18/10, Thủ tướng Papandreou đã kêu gọi các nghị sỹ trong đảng ủng hộ các dự luật.

“Chúng ta phải kiên trì trong cuộc chiến này, với tư cách là nhân dân, chính phủ và những nghị sỹ cùng đảng, để giành thắng lợi,” ông phát biểu.

Hy Lạp đang cố gắng giảm khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ trong khi đang có lo sợ rằng nước này có thể sẽ vỡ nợ và làm bùng nổ khủng hoảng trên toàn khu vực sử dụng đồng euro.

Tỷ lệ thất nghiệp của Hy Lạp hiện đang gia tăng, trong khi nền kinh tế đang bị ngưng trệ với nợ chính phủ lên tới 162% tổng sản phẩm quốc nội.

"Chúng ta phải kiên trì trong cuộc chiến này, với tư cách là nhân dân, chính phủ và những nghị sỹ cùng đảng, để giành thắng lợi."
Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou

Hy Lạp đã bị đẩy ra khỏi thị trường trái phiếu dài hạn với những quan ngại rằng nước này sẽ không thể hoàn thành nghĩa vụ với các chủ nợ.

Liên minh Châu Âu, Quỹ tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng trung ương Châu Âu đã nhảy vào cứu trợ Hy Lạp và đưa ra hai gói cứu trợ nhưng gói thứ hai vẫn chưa được thông qua.

Hy Lạp được yêu cầu phải cắt giảm chi tiêu rất ngặt nghèo thì mới được cứu trợ.

Chính phủ Hy Lạp cho biết hiện họ đang cần khoản giải ngân kế tiếp trị giá 11 tỷ đô la trong khoản cứu trợ thứ nhất đã được đồng ý vào năm ngoái, nếu không họ sẽ hết tiền để trả các khoản nợ đến hạn trong tháng 11.

Do quan ngại cuộc khủng hoảng của Hy Lạp có thể lan đến các quốc gia đang ngập trong nợ nần khác trong khu vực đồng euro như Tây Ban Nha và Ý, các lãnh đạo Châu Âu sẽ gặp nhau vào cuối tuần này để tìm cách đưa ra một kế hoạch để bảo vệ khu vực đồng euro trước nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ.

Các biện pháp sẽ được bàn thảo bao gồm cứu trợ các ngân hàng bị dính đến các khoản nợ của Hy Lạp và bơm thêm tiền cho quỹ cứu trợ của khu vực.

Nguồn: BBC Việt Ngữ

1 nhận xét:

  1. Bạn sẽ bị chinh phục bởi
    xe điện bánh to
    xế điện ngầu phong cách mới nhất từ trước đến nay.

    Trả lờiXóa