Luận về Vạn Vật Đồng Nhất Thể, Vạn Pháp Quy Nhất, và vài thứ linh tinh khác ...
Thày Tư Bảy Núi, nhà hiền triết vĩ đại nhất của nhân loại, ngày kia được mời đến thuyết giảng tại một Hội Nghị Quốc Tế về Triết và Thần Học, họp tại châu thành Thốt Nốt Chắc Cà Đao, cho gần nơi Thày cư ngụ.
Thày Tư ngồi trên chiếc xe ba gác do thằng cháu đạp, đến trước hội trường. Một rừng người tiếp đón, hoan hô ầm ĩ. Rồi, Thày chậm rãi đăng đàn, giữa tràng pháo tay vang dội.
Vểnh râu trố mắt nhìn đám cử tọa đạo mạo, trịnh trọng đón nghe những lời hay ý đẹp, Thày hỏi :
- Dzậy chớ mấy ông có biết tui sắp nói chuyện gì hông ?
Cử tọa trả lời :
- Không …
Thày Tư Bảy Núi vừa quay lưng đi ra, vừa tuyên bố :
- Mấy ông tới họp mà hổng có biết chương trình, đề tài, chi ráo, thì thôi tui khỏi nói chuyện với mấy ông làm chi cho uổng công !
Các vị thức giả thất vọng họp nhau, nhất trí mời cho bằng được Thày Tư Bảy Núi trở lại diễn thuyết.
Thày Tư lại bước lên diễn đàn, và cũng hỏi :
- Mấy ông biết tui sắp nói chuyện gì hông ?
Cử tọa đồng thanh :
- Biết chứ, biết rành lắm !
Thày Tư Bảy Núi nói :
- Mấy ông biết rành rồi thì tui còn nói với mấy ông làm chi nữa ?
Xong lại quay ra, bỏ đi. Các quan đại trí thức vẫn không chịu thua, nhất định đòi Thày Tư trở lại lần nữa, phen này huy động tất cả các đỉnh cao trí tuệ siêu việt nhất để đối phó. Một vị Giáo Sư, có một tá bằng thạc sĩ và nửa tá giải Nobel, chưa kể vài chục bằng “phó tiến sĩ”, cho biết đã tìm ra phương cách để cho Thày Tư nói chuyện. Nhất định thành công !
Một lần nữa, Thày Tư Bảy Núi lại bước lên diễn đàn, vẫn với câu hỏi : « Biết tôi sắp nói chuyện gì hông ? »
Cử tọa đã được chỉ dẫn, liền trả lời :
- Trong chúng tôi, có người biết, có người không.
Thày Tư xua tay :
- Dzậy thì mấy chú biết, nói lại cho mấy chú hổng biết, khỏi cần tui nói chi cho mệt !
Các nhà đại trí thức lần này thực sự tuyệt vọng. Tình cờ thằng cháu Thày Tư đứng lạng quạng gần đó, chỏ mỏ bàn :
- Thì mấy ông cứ ra quán thịt cầy ở đầu chợ, chờ cho ổng nhậu vài hồi, gần oắc cần câu rồi hỏi gì cũng được chớ khó chi ?
Kế hoạch được đại hội biểu quyết tán đồng. Nơi quán thịt cầy, đúng thời điểm thuận lợi, một Tu Sĩ đầy vẻ uyên thâm đức độ, trịnh trọng hỏi :
- Thày nghĩ sao về tư tưởng « Vạn Vật đều quy về Một » ?
Thày Tư trả lời :
- Tầm bậy ! « Vạn vật quy về một » thì cái một ấy quy về đâu ? Nếu nó hổng có quy về đâu hết ráo thì nó hổng phải là « vật » - vạn vật đều « quy về một » mà - và sẽ ... hổng hiện hữu. Nếu cái Một ấy hổng hiện hữu, thì ... khỏi bàn chi cho mệt !
Vị Tu Sĩ nói :
- Có thể cái Một ấy không phải là một sự hiện hữu như sự hiện hữu của chúng ta hay của sự vật quanh chúng ta ?
Thày Tư khoát tay :
- Giả sử có sự hiện hữu ngoài sự vật, thì tại sao lại chỉ có « một » ? Tại sao không có hàng triệu triệu ? Khi ấy « vạn vật » của ông quy về cái gì trong đám triệu triệu ấy ? Tại sao quy về cái này mà không quy về cái khác ?
Thằng cháu ngồi ôm chai bia gần đó, cười toe xen vào :
- Ý, triệu triệu sợ hơi nhiều. Có được năm bảy cái « siêu hiện hữu » thôi chắc cũng đủ rậm đám rồi, phải hông bác Tư ?
Thày Tư trợn mắt nhưng chưa kịp nạt thằng cháu thì một bậc Đại Hiền khác đã hỏi :
- Nhưng chắc Thày cũng chấp nhận rằng « vạn vật đồng nhất thể » ?
- Tầm bậy ! Nếu « vạn vật đồng nhất thể » thì sự vật mỗi thứ đều có « thể », phải hông ? Nếu vậy tức là sự vật dưới một khía cạnh nào đó, từ lúc này tới lúc khác, đều như « nó là », hay nói cách khác, là « nó giống nó » ở lúc này và lúc khác ?
Vị Đại Hiền do dự :
- Ở khía cạnh bản thể, có thể nói như thế ...
- Dzậy thì sự vật hổng có hoại diệt ? Hổng có vô thường ? Mà nếu « nó luôn là nó » như dzậy - nhứt thể mà - thì luật nhân quả có áp dụng được hông ? Luật nhân quả tiêu tùng, thì đâu là nền tảng của đạo đức ? Và nếu thế thì mấy ông tu tập làm chi ?
Một triết gia lên tiếng :
- Trong bản chất thì nó bất biến, nhưng trên mặt hiện tượng thì nó lại vô thường, chuyển biến, theo luật nhân quả.
Thày Tư lắc đầu :
- Ông phải chọn : hoặc sự vật là thực thể có tự tánh, tức mang một bản thể rõ ràng, hoặc sự vật chỉ là hiện tượng, tức hổng có bản thể, tùy duyên chuyển biến. Trong trường hợp đó, thì là « bản lai vô nhứt vật », như lời Lục Tổ. Mà đã « vô nhứt vật » thì đâu còn có vật nào ở đó nữa để mà « đồng nhứt thể » cho ông ?
Một Luận Sư khác nói :
- Sự vật hiện hữu, nhưng chúng không có tự tánh, và « bản lai vô nhất vật » không phải là không có gì hết ...
Thày Tư tỏ vẻ tán thành :
- Tui đồng ý với ông là « Vô nhứt vật” hổng có nghĩa là hổng có gì. Tức là sự vật « có », và « vô nhứt vật » là vì tuy chúng hiện hữu, nhưng cái hữu ấy hổng có tự tánh. Chúng hổng có tự tánh vì sự hiện hữu của chúng bị điều kiện hóa bởi các hiện hữu khác. Tách rời mỗi thứ ra, thì hổng còn hiện hữu.
Một Giáo Sĩ hỏi :
- Nói như ông thì hóa ra là hư vô chủ nghĩa ?
Thày Tư trả lời :
- Hổng phải ! Vì hư vô cũng là một « pháp », cũng hổng có tự tánh, cũng hổng có hiện hữu tự thân. Hư vô cũng phải bị phủ định, và « vô của vô » - phủ định của phủ định - thì quay trở dzìa « hữu ».
Một nhà sư nỉm cười :
- Những gì ông nói đây, Trung Quán Luận đã diễn giải rõ ràng ...
Thày Tư cười thú vị :
- Thì tại Trung Quán Luận của mấy ông khôn tổ cha ! Mấy ông theo đó phủ định mọi cặp nhị nguyên, rồi phủ định luôn cả sự phủ định, vì phủ định cũng là một vế của nhị nguyên, như vô với hữu. Như dzậy, mấy ông hổng thể bị phủ định, vì Trung Quán phủ định tất cả, nhưng hổng bị ràng buộc vào bất cứ một lập trường nào, hổng khẳng định một lập trường nào ráo trọi. Khỏe re !
Một Thày Tu lễ phục trọng thể, nhún vai :
- Như vậy thì đành rằng khôn, nhưng có ích lợi gì ?
Nhà sư định lên tiếng, nhưng Thày Tư ngắt lời :
- Ích lợi ở chỗ đó là một phương pháp để tinh tẩy trí tuệ bằng phủ định. Rồi sau đó lọc lựa lại trong những gì nó đã phủ định, mà tùy duyên sử dụng cho những mục tiêu thực tế, giúp đời ... Phương pháp phủ định của nó, đặt gần bên những lý thuyết chuyên khẳng định như của quý ông, thì cũng tốt thôi. Cho có này có khác mà, ông Thày !
Nhà sư tiếp :
- Trung Quán như lưỡi cày, nó đẩy sang một bên cái « không hiện hữu » - tức là hư vô - và sang bên kia cái « hiện hữu tự thân », để đào ra luống đất trong đó các hạt giống có thể đâm chồi nẩy mộc, cho ra lúa gạo thơm ngon !
Thày Tư trợn mắt :
- Hổng những thơm ngon mà còn nấu được thành rượu Ba Xi Đế ... Nè ! Ông thày chùa phủ định cái bản tính thày chùa chút đi, ngồi nhậu dzới tui một bữa ?
Một người mặc đạo bào lộng lẫy hối hả lên tiếng :
- Ấy ! Ấy ! Trước khi quý ông nhậu say, xin giải quyết cho tôi một vấn nạn thần học vô cùng quan trọng ! Số là tôi được lệnh đổ đường du hành tới châu thành Thốt Nốt Chắc Cà Đao này, với sứ mạng tìm gặp Thày Tư, xin vui lòng bỏ chút thời gian, vận dụng tư duy sâu sắc, kiến thức uyên thâm ...
Thày Tư xua tay :
- Ông Thày Áo Đỏ miễn dài dòng, chỗ anh em, xin cứ tự nhiên ...
Vị Áo Đỏ gật đầu :
- Thưa vâng. Số là từ vài năm nay, trước những áp lực kinh tế, tài chánh, quân sự, thị trường, ngoại giao, thương mại, văn hóa, nghệ thuật, ngư nghiệp, hàng hải, kỹ nghệ, công nghiệp, sản xuất, xã hội, y tế, giáo dục, dầu khí, và nhiều thứ khác, có một số khuynh hướng Thần Học đã đề ra quan điểm Thiên Chúa bắt buộc phải là người ... Trung Hoa !
Thày Tư cả cười :
- Thì có sao ?
Giáo Sĩ Áo Đỏ phân trần :
- Chúng tôi không hoàn toàn kỳ thị chủng tộc, thậm chí có thể nói là hoàn toàn không kỳ thị chủng tộc, nhưng nhận thấy điều ấy hơi ... khó coi. Tôi muốn nói, trên quan điểm thuần túy ... duy mỹ ! Các Thánh Đường của chúng tôi, kể cả bên quý quốc, đều vẽ hình và tạc tượng Thiên Chúa như người Tây Phương ...
Thày Tư hỏi :
- À ! Dzậy mấy đứa ít khiếu thẩm mỹ đó, nó biện minh cho luận điểm của tụi nó như thế nào ?
- Nó, xin lỗi, họ bảo vì hơn một phần tư nhân loại là người Trung Hoa, mà Thiên Chúa thì làm ra con người theo hình ảnh của Ngài, nên theo phép toán xác suất thống kê, thì Thiên Chúa có nhiều rủi ro là người Trung Hoa !
- Nè ! Ông áo đỏ đừng lo. Thiên Chúa hổng phải là người Trung Hoa đâu !
- Vấn đề là chúng tôi không có luận cứ nào đủ vững vàng để biện minh cho điều ấy.
- Như dzầy : nếu Thiên Chúa là người Trung Hoa thì Thiên Chúa làm ra các tổ phụ tổ mẫu Adam và Eva cũng là người Trung Hoa phải hông ?
- Phải
- Mà tổ phụ, tổ mẫu, chắc chắn hổng phải người Trung Hoa. Điều đó tui chứng minh được.
- Xin Thày cho biết ...
- Có chuyện con rắn cám dỗ tổ mẫu ăn trái táo phải hông ?
Giáo Sĩ Áo Đỏ tỏ vẻ xác nhận :
- Đúng vậy. Tổ mẫu Eva đã sa ngã ăn trái táo, sau đó đưa cho tổ phụ cùng ăn.
Thày Tư Bảy Núi dơ tay, mạnh mẽ tuyên bố :
- Nếu tổ phụ, tổ mẫu của mấy ông mà là người Trung Hoa thì hổng những họ tự ăn trái táo, hổng cần đứa nào cám dỗ, mà chắc chắn còn đớp luôn cả con rắn nữa !
Giáo Sĩ Áo Đỏ vô cùng mừng rỡ, chưa kịp cáo lui thì một người đạo mạo, com lê cà vạt, có lẽ đến từ nước ngoài, lớn giọng nói :
- Xin Thày cho biết tôn ý về chủ quyền của nhân dân ta trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa !
Thày Tư khoát tay kéo ông thày chùa bước vào nhà trong ... Chủ quán lật đật sách mâm bàn chạy theo.
Bên ngoài, một ngọn gió, từ Biển Đông thổi đến, khiến lá cờ cắm trên chiếc xe ba gác của Thày Tư Bảy Núi phất phới bay, vô cùng uy nghi, hùng dũng. Trên đó, người ta đọc được bốn chữ : « Thế Thiên Hành Đạo » ...
Còn tiếp!
Khá đấy, thầy Tư đã mở đầu thật ấn tượng, và những ý tưởng tiếp theo được dàn trải đẹp.
Trả lờiXóa